“Rừng Công viên” hoặc “Công viên Rừng” (tuỳ theo cách gọi từng nơi) trong lòng thành phố đã trở nên quen thuộc và hiện hữu tại hầu hết các thành phố lớn trên thế giới.
Rừng Boulogne của Pari, Hyde Park của Luân Đôn, Central Park của Newyork… từ hàng trăm năm nay đã vừa là nơi vui chơi nghỉ ngơi, vừa là lá phổi nuôi sống hàng triệu người dân trong thành phố.
Hà Nội ngày nay nếu tính theo diện tích đã lọt vào top 10 thành phố lớn nhất thế giới. Dân số dự kiến cũng sẽ tăng tới 10 triệu người. Trong quá trình quyhoạch và xây dựng thủ đô cùng với vấn đề giao thông, thì vấn đề cây xanh môi trường là vô cùng cấp bách và nan giải. Chúng ta thử cùng điểm lại hiện trạng quy hoạch, thực hiện và quản lý mạng lưới cây xanh tại đô thị Hà Nội trong những năm qua.
Để có căn cứ lập, thẩm định và quản lý hệ thống không gian xanh đô thị, trong Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam, đã có các quy định về chỉ tiêu cây xanh cho từng loại đô thị và được cụ thể hóa với từng chỉ tiêu cho cây xanh công cộng ngoài đơn vị ở và trong đơn vị ở. Đây chỉ là những số liệu mang tính định lượng, chưa đề cập cụ thể đến các giải pháp quy hoạch chi tiết nói chung, quy hoạch chi tiết khu đô thị mới nói riêng để hệ thống không gian xanh phát huy hiệu quả cao nhất.
Cây xanh trong công viên ở Hà Nội
Theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam ban hành năm 1997 (chỉ quy định với ĐT loại I – tương ứng HN theo phân cấp lúc đó):
– Trong khu dân dụng: cây xanh công cộng từ 6m2/người đến 7m2/người trong đó với khu ở, cây xanh phải đạt từ 3m2/người đến 4m2/người.
– Nếu tính cả các loại cây xanh khác thì diện tích cây xanh tối thiểu trong đô thị là từ 10m2/người đến 15m2/người.
Theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được phê duyệt năm 1998:
– Trong khu dân dụng: đất đơn vị ở là 26m2/người; đất công viên, cây xanh, thể dục thể thao là 16m2/người.
– Trong khu ở: chỉ quy định chỉ tiêu cây xanh là 2,5m2/người.
Đến QCXDVN 01:2008 ban hành ngày 03/4/2008 đã có một số quy định cụ thể hơn:
– Đất dành cho cây xanh công cộng trong đơn vị ở là 2,0m2/người, bao gồm cả cây xanh trong nhóm ở là 1,0m2/người
– Mỗi đơn vị ở phải có tối thiểu một công trình vườn hoa (có thể kết hợp với sân thể thao ngoài trời và điểm sinh hoạt cộng đồng) phục vụ chung cho toàn đơn vị ở với quy mô tối thiểu 5.000m2.
Khi lập quy hoạch chung cho Hà Nội năm 1998 thì chỉ tiêu cây xanh tính bình quân là 1,26m2/người. Hơn 10 năm qua, dân số tăng bình quân 60.000 – 70.000 người/năm song nhiều công viên cấp thành phố được xác định theo quy hoạch cần có nhưng không được triển khai như công viên Đống Đa (37ha), công viên Cự Khối, công viên hồ Yên Sở, công viên Cửa ô, công viên Triều Khúc, công viên Mễ Trì… Một số công viên bị thu hẹp để khai thác xây dựng công trình như công viên Thống Nhất, công viên Bách Thảo, công viên Tuổi Trẻ,… Gần đây, cố gắng lắm mới hình thành được một số vườn hoa nhỏ như ở Quảng trường 19/8, vườn hoa Nam Đồng, Nhà văn hóa quận Hoàn Kiếm,… Thực trạng đáng buồn trên đã dẫn đến chỉ tiêu cây xanh, công viên của Hà Nội ngày càng giảm thiểu.
Cây xanh trong các khu đô thị ( Ciputra)
Năm 2004 chỉ tiêu cây xanh toàn đô thị Hà Nội là 0,9m2/người và phân bố không đồng đều (thấp nhất là quận Đống Đa 0,05m2/người; cao nhất là quận Hai Bà Trưng 1,69m2/người). Chỉ tiêu đất cây xanh đơn vị ở trong các khu đô thị mới còn rất thấp và không đồng đều, khoảng 0,5m2/người ÷ 2,5m2/người, có rất ít khu đạt 5m2/người,. Cây xanh trong các khu đô thị mới thường được tập trung và bố trí gần các công trình công cộng (trường học, nhà trẻ…) mà ít được chú ý phân bố để gắn kết với nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân, đó là vườn hoa, vườn dạo trong các nhóm ở, đơn vị ở.
Diện tích cây xanh và chỉ tiêu cây xanh đô thị các quận nội thành Hà Nội (cũ) và hai thành phố Sơn Tây – Hà Đông năm 2006
Tóm lại hiện trạng quy hoạch và sử dụng đất cây xanh ở Hà Nội còn tồn tại những vấn đề lớn như sau:
– Diện tích đất dành cho cây xanh không đủ, kể cả trong tiêu chuẩn quy hoạch cũng như trong thực tiễn
– Bố cục đất cây xanh dàn trải, máy móc không phù hợp với thực tiễn (khu đô thị cũ và khu đô thị mới áp dụng máy móc cùng chỉ tiêu đất cây xanh).
– Trong thực tế đất cây xanh công cộng ngày một co lại, bị lấn chiếm bởi xây dựng “có phép” và trái phép.
– Hệ thống quản lý cây xanh thiếu đồng bộ, không hợp lý.
– Không có sự giám sát và tham gia của cộng đồng trong công tác lập quy họach, thực hiện và quản lý đất cây xanh
Để tiện cho việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quy hoạch và sử dụng đất công cộng dành cho cây xanh tại Hà Nội, chúng tôi xin giới thiệu những kinh nghiệm thực tiễn về vấn đề này tại New york – Một thành phố đất chật người đông và có nhiều điểm bất cập tương đồng với Thủ đô Hà Nội.
Quy hoạch sử dụng đất tại Newyork bám sát mục đích công năng của công trình. Trong khi tại Trung tâm Manhattan – Trung tâm kinh tế tài chính thế giới, đất được tận dụng tới từng centimet vuông (mật độ xây dựng 90%) thì người ta sẵn sàng bỏ ra hơn trăm ha để dành xây dựng công viên trung tâm (Central Park) và tại khu biệt thự công viên mật độ xây dựng 10% (cây xanh 90%).
Cây xanh trên các đường phố được xử lý khá cẩn thận. Các khoảng đất trống giữa các nhà, các mảnh đất trống trước mặt nhà đều được biến thành các vườn hoa nhỏ. Cây xanh trên vỉa hè và các giải phân cách được chăm chút chu đáo.
Việc quản lý cây xanh công cộng ở New York rất đồng bộ và hoàn chỉnh. Một hệ thống quản lý được thiết lập từ thủ phủ bang tới các quận, khu nhà ở…với sự phân công, phân cấp trách nhiệm rất chi tiết cụ thể.
Điều đặc biệt trong công tác quản lý cây xanh ở New York là sự tham gia chủ động và tích cực của cộng đồng dân cư.
Người dân được cử đại diện tham gia vào tất cả các khâu từ lập dự án, thẩm định dự án đến việc thực thi và quản lý khu công viên, cây xanh trong đô thị mà mình sinh sống. Người ta giao cho các chủ nhà trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng các cây trồng trước cửa nhà mình, nếu để bẩn hoặc để cây chết sẽ bị phạt với các biện pháp chế tài xử lý.
Vấn đề cây xanh cho đô thị là một vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành và các cấp quản lý. Trong bài viết này chúng tôi chỉ xin đề cập tới khía cạnh Cơ chế chính sách quản lý và Sự tham gia của cộng đồng trong việc sử dụng một cách có hiệu quả đất công cộng dành cho cây xanh đô thị.
Về cơ chế chính sách
Để hình thành khu đô thị có hệ thống không gian xanh hợp lý trước hết cần xem xét quy chế thẩm định trong bước đầu tiên của quy trình hình thành khu đô thị mới là lập và thẩm định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thể hiện qua hồ sơ bản vẽ. Theo các quy định hiện hành (Luật Xây dựng, Nghị định 08/NĐ-CP, Thông tư 15/TT-BXD, quy chuẩn, tiêu chuẩn) chỉ quy định việc tổ chức không gian xanh thể hiện trong bản vẽ cơ cấu sử dụng đất với chỉ tiêu duy nhất làm căn cứ để thẩm định là tính bình quân m2 cây xanh/người. Với quy định này không đủ căn cứ để lập và thẩm định cũng như giám sát quản lý theo quy hoạch, đề xuất nên lập bản vẽ riêng về tổ chức hệ thống không gian xanh (quy hoạch tổng mặt bằng) với chỉ tiêu # 2,5m2 cây xanh công cộng/ người.
– Thẩm định phê duyệt dự án
Khi phê duyệt quy hoạch chi tiết, cần làm rõ vai trò của chủ đầu tư dự án, của từng chủ đầu tư dự án thành phần như:
– Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm tổ chức xây dựng vườn hoa trong nhóm ở, vườn dạo trong đơn vị ở và công viên cho khu ở.
– Chủ đầu tư các hạng mục công trình công cộng có trách nhiệm xây dựng cây xanh thảm cỏ cùng với xây dựng công trình trong lô đất xây dựng theo quy định về mật độ xây dựng.
– Chủ đầu tư xây dựng giao thông có trách nhiệm đầu tư xây dựng cây xanh ven đường thuộc dự án giao thông.
– Cây xanh trong hành lang bảo vệ, trong khoảng trống của công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc trách nhiệm của chủ dự án hạng mục công trình.
– Đồng thời xác lập vai trò, sự tham gia của cộng đồng thông qua mô hình Ban quản lý do cộng đồng đề cử.
Hồ Linh Đàm
Đổi mới phân cấp quản lý
Trong quản lý, phát triển đô thị, xu thế hiện nay là tăng cường phân cấp cùng với cải cách (đổi mới) phương thức quản lý, xu thế này cũng cần áp dụng cho hệ thống không gian xanh khu đô thị mới.
Hiện nay cơ quan tham mưu giúp quản lý cây xanh ở cấp thành phố là Sở Giao thông Công chính với công ty chuyên ngành là Công ty Công viên Cây xanh. Một số công viên lớn của thành phố như Công viên Thống Nhất, Vườn thú Thủ Lệ lại có cơ quan quản lý riêng. Cây xanh trên đường giao thông lại do cơ quan quản lý tuyến đường phụ trách. Cây xanh trong các công trình công cộng do các cơ quan tự quản. Cây xanh ngoài đô thị do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý. Khi có ý kiến phản hồi cấp có thẩm quyền rất khó khăn trong việc xử lý trách nhiệm.
Giữa năm 2008, khi ở Hà Nội có hiện tượng chặt hạ, phá hoại các cây quý hiếm, Uỷ ban nhân dân thành phố đã có Công văn 4716/UBND-XD-ĐT về tăng cường quản lý cây xanh quy định rõ Sở giao thông công chính phối hợp với nhân dân kịp thời phát hiện và tố cáo hành vi chặt hạ, phá hoại cây xanh hiện có. Từ thực tiễn trên cho thấy, mô hình quản lý phân tán này có nhiều bất cập, do vậy nên thành lập một cơ quan chuyên trách (có thể là Ban quản lý không gian xanh thành phố). Cơ quan này được giao trách nhiệm là đầu mối quản lý không gian xanh công cộng. Đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố hoạt động theo quy định của pháp luật, chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân thành phố, đồng thời chịu sự kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan. Đơn vị này có chức năng:
– Nghiên cứu, tư vấn, hoạch định chiến lược về tổng thể và chi tiết không gian xanh của thành phố; xác lập việc bảo tồn không gian xanh trong các di tích lịch sử, văn hóa, các khu cảnh quan đặc trưng.
– Tham mưu đề xuất với thành phố về cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ bảo tồn, phát triển không gian xanh.
– Xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học hoặc tham gia nghiên cứu các đề tài phục vụ chuyên ngành cây xanh.
– Tham gia và phục vụ công tác quản lý nhà nước về cây xanh, mặt nước.
– Tổ chức, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành cây xanh.
– Thực hiện các hoạt động dịch vụ, tư vấn chuyên ngành về cây xanh.
Trong các nghiên cứu về quy hoạch chung Hà Nội, nhất là quy hoạch chung Hà Nội mở rộng, vấn đề không gian xanh đã được đặt ra như là một đặc thù trong cơ cấu, ý tưởng về không gian Hà Nội. Vì vậy, việc hình thành đơn vị này càng có ý nghĩa là đầu mối giúp thành phố trong phát triển, tạo lập bản sắc.
Vườn hoa Lý Thái Tổ
Sự tham gia của cộng đồng
Hiến pháp Việt Nam đảm bảo quyền tham gia quản lý của người dân và những văn bản Luật gần đây, ngày càng xác định rõ vai trò của cộng đồng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quy hoạch, đầu tư xây dựng. Năm 2005, Chính phủ đã ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng để tránh lãng phí các nguồn lực và phương hại đến lợi ích của cộng đồng.
Luật Xây dựng 2003 đã có quy định về sự tham gia của cộng đồng. Tại Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng đã quy định quá trình lập nhiệm vụ, thiết kế các loại quy hoạch xây dựng phải lấy ý kiến của các cơ quan, các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Trong Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn đều quy định các cá nhân và cộng đồng có quyền giám sát các cơ quan, tổ chức phi chính phủ và cá nhân thực hiện quy hoạch và xây dựng, song chưa có đề cập nào tới các nội dung được giám sát, được tham gia, hơn nữa không có quy định nào về cơ chế hợp tác của cộng đồng với các tổ chức về không gian xanh công cộng trong khu đô thị. Như vậy, về nguyên tắc cần quy định có sự tham gia của cộng đồng về không gian xanh công cộng .
Sự tham gia của cộng đồng là yêu cầu quan trọng trong hình thành, quản lý và khai thác không gian xanh trong khu đô thị mới, phải được thực hiện xuyên suốt trong cả quá trình với đề xuất cụ thể như sau:
– Bước 1: Lập và thẩm định phê duyệt dự án, cộng đồng tham gia ngay từ giai đoạn cung cấp thông tin, đề xuất ý tưởng trong giai đoạn góp ý quy hoạch chi tiết. Để làm được cần có sự chủ động của chính quyền phường, xã, tổ dân phố và các Hội xã hội nghề nghiệp.
– Bước 2: Cộng đồng tham gia đầu tư xây dựng, trong đó nhấn mạnh vai trò của các chủ sở hữu nhà ở (biệt thự, nhà liền kề và từng chủ căn hộ trong nhà chung cư), tiếp đó là chủ đầu tư các công trình công cộng. Để thực hiện được cần xây dựng thông tin, tuyên truyền và mở các lớp tập huấn.
– Bước 3: Giai đoạn quản lý khai thác, cần lập Ban Giám sát của cộng đồng để kiểm tra đôn đốc vận động và giúp đỡ. các chủ đầu tư chưa làm tốt vai trò xây dựng không gian xanh.
Ban Giám sát cộng đồng cũng là người kiểm tra, đề xuất xử lý vi phạm với cơ quan chức năng. Đây cũng là kinh nghiệm của Mỹ, Singapore.
Trên đây là một vài suy nghĩ nhỏ về một vấn đề lớn – vấn đề là làm sao để quy hoạch, xây dựng và quản lý tốt hệ thống cây xanh công cộng cho Thủ đô Hà Nội 1000 năm tuổi.
GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu