1. Khách sạn ngàn sao – Nơi mà chiếc giường ngủ được đặt ở giữa đồng không mông quạnh trên dãy Alps ở Thụy Sỹ – là “tiếng nói” đanh thép nhất cho khái niệm mới của nơi chốn trong kiến trúc nhưng cũng là nét gạch chân cực kỳ đậm nét cho mối quan hệ giữa nơi chốn và kiến trúc. Nó nhấn mạnh rằng: Những gì chúng ta xây dựng lên là để tạo thành một nơi chốn, trong đó chứa đựng thiên nhiên hiện hữu và không gian kiến trúc. Cả dãy núi Alps không là một nơi chốn, nhưng nếu chỉ thêm một chiếc giường vào thôi thì đã trở thành “nơi chốn” rồi. Đó là sức mạnh của Kiến trúc – dù là một công trình kỳ vĩ hay chỉ đơn giản là một túp lều du mục. Dù là ở giữa muôn ngàn trùng khơi hay sâu thẳm núi rừng, nơi chốn đấy có dễ chịu hay không, có ấm áp hay không và có thể trở thành chốn đi về hay không là phụ thuộc vào những giải pháp thiết kế.
2. Tôi rời xa vòng tay của Bố mẹ và nơi chốn thân thuộc từ khi 16 tuổi – Không phải là bỏ nhà đi bụi mà là đi học. Khi đó, chiếc giường trong căn phòng trọ đã trở thành nơi chốn quen thuộc mà bây giờ, khi nhìn lại những hình ảnh đấy tôi vẫn thấy nao lòng và hy vọng sẽ được thiết kế khu ở cho sinh viên trở thành một “nơi chốn” ấm áp. Vì thế, đối với tôi, thiết kế để tạo nên nơi chốn và ý tưởng thiết kế bị ảnh hưởng bởi bức tranh bạn hình dung về nơi chốn thế nào. Hơn 26 năm dịch chuyển thường xuyên đã cho tôi những khái niệm về nơi chốn “mở” và “nhân quyền”. Tôi nói mở vì không cần phải to tát. Khi ở Jumla, vùng viễn tây của Nepal trên dãy Himalaya, tôi nghỉ ăn tối và qua đêm ở những căn chòi do những người chăn cừu làm. Tôi tìm vị trí đặt balo túi xách, kiếm một tảng đá để ngồi viết dưới tán cây, chạy loanh quanh khám phá, dọn sạch một chỗ để trải túi ngủ. Còn khi nghỉ trưa ven suối, chúng tôi tìm vị trí dưới tán cây cho mát mẻ, tìm mô đất cao và kín gió để đặt bếp, xếp đồ đạc để không bị quên khi đi tiếp… Tất cả những điều đấy đã trở thành vô thức trong tư duy, hình thành ý tưởng với tư duy tổng hợp – phân tích các dữ liệu hiện trạng, các khả năng biến đổi và các nhu cầu sử dụng… Sự phức tạp đó tạo nên sự quyến rũ của nghề kiến trúc và cũng vì thế nên tôi đòi hỏi sự trung thực rất nhiều ở dữ liệu đầu vào.
3. Việt Nam là một thị trường tiềm năng. Vì thế, chúng ta cần đặt ra những tiêu chí của mình: Việt Nam không phải là bãi đáp của những KTS kém tài năng đến từ khắp thế giới và chỉ nhận được đơn hàng với lý do duy nhất là nói được tiếng Việt. Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam cũng không phải là miếng bánh – để KTS Việt Nam dễ dãi trong hành nghề bằng các công trình kém chất lượng có được từ các mối quan hệ. Kiến trúc Việt Nam không chỉ đơn thuần là tre nứa lá để cho khách du lịch ngoại quốc chỉ trỏ và tán dương lịch sự. Với những tiềm lực về kinh tế và chất xám, Việt Nam có tiềm năng để xây dựng nền kiến trúc hiện đại, văn minh và giàu bản sắc!
Xem thêm: KTS Nguyễn Thế Phương “không nên có một định nghĩa nào dành riêng cho Kiến trúc Việt Nam hiện nay”
4. Công ty Kiến trúc Finko chúng tôi luôn theo đuổi quan điểm: Thiết kế mang tiếng nói của thời đại và phát triển. Tôi muốn đem lại những trải nghiệm khác biệt nhưng tinh tế của cuộc sống thông qua kiến trúc, thúc đẩy sức sáng tạo và lòng dũng cảm đột phá của mỗi người trong lĩnh vực này. Những khu nhà phức hợp, cao ốc văn phòng khách sạn – là những thể loại công trình Finko hướng tới.
Tôi đã có lần phát biểu trong hội thảo Kiến trúc Hà Nội dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội: Bản sắc không nằm ở hình thức mà ở trong tâm thức. Hội nhập tạo ra giá trị mang tầm cỡ thế giới cho thiên nhiên, văn hóa lịch sử địa phương. Kiến trúc thời kỳ hội nhập không phải như chúng ta hay lầm tưởng là phải làm nhà mái lá, đi guốc mộc hay gắn các hình ảnh rồng bay phượng múa… mới là phát huy giá trị văn hóa địa phương. Cũng như Kiến trúc, văn hóa và lịch sử địa phương không bao giờ dừng lại mà luôn được phát triển tiếp và viết tiếp – viết bằng cây bút của năm 2016 chứ không phải bằng cây bút lông của những ông đồ. Cây bút thì khác nhưng nội dung của những dòng chữ thì phải thuần chủng – đó là sự dũng cảm, sự tinh tế cùng với đường nét biểu cảm ấm áp và duyên dáng.
Những thiết kế của FINKO tạo ra nơi chốn dựa trên vị trí và cộng đồng để duy trì văn hóa địa phương nhưng cũng tạo ra những văn hóa mới phù hợp hơn để từ đó lịch sử được viết tiếp. Thiết kế của chúng tôi cố gắng bày tỏ thái độ của Việt Nam với những bước tiến chóng mặt của công nghệ, sự hội nhập của trào lưu thế giới, khẳng định sự tự do cá nhân, của sự đòi hỏi rất hybrid của con người – vừa muốn riêng tư mà lại không muốn bị cô lập.
KTS Nguyễn Thế Phương – Tổng Giám đốc Công ty FINKO
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2016)