Kiến trúc Việt Nam qua 5 năm (2010-2015)

Kể ra, còn mấy tháng nữa mới đủ 5 năm. Nhiều công trình đã xong, nhiều công trình đang dang dở hoặc vừa mới hưng công nhưng đại thể các dự án, thiết kế xây dựng lớn đến năm 2015 đã đâu vào đấy cả. Vậy nên, có thể điểm duyệt Kiến trúc Việt Nam đương đại của 5 năm ấy, mà không lo thiếu sót gì nhiều.

14_ Khách sạn JW Marriot Hà Nội
Khách sạn JW Marriot Hà Nội

15_Quảngtrường 30-10 (Hải Dương)
Quảng trường 30-10 – Hải Dương

May sao, khởi đầu của giai đoạn này lại nằm ở đỉnh điểm đơm hoa kết trái của nỗ lực toàn dân hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tiếng là việc của Thủ đô, nhưng thực tế cội nguồn lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam đòi hỏi kiến thiết tổng lực từ đất tổ Hùng Vương cho đến nơi nơi phát tích ngàn năm tại ba miền đất nước.

Chưa kể thời điểm ấy cũng là khi chín mùi, đủ tài lực để thiết kế xây dựng, tôn tạo, tưởng niệm những gian khổ hy sinh và bao chiến công dân tộc sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ngoài ra, sự rộng rãi trong chính sách Tôn giáo, không câu nệ tâm linh của Chính phủ cũng mở ra cơ hội to lớn cho sự phát triển kiến trúc Tôn giáo tín ngưỡng. Nhớ lại, hết kỉ lục này đến kỷ lục khác của nghệ thuật tôn giáo nước nhà liên tiếp bị chinh phục. Có khi đạt nhấp nhỉnh tầm khu vực, châu lục…

Liền đó là quyền lợi và trách nhiệm toàn xã hội đối với nền kinh tế thị trường vốn được phát động từ hai chục năm về trước, nay đến mùa công quả. Lại nữa, giáp Tết 2011, nhiều cơ quan thông tấn báo tin vui: Tổng thu nhập quốc dân của Việt Nam đã chạm ngưỡng 100 tỷ mỹ kim. Tiếp đó hoạt động cao cường của các ngân hàng đã đẩy nhanh quy mô, tốc độ sản xuất và tiêu dùng kiến trúc lên một bước chưa từng có… Kỳ thực, nước Nam ta chưa bao giờ sẵn đồng ra đồng vào, đặng làm nhà dựng cửa, để mồ để mả nhường ấy…

Trong khoảng thời gian 2010 – 2015, đã mọc lên biết bao nhiêu kiến trúc hạ tầng, thiết chế, công trình công cộng, văn hoá – giải trí, khoa học giáo dục, nhà sinh lợi, nhà ở cho người dân… thuộc về muôn mặt chủ đầu tư và người sử dụng. Bộ mặt kiến trúc mọi miền đất nước thay đổi đến choáng ngợp, nhất là tại các đô thị lớn nhỏ, các thành phố trực thuộc Trung ương. Và, khởi sắc hàng đầu phải kể tới Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Mọi người được sở thị vô số công trình siêu cấu trúc, nhà chọc trời thực thụ, những đường phố bất tận, những khu đô thị không khác mấy bên trời Âu đất Mỹ. Đã được chiêm ngưỡng đủ mọi kiểu dáng kiến trúc tân kỳ, lạ mắt, sang trọng của cả quốc nội lẫn hải ngoại.

Điều phấn khởi hơn cả là kể từ sau năm 2010, các nhà đầu tư, cơ quan tư vấn, các KTS dường như đã chính thức nhìn nhận lại công việc thiết kế xây dựng của mình, của đồng nghiệp, của cả người nước ta lẫn người nước ngoài. Từ đó đưa ra ứng xử nghề nghiệp phù hợp, đệ trình hình thức rôm rả hơn. Mọi kết quả tốt, kết quả đáng khích lệ cũng từ đó mà ra.

12_ TT tài chính Việt Nam, quận 10 - TpHCM
Trung tâm Tài chính Việt Nam, quận 10 – TP Hồ Chí Minh

14-Nhà Bình Thạnh
Chung cuw Bình Thạnh

6_Bảo tàng LSQG. Tk của Nhật Bản
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Thiết kế của KTS Nhật Bản

Xin nêu mấy ý kiến cá nhân về 5 năm đáng nhớ của Kiến trúc đương đại Việt Nam.
a) Một là: Nền kiến trúc ấy đang trên đường vươn tới phương hướng nghệ thuật đúng đắn, cập nhật nội dung xây dựng và bảo vệ nước nhà, bằng nhiều tác phẩm xứng đáng. Tô điểm và có thể cải thiện một phần diện mạo kiến trúc đô thị đã trở nên nhạt nhẽo trước đó. Trong đó, tên tuổi, đẳng cấp của các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước, nghệ thuật riêng của một số KTS dần dà hiện ra rõ nét.

b) Hai là: trong 5 năm đáng nhớ của Kiến trúc Việt Nam đương đại, người ta lại vẫn cứ thấy một số (số không ít) những tác phẩm, mà nói như lời các bậc tiền bối là chẳng khác gì những sản phẩm “nhìn rớt”, “ngắm rớt”, ám tả rớt. Trộm nghĩ, giữa ngày hôm nay những điều răn dạy của các bậc tiền hiền, các nghệ sĩ ông cha đối với anh chị em kiến trúc sư đương đại vẫn chẳng hề nguội lạnh.

c) Ba là: Chủ nghĩa lịch sử thời Đương đại. Cũng giống như bất kể người nước nào, người Việt Nam ta trân trọng Lịch sử lắm, nhiều khi đến mức đắm đuối. Đương nhiên liền đó là sự trân trọng và mong mỏi được thừa kế Lịch sử nghệ thuật. Đó là ứng xử rất chính đáng nơi ngàn năm đất nước con người Việt Nam, mà KTS thời đại phải phụng sự. Ai thể hiện bằng thiết kế có trí tuệ, biểu trưng được chức năng sử dụng, quyến luyến bề sâu hồn Việt thì thành công. Nhược bằng, làm nhà dựng cửa kiểu ăn xổi ở thì dễ thất bại. Về lâu dài thế nào chưa biết, chứ trước mắt cầm chắc thiệt hại to lớn về sức người sức của. Trong khi tác dụng ăn ở, giải trí, khuyến dụ truyền thống, giáo dục thẩm mỹ lại chẳng được là bao.

5_Opera Thang Long, Kts Renzo Piano
Dự án nhà hát Opera Thăng Long, KTS Renzo Piano

6-Trường PTCS và THPT Phan Chu Trinh - Dĩ An, Bình Dương
Trường PTCS và THPT Phan Chu Trinh – Dĩ An, Bình Dương – KTS Võ Trọng Nghĩa

d) Nghĩ ngợi cá nhân về một Công ty kiến trúc.
Đó là Công ty Võ Trọng Nghĩa.
Xin nói luôn đây là Công ty mới ra ràng, so với các Công ty khác còn thua kém rất nhiều về lực lượng chuyên môn, vốn pháp định, nhất là một ban lãnh đạo có thế lực. Và đương nhiên, trong thực tế vai trò kinh tế – xã hội của Công ty này bị trùm lấp bởi vô số đơn vị tư vấn thiết kế hùng mạnh. Nhưng thế lại đâm tiện, một khi nghĩ về nó trên bình diện chuyên môn:
– Đa dạng về sản phẩm.
– Tìm kiếm hình thức từ chính kiến trúc của những con người “nhỏ bé”. Làm cho mật thiết cái đời thường, cái chững chạc với cái duyên dáng. Từ đó thận trọng tiến đến cái sang trọng, cái cao cả.
– Thuyết phục công chúng bằng sự chân thực của cấu trúc và chất liệu. Việc lớn, việc nhỏ đều cạnh tranh trong sáng (như lời KTS Võ Trọng Nghĩa).
– Gắng phấn đấu nghệ thuật riêng. Kiên trì phương pháp. Cùng lúc thiết lập kỷ luật lao động sáng tạo trong nội bộ cơ quan.

Còn như việc người đứng đầu công ty – KTS Võ Trọng Nghĩa giành nhiều giải thưởng lớn trên trường Quốc tế, hơn nữa được Tạp chí Architectural Record bình chọn vào số 10 KTS tiêu biểu năm 2012; thì – như mọi người đều biết một điềm lành hay diễn ra trong đôi ba chục năm lại đây: Đó là KTS nào qua được vòng bình chọn hằng năm ấy của Architectural Record, kể như anh ta đã chắc một chân vào gian Khánh tiết của Giải thưởng Pritzker. Cứ cho là người ngoại quốc phiến diện ít nhiều, quan trọng là hầu hết tác phẩm của Công ty Võ Trọng Nghĩa đều thiết kế xây dựng trên quê hương Việt Nam.

Đương nhiên 5 năm qua đi, nhiều đơn vị khác còn thành công về thiết kế xây dựng hơn Công ty Võ Trọng Nghĩa, thậm chí to lớn hơn muôn phần. Hiềm một nỗi thương hiệu của chúng thiên về trừu tượng. Nào là đích danh quốc hiệu hay tên tuổi của thành phố trực thuộc Trung ương. Có khi là địa danh Phát tích thiêng liêng, địa chí, danh lam thắng cảnh nổi tiếng nào đó…Chưa kể bệnh cuồng chữ, chiết tự, gán ghép đủ các thứ tiếng, từ Quốc ngữ đến La tinh, Anh, Pháp, Nhật, Hoa…Phàm là Thương hiệu của cơ quan Tư vấn thiết kế mang tên thiết chế chức năng thì để vậy, còn lại cốt sao mỗi thương hiệu kiến trúc phải sáng lên cái điêu luyện của người vẽ kiểu – chất ngọc của mỗi một công trình. Bởi nhẽ, nhờ đó công chúng mới tiếp xúc được với tài ba nghệ thuật chân chính, mới vỡ vạc ra rằng kiến trúc đô thị đương đại của ta được – mất những gì!

Tôi vẫn nghĩ, nền kiến trúc của ta cũng như bất kể của quốc gia dân tộc nào khác, không chỉ riêng từ những tháng ngày của 5 năm, mà cho đến thập kỷ, thế kỷ đều có con đường đi lên, tiến triển mạnh mẽ một phần nhờ ở sự tự ái, nói cách khác là tự trọng nghề nghiệp, dấn thân hay trách nhiệm nghệ sĩ gì đó nơi những Kiến trúc sư – công dân. Kiến trúc Việt Nam đương đại lại càng cần như thế.

KTS Đoàn Khắc Tình