Nếu tiếp cận đô thị dưới góc độ khoa học và lý tính, chúng ta sẽ tạo dựng các bản quy hoạch từ tổng thể đến chi tiết với nhiều tính toán phức tạp về sử dụng đất, dân số, kinh tế, giao thông, hạ tầng kỹ thuật… Nếu tiếp cận đô thị dưới góc độ con người và cảm xúc, chúng ta sẽ cùng nhau tạo dựng những địa điểm thực tế sống động của đô thị để phục vụ tất cả các nhu cầu vật chất và tinh thần của cư dân; chúng ta sẽ nghiên cứu và kiến tạo những nơi chốn đô thị hấp dẫn để người dân kinh doanh, mua sắm, tụ họp, ăn uống, hẹn hò, sáng tác nghệ thuật, ngắm cảnh, dạo chơi… Và như vậy, đô thị của chúng ta không chỉ được hiểu như những bản quy hoạch và những bảng tính toán cứng nhắc mà đang cùng sống với chúng ta trong từng phút giây, đồng hành với mỗi người dân ở mọi góc nhỏ trong thành phố.
Xem thêm: Nơi chốn và vị trí
Chúng ta hãy cùng nhìn những đô thị ở Việt Nam, với những người dân chẳng biết gì về lý thuyết quy hoạch nhưng lại đang tạo dựng những nơi chốn thú vị, những góc phố đầy cảm xúc.
Đầu ngõ – “nơi chốn” xác định lãnh thổ của cộng đồng
Ở đầu mỗi con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo và chật chội thường là những quán cóc bán trà đá, kẹo lạc, thuốc lá. Bên cạnh đó có thể là những người phụ nữ bán đồ ăn sáng với một vài thúng xôi, bánh cuốn, bún đậu… Từ sáng đến tối, hầu như lúc nào cũng có người ngồi uống nước, hút thuốc ở quán cóc đầu ngõ, hóng hớt chuyện phiếm, ngắm nhìn dòng xe cộ xuôi ngược và tận hưởng âm vị cuộc sống đô thị ồn ào, ngai ngái…
Đầu ngõ, mặc dù hầu như lúc nào trông cũng rất luộm thuộm và nhếch nhác, thực ra chính là một nơi chốn với đầy đủ ý nghĩa của nó, một điểm đến không thể cưỡng lại đối với những người dân sống trong ngõ. Ngày nay, mặc dù hầu như khu dân cư nào cũng có nhà văn hóa nhưng lại rất ít người đến đó hàng ngày. Còn đầu ngõ, chẳng được ai kiến thiết thì lại thành một nơi chốn hấp dẫn. Người dân bàn luận thời sự ở đầu ngõ, từ sự kiện chính trị tới các vụ án hình sự; chuyện các gia đình ở đầu ngõ, từ chuyện thằng bé đỗ hai trường đại học đến ông già mới bị ngã xe ở ngõ bên cạnh (thế mới có câu “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”). Nhiều người dân cũng lựa chọn tiếp khách ở đầu ngõ thay vì ở nhà chật hẹp. Người dân hưởng thụ sự nhộn nhịp của cuộc sống đô thị ở đầu ngõ, nơi có thể nhìn dòng người xuôi ngược trên đường phố cũng như biết được thậm chí cuộc sống sinh hoạt thường nhật của mỗi người dân trong ngõ…
Đầu ngõ là nơi chốn giao thoa giữa lãnh thổ thuộc về mình và cộng đồng (thế nên người ta mới nói là “trong ngõ nhà tôi có cái này cái kia”) với lãnh thổ lớn thuộc toàn thể cư dân đô thị. Nó là nơi thuộc về mỗi con người và cũng thuộc về đô thị. Nó cho người dân cảm giác vừa như ở nhà mình, vừa như ra ngoài phố. Nó là nơi gắn kết con người với cộng đồng và đô thị.
Hầu hết các đô thị của Việt Nam được đô thị hóa từ làng xã nông nghiệp nên trong nó vẫn chứa đựng những truyền thống của xã hội nông thôn. Theo GS.TS Trương Quang Thao, các phố phường Việt Nam được hình thành từ phường làng nghề nông thôn nên có thể gọi là “làng” – đô thị. Mỗi phường có cổng ra vào và hai dãy phố bên đường, là nơi đồng thời ăn ở, sản xuất và buôn bán của người dân. Cổng ra vào các phường nay không còn, nhưng ta vẫn bắt gặp một chút gì đó kí ức của nó ở địa điểm đầu ngõ ngày nay. Mặt khác, dân cư đô thị hiện nay phần lớn được di cư từ nông thôn ra, nên vẫn giữ ít nhiều phong cách sinh hoạt ở làng quê như tính tập thể cộng đồng cao, sự chia sẻ và tò mò với nhà láng giềng… Và đầu ngõ chính là sự biến đổi của đầu làng hoặc cổng các phường hội, nơi xác định cái bên trong và bên ngoài của lãnh thổ cộng đồng, nơi vẫn lưu giữ một chút tính chất tập thể và chia sẻ của truyền thống làm nông nghiệp.
Quán cóc vỉa hè
Trên khắp các đô thị nước ta, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh những quán nước hay quán ăn trên vỉa hè. Điều đó dường như đã trở thành bản sắc của đô thị Việt Nam, đã đi vào văn chương nghệ thuật, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết:
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ
Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua…
hoặc Trương Quý Hải:
Quán cóc liêu xiêu một câu thơ
Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ…
hoặc Nguyễn Đức Cường:
Đưa em đi qua phố phường bao sắc màu, bao ánh đèn
Ngồi ăn một quán ven đường…
Trước hết, chúng ta phải thấy rằng cái sự “ăn” rất quan trọng trong văn hóa của người Việt, thậm chí là số một. Chả thế mà tục ngữ có vô số câu về ăn như: “ăn vóc, học hay”, “học ăn, học nói, học gói, học mở”, “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, “ăn chắc, mặc bền”, “ăn chưa sạch, bạch chưa thông”, “ăn có sở, ở có nơi”, “ăn có chủ, ngủ có công đường”, “ăn chơi khắp bốn phương trời, cho trần biết mặt, cho đời biết tên”… Ngoài ra, sự việc trọng đại nào của đời người cũng được chúng ta gắn với ăn, nào là ăn hỏi, ăn cưới, ăn cỗ, ăn giỗ, ăn mừng, ăn khao, ăn lễ, ăn tiệc, ăn học, cho đến ăn ở… và dĩ nhiên có cả ăn Tết.
Nguyên do có lẽ do Việt Nam là một nước nghèo, trước đây thường xảy ra các nạn đói, hoặc cũng có thể trong gen người Việt có khả năng cảm nhận ẩm thực tốt. Chả thế mà trong “tứ khoái” của người Việt, ăn vẫn là số một. Có vẻ như, ăn không chỉ để duy trì sự sống mà còn là thứ để người Việt khám phá vũ trụ, khám phá con người, khám phá đô thị. Món ăn phải cân bằng âm dương, phải vừa miệng, phải bổ dưỡng, phải thể hiện được vị thế của những người làm và thưởng thức nó.
Món ăn còn là yếu tố tạo nên bản sắc cho đô thị Việt Nam, ví dụ Hà Nội có phở, Hải Phòng có bánh đa cua, Huế có bún bò, Trảng Bàng có bánh canh, Hội An có cao lầu… Nếu như chúng ta đến các đô thị trên mà không ăn đặc sản của nó thì coi như cũng chưa đến đó. Nghiên cứu về Hà Nội mà chưa đọc “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng, chưa xếp hàng ăn phở, chưa lang thang trà chanh chém gió, thì chưa thể hiểu về Hà Nội.
Với một nền văn hóa “trọng ăn” như vậy, hình ảnh những quán cóc vỉa hè nhan nhản khắp phố phường Việt Nam không có gì lạ. Ngược lại, đó chính là hình ảnh đặc trưng và quyến rũ, khiến cho nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam muốn được trải nghiệm và khám phá.
Nơi chốn … từ những cái tên
Một điều thú vị về nơi chốn mà các nhà nghiên cứu trên thế giới ít để ý tới, đó là tinh thần của nơi chốn có thể được hình thành từ cái tên.
Trước hết chúng ta phải thấy rằng: Không phải địa điểm nào trong đô thị cũng được đặt tên, và cũng không phải cái tên nào cũng tạo ra cảm giác gần gũi, gắn bó với người dân hoặc khơi gợi suy nghĩ tưởng tượng sáng tạo của họ. Cách đặt tên đường phố và các địa điểm trên thế giới nói chung là đặt theo tên danh nhân, tên sự kiện, tên cảnh quan kiến trúc khu vực, tên làng nghề khu vực, và có cả kiểu đánh số. Đặt tên theo kiểu đánh số phổ biến nhất là tên phố ở Mỹ, và cách này thiếu tính nhân văn nhất, không tạo cảm giác gắn bó với môi trường cảnh quan xung quanh hoặc không khơi gợi ý thức tìm hiểu lịch sử như các cách khác.
Cách đặt tên địa điểm đô thị ở Việt Nam, ngoài những kiểu trên như thế giới, còn có những kiểu rất gần gũi, gắn bó với từng con người bình thường. Ví dụ như Ngã ba Tài còng ở thị xã Cẩm Phả được đặt tên theo một bà lão tên Tài bị còng lưng trước đây hay ngồi ở đó. Mặc dù địa điểm này gần một nhà thờ rất đẹp nhưng người dân lại quen gọi nó theo tên một bà lão bình thường. Hoặc trên quốc lộ 51 đoạn đi qua thành phố Biên Hòa có một cây cầu được đặt tên là cầu Bà Bướm bởi trước đây có nhà bà Bướm ở gần ngay đó (chúng tôi hỏi thăm và được người dân bảo vậy, không biết có đúng hay không).
Người Việt Nam thích những cái tên nôm na, thân thuộc, ví dụ như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được quen gọi là Lăng Bác. Khi người dân gọi tên địa điểm bằng những cái tên nôm na thì tức là họ có cảm tình với địa điểm ấy. Ở Hà Nội có đền Tiên Thiên ở bờ hồ Hoàn Kiếm thờ chúa Liễu Hạnh lại quen được gọi là đền Bà Kiệu (không hiểu tại sao lại có tên như vậy). Vườn hoa Diên Hồng ở cạnh khách sạn Metropole lại được người dân Hà Nội quen gọi là vườn hoa Con Cóc (vì có tượng con cóc phun nước). Ở TP HCM có hai cây cầu mới trên đại lộ Đông Tây không được đặt tên mỹ miều nào đó mà vẫn lấy tên cầu cũ là cầu Cá Trê Lớn và Cá Trê Nhỏ (có lẽ chỗ rạch dưới cầu trước đây có nhiều cá trê). Con kênh mang tên nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt thì được người dân quen gọi là kênh Ông Kiệt (nghe là cảm thấy trong lòng người dân có sự trân trọng yêu mến vị lãnh đạo cũng như yêu mến con kênh đó)…
Nơi chốn… từ phương tiện giao thông
Cách thức di chuyển, cách sử dụng phương tiện giao thông cũng có thể là yếu tố tạo nên tinh thần nơi chốn và bản sắc của đô thị. Ví dụ Amsterdam nổi tiếng bởi người dân đi xe đạp; Copenhagen được biết đến với văn hóa ẩm thực trên những tuyến phố đi bộ; Venice hấp dẫn bởi hệ thống sông dày đặc cùng với những con thuyền là phương tiện giao thông chính của thành phố… Ở nước ta, đi xe máy đang là chủ đạo trong giao thông đô thị. Mặc dù đi xe máy có nhiều nhược điểm như ô nhiễm không khí, không an toàn, dễ gây tắc đường… nhưng cũng không ít người thấy được sự thú vị từ nó vì tính cơ động, gần gũi với cuộc sống.
Bên cạnh đó, một số đô thị nước ta (đặc biệt là Hà Nội) vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa giao thông xưa để biến nó trở thành một sản phẩm du lịch không thể thiếu cho các du khách đến với các đô thị Việt Nam – Đó là chiếc xích lô.
Xích lô (cyclo) do một người Pháp miền Charente tên là Coupeaud phát minh ra vào năm 1939. Để quảng cáo cho phương tiện vận chuyển mới này, Coupeaud đã tổ chức một cuộc hành trình với chiếc xe chở khách chạy bằng 3 bánh từ Phnompenh tới Sài Gòn, với hai người đạp thuê đã thay phiên nhau đạp một mạch gần 200 km trong thời gian 17 giờ 23 phút. Từ đó, xe xích lô đóng vai trò quan trọng trong cải tiến phương tiện đi lại trên các đô thị Việt Nam. Trong kháng chiến, xích lô trở thành phương tiện đắc lực phục vụ sản xuất và chiến đấu – Chở hàng hoá tại những nơi ô tô không đi được; chở người đi sơ tán, chở thương binh đến nơi cấp cứu, chở các phương tiện chữa cháy, chở đạn dược, khí tài ra trận địa… Ngày nay, dù bị xe máy và ô tô thay thế, xích lô vẫn được dùng để phục vụ khách du lịch muốn tận hưởng văn hóa đô thị Việt Nam.
Ngồi trên xích lô, các du khách có thể bình thản ngắm cảnh phố phường mà không lo sợ về an toàn giao thông, có thể hít thở không khí bụi bặm nồng nàn, có thể nghe những âm thanh ì ào, có thể cảm nhận làn gió mát tự nhiên lan tỏa trên da mặt… và tất nhiên là được trải nghiệm lịch sử văn hóa đô thị Việt Nam.
Kết luận
Như vậy, một đô thị hấp dẫn, đáng sống chưa chắc phải được tạo bởi những công trình hoành tráng, những con phố ngăn nắp, những cảnh quan theo quy chuẩn mà phải gắn bó với cuộc sống và lôi cuốn người dân. Trên đây, chúng tôi chỉ kể ra một số biểu hiện đặc sắc của các nơi chốn đô thị Việt Nam, chúng được gắn với chiều sâu văn hóa của người Việt. Một đô thị mà không gắn bó với tâm hồn con người, không thể hiện được tinh thần nơi chốn, không chứa đựng chiều sâu văn hóa lịch sử, không hòa nhập vào cuộc sống con người thì chắc chắn đó là một đô thị khiếm khuyết. Trong thực tế, còn nhiều biểu hiện thú vị khác trong các góc nhỏ đô thị Việt Nam mà chúng ta cần phải khám phá thêm, bởi mỗi góc phố của Việt Nam là một kho tàng ẩn chứa biết bao tài sản quý giá về văn hóa ngàn năm của dân tộc…
Xem thêm: Nơi chốn – Sự trải nghiệm khác biệt và tinh tế của cuộc sống
——————————————————————————————
Tài liệu tham khảo:
- Vũ Hiệp. Đô thị Việt Nam, góc nhìn từ những nơi chốn.
- NXB Xây dựng, 2016
KTS Vũ Hiệp
Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2016