Tìm kiếm mô hình đại học thích hợp cho Việt Nam

Trong các cuộc bàn luận xây dựng mô hình đại học (ĐH) phù hợp cho Việt Nam, mô hình “Campus” (khuôn viên đại học) và “Đại học Xanh” thường được nhắc đến. Tuy vậy cho đến nay, phải nói rằng các dạng ĐH này vẫn chưa được hiểu đúng, ví như cần phải hội tụ các yếu tố nào, làm sao thực hiện chúng trong hoàn cảnh đất nước ta…
Từ “Campus” đến “Đô thị đại học”
Hiện nay, hầu hết các trường ĐH ở Việt Nam đang đối mặt với vấn đề: Hoặc cứ mãi duy trì kiểu trường sở phân tán mạnh ai nấy làm khắp nội thị như hiện nay, hoặc phải tập trung các cơ sở giảng dạy và nghiên cứu vào một khuôn viên ĐH tổng hợp nằm ở ngoại vi thành phố. Dạng Campus hiện đang thịnh hành nhất.
“Campus” xuất hiện rất sớm ở Hoa Kỳ, vào đầu thế kỷ XVIII. Khởi đầu là College of New Jersey, miền Đông Hoa Kỳ, xem như một không gian đô thị đặc biệt dành cho đào tạo cấp cao. Các ĐH Mỹ nở rộ vào thế kỷ XX đều xây dựng theo dạng này và ngày nay được cả thế giới mô phỏng theo.  

Campus Đại học HongKong

Ở Mỹ, từ ”Campus’” có nghĩa là một khuôn viên ĐH tổng hợp qui mô lớn, gồm nhiều cơ sở đào tạo, nằm phân tán trong một khu đất có cảnh quan thoáng và đẹp, không có ranh giới giữa các khoa và mở ra với cộng đồng chung quanh. Đây thực sự là một cộng đồng giáo dục tập trung. Do đó, càng về sau Campus được mở rộng và mang dạng một “đô thị đại học”, do chức năng và hoạt động của nó giống y hệt một khu đô thị hoặc một thành phố nhỏ. Nhưng thành phố ở đây chỉ tập trung vào việc đào tạo, nghiên cứu và phục vụ nơi ăn chốn ở, sinh hoạt của tập thể người giảng dạy và sinh viên. Như vậy, đô thị ĐH ngày nay khác với quan niệm Campus khép kín kiểu cũ, và ngày càng có khuynh hướng gắn kết nhiều hơn với sinh hoạt cộng đồng dân cư chung quanh.
Có dịp tham quan một Campus Mỹ hoặc tại các nước Đông Nam Á ngày nay, bạn sẽ không nhìn thấy ranh giới giữa khuôn viên ĐH  và khu vực dân cư bao quanh. Khác với phần lớn các khu ĐH châu Âu mang tính kinh điển khép kín, Campus Mỹ giảng dạy tập trung ở ngoại vi thành phố lớn, nhưng sinh hoạt lại mở ra cộng đồng chung quanh. Sinh viên đa phần trú ngụ và sinh hoạt bên ngoài trường và người dân trong vùng có thể tham gia sinh hoạt ở ĐH, sử dụng các cơ sở ĐH như thư viện, sân bãi thể dục thể thao, giảng đường cho các hoạt động cộng đồng…

Đại học Quóc tế Miền Đông, Bình Dương

Hệ thống đường sá Campus mang dạng xương cá, với các trục đường chính và phụ cho xe hơi, nhưng chằng chịt là mạng lưới đường chạy xe đạp và đi bộ. Quả tim của Campus là khu lõi trung tâm với quảng trường, cơ sở điều hành và đào tạo, nghiên cứu như thư viện, giảng đường, phòng “lab” (thí nghiệm). Việc đào tạo và nghiên cứu riêng biệt phân tán hẳn về các khoa, nhưng tham khảo và nghiên cứu chung tập trung về các cơ sở bố trí ở khu trung tâm. Có điều là ta không thể phân ranh giới giữa các khoa, không nhìn thấy hàng rào, cổng trường. Sinh viên thường chạy như con thoi theo các khóa giảng, từ khoa này sang khoa kia cho các môn học đa ngành.  
Dĩ nhiên là mỗi Campus đều có khu nhà ở dành riêng cho thành phần giảng viên, ký túc xá, câu lạc bộ cho sinh viên, nhiều cơ sở dịch vụ. Vì vậy mà nhìn về tổng thể, cả khuôn viên ĐH trông giống như một công viên lớn, một thành phố sinh thái nhỏ, diện tích có khi lên đến cả nghìn hecta. Khái niệm “Đại học Xanh” phát triển bền vững ra đời từ đấy.
Ưu điểm của mô hình Campus vừa tập trung vừa mở kiểu này ngày nay rất phổ biến và đang được nhiều nơi trên thế giới làm theo. Hầu hết tại các nước trong khu vực Đông Nam Á đã hình thành nhiều Campus lớn. Muốn hội nhập, chắc ta cũng phải hình thành các dạng đại học kiểu này. Vấn đề đặt ra là nên chọn nơi nào thuận lợi nhất để làm thí điểm mô hình mới này?

Khái niệm “Đại học xanh”
“Đại học xanh” trước hết phải nằm trong một khuôn viên xanh, giảm tác động tối đa đến môi trường. Bên cạnh đó, còn cần các yếu tố như quản trị bền vững, hiệu quả, xây dựng nhận thức cho sinh viên và giảng viên về những hành vi thân thiện với môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa giáo dục và lối sống, quá trình hoạt động phải bảo đảm tính hợp lý theo hướng bền vững, lâu dài…
Từ những thập niên cuối thế kỷ trước, các nhà tương lai học nổi tiếng phương Tây đã mô tả nền văn minh loài người bước vào thế kỷ XXI như sau: Sự bùng nổ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, chủ yếu là công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu và năng lượng sẽ hướng thế giới về xu thế phát triển bền vững và tạo ra một xã hội khác, một khung cảnh sống khác cho con người.


Khái niệm “Đại học xanh” xuất hiện vào năm 1990, khi lãnh đạo 22 trường ĐH hàng đầu thế giới họp tại Pháp và cùng ký vào bản “Tuyên bố Talloires”, bao gồm một chương trình hành động nhằm định hướng cho các trường ĐH hướng đến sự bền vững trong bối cảnh thế giới lo ngại tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng.
Chúng tôi đặc biệt chú ý chuyên đề hội thảo“Điều gì tạo nên một trường “đại học xanh’ tại Việt Nam” do nhóm nghiên cứu đào tạo ĐH Trí Việt (TP.HCM) chủ xướng. Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận xoay quanh các vấn đề ĐH phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, bàn về nội dung quy hoạch tổng thể khuôn viên ĐH “xanh”. Các vấn đề như giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, xây dựng chương trình giảng dạy và nghiên cứu hài hòa để trang bị cho sinh viên và xã hội các kiến thức cần thiết nhằm đối mặt với những thách thức về môi trường, làm sao đánh giá mức độ hiệu quả phát triển bền vững của một trường ĐH, tác động và gắn kết với cộng đồng – xã hội…
Xu thế phát triển ĐH theo hướng “xanh” hiện đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Tiến trình xây dựng ở từng nước cũng có những thuận lợi và thách thức khác nhau.
Tuy nhiên, do khái niệm này còn khá mới mẻ ở nước ta, cho nên các chuyên gia thống nhất cần sớm đề ra các tiêu chí của ĐH xanh trong điều kiện của Việt Nam, xây dựng một khung nguyên tắc bao gồm hệ thống những tiêu chuẩn xanh cho khuôn viên của trường ĐH, cẩm nang về quản lý, kế hoạch giảng dạy, học tập và nghiên cứu theo hướng bền vững…
Lấy kinh nghiệm trong quá trình tư vấn, xây dựng tại Đông Nam Á, GS-KTS Nirmal Kishnani (ĐH Quốc gia Singapore) đã chỉ ra những ngộ nhận của các nhà lãnh đạo khi xây dựng ĐH, dẫn đến thái độ ngần ngại khi hướng tới việc phát triển bền vững. Đơn cử như sợ tốn kém khi phải thuê chuyên gia tư vấn, nhiều KTS cũng lầm tưởng phải có công nghệ tiên tiến mới tạo được những thiết kế xanh, trong khi nhiều trường hợp có thể sử dụng những nguyên liệu như vật liệu tái chế hoặc tái tạo năng lượng trong quá trình sử dụng.
Ông kết luận: “Xây dựng ĐH xanh không quá khó và tốn kém như nhiều người lầm tưởng. Sự phức tạp không phải nằm ở công nghệ, nguồn vốn mà nằm ở việc sử dụng nguyên liệu một cách hữu ích, thông minh”.

Đại học Rmit, TP HCM

Về mặt kiến trúc – quy hoạch, đâu là những tiêu chí cho việc xây dựng một ĐH xanh? Vào cuối năm 2008, nhóm thiết kế Steinberg Architects (Mỹ) đã được Trí Việt chọn trong một cuộc thi ý tưởng quốc tế. Nếu được thực hiện, dạng đại học này sẽ tạo sự khác biệt do có nhiều ý tưởng độc đáo hướng về xu thế kiến trúc sinh thái và phát triển bền vững. Sau đây là các nét chính của phương án Steinberg:
– Các không gian Campus (khuôn viên đại học) sẽ không phát triển tùy tiện mà theo một lộ trình rõ ràng, ưu tiên việc tạo “quả tim” trung tâm. Nhịp đập từ quả tim này sẽ lan tỏa ra các sinh hoạt xã hội, cộng đồng.    
-Tính bền vững, thiết kế xanh: Nhằm đối phó biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ thiên nhiên, nguồn nước, tận dụng mặt trời, gió và nước lẫn địa hình.
– Mạng lưới đi lại: Chủ yếu dành cho đi bộ, xe đạp. Nên bố trí tách phương tiện cơ giới ra ven rìa.
-Công nghệ mới: Cần đưa những kỹ thuật tiên tiến của thế giới vào các cơ sở đào tạo và các không gian mở về sinh hoạt cộng đồng.    
-Thiết kế công trình: Chú ý tạo nhiều không gian đa năng, liên kết đa ngành, dễ chuyển đổi công năng sử dụng. Chúng có tác dụng tạo sự gặp gỡ, trao đổi và giao lưu. Khuynh hướng thế giới là chuẩn hóa trong xây dựng cơ sở đại học, qua việc áp dụng các chuẩn môđun cho thiết kế phòng học, cơ sở dịch vụ.   
– Phân đoạn thực hiện: Ngay từ đầu, quy hoạch tổng thể phải đề ra một chiến lược phân đoạn xây dựng. Ưu tiên vẫn là tạo được quả tim sinh động cho Campus là khu trung tâm đại học. Phân khu chức năng và quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật cũng phải đi trước một bước.
Trong các cuộc thảo luận về mô hình ĐH vừa qua, có không ít đề xuất được các chuyên gia đưa ra nhằm hình thành một Campus Xanh kiểu đó. Tuy vậy, nhiều người vẫn nghĩ muốn hình thành một ĐH xanh, trước mắt nên hình thành ngay một “Trung tâm phát triển bền vững” xem như hạt nhân của dự án nhằm cụ thể hóa những ý tưởng “ĐH xanh” trong khung cảnh đất nước rất cần nguồn nhân lực có chất lượng cao để hội nhập vào khu vực và thế giới.
Mong rằng Việt Nam biết sử dụng lợi thế của người đi sau, rút tỉa được các mặt mạnh lẫn mặt yếu trong xây dựng ĐH các nước thời gian qua để sớm hình thành các mô hình ĐH ở Việt Nam theo hướng “đại học xanh”, phù hợp xu thế phát triển của thế giới ngày nay.  Ở nước ta, nay cũng đã xuất hiện một số Campus thể nghiệm mô hình ĐH Xanh, ví như ĐH FPT ở Hoà Lạc, Hà Nội; các ĐH Miền Đông ở Bình Dương và ĐH  RMIT ở TP.HCM…

KTS Nguyễn Hữu Thái