Từ “khế ước xã hội” đến văn hóa phê bình kiến trúc chuyên nghiệp ở Pháp

“Chúng ta chưa thể có được hoạt động phê bình kiến trúc chuyên nghiệp khi chưa có văn hoá phê bình trong xã hội nói chung và trong kiến trúc nói riêng” – Đó là chia sẻ của một người bạn Pháp gốc Việt khi tôi có lần trao đổi về những băn khoăn của giới KTS Việt Nam. Mang trong mình nhiều nghĩ suy về câu chuyện đó, tôi đã vô tình tìm đến với “Khế ước xã hội” của Jean-Jacques Rousseau, cuốn sách mang một ý nghĩa triết học xã hội to lớn vào những năm 70, thế kỉ 18 ở châu Âu, để từ đó, các nhà triết học, xã hội học Jean-Jacques Rousseau đã tạo thành nền móng để xây dựng một xã hội dân chủ hiện nay trong mô hình thế giới mới.

Điều tôi tìm thấy được từ cuốn sách là cách thức phê bình, và đánh giá một sự việc, một hành động và đó cũng là nền tảng tạo ra văn hóa phê bình trong cuộc sống của một xã hội tiến bộ ở Pháp nói riêng và ở các nước phương Tây phát triển nói chung.

Bối cảnh xã hội khi quyển sách ra đời

Trước thời điểm nửa sau thế kỉ 18, xã hội Pháp vốn nổi trội lên những hiện tượng trái với “luân lý” truyền thống trước đây, những vụ bạo hành trong học đường, trong gia đình và trên phạm vi quốc gia. Các tổ chức xã hội nhằm bảo vệ trẻ em, bảo vệ công nhân được mở ra nhiều hơn. Lúc này các nhà xã hội và triết học mới đặt lại câu hỏi: Làm thế nào để khi con cái nói thì bố mẹ phải nghe, trò nói thầy phải nghe và nhân dân nói chính phủ phải nghe dù bố mẹ, thầy hay chính phủ chưa hẳn đúng?

Khế ước xã hội ra đời trong bối cảnh đó, và nó đã giải quyết được vấn đề đã nêu ra. Từ đó trở đi, cuốn sách này đã được đưa vào chương trình học phổ thông ở Pháp, sau ngót gần một thế kỷ, giờ đây nó đã tạo ra được một xã hội Pháp nói riêng, một xã hội các nước phương Tây phát triển nói chung, rất văn minh trong văn hoá phản biện giữa các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày từ gia đình cho đến xã hội, từ vấn đề nhỏ đến vấn đề trọng đại.

Chúng ta cần tách biệt “hành động” và “con người”

Con người là “bản thể”, mà hoàn cảnh xung quanh tác động lên nó, đã xảy ra những gì, như thế nào chúng ta không biết được. Vì vậy, thái độ cần có giữa con người với con người là sự tôn trọng, không đánh giá, không phán xét – Tức là chúng ta cũng sẽ không phân biệt anh là ai, anh màu da gì, hay anh đến từ đâu. Anh là bản thể mà tôi luôn tôn trọng.

Đối với sự việc, hành động cụ thể của người đó, ta được nói, được phán xét và đánh giá bằng tất cả các nhận định cá nhân.

Khế ước muốn nói rằng, để đánh giá và nhận xét thì ta chỉ có thể đánh giá và nhận xét về hành động của người đó. Mục đích của đánh giá và nhận xét là để đối tượng hiểu được vấn đề một cách đúng đắn. Ta không thể nói rằng: “Anh là một thằng đần”, mà đúng ra phải nói: “Việc anh làm như vậy thật ngốc nghếch”! Tất nhiên đấy chỉ là ví dụ hơi phóng đại, bản thân trong văn hóa phê bình luôn phải giữ được sự bình tĩnh và lịch sự của ngôn từ.

Văn hóa phê bình và lý luận kiến trúc

Từ nguyên tắc đó của Khế ước, ta có thể dễ dàng nói chuyện được với tất cả mọi người như cha mẹ, thầy cô, đến các vị lãnh đạo về những vấn đề trong cuộc sống một cách rõ ràng, trong đó sự phê bình là thẳng thắn trên những hành động mà họ gây ra, và luôn giữ được sự tôn trọng với con người đó.

Trong môi trường hành nghề kiến trúc, thực sự nó không nằm ngoài vấn đề về văn hóa phê bình. Bên Pháp, không có nhiều tạp chí phê bình kiến trúc, bản thân tôi sau nhiều năm làm việc cũng chỉ biết có hai tạp chí chính thức viết là phê bình kiến trúc: Le Visiteur và Archicophie, còn thực ra thì hầu như trong cuộc sống, chủ đề nào nói ra cũng đều là phản biện, phê bình.

Vì vậy, với góc nhìn của tôi, nếu để phát triển mảng lý luận – phê bình Kiến trúc thì trước hết chúng ta phải tạo ra được một văn hóa phản biện, ít nhất là trong môi trường đào tạo, từ đó sẽ thúc đẩy mảng phê bình trong kiến trúc chuyên sâu về sau. Ở Pháp, người ta đào tạo rất tốt ba bộ môn: Lịch sử Kiến trúc, Lịch sử Nghệ thuật, Lịch sử – Địa chí đô thị, vùng miền. Đó được xem là nền tảng vững chắc để phản biện trong kiến trúc và Tiệm cận các phê bình chính là văn hóa sáng tác. Với các định hướng phê bình: Phê bình so sánh, phê bình.

KTS Ngô Kiến Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2018)