Nghĩ về kiến trúc xanh và KTS trẻ

Trong ý nghĩa văn chương, “xanh”, thường được ám chỉ về người trẻ hoặc quãng thời gian tuổi trẻ của đời người. Trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có câu: “Phũ phàng chi bấy hóa công/ Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha”. Nhạc sĩ Phạm Duy trong bài hát Nhạc tuổi xanh, viết: “Tuổi xanh như lúa mai. Đời thanh niên sáng tươi.” Nhạc sĩ Hoàng Việt cũng viết: “Lá còn xanh như anh đang còn trẻ. Lá trên cành như anh trong đoàn quân”. Đối với giới KTS Việt Nam, với việc tiếp cận và thiết kế theo xu hướng kiến trúc xanh, đặc biệt là qua những kỳ giải thưởng gần đây của Hội KTS Việt Nam đã cho thấy dấu ấn rõ nét của các KTS trẻ. Quả thực, Xanh song hành với Trẻ.

Nhà tổ mối – Tropical Space

Tính độc đáo tập thể của kiến trúc xanh

Có thể nói, từ khi bắt đầu Đổi mới cho đến những năm 2000, kiến trúc Việt Nam hầu như rất ít tham gia các sân chơi nào của kiến trúc thế giới. Từ những năm 2010, bằng những công trình kiến trúc xanh (KTX), các KTS trẻ như: Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Xuân Minh, Nguyễn Hòa Hiệp… đã giành được một số giải thưởng quốc tế, qua đó giới KTS thế giới biết nhiều hơn về kiến trúc đương đại Việt Nam. Sau một thập niên, giờ đây những con người tiên phong ấy, dù vẫn kiên trì với KTX nhưng cũng không còn trẻ nữa rồi. Sóng sau nối liền sóng trước, những người trẻ mới như Đoàn Thanh Hà, Tropical Space, Lab Concept… vẫn đang tiếp tục truyền cảm hứng “xanh-trẻ” tới giới KTS nước nhà. Bằng KTX, các KTS trẻ đang dần dần tạo nên một tính độc đáo tập thể của kiến trúc đương đại Việt Nam. Nếu như khi bắt đầu phong trào KTX, sự “học hỏi” quốc tế quá nhiều khiến không ít người nghi ngờ về triển vọng dài hơi của phong trào này – Nhưng càng ngày, các KTS trẻ của chúng ta càng khai thác nhiều hơn các giá trị truyền thống, và các công trình ngày càng đặc sắc và độc đáo hơn trong thế giới đang bị toàn cầu hóa. Có thể nói, những giải thưởng quốc tế chỉ là cú hích ban đầu, sự hình thành tính độc đáo tập thể của KTX Việt Nam mới là thắng lợi quan trọng nhất. Và các giải thưởng của Hội KTS Việt Nam đã đồng hành cùng thắng lợi này.

KTX không phải là một xu hướng mang tính mỹ học thuần túy, nó mang tính khoa học và thích ứng nhiều hơn. Do đó, phong cách tạo hình cá nhân không được biểu lộ rõ rệt. Một ngôi nhà bằng gạch thô của Tropical Space, một ngôi nhà bằng gạch thô khác của H&P Architects hay VTN Architects – Nếu không được giới thiệu tác giả, không ít người có thể nghĩ rằng chúng được thiết kế bởi cùng một KTS. Nhưng sự giống nhau về thủ pháp đó lại là ưu điểm, khi nó có thể tập hợp các tác giả, tác phẩm khác nhau để hình thành nên tính độc đáo tập thể. Khi những cá nhân đơn lẻ chưa đủ mạnh để dẫn đường hoặc chí ít là chống đỡ trước sự tấn công khủng khiếp của toàn cầu hóa, thì sự độc đáo chung của một tập thể KTS sẽ làm cho nền kiến trúc đương đại Việt Nam có nền tảng vững chắc hơn để ươm mầm cho những thiên tài sau này.

Nhà Phễu – Giải Bạc: Hạng mục Nhà ở đơn lập GTKTQG 2018 – 2019

Truyền thống/ Hiện đại

Kiến trúc hiện đại Việt Nam luôn là sự cạnh tranh biện chứng giữa tính hiện đại quốc tế với tính truyền thống dân tộc. Mỗi giai đoạn, các KTS lại đưa ra những giải pháp khác nhau để thống nhất chúng. Thời Pháp thuộc là phong cách Đông Dương, sau đó là xu hướng “Mạch dân tộc” với những tác phẩm của các KTS Nguyễn Hữu Thiện, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Vũ Hưng, Lê Hiệp… Hiện nay, các KTS trẻ có vẻ như đang tìm ra một hợp đề mới, trong đó việc sử dụng các nguyên lý của KTX như là một giải pháp để thống nhất tính quốc tế với tính dân tộc. Đó là một giải pháp thông minh, bởi trong kiến trúc truyền thống đã có nội hàm của KTX rồi. Nghĩ rộng ra thì bất cứ một nền kiến trúc truyền thống nào đều có sự thích ứng với môi trường, đều sử dụng vật liệu địa phương, đều thể hiện văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng ấy. Nhìn “Nhà tổ mối” chúng ta chợt nhớ đến tháp Chăm, xem “Nhà ở Bắc Hồng” chúng ta có thể liên tưởng tới nhà ở dân gian Bắc Bộ. Nhưng cách tạo hình của những công trình này lại rất hiện đại, như được viết nên bởi thứ ngôn ngữ chung toàn nhân loại. Đó là thành công của các KTS trẻ và xanh.

Tuy nhiên, tính dân tộc mà các KTS trẻ hiện nay sử dụng trong các công trình xanh của mình chỉ là một phần thuộc về sinh thái học, còn mảng lớn thuộc về mỹ học, nhân học, thủ pháp tạo hình thì chưa được thể nghiệm nhiều. Tất nhiên, người trẻ có dạng năng lượng đặc biệt thể hiện tuổi sinh học của mình, thiên về bản năng hành động nhiều hơn là nghĩ ngợi những điều xa vời. Hy vọng khi qua ngưỡng trẻ, họ sẽ khám phá được những mỏ đá quý ẩn mình dưới những lớp trầm tích truyền thống dân tộc.

Vinh quang của cây xanh

Một trong những biểu hiện dễ nhận biết nhất của KTX hiện nay là sử dụng thật nhiều cây xanh trong công trình. Tác dụng của cây xanh đối với vi khí hậu của công trình đã được kiểm chứng bằng khoa học. Không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới, những cái cây ngạo nghễ đứng trên mái nhà, tường, ban công đã trở thành một “mã văn bản” để nhận diện KTX. Nói chung, các KTS trẻ và xanh rất hào hứng với thủ pháp này.

Người Việt Nam, cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, yêu cây xanh, thậm chí huyền thoại hóa cây xanh. Chúng ta có thể kiểm chứng sự gắn kết giữa con người với cây xanh qua những sự tích về cây tre, cây thị, cây thì là, cây trầu, cây cau, hoặc những câu ca dao tục ngữ về cây đa cây đề, những bài hát tân nhạc về cây lan cây bưởi… Cây xanh trong văn hóa, kiến trúc Việt Nam không chỉ là một giải pháp vi khí hậu đơn thuần, nó là cả một thế giới tinh thần. Chỉ khi KTS khai thác được cái tinh thần đó thì giá trị của truyền thống và nơi chốn của khái niệm xanh mới được bày tỏ sâu sắc hơn.

Bác Hồ từng nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Đôi khi, nhìn những cái cây sừng sững đứng trên nóc nhà khắp thế giới, có ai đó có tự đặt câu hỏi: Phải chăng cây xanh đang được tôn vinh còn con người đang bị giẫm đạp? Kiến trúc nói chung, và KTX nói riêng, phải hướng tới sự tồn tại của con người chứ không phải sự hiện diện của cây xanh. Hi vọng, các KTS trẻ của Việt Nam học tập thế giới nhưng cũng cần có con mắt phản biện để không bị cuốn theo những thủ pháp bề mặt theo trào lưu nhất thời.

Nhà thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh – Giải Bạc: Hạng mục Công trình Văn hóa
Thể thao GTKTQG 2018 – 2019

Triển vọng

Có thể nói, các KTS trẻ Việt Nam đã rất khôn ngoan khi chọn KTX để bắt nhịp với kiến trúc đương đại thế giới. Nó vừa là xu hướng được giới tinh hoa thế giới tạo điều kiện (mục đích có thể là vì thế giới đại đồng bị biến đổi khí hậu hoặc vì lợi ích tư bản nhằm bán công nghệ, vật liệu, trang thiết bị), nhưng nó cũng rất phù hợp với kiến trúc truyền thống Việt Nam. KTX không phải là trào lưu nhất thời, bởi nguyên lý của nó đã được thực hiện từ ngàn xưa và còn tiếp tục đến ngàn sau. Sự ủng hộ dành cho KTX cần được tiếp tục, cũng như cần ủng hộ tất cả những thử nghiệm hiện đại khác nào có thể kết nối được với mạch dân tộc. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên phản tỉnh rằng cách sử dụng vật liệu thiếu chắc chắn, cách tạo hình không rõ ý đồ tư tưởng sẽ không thể tồn tại vững bền và không thể lan tỏa. Kiến trúc dù sao vẫn là một môn nghệ thuật, một hiện thể của văn hóa. Khoa học kỹ thuật chúng ta có thể bắt chước thế giới, còn văn hóa và nghệ thuật phải xuất phát từ chính sự thiết yếu bên trong của mỗi con người, mỗi dân tộc.

Vũ Hiệp

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2019)