KTS Trần Ngọc Chính: “Vũng Tàu đã tiến một bước dài ra phía biển…”

Là người chủ trì Đồ án Quy hoạch đợt đầu cho Vũng Tàu từ năm 1981, trong hơn 30 năm qua, đã rất nhiều lần KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đến với Vũng Tàu, lần nào với ông cũng đầy cảm xúc – như được trở lại với vùng đất thân quen và gắn bó….

Năm 1981, sau khi hoàn thành dự án công trình thuỷ điện Hoà Bình, KTS Trần Ngọc Chính về làm việc tại Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước và được KTS Huỳnh Tấn Phát (Chủ nhiệm Ủy Ban Xây dựng cơ bản nhà nước lúc bấy giờ) cử làm trưởng đoàn đoàn chuyên gia  vào đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo triển khai Quy hoạch xây dựng đợt đầu cho Vũng Tàu. Với đồ án này, Ông và nhóm chuyên gia đã đề xuất phương án quy hoạch đô thị Vũng Tàu theo hướng chuyển đổi từ một căn cứ quân sự dưới chế độ cũ, trở thành một trung tâm phát triển công nghiệp, dựa trên nền tảng là khu dịch vụ dầu khí, lắp đặt giàn khoan; là trung tâm hành chính, đô thị nghỉ dưỡng…
Mười năm sau, KTS Trần Ngọc Chính trở lại Vũng Tàu với nhiệm vụ chủ trì đồ án Quy hoạch chung TP Vũng Tàu, lúc này đã là thủ phủ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR – VT). Đồ án đã trở thành xương sống cho sự phát triển của đô thị Vũng Tàu hôm nay. Theo đó, những phân khu chức năng của đô thị được đề xuất hợp lý: không gian Bãi Trước gắn với trung tâm đô thị lịch sử và kéo dài về phía Chí Linh, trở thành trung tâm phát triển; Bãi Dứa, Bãi Dâu, Bãi Sau chú trọng khai thác du lịch ven biển, gắn kết với Cửu Lấp, Long Hải trở thành khu du lịch nổi tiếng nhất Đông Nam Bộ và cả nước. Đồng thời, Cảng dịch vụ dầu khí lớn nhất cả nước cũng được quy hoạch, kết nối hiệu quả với hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ….
Ngày nay, Vũng Tàu đã trở thành một đô thị du lịch biển hấp dẫn nhất Việt Nam. Tháng 5/2012, KTS Trần Ngọc Chính đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho Cụm công trình quy hoạch – xây dựng 3 đô thị: Khu công nghiệp Dung Quất, TP Đà Nẵng và TP Vũng Tàu. Ông đã rất tự hào được đóng góp sức mình cho sự phát triển của thành phố này – “Giúp Vũng Tàu tiến một bước dài ra biển Đông”.
KTS Trần Ngọc Chính đã có cuộc trò chuyện với PV Tạp chí Kiến trúc. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phóng viên (P/V): Đặt chân đến Vũng Tàu từ năm 1981, chắc chắn lúc đó Vũng Tàu rất khác so với bây giờ, xin Ông cho biết ấn tượng đầu tiên của ông về thành phố này?
KTS Trần Ngọc Chính: Các bạn biết đấy, lúc đó tôi mới chân ướt chân ráo trở về từ dự án thuỷ điện Hoà Bình, ngay lập tức đã được phân công làm Chủ nhiệm đồ án quy hoạch đợt đầu Đô thị Vũng Tàu. Thú thực là tôi rất vui vì từ sau giải phóng, lần đầu tiên  tôi được vào với miền Nam ruột thịt, nhưng cũng rất lo lắng vì đây là một chuyến đi dài, đến một vùng đất mới, với những cộng sự mới…
Cảm nhận đầu tiên của tôi về Vũng Tàu – đó là một đô thị biển xinh đẹp bị cưỡng ép phải phục vụ chiến tranh, những khu vực quân sự, doanh trại với hàng rào thép gai nhức nhối, những khu nghỉ dưỡng dành cho quan chức chế độ cũ…
Chúng tôi may mắn được sự giúp đỡ, ủng hộ của tất cả các cơ quan, ban, ngành của địa phương, lúc đó còn rất non trẻ. Đi khắp các địa danh của Vũng Tàu (Núi Lớn, Núi Nhỏ, xã đảo Long Sơn…), làm việc với các ngành: kinh tế, thống kê, dân số… Chúng tôi đã làm việc trong 4 tháng ròng rã và còn trở lại nhiều lần, nghiên cứu mối quan hệ vùng, phác họa phương án quy hoạch Vũng Tàu cho 5 năm tới và triển khai những hạng mục quan trọng nhất – xác định tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của thành phố này trong tương lai.

Bãi trước là một trong những bãi biển được chỉnh trang rất đẹp, kết nối với Núi Lớn, Núi Nhỏ tạo thành không gian Biển

 P/V: Vậy nhiệm vụ chính của đồ án Quy hoạch xây dựng Vũng Tàu đợt đầu là gì, thưa Ông?
KTS Trần Ngọc Chính: Nhà nước quyết định thành lập Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo từ năm 1979, với mục tiêu tạo lập không gian kinh tế hoàn chỉnh, tốt nhất để khai thác dầu khí ngoài biển Đông. Về việc này, trước giải phóng, Mỹ – Nguỵ đã có những bước nghiên cứu, thăm dò đầu tiên, sau đó, với những tài liệu thu nhận được, chúng ta đã tiếp tục công việc khảo sát và xác định nhiệm vụ khai thác dịch vụ dầu khí như một ngành mũi nhọn của nước nhà. Và thực tế đã chứng minh sự đúng đắn của chủ trương này, cho đến nay, ngành dầu khí đã phát triển, đóng góp GDP rất lớn cho Việt Nam.
Vào thời điểm đó, thực chất nhiệm vụ của Quy hoạch xây dựng đợt đầu đô thị Vũng Tàu chính là việc tạo lập những điều kiện tốt nhất cho việc khai thác tiềm năng dầu khí. Chúng ta không thể chờ có QH chung được duyệt rồi tuần tự làm QH chi tiết, rồi mới triển khai thực hiện được. Yêu cầu lúc đó là phải làm ngay, phác thảo những nét chung, dự kiến bước phát triển trong 5 năm, tạo cơ sở cho khai thác và phát triển dịch vụ dầu khí.
Thực tế lúc đó tại Vũng Tàu, Nhà nước đã thành lập Liên doanh dầu khí Việt Xô – VietsoPetro (đóng tại cơ sở quân sự trước đây ở chân Núi Lớn), bước đầu hình thành Cảng Dầu khí, làm nhiệm vụ tiếp cận, cung cấp thiết bị cơ sở vật chất cho giàn khoan (lúc bấy giờ chúng ta mới chỉ có tàu khoan, sau đó mới lắp đặt các giàn khoan Bạch Hổ, Rạng Đông, Mỏ Rồng…). Công ty Dịch vụ Du lịch Dầu khí Vũng Tàu cũng được thành lập, cung cấp dịch vụ (nhà ở cho chuyên gia, thiết bị, tổ chức khai thác dầu…). Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát rất kỹ địa bàn cũng như lợi thế vị trí, đặc điểm, phân khu chức năng, yêu cầu đặc thù phát triển dầu khí… để đề xuất phương án tối ưu phát triển đô thị Vũng Tàu.

Giàn khoan dầu khí trên biển

P/V: Và những nét chính trong Quy hoạch xây dựng đợt đầu đô thị Vũng Tàu là gì, thưa Ông?
KTS Trần Ngọc Chính: Chúng tôi xác định rõ vai trò của Vũng Tàu với những phân khu chức năng: Trung tâm khai thác dầu khí, trung tâm du lịch biển, trung tâm khai thác hải sản và vị trí an ninh quốc phòng quan trọng. Các phân khu này có mối quan hệ tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau rất lớn. Ý tưởng của chúng tôi chú trọng việc tổ chức không gian để những khu chức năng phát triển hài hoà, bền vững và cách tốt nhất là thực hiện phân khu theo đặc điểm tự nhiên – TP trải dài theo bờ biển.
– Một dải dành cho phát triển công nghiệp, sản xuất ở phía Tây;
– Một dải ưu tiên phát triển du lịch, ở phía Đông;
– Tuyến giữa trở thành TP trung tâm;
Đồng thời, các trục giao thông nối bán đảo với đất liền: đường 51A, 51B, 51C được bố trí thành những tuyến vuông góc, khai thác địa hình cảnh quan, không gian cây xanh, mặt nước, khai thác biển, lấn biển… QH xây dựng đợt đầu đô thị Vũng Tàu đã tổ chức các không gian đó, kết nối với đảo Long Sơn, đề xuất hạn chế phát triển sân bay, đưa sân bay ra phía đảo Gò Găng….
Năm 1989, Nhà nước thành lập tỉnh BR – VT trên cơ sở sáp nhập với một số huyện phía Đông tỉnh Đồng Nai. Tôi cho rằng, đến lúc đó, Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo đã hoàn thành sứ mệnh của mình, thay đổi về mặt quản lý hành chính, với sự khai thác ổn định của ngành dầu khí, Vũng Tàu đã tiến một bước dài ra phía biển.

Quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến năm 2020 – Bản đồ định hướng phát triển không gian

P/V: Và sau đó, Ông và các cộng sự đã tiếp tục với nhiệm vụ Quy hoạch chung TP Vũng Tàu? Ông đánh giá thế nào về diện mạo TP hôm nay?
KTS Trần Ngọc Chính: Đúng vậy, năm 1991, tôi và các cộng sự được Bộ Xây dựng phân công tiếp tục với đồ án QH chung TP Vũng Tàu. Phải nói là tôi rất tự hào khi được góp sức cho TP này, các thế hệ lãnh đạo đã rất quan tâm, sát sao công tác quản lý quy hoạch, lắng nghe quần chúng để tạo nên được “tác phẩm” – đô thị Vũng Tàu. Ngay cả người dân cũng hết lòng xây dựng TP mình đang sống trở nên tốt đẹp hơn.
Những vấn đề đặt ra từ đầu (QH xây dựng đợt đầu) đối với Vũng Tàu đã được tính toán khá chính xác, kể cả những dự báo về dân số. Trong quá trình phát triển, trong phân khu chức năng ở bản QH chung TP Vũng Tàu đã có những điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với cơ chế đầu tư và nhu cầu phát triển đương đại. Cho đến nay, tôi vẫn cảm nhận được ở Vũng Tàu mang những đặc trưng của đô thị sinh thái, kết nối được với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tạo lập những cơ sở để phát triển bền vững:
– Giữ được hệ sinh thái ngập mặn, cách ly Vũng Tàu và Bà Rịa bằng vành đai rừng ngập mặn;
– Hệ thống giao thông hình thành rõ nét đặc trưng của một thành phố biển với trục chính của thành phố, kết nối với các khu công nghiệp bằng những tuyến vuông góc… đạt mục tiêu với các dịch vụ công cộng của TP;
– Khu Công nghiệp, dịch vụ dầu khí tương đối hoàn chỉnh, làm tròn nhiệm vụ hàng năm khai thác hàng triệu tấn dầu, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hoá), Long Sơn (BR-VT). Những khu đô thị được xây dựng đẹp đẽ, với kiến trúc hiện đại, đóng góp đáng kể cho diện mạo đô thị biển;
– Bãi Trước là một trong những bãi biển được chỉnh trang rất đẹp, kết nối với Núi Lớn, Núi Nhỏ tạo thành không gian Biển – Núi rất đặc trưng. Đây thực sự là một thành công của công tác QH cũng như quản lý QH đô thị Vũng Tàu;
– Bãi Sau đã được giải toả, tạo nên cơ sở dịch vụ du lịch được quản lý tốt, trở thành một bãi biển đẹp và thơ mộng…

P/V: Nhận diện đô thị Vũng Tàu, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai, Ông có những lời khuyên gì cho đô thị biển Vũng Tàu?
KTS Trần Ngọc Chính: Tôi vẫn cảm nhận rằng Vũng Tàu có thể phát triển hơn nữa – mới xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng đất này. Có lẽ Vũng Tàu cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, cần những bước đột phá, đưa TP hướng tới phát triển bền vững. Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ một vài ý kiến nhỏ:
– Núi Lớn, Núi Nhỏ là hai địa danh quan trọng, góp phần làm nên lịch sử và đặc trưng của Vũng Tàu, cần thiết phải có những dự án đặc biệt quan trọng cho hai ngọn núi này, quan tâm đến môi trường, sinh thái, cây xanh… Cần chọn lọc công trình, dự án cho phù hợp địa thế, cảnh quan, hệ sinh thái đặc biệt ở đây;
– Phải bảo vệ hệ sinh thái biển, hệ sinh thái ngập mặn, hết sức thận trọng với những dự án phát triển liên quan đến rừng ngập mặn ở khu vực sông Dinh, cầu Cỏ May – ranh giới giữa Vũng Tàu và Bà Rịa;
– Cần có những công trình công cộng với kiến trúc hiện đại, tạo điểm nhấn cho đô thị Vũng Tàu, chẳng hạn như: Nhà hát, Nhà thi đấu, Bảo tàng… Chú ý những công trình này phải được xây dựng ở vị trí phù hợp theo QH – với ý nghĩa định dạng nơi chốn trong thiết kế đô thị;
– Cũng nên xây dựng một quy chế quản lý rõ nét, có cơ chế phát triển với nhiều ưu đãi cho Vũng Tàu – một đô thị đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của đất nước.
– Nên sớm đưa sân bay ra đảo Gò Găng, trả lại đất xây dựng công trình theo QH…

P/V: Xin cảm ơn Ông về cuộc trò chuyện và những ý kiến đóng góp cho sự phát triển của TP Vũng Tàu trong tương lai!

Trúc Linh (thực hiện)