Tỉnh Long An với quá trình phát triển Đô thị

anh-bithu laLong An là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long; Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài 133 km, Nam giáp tỉnh Tiền Giang, Tây giáp tỉnh Đồng Tháp, Đông giáp TP HCM và tỉnh Tây Ninh; là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích tự nhiên của tỉnh khoảng 450.000 ha, dân số gần 1,5 triệu người; Long An có 15 đơn vị hành chính trực thuộc (13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố) với 192 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 166 xã, 12 phường và 14 thị trấn.

T-ng th- khu hành chánh m-i
Trung tâm Hành chính tỉnh mới

Về điều kiện tự nhiên, Long An có ba vùng khác nhau về địa hình, thổ nhưỡng: Vùng thứ nhất là phía Đông sông Vàm Cỏ Tây, phía Bắc Quốc lộ 1A (gồm các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ); vùng này có những nét đặc trưng của địa lý miền Đông Nam Bộ, đất tương đối cao, ít sông rạch; có thể trồng các loại cây công nghiệp, phát triển công nghiệp. Vùng thứ 2 là phía Tây sông Vàm Cỏ Tây, có nét đặc trưng của Đồng Tháp Mười, đất dễ bị ngập lụt, đất chua phèn; đất thích hợp trồng lúa và rừng tràm. Vùng thứ 3 ba là phía Nam Quốc lộ 1A, có đặc trưng địa lý của đồng bằng sông Cửu Long như nhiều kênh rạch, thế đất thấp, nhiều vùng sình lầy, nhiễm mặn, thích hợp cho trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.

Trước năm 1975, ở những thị trấn, thị tứ và thậm chí là thành phố Tân An (trước năm 1975 gọi là tỉnh lỵ Tân An), vốn có rất ít cơ sở vật chất kỹ thuật được chính quyền chế độ cũ xây dựng đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân, hệ thống kết cấu hạ tầng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu quân sự, những công trình phục vụ sản suất, sinh hoạt, đời sống ở các khu dân cư đô thị trong tỉnh Long An ngày nay có được, phần lớn được đầu tư xây dựng sau năm 1975. Tuy nhiên, sau giải phóng đất nước chưa được bao lâu, trong khi Đảng bộ, chính quyền và người dân Long An đang dồn sức cho công cuộc khai hoang, phục hóa vùng Đồng Tháp Mười, thì lại phải tập trung nguồn lực cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, hứng chịu trận lũ lớn trong lịch sử làm cho hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật càng thấp kém hơn. Chỉ từ những năm 80 của thế kỷ XX, thời kỳ đất nước đổi mới, người dân Long An mới thực sự bắt đầu cuộc sống yên bình và có điều kiện xây dựng quê hương. Trong thời gian này, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo địa phương triển khai những quyết sách chính trị đầy năng nổ, sáng tạo làm chuyển biến nhất định trong phát triển kinh tế, từng bước giữ ổn định trên các lĩnh vực đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Góp phần hình thành những đường nét cho công cuộc đổi mới của đất nước, tỉnh đã mạnh dạn khởi đầu từ Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc mua bán hàng hóa theo giá thỏa thuận trong phạm vi toàn tỉnh, sau đó là chủ trương khai thác tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười. Từ đó, Long An đã không ngừng vươn lên và trở thành một trong ít địa phương đi đầu trong đổi mới kinh tế.

Quy hoạch Cảng Long An
Quy hoạch Cảng Long An

Từ năm 2010 đến nay, về kinh tế so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, Long An được xem là tỉnh phát triển khá nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, thương mại – dịch vụ. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống từng bước được hoàn thiện, thu nhập và mức sống của người dân được cải thiện rõ nét; dự kiến đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 50 triệu đồng, số xã nông thôn mới đạt 40/166 xã. Thu hút đầu tư của Long An đạt kết quả khá (đến nay đạt hơn 4,1 tỷ USD, với hơn 600 dự án đầu tư nước ngoài); những khu công nghiệp như: Long Hậu, FuLu, Thuận Đạo, Tân Đức, Hải Sơn, Đức Hòa I, Xuyên Á, Đức Hòa III, Long Hậu, Long Hậu – Hòa Bình,… đã đi vào hoạt động và trở nên quen thuộc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần đưa ngành công nghiệp trở thành động lực phát triển của tỉnh. Chính từ sự hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tập trung dân cư, góp phần mở rộng các thị trấn, thị tứ hiện có, đồng thời tạo lập thêm nhiều điểm dân cư đô thị mới. Toàn tỉnh hiện nay có 17 đô thị, gồm 1 đô thị loại III (thành phố Tân An), 5 đô thị loại IV (thị xã Kiến Tường, các thị trấn Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Giuộc và Cần Đước) và 11 đô thị loại V (các thị trấn Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Bình Phong Thạnh, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tầm Vu, Tân Trụ, Đức Hòa, Hiệp Hòa và Đông Thành). Ngoài ra còn có nhiều khu vực thị tứ tập trung dân cư có khả năng phát triển thành đô thị loại V như: Mỹ Hạnh (Đức Hòa), Lương Hòa, Gò Đen (Bến Lức), Đông Hòa, Long Đức Đông (Cần Giuộc), Bình Hiệp (Kiến Tường), Hậu Thạnh Đông (Tân Thạnh), Mỹ Quý (Đức Huệ) và Rạch Kiến (Cần Đước).

Dự án Hồ Bảy Mẫu - Khu đô thị Vàm Cỏ Đông, Bến Lức
Dự án Hồ Bảy Mẫu – Khu đô thị Vàm Cỏ Đông, Bến Lức

Mặc dù Đảng bộ và nhân dân Long An đã có nhiều nỗ lực và tập trung trong công cuộc xây dựng, phát triển đô thị, dân cư và công nghiệp trong những năm qua, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Tỷ lệ đô thị hóa của Long An đến nay vẫn còn ở mức thấp, xấp xỉ 24% về dân cư và khoảng 11% về diện tích đất xây dựng đô thị, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước. Chính vì vậy, tổng quan kiến trúc, qui hoạch và xây dựng phát triển đô thị ở Long An vẫn còn khá mờ nhạt so với những tỉnh thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và có khoảng cách khá xa so với TP HCM cũng như các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn lực đầu tư của địa phương còn rất hạn chế, làm cho tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng trong tỉnh còn quá chậm, không theo kịp với yêu cầu phát triển công nghiệp, dân cư và đô thị. Mặt khác, sự kết nối hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải của Long An và TP HCM còn nhiều bất cập. Đường hẹp, chất lượng mặt đường xấu, tải trọng thấp là những nguyên nhân chính làm cho năng lực vận chuyển luôn bị quá tải. Do nhu cầu cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị của TP HCM, nhiều cơ sở sản xuất và nhà ở bị giải tỏa, áp lực giãn ra từ nội đô Thành phố về Long An của các doanh nghiệp và dân cư luôn làm cho địa phương bị động, đặc biệt là tại các khu vực giáp ranh với TP HCM. Còn nhiều hạn chế, bất cập khác từ những nguyên nhân do sản xuất phát triển, nhu cầu của đời sống dân cư đang tăng nhanh tác động đến xã hội, môi trường, không gian qui hoạch, kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng đô thị.
Ngày nay, với việc tập trung nghiên cứu, đánh giá lại tiềm năng, vị thế sẵn có cho thấy: Long An có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, là một cửa ngõ nối các tỉnh khu vực phía Đông với khu vực phía Tây của miền Nam. Long An được kỳ vọng sẽ trở thành một phần của nền kinh tế khu vực năng động, sự phát triển của Long An gắn liền với quá trình mở rộng kinh tế của TP HCM. Theo quy hoạch, Long An sẽ có chuỗi mắt xích bao gồm 2 đô thị vệ tinh dọc theo trục Tây Nam Bộ đó là thành phố Tân An (đô thị loại II) và thị trấn Bến Lức (đô thị loại III). Các chiến lược kết nối giao thông cơ bản giữa Long An và toàn vùng được thực hiện thông qua việc phát triển các tuyến đường bộ quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai TP HCM, đường sắt TP HCM – Mỹ Tho,… cùng mạng lưới giao thông thủy tiềm năng rất lớn.

Trong thời gian tới, Long An sẽ tiếp tục tập trung đẩy nhanh phát triển công nghiệp, phát triển công nghiệp và đô thị. Trên cơ sở điều kiện, tình hình thực tế hiện tại và tiềm năng, Long An hy vọng sẽ được những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, những chuyên gia về qui hoạch, kiến trúc, thiết kế đô thị, những kiến trúc sư, kỹ sư chuyên ngành góp ý kiến giúp cho Long An những phương án, giải pháp, kinh nghiệm phù hợp với điều kiện của địa phương, để Long An sớm có được những đô thị hiện đại, phát triển bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, khu vực và thế giới.

Nguyễn Nam Việt – Bí thư Tỉnh ủy Long An

( Bài đăng trên tạp chí kiến trúc số 06 -2015 )