Tết đến – Nhớ “Phố Gà Tần” Tống Duy Tân

LTS: Quãng 20 năm trước, phố Tống Duy Tân được ghi danh “Phố ẩm thực” Hà Nội. Gọi là “Phố ẩm thực” nhưng mấy món được nhớ đến chỉ loanh quanh bánh cuốn, gà tần, cơm đảo gà rang, ốc luộc… trong đó “nổi” nhất vẫn là món gà tần – Nổi đến nỗi “ăn” luôn thành tên “Phố Gà Tần”. TCKT số này trân trọng giới thiệu góc nhìn phố cũ Hà Nội qua ký ức một KTS đã sinh ra, lớn lên ở “Phố Gà tần” luôn thương nhớ phố xưa…

Ký hoạ Phố ẩm thực Tống Duy Tân – Tác giả: Nguyễn Thị Xuân Hiền

Đâu cứ phải Lý – Trần – Lê

Danh chính ngôn thuận không có “Phố Gà Tần”, còn phố Ẩm thực chẳng qua dân gian thích đâu gọi đấy! Phố Gà Tần gồm phố Tống Duy Tân và đoạn ngõ Hàng Bông đâm ngang phố này. Ngõ Hàng Bông – phố Cấm Chỉ xưa, gắn với giai thoại Chúa Chổm năm đầu triều Lê Trung Hưng. Tống Duy Tân, xướng tên nghe biết liền tích “Vô địa khả mai…” Còn Kỳ Đồng, tên ngày trước của phố này cũng gợi chuyện học tài của thần đồng Nguyễn Văn Cẩm. Nói sơ để biết, phàm là phố phường Hà Nội dù lớn dù nhỏ, đều dễ nhiễm chất sử.

Thuở Lý, Trần, Lê sơ, đất này hẳn đã có người ở, nhưng chắc chỉ lèo tèo làng xóm lầm lụi mạn Đông Nam kinh thành Thăng Long, giữa hồ ao chằng chịt. Bấy giờ, sầm uất phải kể đến khu chợ Đông, chợ Tây, phường Hà Khẩu, chợ Cầu Đông, bến sông Tô và ngược lên – cảng Triều Đông, chỗ dốc Hoè Nhai. Cứ gọi là phố xá san sát, ngựa xe như nước, chợ búa, bến thuyền sầm uất, thịnh vượng. Còn mạn Đông Nam Thăng Long, đông vui chắc cũng phải cuối Lê đầu Nguyễn. Phần vì đất này kế bên Quảng văn đình, cửa Đại Hưng, “yết hầu” của khu Nam Kinh thành và Hoàng thành. Dân cư sinh sôi, làng nghề tề tựu, thành thử trù mật hơn nhiều. Đất ấy vốn sẵn đền miếu chùa đình cổ kính. Xa một chút có Giảng Võ đường, gần hơn – Văn Miếu Quốc tử Giám, chùa Ngọc Hồ, chùa Một Cột, đền Vọng Tiên, thành Hà Nội; lại thêm ga Hàng Cỏ, chợ Cửa Nam… phố Tây nhà Tây liền liền to đẹp do người Pháp xây dựng hồi đầu thế kỷ 20. Phố Tống Duy Tân, ngõ Hàng Bông nên vóc nên hình từ đấy. Chẳng rõ tự bao giờ, khu Đông Nam Hà thành đã trở nên chốn ưa thích của khách thập phương mỗi khi về thăm người vãng cảnh.

Phố Tống Duy Tân nguyên là đoạn đường chạy men theo cánh phía Đông của thành Dương Mã (mang cá) bảo vệ Bắc thành đời Nguyễn. Đến khi thành phố xá hẳn hoi, một đầu phố này ăn ra đường Trần Phú, còn đầu kia – Điện Biên Phủ, thì độ dài của nó cố định 200m. Thời thuộc Pháp đây là phố Brusseaux, tháng 8/1945 được Thị trưởng Trần Văn Lai đổi thành phố Kỳ Đồng, đến 1964 cải thành Tống Duy Tân và phố Cấm Chỉ đổi thành Hàng Bông Lờ. Dạo ấy, trẻ mỏ phố tôi tệ lắm! Người lớn, thậm chí cả chú công an hộ khẩu mấy lần đe nẹt mà chúng vẫn lén công kênh nhau dùng phấn sửa bậy bảng tên phố Hàng Bông Lờ. Chưa đầy ba tháng sau nổ ra chiến tranh phá hoại; đứa lớn vào bộ đội, thanh niên xung phong, đứa nhỏ đi sơ tán. Ít năm sau, Mỹ ném bom hạn chế, đám trẻ năm nào trở về, lạ thay tịnh không còn chuyện vẽ bậy bảng tên phố. Chẳng hoá chiến tranh làm chúng biết xót xa ngõ phố tuổi thơ? Sau 1975, trai gái phố tôi nhỏ thì đã lớn, lớn thì lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái. Và chính chúng bằng tần tảo hàng quán đã làm nên thương hiệu Phố Gà Tần nổi tiếng. Đầu những năm 80 thế kỷ trước, phố Hàng Bông Lờ đổi thành ngõ Hàng Bông cho đến nay. Ngõ này dài 88m, gọi là ngõ nhưng hai đầu đều thông ra phố.

Ký hoạ phố Tống Duy Tân – Tác giả: Nguyễn Thị Xuân Hiền

Từ ngày hoà bình lập lại đến trước chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, phố xá Cấm Chỉ, Kỳ Đồng giữ được nét xưa cũ. So với mấy phố có tên tuổi gần đấy như Điện Biên Phủ, Trần Phú, Phùng Hưng, Hàng Bông, Tràng Thi thì Tống Duy Tân và ngõ Hàng Bông kể vào hàng phố nhỏ, ngõ nhỏ im ắng, bình an. Độ thanh thiên bạch nhật, tiếng người lao xao, tiếng guốc dép trên hè phố còn nhiều hơn tiếng ô tô, bình bịch. Ầm ĩ nhất là chỗ máy nước công cộng, tối ngày xúm xít. Đi đâu xa, ra đấy chào bà con xóm phố một tiếng cũng tiện. Những trưa hè nắng đổ, ngày đông rét mướt dõi từ đầu đến cuối phố chỉ loáng thoáng bóng người. Đêm về xào xạc tiếng chổi tre, tiếng rao “Tào phớ”..! “Quất ơ”..! “Ai bánh khúc đơi..!” nghe nôn nao con phố nhỏ. Đốm đèn chai mong manh xe rong hàng phở biết thân biết phận mỏi mòn đợi khách ăn khuya…

Ký hoạ của KTS Trần Nam Long

Cầm canh cho khu phố là tiếng đầu máy hơi nước xình xịch và mấy hồi còi xe lửa ngược xuôi trên đường ray kẹp giữa hai phố Tống Duy Tân, Tôn Thất Thiệp. Phố xá đìu hiu, hàng quán chả có gì, chỉ tổ con trẻ đùa nghịch, đánh khăng, chọi que kem, đá bóng dưới lòng đường. Gặp cơn giông hay gió mùa đông bắc ào về là lá vàng, lá xanh rụng rơi chao liệng rối rít, vờn đuổi nhau trốn tìm nơi phố vắng. Và, man mác hơn cả là âm giai dương cầm vọng ra từ cuối phố, làm ngõ phố tuổi thơ của tôi tao nhã thêm, Hà Nội thêm nhiều… Dạo trước từng có KTS nuôi ý tưởng tổ chức một Hành lang Du lịch bám theo phố tây, phố ta dẫn dắt khách trong ngoài nước về Hà Nội thăm người vãn cảnh, lần lượt qua các di tích lịch sử văn hoá, nghệ thuật, văn vật kiến trúc Hà thành. Đại để dùng “vốn tự có”, mở lối cho khách thập phương tìm về Hà Nội ngày xưa mà cảm động trước cái thắm thiết của nó. Đại ý nhờ đấy vén lớp rườm rà, khó chịu buổi tân thời, phủi lớp bụi cho thấy sáng ra cái cổ kính Thăng Long ngàn tuổi. Này nhé, cứ theo Hành lang Du lịch của vị KTS nọ nhẩn nha mà thăm Văn Miếu, Hồ Giám, Chùa Ngọc Hồ, Chùa Một cột, Cột Cờ, Võ Miếu, Vườn hoa Canh Nông, Đền Vọng Tiên… Đâu rồi, Cửa Đại Hưng ngựa xe như nước, trong là Hoàng thành, ngoài là Kinh thành? Đâu rồi, Vườn hoa Cửa Nam xưa có Quảng văn Đình – nhà thông tin lớn nhất cuối thời Lê, sau thay vào đó là tượng bà đầm xoè, bãi rộng dành cho lính kèn thổi nhạc Tây mỗi chiều chủ nhật? Còn nữa, rạp chiếu bóng Kinh Đô, Nhà hát Hồng Hà, có “máu mặt” của Hà Nội ngày ấy. Chợ Cửa Nam hàng họ chả kém chợ Hôm – Đức Viên, Đồng Xuân, Hàng Da. Đường đi, lối về quả là nhất cử lưỡng tiện. Rồi thể nào cũng tạt qua Tống Duy Tân, ngõ Hàng Bông làm bát phở, đĩa bánh cuốn, tấm bánh dày, bánh giò, bát bún chả, bún nem…Và, cả món gà tần sành điệu nữa chứ. Khỏi nói phố Tống Duy Tân, ngõ Hàng Bông có cái may lọt giữa khu phố cũ của Hà Nội. Khi thành phố phình tướng ra thì hai ngõ phố ấy có giá lắm. Ở đấy lúc nào cũng ầm ào cười nói ra “tuồng” Kẻ Chợ ngày xưa.

Thời chiến, Hà Nội gian lao, ác liệt thế nào, thì mấy ngõ phố nhỏ chừng ấy bể dâu. Có khẩu đội cao xạ 12 ly 7 chững chạc trên nóc mậu dịch đồng hồ Alpo (phía bên kia đường, chỗ Tống Duy Tân đâm sang Điện Biên Phủ). Bao loạt đạn rền vang làm con phố nhỏ thảng thốt. Thế nhưng gan góc lắm, ra dáng Hà Nội lắm! Vô lý, chiến tranh đấy mà con phố lại đẹp hơn lên chỉ với những gì nó có. Và cũng vì khuất nẻo, lòng đường Tống Duy Tân mọc ra cái chợ Kỳ Đồng, chợ xanh dã chiến giữa lòng phố cổ. Còn nền đường ngõ Hàng Bông dành xây hầm trú ẩn công cộng; tạm xây nổi để bớt máu xương những khi thành phố hứng chịu đạn bom giặc Mỹ. Trận chiến nào ở Hà Nội cũng bi tráng và phần thắng luôn thuộc về những người con của đô thị ngàn tuổi. Nhân nhắc đến mậu dịch đồng hồ Alpo, mãi sau này tôi mới hay chuyện: Bác thợ bảo hành của mậu dịch, người gầy đen, đeo kính dày cộp tháng ngày ngồi lỳ trong ô kính sát cửa sổ trông ra phố Nguyễn Thái Học. Ông chính là người đã chế tạo không biết bao nhiêu rơ -le hẹn giờ mìn cho chiến trường miền Nam từ đồng hồ poljot. Bất giác, tôi nhớ câu thơ: “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ…” của Việt Phương.

Kiến trúc

Trước ngày tiếp quản Thủ đô, phố Tống Duy Tân, ngõ Hàng Bông cũng xoàng xĩnh lắm, đa phần dân cư tiểu thị dân, người làm thuê, chẳng mấy công chức bự, nhà giàu. Nổi bật vài ba nhà riêng có chủ khá giả, còn lại nhà cho thuê là chính. Dân gốc không có mấy vì phố này không gắn với phường hội hay làng nghề xưa thuở Thăng Long, Đông Kinh. Thế mà chỉ mấy chục năm sau tiếp quản thủ đô, lượng nhân khẩu trong mỗi số nhà ở phố Tống Duy Tân và ngõ Hàng Bông ít nhất cũng tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Không hẳn tại sinh năm đẻ bẩy mà chủ yếu đất lành thì ít mà chim muốn đậu thì nhiều. Một số lượng đáng kể, tuy không thường trú nhưng đông đảo quanh năm suốt tháng, ngày đêm là đội ngũ làm thuê, phụ bếp, chạy bàn, chào mời níu kéo khách ăn quà…

Cả phố Tống Duy Tân và ngõ Hàng Bông đều nhỏ, lòng đường chừng hơn 6 thước tây, vỉa hè chỗ rộng chỗ hẹp, dấu vết xây dựng nhiều thời kỳ, nhà trước đường sau và không được trồng cây quy củ. Tuy không nhiều nhặn gì nhưng cũng đủ sấu, muỗm, hoa lan, doi, nhãn sum suê – cây cối trồng trong các sân nhà sát vỉa hè, quanh năm rải rắc lá hoa ra đường phố, mùa lá rụng càng ra dáng. Đặc biệt, nhà số 4 có cả một cây đa cổ thụ vào loại hiếm của nội thành thuở ấy. Riêng cuối phố Tống Duy Tân có cây duối lưu niên, phong trần náu ở góc hè đường, chỗ nhà số 26 và số 28. Dân tình thì chẳng mấy ấn tượng, thế nhưng dạo xưa, vào độ duối quả chín vàng, chang chang nắng hè, năm nào cũng thấy mấy anh sinh viên cao đẳng mỹ thuật, chọn chỗ bên vỉa hè dãy số lẻ, ngồi bệt, xếp chân bằng tròn, ghếch bảng vẽ, ngắm nghía, tô vẽ suốt buổi. Tóm lại, đến nay thì những đám xanh tốt ngày xưa chẳng còn đâu nữa.

Tuy xây dựng sau khi thành Hà Nội bị phá nhưng phố xá Kỳ Đồng cũng chẳng sang cả gì. Ngày trước nhiều nhà vẫn sử dụng khu vệ sinh, nhà tắm chung, nền láng xi măng, trừ vài ba nhà tạm gọi là biệt thự. Hầu hết các nhà lợp ngói mái dốc, loại ngói tây phổ biến đầu thế kỷ trước, đỡ trần dưới mái chìa là các “đấu củng tây” bằng gỗ, quét sơn trông thích mắt. Cách làm nhà khá thuần: Xây gạch, trát vữa, tường vôi ve xanh, ve vàng tươi, hồng nhạt. Ống thoát nước đất nung ngoài nhà. Trong nhà, trần vôi sơn hay cuốn vòm, sàn ghép gỗ lim xẻ thanh. Bản bậc cầu thang lát đá hoa vỉa gỗ lim, bước lên bước xuống êm chân, đặc biệt đầu trụ, tay vịn và chấn song cầu thang rất đẹp. Tất cả cửa sổ đều trong kính ngoài chớp. Khung cửa, cánh cửa sơn xanh lá cây già, chấn song sắt tròn… Còn ban công thì hiếm hoi, chỉ vài nhà khuôn đất rộng, khá giả mới có và cũng phải chăng, không cầu kỳ, không tham lấn không gian đường phố. Từ tầng hai trở lên, cửa sổ một số nhà chắn bởi “chấn song lửng”, an toàn lại thoáng. Tường rào ở phố Tống Duy Tân đồng điệu với kiến trúc nhà phố. Tường đế xây thấp (tầm 1m), trụ cao trồng có nhịp, cố định hàng song sắt vát mác nhọn. Nhà cửa giao lưu thoải mái, đề huề với phố, phố được hưởng khoảng trống và cây lá xanh tươi ở các sân nhà. Lòng đường thanh vắng mà không trơ trụi. Riêng đoạn tường giữa nhà số 7 và số 9 khi xưa xây cao hơn 2m, kín mít. Lý do: Vỉa hè và cả một phần lòng đường đoạn phố này, đến tận đầu những năm 1960 vẫn còn là chỗ tập kết “đổi thùng”. Nay, công nghệ đô thị “nguyên thủy” này không đắc dụng nữa. Sau đoạn tường ấy, xưa là nhà xí tập thể đoàn Cải lương trung ương, nay thành ra nhà ở mô đéc kinh doanh mặt tiền…

Đến tận đầu những năm 1990, phố Tống Duy Tân và ngõ Hàng Bông còn chưa lâm nạn nhà hình ống. Nhà cao nhất là 3 tầng, kiến trúc rõ ra nhà riêng để ở, nhà dãy cho thuê, nhiều hộ có sân xinh xắn, lối vào nhà rộng trên dưới 2m, khoảng trống giữa các nhà ổn thoả. Đây cũng là lý do khiến nhà cửa mau biến dạng, chóng xuống cấp vì sau này dân đua nhau lấn sân cơi nới, mở hàng buôn bán. Hàng chục nhà mới 4 – 5 tầng, thêm lẫm liệt hai cao ốc sáu bẩy tầng mặt bằng trên trăm mét vuông. Đến nước ấy thì chất liệu nhôm kính, sơn bả, phào chỉ, cột, vòm giả cổ được thể giang hồ trên các mặt đứng tân kỳ. Phố nhỏ như nghẹn thở, nức nở. Có nhà chẳng xây cất to tát gì, chỉ dọn dẹp khuôn viên, tân trang lại, dành cho thuê (về sau quả có một chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuê, nhưng không lâu la gì). Truyền rằng khi cầu xem số má, thầy phán xanh rờn: Nếu chặt cây muỗm già nhà số 12, cất nhà mới phải đổi mạng người. Sau ra thế thật. Kinh! Hóa ra phố Tống Duy Tân, ngõ Hàng Bông phong thuỷ đáo để! Lòng đường, buồn thay – Cái trò lấy gạch vỉa hè lát đè đường nhựa, tốn kém bạc tỷ, chỉ đổi lại một thứ chẳng ra làm sao. Phố xá gì mà lại không có lòng đường. Rõ khổ, đào đâu ra kiểu sáng tạo tệ hại thế nhỉ? Trọng đại nhất là việc khởi dựng hẳn một cổng lớn, mô típ cổng chào, loại hoàn thiện gấp cho kịp mở hội ngắn ngày, hay ra quân xuống đồng, khởi công thủy lợi ở thôn quê. Sắt thép coi bộ vĩnh cửu lắm. Kể ra người vẽ kiểu (KTS?) cũng nhiều mãnh liệt: Trăn trở là đôi rồng chầu Khuê văn các bằng sắt tây ở chính giữa chỗ cao nhất của cổng chào (ngụ ý thay thế mặt nguyệt, phủ việt hay bầu nậm quấn dải lụa!?) – Lại thêm hai bộ vì nách kiểu ván mê (xà kẻ trừu tượng !?). Lại tô vẽ mây vờn theo cảm hứng nhật hoả vân yên… Đại để gây ấn tượng Tân cổ điển kỳ cục chưa từng thấy trong lịch sử kiến trúc. Nghe đâu còn làm tiếp hai cái cổng chào nữa ở đầu ngõ Hàng Bông và ngã ba Tống Duy Tân – Trần Phú. Trộm nghĩ, cổng chào ở phố Tống Duy Tân chẳng khác mấy thứ cổng mà người Hoa lưu lạc ở nước ngoài thường dựng chặn ngang đầu ngõ phố, lối vào nơi cư trú của cộng đồng. Chả là họ sinh sống co cụm lại để tiện bề làm ăn và tương trợ nhau nên dựng cổng để khẳng định thế giới riêng, văn hóa khác. Và, cũng vì vậy, thuê vẽ kiểu bài bản, bỏ công của xây dựng đẹp (như ở Bangkok, Yokohama hay San Francisco chẳng hạn). Đằng này, ta lại đi xây cổng giữa sân nhà mình thì thực nhiêu khê. Suy cho cùng, phố ẩm thực cũng chỉ là chút thơm thảo của Hà Nội. Chạnh nhớ, nếu cứ dứt khoát xây cổng thì Hà Nội thiếu gì ví dụ tham khảo: Cổng Đục, Đình Ngang, Ô Quan Chưởng… dễ là nơi tụ hội nét ăn ở của người Tràng An, mà thói quen ăn quà bánh nơi chân cổng thành là một.

Ảnh “Phố Gà tần” bây giờ. Nguồn ảnh: internet

Những chấm phá (tàn phá?!) làm cho con phố nhỏ khác chi gái nhà lành bị độn mông, độn ngực, xăm mắt, nhuộm tóc… Tệ nhất là bị gả bán phũ phàng cho “anh” Thị trường một cách vội vàng hấp tấp, bất kể ngày mai ra sao. Con phố bé bỏng làm vậy, gắng gượng với đời để mưu sinh, dâng hiến trọn mình cho người mà sao mong manh dễ thương tổn. Giờ thì gần như hỏng bét. Biết đổ lỗi cho ai – Tại anh tại ả, tại cả chúng ta; người người ích kỷ hám lợi và cả hám danh coi Hà Thành như bầu sữa ngọt mạnh ai nấy hút, mà đâu ngờ bầu sữa nghìn tuổi ấy sắp cạn khô chẳng kẻ đoái hoài. Cái ngày thiên hạ giầu lên sục sôi, mụ mẫm vì lời lãi – Thương ôi, cũng là ngày vĩnh quyết cái đẹp của con phố nhỏ mà ta quá nặng tình. Đâu chỉ tham lam, ta còn non kém văn hiến lắm. Mọi người cùng xót xa bởi không lý giải nổi những gì còn lại. Không làm lại được từ đầu, chưa tẩy rửa được những thô bạo thì hôm nay thử cố lần nữa. May ra…

“Phố Gà Tần” chưa phải phố Ẩm thực

Đã là phố cũ Hà Nội, thì nhà nào chả mở hàng, buôn bán. Thế nhưng đến tận cuối những năm 60 của thế kỷ trước, chốn này hàng họ vẫn chẳng nhiều nhặn gì, bề nổi thì độc mỗi một cửa hàng…giặt là số nhà 11. Hàng ăn uống tịnh không có, có chăng là mẹt bánh cuốn, tráng mỏng phết hành mỡ ăn với nước mắm cà cuống vắt chanh, bày ngay góc Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông, và cũng chỉ bán chập sớm mai cho khách quen trong phố lót dạ trước buổi công nhật. Sau mới có thêm bánh cuốn nhân thịt dành cho khách ăn ngon. Cũng nên ghi công cho bà chủ hàng bánh cuốn. Bà chính là vợ ông chủ hiệu giặt là tên là Chắt (nhưng hàng phố quen gọi bà Mộc theo tên chồng), một phụ nữ đông con, lam làm, luôn bỏm bẻm nhai trầu, nhất là các con bà về sau với cửa hàng bánh cuốn nổi tiếng, đã đóng góp nhiều cho sự khởi sắc của phố ẩm thực. Gần như cùng thời gian ấy còn tồn tại một hàng bánh dầy giò chả, bánh giò. Để đắt hàng, bà chủ – bà Toàn, phải cất công quẩy ra tận đầu ngõ Hàng Bông Lờ. Phải nói bà là người giỏi giang, một tay làm lụng (nghĩa đen cũng thế vì bà chỉ còn lại một cánh tay) nuôi đàn con khôn lớn, nên người. Có lẽ chút tiếng tăm ban đầu của phố Tống Duy Tân lại không phải nhờ ẩm thực đặc sắc gì gì mà nhờ vào một hàng cà phê. Dân sành điệu Hà Nội cuối những năm 1970 quen gọi “Cà phê Khoa”, ghép theo tên ông chủ. Nghe đâu, cả ngôi nhà xập xệ và miếng đất bên cạnh ngôi nhà số 1 ngõ Hàng Bông mua bán trao tay giá vẻn vẹn 1.000 đồng bạc. Tính theo thời giá bấy giờ, số tiền đủ mua cái xe đạp loại xoàng. Còn hàng ăn uống thì vẫn chưa nhà nào kinh doanh ra tấm ra món. Đáng kể lại là xưởng gia công quy xốp của người Trung Hoa ở nhà số 4. Nhà này nhận bột, đường, trứng, sữa, bơ và trả hàng bằng bánh quy, bánh xốp, hưởng tiền công và một phần nguyên liệu. Dạo 1978, gia đình này bỏ ra nước ngoài, nhà số 4 sau trở thành nhiệm sở Nhà xuất bản Hà Nội. Cũng vì có quán cà phê Khoa (hồi đầu bán xôi chè ế ẩm lắm!) mà ngõ Hàng Bông rồi cả phố Tống Duy Tân ngày thêm được tiếng. Trai thanh gái lịch, người có máu mặt bất kể sớm trưa chiều tối, rủ rê nhau ra đó nhâm nhi, phả khói ba số mờ mịt, khoe quần bò, áo phông, kính râm, xe đạp peugeot, xe máy cổ cò, dream, DD, custom – 82… Nhưng trước khi uống cà phê thì cũng phải có chút gì vào b ụng, thế là lâu dần nhiều hàng điểm tâm mọc ra ăn theo cà phê Khoa. Dạo đầu cũng toàn quà bánh vỉa hè: Xôi nóng, bánh cuốn, phở, bún chả, bún nem… Rồi đông đúc, chen chúc, lấn kín hai bên vỉa hè. Cứ thế cho đến khi có sự kiện “Gà Tần Cây Si” – số 29 phố Tống Duy Tân ra đời. Cho đến nay, những hàng gà tần khác ở đây vẫn không sao bì kịp với nó về số khách ăn. Kỳ thực, gọi tên phố Gà Tần là người ta gộp cả phố Tống Duy Tân lẫn ngõ Hàng Bông – phố Cấm Chỉ ngày xưa với sự tích Chúa Chổm; dẫu hư thực thế nào thì cũng vương vấn chuyện kinh thành Thăng Long. Kể ra tên cũ phố xưa cũng có cái hay.

Truyền rằng, có dự án thiết kế ô dù kiểu bãi biển, che kín tất tần tật lòng đường cả hai phố ấy Tống Duy Tân và Ngõ Hàng Bông, nữ tác giả (lại nữ) còn đệ trình cảm hứng các món ẩm thực đều phải đủ 5 màu cho thuận âm dương ngũ hành. Nghe nói, phần khoa học có nhiều cơ sở nhưng chuyện ăn uống thì chẳng ra vẻ ẩm thực tý nào. Nói dại ăn vào, các vị kim mộc thuỷ hoả thổ mất đoàn kết trong dạ dày thì chẳng bõ cấp cứu ruột già. Một ý tưởng khác cũng nên cân nhắc, ấy là tham vọng giới thiệu nhiều món ăn độc đáo của cả ba miền Bắc -Trung – Nam! Hoành tráng quá, cứ gì phải vậy, ẩm thực cốt nhất gần gũi, đời thường, còn “Hội chợ ăn uống” có thể tổ chức ở nơi khác, dịp khác, festival nào đấy, chẳng hạn. Thế ẩm thực là gì nhỉ? Trộm nghĩ, gốc ẩm thực là từ đồ ăn nuôi sống người: Lúa gạo ngô khoai, con cá lá rau thường ngày, tấm bánh đúc bánh đa, bát riêu cua, củ khoai củ sắn bắp ngô… dễ cho không nhau được. Bổ béo chỉ là thứ thêm thắt. Đồ dùng thức đựng, bát đũa quê kệch, cũ cũ hơi người. Bàn ghế nhỏ thấp lè tè, manh chiếu đơn. Một mình, cặp đôi, nhậu tam nhậu tứ, đàn đúm ầm ĩ hạng nào hạng nấy vô tư. À vào là có sẵn, thoát cái nợ chờ lâu, câu giờ bằng nước miếng. Ẩm thực chắc có dây mơ rễ má với quà rong. “Nếu chúng ta về ở các tỉnh nhỏ ít lâu hay ở ngay Hải Phòng, Nam Định nữa, chúng ta mới biết quà rong Hà Nội ngon là chừng nào. Cũng là thứ bún chả chẳng hạn, cũng rau ấy bún ấy, thế mà sao bún chả của Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cái nước chấm ngon đi” (Thạch Lam – “Quà Hà Nội”). Kể về cái ngon, thì ẩm thực chắc cũng ra thế, nhưng lề thói khác đi, không hẳn như ông Thạch Lam nói. Nếu quà rong gặp gì ăn nấy thì cánh ẩm thực chỉ quen ăn một món. Gọi là ẩm thực nhưng ít kèm đồ uống. Ẩm thực khác chè chén nhậu nhẹt tiệc tùng ở chỗ nếu có lai rai thì “ẩm” chỉ thêm hương thêm hoa cho thực khách. Đi chơi ẩm thực thì phải đi bộ, loẹt quẹt guốc dép đánh tiếng chào cho oai; ngồi ăn phải gần đất, tha hồ đánh bệt chẳng quản dưới hiên, sau hè cốt sao dễ cựa quậy nghịch ngầm, vui thói người đời. Xong, thích chùi mép thì chùi, không thích thì thôi. Chủ khách như thể một nhà, ai duyên người nấy. Kẻ bán tay năm tay mười hàng họ, luôn mồm đưa đẩy chuyện thanh chuyện tục như nhà trò có duyên. Tít tắp đuôi mắt lá khoai là đám đàn bà con gái có chồng, chưa chồng…lại thêm cái lườm, cái nguýt cay hơn ớt mà cánh đàn ông vẫn cứ …thèm vào. Già trẻ gái trai lời qua tiếng lại thâm tình, ha hả ríu rít. Dễ nhớ lâu quên! Lắm ông người gốc Hà Thành biết đủ chuyện trên trời dưới đất. Câu chuyện sẵn đà, đâm ra thân tình, hể hả. Chả phải tất cả chung một họ Hà đó sao? Lại còn chuyện áo xống nữa chứ, đành rằng đẹp đẽ, thứ xịn nhưng tề chỉnh quá là mất hứng ẩm thực. Đời chả cát bụi là gì?!

Dân Kẻ Chợ được tiếng sành ăn, quý hóa là họ ăn uống để cố kết thân bằng cố hữu. Tháng ngày qua, ẩm thực càng thêm thi vị; khách quen chưa bớt một đã vội thêm mấy. Ẩm thực vốn là cái thú quốc dân, chẳng trò vè phè phỡn mà chỉ nhâm nhi, sì sụp đỡ lòng. Một bát một chén cũng đã là sang! Ẩm thực trong phòng máy lạnh thì còn gì thơm thảo. Còn nữa, nghệ thuật ẩm thực chỉ có thể vẫy vùng trên quê cha đất tổ, giữa làng quê xóm phố. Người ta thực sự hiểu mình ăn gì uống gì, mà chỉ góc chợ ấy, hè phố ấy mới có. Tất tật đều từ cụ tổ của các cụ mà ra. Lần nào cũng thơm ngon khoái khẩu, thòm thèm không sao dứt được. Nói ẩm thực là nghệ thuật dân túy, nghệ thuật đất nước con người cũng vì nhẽ ấy.

Thật lạ, đáng ra Tống Duy Tân phải trở thành “Phố Nghệ sĩ”, nghệ thuật gì đó mới phải. Này nhé, ở đấy từng có Khu tập thể kiêm sàn tập của Nhà hát Cải lương Trung ương, các cơ quan Sở Văn hoá Hà Nội, Nhà Xuất bản Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội… Đếm đầu ngón tay, riêng phố này có đến hàng chục nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Thái Thị Liên, NSND Trần Thu Hà và NSND Đặng Thái Sơn (ở số nhà 26); các NSƯT: Vũ Đào, Hải Tý, Thúy Ngần, Sỹ Bình, hoạ sĩ Bắc Hùng (nhà số 9), Bích Hạnh, Thanh Hùng (nhà số 3). Rồi Nhà Xuất bản Hà Nội với Vũ Cao, Xuân Sách (nhà số 4). Có dạo nhà văn Thép Mới trú trên gác xép nhà 21. KTS người phố này kể cũng vài vị. Còn lại, sinh sống nơi đây là dân phố cũ Hà thành – Hồn hậu, an phận.

Vậy mà dòng đời con phố nhỏ đột ngột rẽ ngang chẳng cần động cơ to tát, định hướng gì gì. Chẳng qua chính nó chọn cho mình đĩa bánh cuốn, gói xôi, bát gà tần, tách cafe. Nhân đây góp chuyện, có quan chức thành phố, chắc họp hành thái quá chịu không thấu điều ong tiếng ve về phố ẩm thực, bèn lóe ra một ý: Vạn bất đắc dĩ, phố ẩm thực không thành thì chuyển phố gà tần thành “Đại cafe đêm Hà Nội”. Biết đâu không vô lý, đêm Đông Kinh chả từng là đêm vi hành của Thánh Tông hoàng đế nhà Lê đấy ư!? Phố Tống Duy Tân, ngõ Hàng Bông kể cũng khối chuyện. Kiếp phố – kiếp người mà lại. Nhưng xốn xang hơn cả là hồn vía Hà Thành thuở nào, như mạch nguồn khôn nguôi róc rách.

Bồi hồi, ngang trái.

Chậc, “chơi” bát gà tần cho có lý!

“Này, xe ôm!”, “Quý anh về…?”, “Tống Duy Tân”, “?…”, “Cứ đi, tớ chỉ đường, khắc đến”… Bon bon, lạng lách, vù vù… Rẽ phải, phải. Chết cha, ngược chiều… Trái, tiếp phải, phải…Đến rồi! Chú xế phát bẳn: “Có thế mà bố cứ lằng nhằng. Nói mẹ nó Phố – Gà – Tần từ đầu cho con đỡ khổ. Lắm chữ nghĩa chỉ tổ rách việc.”

Đoàn Khắc Tình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2022)