Michel Graves và “New York Five”

Michael Graves là một trong những KTS nổi tiếng và tài năng nhất của thế kỷ 20. Danh tiếng của ông còn đến từ những thiết kế sản phẩm được coi là kinh điển, ứng dụng trong đời sống của người dân Mỹ tới tận ngày nay.

Ông là một thành viên của “New York Five”, một nhóm KTS được cho là những người khổng lồ đã định nghĩa lại chủ nghĩa kiến trúc hiện đại (Modernism) vào những năm 1970. Thú vị là, ông đồng thời cũng được coi là một trong những KTS tiêu biểu nhất đại diện cho Chủ nghĩa Hậu hiện đại (Post-Modernism) ngay sau đó.

The New York Five và sự chuyển dịch tư tưởng

Sau khi tốt nghiệp đại học, Michael Graves dành một năm làm việc tại New York trong văn phòng của George Nelson, nhà thiết kế đồ nội thất hàng đầu bấy giờ và là giám đốc sáng tạo của Herman Miller. Nhận thấy khả năng cảm thụ và năng lực đặc biệt của Graves trong lĩnh vực thiết kế, Nelson đã để Graves tiếp xúc với các đồng nghiệp cũng là các chuyên gia thiết kế nổi bật nhất của thời đại là vợ chồng Charles và Ray Eames, cùng Alexander Girard. Những tượng đài về thiết kế này đã dẫn dắt và định hình năng lực của Michael Graves và ảnh hưởng tới phong cách kiến trúc đặc biệt của ông.

Năm 1960, Graves đoạt giải Prix de Rome (Giải thưởng Rome) và dành hai năm tiếp theo tu nghiệp ở Ý. Ông ghi nhận thời gian này đã thay đổi tư duy về kiến trúc của ông, nhất là sự chú trọng vào tính thẩm mỹ và các cấu trúc trang trí như thức cột caryatids .

“New York Five” bao gồm các KTS lừng danh Peter Eisenman, Michael Graves, Charles Gwathmey, John Hejduk and Richard Meier. New York Five, còn được gọi là “the Whites ”, đã thiết lập nên chủ nghĩa Hiện đại trên nền tảng tư tưởng của Le Corbusier, phong trào kiến trúc sử dụng các đường nét đơn giản, hình thức không cần tô điểm và sử dụng các vật liệu hiện đại như như thép và thủy tinh.

The New York Five trong Hội nghị KTS 1969 tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York (John Hejduk vắng mặt).

Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm những động lực sáng tạo mới, Graves bắt đầu khám phá Chủ nghĩa Hậu hiện đại. Tương phản với phong trào hiện đại, các tác phẩm Hậu hiện đại của Graves sử dụng màu sắc rực rỡ và tính trừu tượng của các yếu tố đặc biệt từ kiến trúc cổ điển. Năm 1982, Graves thiết kế Tòa nhà Portland; Christopher Hawthorne của The LA Times mô tả công trình này là một bước ngoặt trong sự nghiệp của Graves, nhận xét rằng nó “được coi là công trình xây dựng đầu tiên của kiến trúc Hậu hiện đại, mở ra một cách tiếp cận mới đưa những yếu tố trong những công trình trước đó của Graves vào sử dụng rộng rãi và mang quy mô nhất quán.” Michael Graves đã kết hợp hoàn hảo sự đơn giản của chủ nghĩa Hiện đại ông học hỏi tại thời gian khởi nghiệp và tính trang trí phức tạp của chủ nghĩa Hậu hiện đại mà ông theo đuổi sau này.

Phong cách và thành tựu

Trong suốt sự nghiệp kéo dài hơn 50 năm, Graves luôn kiên định với niềm tin rằng thiết kế có thể tạo ra sự thay đổi to lớn trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Từ các sản phẩm nhà bếp đến các tòa nhà rộng lớn, có một chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm của ông: hình thức thẩm mỹ đại chúng, dễ tiếp cận sẽ mang lại cảm giác ấm áp và hấp dẫn.

Graves thể hiện sự phản đối với trào lưu đương thời quá chú trọng việc thể hiện sự hiểu biết và trí tuệ qua các công trình mang nặng tính kỹ thuật và công năng. Thay vào đó, ông tìm cách làm cho kiến trúc của mình dễ tiếp cận, dễ hiểu và dễ cảm nhận.

Đơn cử với tòa nhà Michael D. Eisner (Team Disney) của Walt Disney Studio, thay vì sử dụng các cột caryatids Thiếu nữ Duyên dáng cổ điển để nâng đỡ mái nhà, Graves sử dụng 7 cột caryatids Chú lùn Vui vẻ (trong phim hoạt hình Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn của Disney). Ông cũng làm nhiều công trình khác cho Walt Disney với những thiết kế ngộ nghĩnh, bao gồm các công trình Walt Disney World® Resort Cá Heo và Thiên Nga, Khách sạn Disney New York tại Disneyland Paris, và rất nhiều thiết kế sản phẩm thương mại đính kèm.

Vào đầu thập niên 90, Michael Graves mở đầu chiến lược “Starchitect” – KTS siêu sao của TP Cincinnati với công trình Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật (1994). Đây là chiến lược mà Trường đại học Cincinnati mời các KTS nổi tiếng thế giới thiết kế các công trình theo những phong cách khác nhau nhằm thu hút sự chú ý của thế giới tới TP đang bị quên lãng. Ông mời những người bạn của mình trong New York Five như Eisenman thiết kế công trình Aronoff (1996) và Charles Gwathmey với công trình Trung tâm Tangeman (2004), tạo tiền đề cho các KTS siêu sao khác như Frank O. Gehry, Thom Mayne (Morphosis), Henry Cobb (Pei, Cobb, Freed), Moore Yudell và Bernard Tschumi cùng tham gia. Dự án này đã biến đổi TP Cincinnati từ một nơi buồn tẻ thành điểm đến về kiến trúc và nghệ thuật hiện đại của nước Mỹ.

Đối với người dân Hoa Kỳ, Michael Graves được biết đến nhiều nhất từ những thiết kế sản phẩm đồ gia dụng cho hãng Target . Cối xay tiêu và ấm nước chim sáo của ông được coi là những chuẩn mực trong lĩnh vực thiết kế công nghiệp, trong đó thiết kế ấm nước kinh điển vào năm 1985 cho Alessi, một nhà sản xuất đồ gia dụng của Ý, đã trở thành một hình mẫu được học hỏi và tái sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới.

Di sản của Michael Graves

Trong suốt hơn 50 năm hoạt động nghề nghiệp của mình, Michael Graves đã thiết kế trên 350 công trình kiến trúc trên thế giới và hơn 800 mẫu thiết kế sản phẩm gia dụng và nội thất. Ông cũng dành 40 năm làm giáo sư khoa Kiến trúc trường đại học Princeton (thuộc Ivy League) và có được 1 ghế danh dự vĩnh viễn.

Tên tuổi Michael Graves trở nên quen thuộc hơn từ những thiết kế sản phẩm của ông

Trọn đời, Graves ủng hộ một “cách tiếp cận nhân văn” mà trong đó kiến trúc cũng như thiết kế sản phẩm phục vụ mục đích số 1 là gần gũi và dễ tiếp cận với đại chúng, thay vì chỉ thể hiện quan điểm của tác giả. Các công trình kiến trúc của ông dù theo phong cách Hậu hiện đại (Post-Modernism), Tân cổ điển (Neoclassicism) hay Đô thị mới (New Urbanism) đều được công nhận là có ảnh hưởng lớn trong cả ba trường phái này.

Bàn cờ “chiến trường” giữa nhóm Trắng và nhóm Xám (https://alankim.net/the-white-vs-the-grey). Graves được coi là một quân Mã thuộc về phía trắng nhưng lại mang nửa màu đỏ đại diện cho Xám.

“Hội nhóm” trong giới KTS và sáng tạo trên nền tảng cạnh tranh của trường phái và tư tưởng

Sự hình thành của New York Five vô hình trung tạo ra các hội nhóm KTS đối lập, được miêu tả bởi báo chí như các phe phái trong các cuộc chiến băng đảng (gang wars) New York lúc bấy giờ, dù chủ yếu xuất hiện trong những cuộc tranh luận. The Whites là đại diện cho chủ nghĩa Hiện đại (Modernism) – lãnh đạo bởi Peter Eisenman và Richard Meier, người áp dụng những lý thuyết của Le Corbusier còn nhiều hơn chính Le Corbusier. Đối trọng lớn nhất của nhóm “the Whites” được gọi là “the Grays”, tiêu biểu là Charles Moore – cha đẻ của chủ nghĩa Hậu hiện đại (Post Modernism), vợ chồng Denise Scott Brown và Robert Venturi (Pritzker 1991). Hai nhóm này có sự va chạm quyết liệt về tư tưởng và thường tranh cãi nảy lửa trên các diễn đàn, trong đó nhóm Whites được giới truyền thông coi là nhóm “chính diện” còn Grays được coi là “phản diện” . Dù vậy, Michael Graves và Robert Venturi có mối quan hệ tương đối tốt và Graves thường tìm cách giảng hòa và gắn kết 2 nhóm.

Sự cạnh tranh này mang lại những thành tựu cho cả 2 trường phái (2 giải thưởng Pritzker chia đều cho mỗi trường phái dành cho Richard Meier và Robert Venturi), vực dậy sinh khí cho giới sáng tạo của New York hậu khủng hoảng phố Wall. Michael Graves sau quá trình hòa giải đã (vô tình hay hữu ý) trở thành một KTS đại diện cho cả 2 trường phái, và được coi là một trong những người tiên phong khi Hậu hiện đại lên ngôi vào cuối thế kỷ 20.

Michael Graves

Michael Graves sinh ngày 9/7/1934 tại Indianapolis, Indiana, với mẹ Erma (Lowe) và cha Thomas B. Graves. Ông lớn lên ở vùng ngoại ô của TP và thường nhắc tới mẹ là người đã gợi ý con đường sự nghiệp của mình trở thành kỹ sư hoặc KTS. Graves tốt nghiệp trường Trung học Broad Ripple của Indianapolis năm 1952 và lấy bằng cử nhân kiến trúc năm 1958 tại Đại học Cincinnati, trường DAAP (Thiết kế, Nghệ thuật, Kiến trúc, Quy hoạch).

DAAP là một trường thuộc top đầu về ngành kiến trúc tại Mỹ , và được coi là một trong những trường dẫn đầu thế giới về thiết kế sản phẩm và thiết kế nội thất . Những ngành này sau này có ảnh hưởng rất rõ tới phong cách của Graves. Michael Graves lấy bằng thạc sĩ kiến trúc tại Đại học Harvard năm 1959.

ThS.KTS. Lê Thị Nguyên Nhung – Lê Hoàng Phương
Sinh viên năm cuối Khoa Quy hoạch Đô thị/ DAAP University of Cincinnati, USA
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2021)