Tính bản địa – Nguồn cảm hứng vô tận trong thiết kế cảnh quan

Kiến trúc cảnh quan là một ngành có vai trò quan trọng và đóng góp không nhỏ trong tiến trình phát triển của các quốc gia. Trong khi Kiến trúc cảnh quan thế giới đã có nền tảng phát triển rất vững chắc với những Hiệp hội Kiến trúc cảnh quan lớn đã được thành lập từ rất lâu đời như ASLA (Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Mỹ) được thành lập năm 1899 hay gần với Việt Nam hơn như TALA (Liên hiệp Kiến trúc sư cảnh quan Thái Lan), được thành lập năm 1989…., thì ở Việt Nam hiện nay, Kiến trúc cảnh quan vẫn được coi là lĩnh vực nghề nghiệp non trẻ nhất trong nhóm lĩnh vực hành nghề Kiến trúc. Trước sức ép của quá trình đô thị hóa cùng yêu cầu hội nhập với thế giới, Việt Nam cần nhanh chóng định vị và phát triển ngành Kiến trúc cảnh quan của nước nhà, khai thác có hiệu quả những thành tựu mà Kiến trúc cảnh quan thế giới đã đạt được và áp dụng một cách phù hợp đối với thực trạng của Việt Nam. Kiến trúc cảnh quan Việt Nam phát triển sau các quốc gia khác trên thế giới vừa là một lợi thế nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ “đánh mất mình”.

Chìa khoá nào cho sự phát triển ngành kiến trúc cảnh quan ở Việt Nam?

Nhìn vào các đô thị ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy một số khu đô thị mới mang dáng dấp hay thậm chí là bản sao của các đô thị phương Tây, hoặc các khu vườn na ná như ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Tất cả những sự “mượn danh”, bắt chước đó thể hiện sự lệ thuộc vào các “hình mẫu”, tạo nên tâm thế “thuộc địa” trong lĩnh vực văn hóa do việc “ăn xổi”, chạy theo thị hiếu mù quáng tạo nên. Sẽ rất khó để nhận ra sự riêng biệt, nét đặc trưng mang tính bản sắc trong kiến trúc đô thị Việt Nam. Đây là hệ lụy của việc phát triển đô thị thiếu định vị, chưa tạo được “bản sắc trong kiến trúc” một cách rõ nét.

Kiến trúc cảnh quan, theo Liên đoàn kiến trúc cảnh quan quốc tế IFLA được định nghĩa “Kiến trúc cảnh quan kết hợp giữa môi trường và thiết kế, nghệ thuật và khoa học. Nó bao gồm tất cả mọi thứ bên ngoài công trình, ở thành thị và nông thôn, là nơi gặp gỡ giữa con người và tự nhiên. Công việc của các KTS cảnh quan vô cùng đa dạng. Từ quy hoạch tổng thể các địa điểm có quy mô lớn như sân vận động Olympic đến lập kế hoạch và quản lý cảnh quan quan cho công viên quốc gia, các khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp nổi bật đến thiết kế các khu quảng trường công cộng và công viên mà chúng ta sử dụng, kiến trúc cảnh quan nuôi dưỡng cộng đồng và làm cho môi trường sống trở nên nhân văn và đáng sống.” Từ định nghĩa trên chúng ta có thể thấy, kiến trúc cảnh quan là tổng hòa giữa tự nhiên, con người và môi trường. Nó mang dấu ấn của xã hội, là đặc trưng của môi trường và nơi chốn ở từng địa điểm. Vì vậy, đối với kiến trúc cảnh quan mà nói “tính bản địa” đóng vai trò cốt lõi.

Kiến trúc cảnh quan là một ngành trẻ tại Việt Nam – Phải chăng với việc này chúng ta sẽ có cơ hội sửa sai, có cơ hội kiến tạo nên bản sắc cho đô thị hiện đại?! – Đã có nhiều diễn đàn, hội thảo do Hội KTS Việt Nam, các Sở – Ban, ngành tổ chức, các học giả thường xuyên trao đổi về “bản sắc trong kiến trúc” nói chung, nhưng chủ yếu tập trung vào các khái niệm, vai trò và tầm quan trọng mà ít đề cập đến giải pháp, đến nguồn cảm hứng sáng tác… Trong khi đó, các KTS trẻ còn ít trải nghiệm nghề nghiệp, rất cần những định hướng, những gợi ý thực tế để giúp họ phát triển trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.

Dưới góc nhìn của một KTS, một đơn vị thiết kế Kiến trúc cảnh quan đã hoạt động lâu năm tại Việt Nam, từ định nghĩa của Liên đoàn KTS cảnh quan quốc tế, tác giả cho rằng “tính bản địa” sẽ là một trong những chìa khóa trong thiết kế cảnh quan, giúp các KTS có thể xây dựng nét riêng, đặc trưng, độc đáo của mỗi dự án.

Tại sao lại là “tính bản địa” mà không phải là một yếu tố nào khác?

Lãnh thổ Việt Nam trải dài suốt từ Bắc vào Nam với chiều dài lên tới 1.650 km và được chia làm ba miền Bắc – Trung – Nam. Mỗi một vùng đất có đặc điểm khí hậu và văn hóa riêng. Địa hình và thổ nhưỡng của Việt Nam cũng rất đa dạng, cùng với hệ thực vật vô cùng phong phú. Đây chính là kho tàng bản địa để các KTS khai thác trong thiết kế cảnh quan. “Tính bản địa” còn bao gồm các giá trị về văn hóa, lịch sử của địa phương đó. Thay vì tìm cảm hứng từ những nơi xa xôi như Pháp, Mỹ, Ý hay Nhật Bản thì các KTS khai thác cảm hứng từ “tính bản địa” của vùng đất nơi mà đồ án được tạo ra. Đây là một nguồn tài nguyên sẵn có và luôn khác biệt.

Đối với kiến trúc cảnh quan, “tính bản địa” còn bao hàm cả yếu tố Xanh (Eco), tính Kinh tế (Economic) và Marketing. Chúng ta có thể khai thác “tính bản địa” ở nhiều khí cạnh, chẳng hạn việc trồng cây có khả năng thích nghi cao với môi trường thổ nhưỡng và khí hậu địa phương; sử dụng vật liệu bản địa, tận dụng và khai thác vật liệu như đất, đá, sỏi… trong quá trình san lấp xây dựng dự án vào thiết kế. Đây là cách ứng xử văn minh với môi trường tự nhiên, giúp hạn chế những tác động xấu đến môi trường, cân bằng hệ sinh thái vốn có tại vùng đất nơi dự án được xây dựng. Đồng thời, làm tốt điều này chúng ta cũng có được tính kinh tế (Economic). Ngoài ra, chúng ta có thể khai thác “tính bản địa” ở nhiều góc độ khác như là sử dụng cốt liệu tự nhiên, văn hóa, con người địa phương để sáng tạo nên sự khác biệt – “Tính bản địa” trở thành yếu tố duy nhất mà chỉ dự án đó mới có, trở thành “vũ khí” Marketing hiệu quả cho dự án bất động sản.

Những bài học kinh nghiệm tại các nước trong khu vực và trên thế giới

Thực tế, trên thế giới rất nhiều công ty cảnh quan đang khai thác rất tốt “tính bản địa” của quốc gia mình. Trong đó có thể kể đến Trung Quốc – một quốc gia có tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng trong những năm gần đây, họ rất ý thức trong việc xây dựng nét riêng đậm “tính bản địa” cho Kiến trúc cảnh quan. Hiến chương Bắc Kinh (1999) đã nhấn mạnh: “Việc địa phương hóa kiến trúc hiện đại và hiện đại hóa kiến trúc địa phương là cách tiếp cận chung, cần được mọi người chia sẻ trong tiến trình hướng tới sự thăng hoa của kiến trúc”. Vì thế, đô thị Trung Quốc có tính nhận diện rất cao, thể hiện được bản sắc dân tộc thông qua tác phẩm kiến trúc cảnh quan của mình.

Dự án công viên Yanweizhou ở TP Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang do Turenscape thiết kế là một ví dụ điển hình. Trước khi công viên được triển khai, nơi đây là vùng ngập nước được tạo bởi ba con sông: Wuyi, Yiwu và Kim Hoa. Để bảo tồn môi trường sống ven sông trong khi vẫn cung cấp tiện nghi cho cư dân của trung tâm đô thị dày đặc, Turenscape đã đưa ra ý tưởng thiết kế một cây cầu đi bộ phía trên công viên ngập nước. Cây cầu có nhiệm vụ kết nối công viên Yanweizhou với thành phố, đồng thời nối các công viên dọc theo bờ sông ở các quận phía Nam và phía Bắc của thành phố với nhau. Thiết kế cây cầu được lấy cảm hứng từ truyền thống múa rồng của người dân TP Kim Hoa trong các lễ hội mùa xuân. Hình ảnh con rồng uốn lượn đầy màu sắc lượn qua các cánh đồng vàdọc theo những con phố nhỏ là hình ảnh rất đỗi quen thuộc đối với người dân bản địa. Nó không chỉ mang tính kỷ niệm mà còn là sợi dây gắn kết, củng cố bản sắc văn hóa và xã hội độc đáo của khu vực này. Đây là một ý tưởng mang đậm “tính bản địa” được các KTS của Turenscape thể hiện táo bạo và đầy màu sắc với tông màu đỏ và vàng tươi là những gam màu thể hiện sự may mắn trong truyền thống Trung Hoa. Cầu Bayong đã kết nối Thành phố và Thiên nhiên, Tương lai và Quá khứ. Các phương tiện truyền thông địa phương đã phải thốt lên: “Cả thành phố phát cuồng vì một cây cầu duy nhất!“. Và ngày nay, công viên Yanweizhou đã tạo nên một bản sắc mới cho TP Kim Hoa.

Công viên Yanweizhou (Nguồn turenscape.com)
Công viên Yanweizhou (Nguồn turenscape.com)

Dự án Khu bảo tồn Barangaroo tại cảng Sydney (Úc) được thiết kế bởi một liên danh gồm Hill Thalis Architecture + Urban Projects, Paul Berkemeier Architect và Jane Irwin Landscape Architecture, là một điển hình trong việc khai thác “tính bản địa” ở quốc gia này. Trong quá trình san lấp mặt bằng toàn bộ các khối đá sa thạch được khai thác tại chỗ và được sử dụng làm hệ kè dọc bờ biển kiến tạo không gian cảnh quan đặc biệt ấn tượng. Thảm thực vật ở đây được sử dụng hoàn toàn là các cây bản địa thích nghi tốt với khí hậu và phù hợp với chất đất sa thạch. Đất ở khu vực bị ô nhiễm do từng là bến cảng công nghiệp cũ, được dải thêm một lớp đất đặc biệt là “đất fax” sau đó trồng phủ lên một thảm thực vật gồm những cây bản địa có sức sống mãnh liệt và khả năng cải tạo đất tốt. Khu bảo tồn Barangaroo ngày nay trở thành điểm đến thú vị, nơi tổ chức các lễ hội truyền thống sôi động, hấp dẫn dành cho cư dân và du khách ghé thăm Sydney.

Khu bảo tồn Barangaroo (Nguồn: architectureau.com)
Khu bảo tồn Barangaroo (Nguồn: architectureau.com)

“The Park” là một dự án được thiết kế nhằm tôn vinh sa mạc Mojave, thể hiện hình ảnh ốc đảo giữa sa mạc của Las Vegas (Mỹ). Nơi đây từng là vùng đất khô cằn vô cùng khó khăn, nơi hứng chịu nắng, nóng, bão bụi và khan hiếm nước. Melk thiết kế “The Park” lấy cảm hứng từ những nét đặc trưng của vùng đất Las Vegas cùng hệ thực vật bản địa tạo nên không gian cảnh quan sa mạc hiện đại và bền vững. “The Park” trở thành một biểu tượng của Las Vegas, trở thành công viên được nhiều người đến thăm nhất trên thế giới, đón hơn 40 triệu du khách mỗi năm.

The Park - Nhiếp ảnh gia: Hanns Joosten (nguồn: https://www.architonic.com/fr/project/melk-the-park/5103486)
The Park – Nhiếp ảnh gia: Hanns Joosten

Một số dự án cảnh quan tiêu biểu cho “tính bản địa” tại Việt Nam

Ở Việt Nam, “tính bản địa” đã và đang được một số công ty Kiến trúc cảnh quan khai thác tốt trong các thiết kế cảnh quan.

Là một đơn vị tiên phong trong việc đưa “tính bản địa” làm nguồn cảm hứng sáng tác, Eden Landscape đã kiến tạo nhiều dự án, đem đến vẻ đẹp độc đáo riêng cho cảnh quan địa phương. Tiêu biểu có thể kể đến hai dự án là Xanh Villas và Goldmark City.

Dự án nghỉ dưỡng sinh thái Xanh Villas tại Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội. Xanh Villas nằm trong một thung lung nhỏ tương đối bằng phẳng, hai bên là các triền núi thoải, giữa là dòng suối Ngang chảy quanh năm. Eden Landscape lấy ý tưởng “Dòng chảy ký ức” với mong muốn sáng tạo lại các vùng ký ức trong mỗi con người qua các chủ đề ven hai bờ suối. Dòng suối Ngang được khơi dòng và thiết kế hệ đập liên hoàn kiểu bậc thang tích nước vào mùa khô và giảm lũ vào mùa mưa bằng chính những đá tảng, đá cuội khai thác tại chỗ trong quá trình xây dựng dự án và khu vực lân cận. Vật liệu ốp lát, trang trí cũng được sử dụng bằng đá cuội, đá chẻ của địa phương giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, khai thác và hạn chế tác động xấu tới môi trường. Cây xanh cảnh quan được trồng là các cây bản địa như cọ, thông, lát hoa, sau sau, đủng đỉnh, trám, mai, vả…

Xanh Villas (Nguồn: edenlandscape.vn)
Xanh Villas (Nguồn: edenlandscape.vn)

Dự án Goldmark City là một khu đô thị hiện đại nhưng thiết kế cảnh quan được lấy cảm hứng từ những hình ảnh rất đỗi quen thuộc và thân thương với con người Việt Nam như: Hình ảnh cây đa trong thiết kế cổng dự án hay hình ảnh lá khoai nước trong thiết kế các quảng trường. Trong dự án này, Eden Landscape đã tiên phong đưa vật liệu Gốm cổ Bát Tràng vào ứng dụng trong Kiến trúc cảnh quan đô thị và mang lại hiệu quả đặc biệt ấn tượng, mở ra một hướng đi mới cho làng gốm truyền thống; đồng thời đưa Gốm cổ truyền của Việt Nam tới gần hơn với người dân, đặc biệt là giới trẻ thông qua tác phẩm cảnh quan mang tính cộng đồng cao.

Goldmark City (Nguồn: edenlandscape.vn)
Goldmark City (Nguồn: edenlandscape.vn)

Quảng trường Nghinh Phong Phú Yên nằm ở ngã tư Nguyễn Hữu Thọ và Độc Lập, TP Tuy Hòa cũng là một ví dụ tiêu biểu cho cảm hứng thiết kế xuất phát từ “tính bản địa”. Thiết kế lấy ý tưởng từ Gành Đá Dĩa, hình ảnh đặc trưng và nổi tiếng của vùng đất Phú Yên. Kết hợp thêm nét văn hóa truyền thống Việt Nam “huyền tích trăm trứng trăm con” Lạc Long Quân và Âu Cơ tạo điểm nhấn cho quảng trường. Toà tháp đôi bên cao, bên thấp tượng trưng Lạc Long Quân và Âu Cơ. Dưới chân mỗi toà tháp là 50 khối đá xếp chồng lên nhau, tượng trưng cho “trăm trứng trăm con” phải tách nhau theo cha mẹ lên rừng xuống biển. Thiết kế mang tới cho người dân và du khách cảm nhận về vẻ đẹp Việt Nam vừa hiện đại, hoành tráng nhưng cũng rất thân quen.

Quảng trường Nghinh Phong (Nguồn vnexpress.net)
Quảng trường Nghinh Phong (Nguồn vnexpress.net)

Biểu tượng vòng xoay trung tâm Dự án Waterpoint, Long An. Dự án được bao bọc bởi dòng sông Vàm Cỏ Đông hiền hòa và thơ mộng. Với hình ảnh chiếc thuyền – hình ảnh đẹp mang dấu ấn văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Vàm Cỏ Đông, thiết kế đã khai thác tốt “tính bản địa” tạo biểu tượng đặc trưng cho dự án và góp phần nâng cao diện mạo đô thị Long An.

Waterpoint (Nguồn: lss.vn)
Waterpoint (Nguồn: lss.vn)

Thay lời kết

Trên thực tế, kiến trúc cảnh quan được chi phối bởi nền kinh tế thị trường. Mỗi một tác phẩm tạo ra cần được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, việc chạy theo thị hiếu mang tính đại trà, số đông nhưng chưa tính toán đến dài hạn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả thị trường bất động sản lẫn nền Kiến trúc cảnh quan.

Các KTS cảnh quan cần phải mạnh mẽ vượt qua những khó khăn và thách thức của thị trường, tiếp cận những cơ hội phát triển ngành Kiến trúc cảnh quan, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng ngành Kiến trúc cảnh quan Việt Nam có bản sắc dựa trên những giá trị bản địa của chính đất nước mình. Các công ty đã và đang khai thác tốt “tính bản địa” trong thiết kế cảnh quan chính là một trong những động lực mạnh mẽ kích lệ cho phong trào kiến tạo nên nét riêng cho Kiến trúc cảnh quan Việt Nam.

Vai trò định hướng của các hiệp hội cũng vô cùng quan trọng. Cần có những hành động cụ thể như đưa “tính bản địa” lên những chương trình về quảng bá, truyền thông của các hiệp hội ngành nghề nhằm tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng kiến trúc sư đặc biệt là những kiến trúc sư trẻ; tham mưu, góp ý cho các cơ quan Nhà nước nhằm tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề Kiến trúc cảnh quan.

Liên đoàn Kiến trúc cảnh quan quốc tế IFLA đã khẳng định: “Kiến trúc cảnh quan không phải là ngành nghề của tương lai nhưng là ngành nghề kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn”. Với việc chú trọng “tính bản địa” trong thiết kế Kiến trúc cảnh quan, rất cần sự đồng hành của các nhà quản lý, các hiệp hội nghề nghiệp và sự đồng lòng của các công ty thiết kế, các KTS – Hướng tới tạo dựng nên “bản sắc” riêng của Kiến trúc cảnh quan Việt Nam.

KTS Lê Tuấn Long
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2021)


Tài liệu tham khảo:

1. International Federation of Landscape Architects (IFLA EURO), https://iflaeurope.eu/
2. American Society of Landscape Architects (ASLA), https://www.asla.org/
3. Thai Association of Landscape Architects (TALA), http://www.tala.or.th/