Tình hình nghiên cứu lý luận, phê bình kiến trúc

Năm 2004, Viện Nghiên cứu Kiến trúc – Bộ Xây dựng phối hợp với Hội KTS Việt Nam đã tổ chức Hội thảo toàn quốc về “Công tác Lý luận phê bình Kiến trúc”. Khi đó, với tư cách Viện trưởng Viện Nghiên cứu kiến trúc, tôi có hai báo cáo đề dẫn: “Đánh giá chung về trình độ phát triển lý luận kiến trúc ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra” và “Để phê bình kiến trúc sôi động và hiệu quả hơn trong đời sống kiến trúc Việt Nam”.
Tới nay, sau 8 năm – một khoảng thời gian không dài đối với một đời người, còn đối với sự nghiệp lý luận phê bình của một nền kiến trúc thì là quá ngắn, thậm chí chỉ như một thoáng thoảng qua – nhưng kết luận của các tham luận đó hầu như vẫn còn nguyên giá trị.
Vì vậy, trong bản Báo cáo về tình hình Nghiên cứu Lý luận phê bình Kiến trúc Việt Nam tại Hội nghị này, tôi chỉ xin nêu một số hoạt động chính, nửa đầu của nhiệm kỳ VIII của Ban Chấp hành Hội KTS Việt Nam về lý luận, phê bình kiến trúc cùng một số kiến nghị. Đồng thời, cũng xin gửi tới các ủy viên Hội đồng Kiến trúc nguyên văn hai báo cáo đề dẫn trước đây như một tài liệu tham khảo.

Một số giải thưởng kiến trúc quốc gia năm 2010

 

Công tác lý luận Kiến trúc
Kiến trúc xanh.
Trong xu thế chung của thế giới tiến tới xây dựng nền kiến trúc xanh nhằm đối phó với vấn nạn ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu, ngay trong Nghị quyết Đại hội Toàn quốc lần VIII – Hội KTS VN đã khẳng định xu hướng tất yếu và duy nhất đúng cho Kiến trúc Việt Nam thế kỷ 21 là Kiến trúc Xanh – Kiến trúc Bền vững. Đại hội cũng cho ra mắt Hội đồng Kiến trúc Xanh cùng với việc công bố Bản tuyên ngôn Kiến trúc Xanh. Có thể nói, đây là một sự kiện thể hiện sự quyết tâm to lớn của Ban chấp hành Hội nhiệm kỳ VIII, trong việc theo đuổi và hội nhập với sự phát triển Kiến trúc thế giới. Tiếp sau đó là nhiều hoạt động triển khai công việc có tính chất lý luận kiến trúc này, như:
– Mở Hội nghị tổng kết và cho in thành sách kết quả nghiên cứu về Kiến trúc sinh thái.
– Tiến hành nghiên cứu và lập tiêu chí kiến trúc xanh của Hội KTS VN.
– Tổ chức cho đăng ký và xét chọn công nhận các công trình kiến trúc xanh Việt Nam đợt đầu (công nhận 11 Công trình Kiến trúc Xanh trong tổng số 27 công trình đăng ký).
– Tổ chức Hội thảo, Triển lãm Kiến trúc Xanh tại cả hai miền Hà Nội và TP HCM.
– Tạp chí Kiến trúc thường xuyên đăng tải các bài viết về lý thuyết kiến trúc bền vững, Kiến trúc Xanh trong xây dựng phát triển đô thị thuộc chuyên mục lý thuyết kiến trúc.
Kiến trúc nhà ở nông thôn.
Quy hoạch, kiến trúc nông thôn tiếp tục là vấn đề trọng tâm của Hội.
Các kết quả nghiên cứu đã được xuất bản. Nhiều cuộc thi về thiết kế kiến trúc và xây dựng nhà ở nông thôn đã được tổ chức, đặc biệt là nhà ở nông thôn chống gió bão, lũ quét và ngập lụt.
Mẫu nhà đoạt giải đã được xây dựng ở 3 địa phương miền Trung.  Đây là công trình thí điểm và là quà tặng của Hội cho nông dân nghèo ở Quảng Ngãi và Hà Tĩnh.

Công tác phản biện xã hội đóng góp tích cực vào quy hoạch thành phố Vũng Tàu thời kỳ mới

Nhận xét.
Các hoạt động trên dù còn nhiều điều cần bàn bạc và xem xét song thực tế đã phát huy hiệu quả to lớn trong giới KTS và trên toàn xã hội. Đặc biệt đối với Kiến trúc xanh, có thể nói đây là lần đầu tiên trong hoạt động lý luận kiến trúc, chúng ta đã theo đuổi và phần nào hòa nhập chung vào những vấn đề cấp bách đương đại về lý luận kiến trúc của Thế giới. Giới KTS đã bắt đầu quan tâm và tìm hiểu về kiến trúc Xanh. Một số KTS đặc biệt là trong giới trẻ đã đi tiên phong trong lĩnh vực này. Dư luận xã  hội đã bắt đầu làm quen với Kiến trúc Xanh dù chỉ là cảm tính và dần nhận thức được tầm quan trọng của nó…
Tuy nhiên các hoạt động lý luận kiến trúc trên vẫn còn nặng về bề nổi, phong trào, về nội dung thực chất vẫn còn cảm giác thiếu cơ sở khoa học chắc chắn. Các tiêu chí kiến trúc xanh nặng về định tính, nhẹ về định lượng và chính vì vậy kết quả bình chọn công trình kiến trúc xanh vẫn còn có ý kiến cho rằng nặng về cảm tính, nhẹ về lý tính.
Đó là những điểm khó tránh khỏi trong bước đi ban đầu của nền kiến trúc Việt Nam còn lạc hậu và yếu kém. Chúng ta chưa có các chuyên gia trong lĩnh vực này, chúng ta chưa có nhiều công trình thực tiễn đáp ứng tiêu chuẩn xanh của thế giới. Sách vở lý thuyết về kiến trúc xanh, tiêu chuẩn kiến trúc xanh của thế giới đến với chúng ta nhiều, song thiếu đồng bộ, chưa được biên dịch cẩn thận, lõm bõm, mỗi nơi, mỗi người quan niệm một cách không thống nhất; về quản lý Nhà nước, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở có liên quan tới kiến trúc xanh của chúng ta còn thiếu…không đồng bộ
Tất cả những điều trên đều nằm trong các nguyên nhân chung của những yếu kém về lý luận kiến trúc Việt Nam.

Nhà chia lô, cơ cấu mặt bằng đơn điệu, mặt đứng theo phong cách giả cổ, nhại Pháp, bộc lộ rõ sự giàu có về mặt vật chất nhưng nghèo nàn về văn hóa, thẩm mỹ

Công tác phê bình kiến trúc
Trong “Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng phê duyệt có ghi rõ nhiệm vụ của phê bình kiến trúc: “Tìm ra cái đúng, cái sai; cái hay, cái dở; cái độc đáo, mới mẻ, cũng như cái kém cỏi của tác phẩm kiến trúc và của tác giả, từ đó có định hướng đúng đắn cho công tác sáng tác, hướng dẫn tốt dư luận xã hội và thị hiếu công chúng nhằm phát huy dân chủ trong sáng tạo và sự tham gia của dân cư trong phát triển kiến trúc”
Trên thực tế, chúng ta mới chú trọng và quan tâm tới phần đầu – tức là phần khen, còn ngại và né tránh phần sau – tức là phần chê. Tạp chí Kiến trúc thường xuyên giới thiệu các tác phẩm sáng tác kiến trúc tốt, đoạt giải trong các cuộc thi tuyển chọn công trình kiến trúc cũng như giới thiệu các dự án quan trọng, chất lượng kiến trúc tốt trong chuyên mục các “Dự án làm đẹp đất nước”.
Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia được duy trì đều đặn, Giải thưởng Loa thành cũng được tiến hành hàng năm đã phát huy tác dụng động viên giới kiến trúc nói chung và sinh viên kiến trúc nói riêng say sưa nhiệt huyết với nghề  .
Về phần chê, phải thẳng thắn thừa nhận chúng ta chưa quan tâm nếu không muốn nói là né tránh.
Trong nửa đầu của Nhiệm kỳ này, công tác phê bình kiến trúc chỉ được thể hiện ở công tác phản biện xã hội của Hội, đóng góp tích cực và có hiệu quả đối với đồ án quy hoạch tổng thể xây dựng Hà Nội mở rộng
Nguyên nhân dẫn tới yếu kém trong công tác phê bình kiến trúc vẫn là do:
+ Chưa xác định mục tiêu, đối tượng của Phê bình Kiến trúc
+ Thiếu cơ sở khoa học, thiếu lý luận kiến trúc
+ Thiếu lực lượng chuyên gia làm công tác phê bình. Dư luận xã hội và ngay bản thân giới kiến trúc chưa nhận thức được vai trò của phê bình kiến trúc, chưa coi đó là một nghề mang tính chuyên nghiệp cao.

Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại – giàu bản sắc

Kiến nghị
Để tạo điều kiện phát triển công tác lý luận phê bình kiến trúc, xin kiến nghị một số vấn đề sau:
1. Bộ Xây dựng cho tổ chức xem xét nghiên cứu lại Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam phù hợp với xu thế kiến trúc thế giới, phù hợp với mục tiêu xây dựng nền kiến trúc hiện đại – giàu bản sắc cho kiến trúc Việt Nam làm cơ sở cho việc triển khai các công tác lý luận – phê bình kiến trúc.
2. Nhìn nhận lại việc nghiên cứu, tiếp thu các quan điểm lý luận kiến trúc phương Tây, phương Đông, trong đó có các vấn đề về mỹ học, văn hóa học, xã hội học… theo quan điểm, tư duy học thuật, tư duy lý luận mới để phát hiện những điểm tương đồng, dị biệt, các vấn đề mang tính quy luật, độc đáo, so sánh đối chiếu, đánh giá, vận dụng để hoàn thiện và phát triển lý luận kiến trúc ở Việt Nam.
3. Đổi mới chương trình, cách thức đào tạo lý luận kiến trúc tại các trường đại học chuyên ngành theo hướng tiếp cận đồng bộ, toàn diện, từ gốc của lý luận kiến trúc trong và ngoài nước với mục tiêu, sản phẩm không những là các kiến trúc sư sáng tác nắm vững được lý luận mà còn là nguồn nhân lực nghiên cứu lý luận kiến trúc ở nước ta.
4 Gắn lý luận với phê bình và sáng tác thành cụm khối luôn tương hỗ, thúc đẩy nhau. Vấn đề này đòi hỏi sự đồng bộ trong hoạch định đường hướng phát triển không chỉ của từng lĩnh vực mà bao hàm tổng thể bước đi của kiến trúc Việt Nam.
5. Khôi phục lại Viện nghiên cứu kiến trúc đảm nhận vai trò nghiên cứu lý luận phê bình kiến trúc như tự thân nó cả trong lĩnh vực nghiên cứu lẫn trong đào tạo các nhà lý luận phê bình cho nền kiến trúc nước nhà.

GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu