Kiến trúc sinh thái – Kiến trúc phát triển bền vững

Sự phát triển thần kỳ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là vào nửa cuối của thế kỷ XX, đã nâng vị thế của con ng¬ười trong mối quan hệ với tự nhiên lên một tầm cao đáng kể. Cũng từ đây đã dẫn đến không ít những ngộ nhận, những suy nghĩ lệch lạc, lầm lẫn, những hành động, việc làm đối chọi, thách thức với thiên nhiên trong nhiều lĩnh vực hoạt động của con người, kể cả trong xây dựng và kiến trúc, đã dẫn đến những hậu quả không nhỏ, cả trước mắt cũng như¬ về lâu dài, trong phạm vi một quốc gia cũng như¬ phạm vi toàn cầu. Đó là điều mà chúng ta cùng nhiều thế hệ mai sau đang và sẽ phải trả giá. Trong một thời gian dài, kiến trúc hiện đại quá chú trọng kỹ thuật tạo môi trường nhân tạo cho nơi ở mà quên đi việc con ng¬ười cần phải sống hài hòa với tự nhiên. Hậu quả là phung phí năng lượng và tài nguyên thiên nhiên một cách không thương tiếc.

   

Thống kê ở châu Âu cho thấy 50% nguồn nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên được sử dụng trong ngành xây dựng, hơn 50% chất thải sinh hoạt và 50% các chất gây ô nhiễm đến từ các hoạt động xây dựng; 40% năng lượng tiêu thụ có nguồn gốc (hoặc có liên quan) đến ngành xây dựng.
Hiện hữu một quan niệm phổ biến “Con người làm chủ tự nhiên” và tư tưởng kỹ-trị “mọi vấn đề đều có thể được giải quyết bằng một phương pháp công nghệ”. Bởi vậy, tự nhiên được xem xét như đối tượng để khai thác hơn là đối tượng cần được chăm sóc, gìn giữ.
Con người với thói quen “lười biếng” và “ích kỷ” thích sử dụng nguồn năng lượng mặt trời dự trữ (là năng lượng được chứa đựng trong lòng trái đất, trải qua hàng triệu năm mới tạo thành như: than đá, xăng, dầu lửa…) hơn là sử dụng “nguồn năng lượng mặt trời hiện hành” (là năng lương do ánh sáng mặt trời đem lại mỗi ngày). Kết quả tất yếu dẫn tới là: Việc sử dụng một cách phung phí tài nguyên thiên nhiên nhằm thỏa mãn các nhu cầu của con người đương đại đã, đang và sẽ làm tổn hại ngày càng nghiêm trọng tới sự tồn tại và phát triển của con người mai sau.   

Động đất, sóng thần, lũ quét, núi lửa phun trào…trong năm qua phải chăng là những cảnh báo cấp độ cao về sự nổi giận của thiên nhiên. Những bài học hiển nhiên trước mắt đã khiến toàn thế giới và đặc biệt là các nước phương Tây bừng tỉnh.
Cùng với các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật khác, ng¬ười ta đã xét lại quan niệm thiết kế kiến trúc, ý thức hơn về bảo vệ môi trư¬ờng, tiết kiệm năng lư¬ợng. Một trào lưu kiến trúc mới ra đời với viễn cảnh tốt đẹp hướng về tư¬ơng lai: Kiến trúc sinh thái.
Tại Hội nghị KTS Thế giới tổ chức tại Bắc Kinh năm 2000, giới KTS toàn cầu đã đi đến 2 khái niệm, 2 mục tiêu, 2 ph¬ương châm hành động là kiến trúc bền vững và kiến trúc sinh thái, xong đều cùng chung một nội hàm là hướng tới sự chung sống thân thiện, bằng thái độ xử sự thông minh và hiểu biết thiên nhiên.
Kiến trúc sinh thái (hoặc có thể hiểu kiến trúc bền vững) khởi đầu từ những thập kỷ nửa sau của TK XX và trở thành xu hướng tất yếu của kiến trúc thế giới trong thế kỷ XXI. Nó được mong đợi như một giải pháp toàn diện để đối phó với cuộc khủng hoảng của văn minh đô thị, xét trên phạm vi rộng cũng như với chính cuộc khủng hoảng về phong cách kiến trúc đương đại, xét trong phạm trù hẹp của ngành kiến trúc.
Kiến trúc Sinh thái thủa ban đầu của thập kỷ 60 tồn tại dưới dạng Kiến trúc Sinh thái đơn giản (hay có thể hiểu là kiến trúc sinh thái công nghệ thấp (low tech).
Các KTS nổi tiếng thế giới như¬ Charles Correa (Ấn Độ), Bruno Stagno (Costa Rica) đã đề ra phư¬ơng pháp thiết kế theo điều kiện khí hậu của khu vực, đặc biệt là tại các địa ph¬ương khí hậu nóng ẩm nhiệt đới. Họ gọi đó là Kiến trúc công nghệ cao của thế giới thứ ba và họ còn coi đây là công cụ hữu hiệu để các nước lạc hậu chậm phát triển đi tắt đón đầu rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới. Bởi theo họ, Kiến trúc sinh thái đâu có cần thiết bị kỹ thuật cao siêu hoặc tài chính khổng lồ, hùng hậu.

 

 

KTS người Malaysia – Ken Yeang chống lại việc đ¬ưa tràn lan nhà khối hộp đóng kín, hoàn toàn điều hòa nhiệt độ vào vùng nóng ẩm nhiệt đới. Ông nghiên cứu đưa cây xanh vào kiến trúc nhà cao tầng, tạo hai lớp vỏ bọc cho tư¬ờng ngoài, mái nhà phủ cây xanh và tấm chắn nắng, sử dụng sân trong tạo thông thoáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng, đưa con người gần gũi với thiên nhiên. Đó là các tiêu chí cho kiến trúc cao tầng xanh của ông. KTS Ken Yeang từng nhận định: Phong cách kiến trúc, kỹ thuật thi công và vật liệu xây dựng có thể thay đổi theo thời gian, nh¬ưng yếu tố thời tiết, khí hậu cơ bản không thay đổi. Từ đó đã nảy sinh ý t¬ưởng cho rằng kiến trúc hiện đại phải phù hợp với điều kiện thời tiết và khung cảnh thiên nhiên của khu vực, chứ không phải là kiểu khối nhà hộp với hệ thống điều hòa nhiệt độ khiến cho kiến trúc có bộ mặt chung chung và đặt ở đâu cũng được. Các giải pháp kiến trúc nhà cao tầng chú ý đến yếu tố tác động qua lại của kiến trúc với môi trường xung quanh, bằng việc xác định hướng gió, nắng, các kiểu mái hắt, cách thông gió tự nhiên… Các tổng kết có tính lý luận của Ken Yeang đã đ¬ựợc áp dụng rất thành công với những biến thể mở rộng vào các giải pháp kiến trúc có tính sinh khí hậu của các nhà tháp ở Malaysia và Nam Trung Quốc. 

Ở châu Âu, mặc dù có nền kinh tế kỹ thuật phát triển hùng mạnh xong xu hướng kiến trúc sinh thái đơn giản cũng được quan tâm chú ý. Để đối phó với cuộc khủng hoảng về dầu lửa, các KTS bắt đầu tìm đến sự hỗ trợ của các “lựa chọn thay thế” thân thiện hơn với môi trường, đặc biệt là cho các công trình nhà ở, giáo dục và văn hóa quy mô nhỏ. Trong sự trỗi dậy của làn sóng phản đối sự lạnh lùng, khô cứng của các tòa nhà hiện đại, một số KTS đã khuyến khích những chủ sở hữu tương lai của công trình cùng tham gia thiết kế và phát triển dự án, thậm chí cả trong việc xây dựng, để có thể tạo ra các công trình thân thiện hơn. Triết lý chống lại sự độc đoán trong thiết kế là nguồn cảm hứng cho rất nhiều KTS và trở nên khá phổ biến tại khu vực Bắc Âu. Có thể nhắc đến một số công trình tiêu biểu như: thiết kế nhà ở xã hội ở Đức của KTS Joachim Eble; dự án khu ở “Tinngarden” gần Copenhagen (Đan Mạch) của nhóm Vandkunsten; thiết kế của KTS Peter Hübner cho trường học và trung tâm nuôi dưỡng trẻ gần Stuttgart – công trình được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp tự xây dựng… KTS nổi tiếng nhất và được ví như thủ lĩnh của dòng low-tech, hay chính xác hơn là “no-tech”, không ai khác chính là Paolo Soleri (học trò của Frank Lloyd Wright) người đã đem đến một hình thức hoàn toàn mới cho kiến trúc sinh thái low-tech trong công trình Arcosanti (Arizona, Mỹ).
Đặc điểm chung của kiến trúc sinh thái đơn giản ở khắp nơi châu Á, châu Mỹ, cũng như châu Âu là đều sử dụng vật liệu tự nhiên đất, đá, gỗ, tranh, tre… và đều dựa vào kinh nghiệm xây dựng đúc kết từ ngàn đời qua cách ứng xử của các thế hệ cha ông với khí hậu, với thiên nhiên môi trường sống để có thể tồn tại và phát triển cho tới ngày nay.
Ở một thái cực khác, ngược với kiến trúc sinh thái đơn giản là kiến trúc sinh thái công nghệ cao (high tech) hoặc công nghệ sinh thái (eco-tech). Nó được biểu hiện dưới dạng các tổ hợp công trình đa năng kính thép quy mô lớn, và được đại diện bởi hai sáng tác của KTS Norman Foster: Trụ sở ngân hàng Commerzbank ở Frankfurt và Mái vòm tòa nhà Quốc hội Đức (Reichstag, Berlin). Một số KTS “high-tech” như Norman Foster, Renzo Piano, Richard Rogers, Thomas Herzog, Françoise-Helene Jourda và Gilles Perraudin đã thành lập nhóm READ (Renewable Energy in Architecture and Design) để phản ánh những suy ngẫm trong việc sử dụng năng lượng tái tạo trong thiết kế kiến trúc. Được chính thức công nhận tại Hội nghị quốc tế về Năng lượng mặt trời trong Kiến trúc và Đô thị tổ chức tại thành phố Florence (Italy) năm 1993, READ từ đó đến nay đã nhận được nhiều hỗ trợ của Cộng đồng châu Âu.
Triết lý sử dụng công nghệ hiện đại và sự trợ giúp của máy tính để đạt được tính bền vững sinh thái của nhóm “high-tech” không phải lúc nào cũng là một giải pháp hoàn toàn thuyết phục, đặc biệt là trong tính toán cân bằng năng lượng cần sử dụng để đạt được tiện nghi nhiệt trong mùa hè và sưởi ấm trong mùa đông. Các công trình high-tech cho đến nay vẫn được trích dẫn như một trong số những giải pháp toàn diện nhất cho kiến trúc bền vững và nhiều sáng kiến của xu hướng này sau đó đã được áp dụng trong những công trình có quy mô nhỏ hơn, như giải pháp mặt tiền kính hai lớp, đã tỏ ra rất hiệu quả.
Nằm giữa hai trường phái kiến trúc sinh thái giản đơn và kiến trúc sinh thái công nghệ cao là kiến trúc sinh thái chiết trung. Các KTS theo trường phái này khi vận dụng công nghệ vật liệu mới và kỹ thuật xây dựng cao vẫn không quên những kinh nghiệm truyền thống ông cha trong việc sử dụng vật liệu tự nhiên và ứng xử hợp lý hài hòa với khí hậu môi trường.
Có thể coi Günter Behnisch là người tiên phong đại diện cho trường phái này. Triết lý sáng tác của nhóm có thể tổng kết một cách chính xác trong một phát biểu của Stefan Behnisch: “Trong kiến trúc sinh thái, người ta thường phân biệt hai trường phái tư tưởng: đó là của Norman Foster với quan điểm sử dụng các ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề sinh thái; và của Soleri người nói “Không” với công nghệ. Nhóm của chúng tôi đặt mình vào giữa hai trường phái này mặc dù cá nhân tôi cảm thấy gần gũi hơn với đường lối của Soleri. Tôi không muốn thay đổi phong cách sống của chúng ta hoặc quay trở về thời kỳ đồ đá, nhưng nếu chúng ta chấp nhận một chút cái nóng trong mùa hè và cái lạnh trong mùa đông, sẽ không quá khó để đạt được tiện nghi nhiệt cho công trình và việc chúng ta cần thực hiện chỉ đơn giản là tuân theo những quy luật của tự nhiên”.
Kiến trúc sinh thái là xu hướng phát triển tiến bộ tất yếu của kiến trúc thế giới xong nó sẽ không thể trở thành kiến trúc quốc tế chung chung cho mọi quốc gia không đặc trưng, không bản sắc.
Nhìn lại trào lưu kiến trúc hiện đại của những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Lúc đó, kiến trúc hiện đại phát triển tới đỉnh cao, tại hầu hết các quốc gia có nền kiến trúc phát triển đều hình thành cái gọi là xu hướng “kiến trúc quốc tế”, hay còn gọi là “kiến trúc nhảy dù”. Chúng xuất hiện khắp mọi nơi, chúng giống nhau cả về nội dung bên trong và hình thức bên ngoài, bất kể ở nơi đâu, Á hay Âu, trên núi hay dưới biển… Sau đó, kiến trúc Hậu hiện đại ra đời, đưa kiến trúc trở về với những giá trị văn hóa, thẩm mỹ trong quá khứ của kiến trúc bản địa, nhằm tạo nên nét đặc trưng riêng biệt.
Kiến trúc ngày nay đang lặp lại bước đi ấy theo chiều xoắn ốc của quy luật phát triển, nhưng ở mức độ cao hơn. Một “Thế giới phẳng” đem đến xu hướng kiến trúc hiện đại sinh thái hiện hữu tại các quốc gia trên thế giới. “Hiện đại” là yếu tố của kiến trúc quốc tế – còn “sinh thái” là yếu tố bản sắc đặc trưng của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền. Như đã nói ở trên “sinh thái” ở đây bao gồm sinh thái tự nhiên (thiên nhiên, khí hậu, môi trường…) và sinh thái nhân văn (con người, văn hóa, xã hội…). Kiến trúc phản ánh một trong hai khía cạnh sinh thái tự nhiên hoặc sinh thái nhân văn đã đủ chứa đựng, khẳng định bản sắc, cái riêng của đất nước ấy, dân tộc ấy rồi. Nếu phản ánh được cả hai khía cạnh sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn thì đó là mục tiêu, là ước mong của giới kiến trúc sư trên toàn thế giới.
Như trên đã trình bày kiến trúc sinh thái là xu hướng tất yếu của thế giới trong thế kỷ 21 và điều đó cũng là câu trả lời duy nhất đúng cho định hướng kiến trúc Việt Nam.
Chúng ta không thể lạc bước và cũng không thể quá tụt hậu trên con đường chung của kiến trúc thế giới. Đây là một công việc rất khó khăn, rất lâu dài, và rất có thể các thế hệ con cháu chúng ta mới có thể nhận dạng khuôn hình của nó, song sẽ không có ngày đó nếu ông cha của chúng không bắt đầu công việc từ bây giờ.
Nhìn lại lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam, chúng ta không thể không tự hào với dòng kiến trúc dân gian chứa đựng những bài học kinh nghiệm mà ông cha ta để lại trong cách ứng xử với thiên nhiên khí hậu môi trường làm cơ sở tốt cho việc nghiên cứu phát triển kiến trúc sinh thái đơn giản ngày nay.
Kiến trúc dân gian của Việt Nam chính là kho kinh nghiệm quý báu về giải pháp kiến trúc nhiệt đới. Bản chất của kiến trúc sinh thái là lấy môi trường làm trung tâm, môi trường – khí hậu là nhân tố chính để xây dựng những nguyên lý về kiến trúc bền vững. Nhân dân ta đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm về xây dựng – kiến trúc nhiệt đới, từ chọn hướng nhà, bố cục và tổ chức khuôn viên đến lựa chọn vật liệu xây dựng, đào ao hồ, trồng cây xanh… để ngôi nhà phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhằm tạo cuộc sống phù hợp với tâm sinh lý và điều kiện kinh tế của người Việt. Những kinh nghiệm này không những giúp cải thiện điều kiện vi khí hậu mà còn góp phần tiết kiệm năng lượng. Có thể xem kiến trúc dân gian truyền thống là “kiến trúc xanh”, “kiến trúc sinh thái” trong nội hàm của nó đã bao gồm cả yếu tố phát triển bền vững.
Trong bối cảnh kinh tế kỹ thuật của một nước đang phát triển mới thoát khỏi cận đói nghèo, việc tìm một hướng đi đúng đắn và tích cực cho nền kiến trúc nước nhà là vô cùng quan trọng. Đi đôi với việc phổ biến và khuyến khích giới KTS phát huy các giá trị di sản kiến trúc dân gian trong quy hoạch không gian và kiến trúc công trình tại các vùng đô thị và nông thôn theo hướng kiến trúc sinh thái đơn giản, chúng ta nên đồng thời nghiên cứu và ứng dụng một số công trình trọng điểm theo hướng kiến trúc sinh thái công nghệ cao.
Trên cơ sở hai bước đi cẩn trọng chắc chắn đó, chúng ta sẽ cố gắng tạo dựng cho mình một nền kiến trúc lành mạnh – Kiến trúc sinh thái chiết trung : sử dụng công nghệ vật liệu mới, kỹ thuật xây dựng cao, kết hợp với kinh nghiệm xây dựng truyền thống cha ông trong cách ứng xử hợp lý hài hòa với thiên nhiên, khí hậu và môi trường.
Điểm lại một số công trình, dự án chúng ta có trong thời gian qua, có thể dễ dàng nhận ra xu hướng này qua các vườn treo trên các cao ốc, qua các vườn trống ở tầng 1, nơi giao tiếp với cộng đồng, nơi xóa nhòa ranh giới bên trong và bên ngoài công trình. Những khoảng không giữa hai lớp kính bao che tường ngoài để tăng hiệu quả thông gió tự nhiên theo chiều đứng, những khu vườn đục thông ở các tầng so lệch nhau tạo luồng thông gió tự nhiên theo chiều ngang, những bề mặt hấp thu năng lượng mặt trời và năng lượng gió (vốn là thế mạnh của các nước nhiệt đới) đang gặp thường xuyên trong các đồ án tại các cuộc thi và cả trong một số dự án đang thực hiện. Đó là những tín hiệu đáng mừng trong công cuộc tìm kiếm không biết mệt mỏi một nền kiến trúc Việt có cái riêng để nhận diện, để tự hào.
Nói về kiến trúc sinh thái ở Việt Nam không thể không nhắc đến KTS trẻ Võ Trọng Nghĩa – các công trình của anh với vật liệu tự nhiên tre, trúc, rơm, rạ… hồn nhiên mọc lên từ đất, “sống” nhờ gió và nước mang đậm tư tưởng sinh thái làm ta nhớ tới câu nói của Good.A –  nhà nghiên cứu sinh thái người Mỹ: “Cái hồn của công trình kiến trúc phải sinh trưởng một cách tự nhiên từ đất và đậu nhẹ nhàng lên cảnh quan”. Rất nhiều giải thưởng quốc tế có uy tín đã được trao tặng cho các tác phẩm nhỏ về quy mô xong lớn về “tầm vóc” của anh như : Giải Nhì Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế ở Mỹ cho các công trình bằng tre 2007; Giải Bạc Holcim châu Á Thái Bình Dương 2008; Giải Bạc Holcim Toàn cầu 2009; Giải thưởng Kiến trúc Thế giới IAA 2009 cho “Bar Gió và Nước” và “Trung tâm văn hoá cà phê Trung Nguyên”. Phải chăng đó là sự xác nhận Kiến trúc sinh thái là hướng đi đúng đắn của kiến trúc thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, là sự tôn vinh và khích lệ tài năng, sức sáng tạo của KTS trẻ Việt Nam mà Võ Trọng Nghĩa là đại diện tiêu biểu
Tìm một con đường, tìm một lối đi cho sự phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập của thế kỷ 21 cần một tầm nhìn chiến lược, cởi mở và tích cực, trong đó vai trò định hướng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng một nền kiến trúc tiên tiến hiện đại mang đặc trưng truyền thống dân tộc – Nền Kiến trúc sinh thái Việt Nam./.

GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu