Tương lai của đào tạo kiến trúc và Giải thưởng Pritzker trong thế giới toàn cầu hóa

Martha Thorne (Trưởng khoa đại học Kiến trúc và Thiết Kế IE – Madrid, Tây Ban Nha), đồng thời là Giám đốc điều hành Giải thưởng danh giá Pritzker đã chia sẻ những suy nghĩ của bà về tương lai việc đào tạo kiến trúc và vai trò của KTS trong một thế giới chuyển biến nhanh bởi tốc độ đô thị hóa. Trong cuộc trò chuyện này, bà cũng chia sẻ suy nghĩ về các tiêu chí và kỹ năng có thể thu hút được các thành viên Hội đồng Giải thưởng Pritzker và quá trình chấm giải thưởng đặc biệt này của giới KTS. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng viên (PV): Lĩnh vực kiến trúc và thiết kế đang trải qua những biến đổi mạnh mẽ của làn sóng toàn cầu hóa. Công nghệ mới đang bành trướng từ những lĩnh vực thực hành truyền thống đến các phạm vi và phương thức làm việc mới. Bà có thể cho biết Đại học IE đối phó điều đó như thế nào?

Martha Thorne: Chúng tôi ở tuyến đầu của kiến trúc, nơi mà nghề nghiệp đang thay đổi hoặc phải thay đổi. Nếu nhìn vào những giai đoạn lịch sử cụ thể, chúng ta có thể thấy những khoảnh khắc xảy ra như sự tái định hình, ví dụ Cuộc Cách mạng Công nghiệp đã từng có ý nghĩa như thế nào với KTS. Ngày nay, toàn cầu hóa đã tạo một áp lực khủng khiếp và cũng là cơ hội thực tế mà chúng ta phải đối mặt. KTS vốn không bị ràng buộc bởi ranh giới địa lý. Họ bị yêu cầu ngày càng trở nên quốc tế hóa, và vì vậy các công ty thiết kế cần phải đa dạng hóa. Chúng ta không thể nói: Tôi chỉ hành nghề tại thành phố hay đất nước của tôi nữa.

Các vấn đề chính như hiện tượng nóng lên toàn cầu và phát triển bền vững là những thách thức trên toàn thế giới. Những áp lực khác đến từ công nghệ, một mặt mở ra những cánh cửa giao tiếp, dễ dàng hơn, tức thời nhanh chóng vượt qua các ranh giới địa lý; mặt khác, nó tạo điều kiện để giao tiếp hiệu quả hơn giữa các nhóm và các cộng tác viên, thay đổi mạnh mẽ các mối quan hệ tổ chức truyền thống đã từng hưng thịnh trước đây.

Trong quá khứ, các dự án kiến trúc được phân cấp nhiều tầng bậc trong quá trình thực hiện. KTS ngồi trên đỉnh của kim tự tháp, anh ta đưa ra một ý tưởng, sau đó anh ta lôi kéo người kỹ sư tham gia, và rồi người kỹ sư này sẽ huy động các chuyên gia khác cùng tham gia và cuối cùng tòa nhà được xây dựng.

Với công nghệ, việc triển khai BIM và sự thay đổi những nhận thức của quá trình hợp tác, hệ thống phân cấp (trong kiến trúc) đã chuyển đổi thành một một quy trình hợp tác mang tính hàng ngang hơn nhiều. Đối mặt với điều này, các KTS cần có các kỹ năng mới. Trong quá khứ, các KTS được xem là tác giả của những tòa nhà, ngày nay, KTS phải vượt ra khỏi ranh giới những công trình họ tạo ra, họ phải đối mặt với những vấn đề đô thị và xã hội liên quan. Điều này buộc chúng ta phải nghĩ lại về vai trò của KTS trong xã hội, tự hỏi “Làm thế nào để đào tạo mọi người hiểu và đáp ứng được những thách thức mà chúng ta đang đối mặt hôm nay và ngày mai?”

Chương trình kiến trúc của Trường EI được bộ giáo dục phê chuẩn. Bộ đưa ra một đề cương chặt chẽ các tài liệu môn học trong hệ thống bách khoa truyền thống. Những gì chúng tôi làm là nỗ lực tiếp cận dựa trên thực tiễn, làm nhiều đồ án nhóm hơn, kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy, có thể dạy trực tuyến cho một số môn học.

Cách chúng tôi dạy khá độc đáo, đối với các môn học tự chọn hay bằng thạc sĩ, chúng tôi thêm các lĩnh vực kiến thức mới đặc biệt quan trọng cho KTS. Những lĩnh vực này liên quan đến vai trò công nghệ ảnh hưởng đến hành vi như thế nào, và KTS cần hiểu sự giao thoa giữa không gian, công nghệ và hành vi ra sao.

Chúng tôi cũng tiến hành giảng dạy các môn học liên quan đến những thực hành mới, hướng đến các lĩnh vực mới mà các KTS tiếp cận: Thực tế ảo, thực tế tăng cường hoặc các loại công nghệ khác sẽ mở ra các ngành nghề mới liên quan đến kiến trúc. Chúng tôi muốn cung cấp những hành nghề thay thế liền kề bên cạnh kiến trúc như thiết kế cảnh quan, thiết kế game…

Chúng tôi có một chương trình đào tạo Thạc sĩ về phát triển bất động sản, bao gồm những kiến thức và nghiên cứu về đô thị. Chúng tôi dạy họ thiết kế trong chương trình thạc sĩ quản lý, vốn là một chương trình của trường kinh doanh. Giống như, khoa kinh tế dạy chúng tôi tinh thần khởi nghiệp, chiến lược kinh doanh và hiểu biết về môi trường kinh tế – Chúng tôi đến khoa của họ và khiến họ nắm lấy thiết kế.

PV: Bà có nghĩ rằng có những lỗ hổng kiến thức trong đào tạo kiến trúc, những thách thức trong việc này là gì? Và các trường kiến trúc đã thay đổi, đáp ứng ra sao?

Martha Thorne: Rõ ràng, công nghệ đã có một sự tác động mạnh mẽ đến ngành xây dựng trong những năm tới. Những biến đổi lớn sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức ngành xây dựng cần thích nghi. Chỉ vài năm trước, tôi từng nghĩ rằng, hành nghề kiến trúc ít liên quan đến nhiều lĩnh vực xã hội. Nếu nghĩ về các thảm họa tự nhiên và nhân tạo (thực tế đã đẩy 25% dân số thế giới vào sống ở các khu định cư không chính thức), liệu chúng ta còn có thể tiếp tục ủng hộ một nền giáo dục theo tiêu chuẩn, kiểu như một KTS sẽ thiết kế một tòa nhà đẹp đẽ cho một khách hàng tư nhân. Đây không thể là mô hình giá trị duy nhất mà nghề chúng ta đóng góp xã hội, chỉ thiết kế một điều gì đó cho đối tượng thiểu số.

Kiến trúc vốn có sức mạnh lớn hơn thế, và cần nhiều khả năng lớn hơn để thay đổi xã hội cũng như đóng góp cho khoa môi trường đô thị của chúng ta. Trừ khi chúng tôi mở những cánh cửa cũ cho SV và hướng họ rằng vai trò của họ là phục vụ thiểu số; nhưng tôi tin rằng người trẻ hiểu và muốn thay đổi thế giới, họ lo ngại về biến đổi khí hậu, họ quan tâm đến dân chủ và sự khoan dung.

Tôi đã nói chuyện với KTS Arata Isozaki, người thắng giải Pritzker năm nay, ông ta đã nói “Martha, mọi thứ đều là kiến trúc, và kiến trúc là tất cả mọi thứ“. Tôi nghĩ ông ta đúng – Chúng ta có một thách thức lớn để truyền đạt đến xã hội điều này, bởi vị khi mọi người nghĩ về một KTS, họ đơn thuần nghĩ về những tòa nhà và tượng đài đẹp.

PV: Một trong những trọng tâm của trường đại học IE là “tinh thần khởi nghiệp“, Bà nghĩ gì về việc kết hợp giữa kiến trúc và tư duy kinh doanh?

Martha Thorne: Ở trường, chúng tôi hiểu tinh thần khởi nghiệp theo nghĩa rộng, chúng tôi tìm kiếm những cơ hội mà người khác bỏ lỡ, hoặc những cơ hội người khác cho rằng có quá nhiều thách thức. Ngay cả với sinh viên (SV) năm nhất, chúng tôi cũng yêu cầu họ sử dụng tư duy kinh doanh. Nếu họ được cung cấp một bản tóm tắt, chúng tôi sẽ yêu cầu họ đặt câu hỏi “Tại sao?”.

Tôi dạy một chuyên đề về đô thị thông minh, và áp dụng các tư duy kinh doanh ngay từ những buổi học đầu tiên.

Khi học sinh nói về một bài báo, tôi hỏi họ “Tác giả là ai? Quan điểm chính là gì? Động lực chính đằng sau là gì?“. Tư tưởng phản biện là một phần lớn của tư duy kinh doanh, hãy tìm một cách khác để khởi đầu một doanh nghiệp mới hay xem xét tìm kiếm một cách làm việc khác.

Tôi nghĩ SV của chúng ta cần một tư duy kinh doanh bởi vì những văn phòng kiến trúc truyền thống có thể không tồn tại chính xác như những gì chúng ta hình dung đơn giản về họ. Nhiều công ty giờ đây không chỉ đơn thuần thiết kế mà còn cả xây dựng và công nghệ. Tôi hy vọng rằng các SV trường IE thấy tinh thần kinh doanh từ các ví dụ trên, điều đó giúp chúng ta vượt ra ngoài ranh giới nhưng lại đòi hỏi một quá trình nghiêm ngặt. Bạn phải biết chiến lược, đánh giá thị trường, hiểu dòng tiền, nắm bắt về tiếp thị. Bạn phải biết rất nhiều thứ chứ không chỉ đơn thuần là trở thành một nhà thiết kế giỏi. Chúng tôi cố gắng dạy như thế!

PV: Là chuyên gia về quy hoạch đô thị, các thành phố là trọng tâm mà các doanh nghiệp công nghệ hướng đến, với nhiệm vụ thay đổi môi trường xây dựng. Bà suy nghĩ như thế nào về vai trò của KTS và nhà thiết kế trong bối cảnh? Thiết kế có ảnh hưởng và sức mạnh ra sao để tránh sự đổ vỡ từ những biến đổi của thị trường.

Martha Thorne: Alphabet, công ty đến từ Google, đã giành chiến thắng trong cuộc thi xây dựng một phần khu The Waterfront tại Toronto. Đó là một những công ty xem đô thị là một nơi để kinh doanh. Điều đó tốt thôi, một thành phố là nơi người ta tạo ra sự giàu có thịnh vượng, nơi chúng ta đổi mới, thử nghiệm những điều mới, giáo dục bản thân và kết nối mọi người lại với nhau. Tôi không chống lại việc kiếm tiền theo cách đó.

Điều khó khăn tôi thấy là các nhà lãnh đạo thường là các công ty tư nhân có những mục tiêu rất cụ thể: Phát triển công nghệ, bán một sản phẩm, thu thập dữ liệu, thử nghiệm ý tưởng. Tuy nhiên, nếu không có sự tham gia của chính phủ và kiến thức của chuyên gia có trình độ như các KTS và nhà thiết kế, thì việc thực hiện sẽ là thiếu sót.

Nói về những đô thị thông minh và xe tự hành, những KTS và nhà thiết kế ở đâu trong câu chuyện này? Mọi người sẽ đi về đâu? Chúng ta sẽ thay đổi các bảng báo hiệu của đô thị này ra sao? Nó không chỉ là câu hỏi phản biện về xe không người lái, những chiếc xe tự hành này chắc chắn sẽ tác động đến tất cả xung quanh nó. Có một ví dụ khó khăn: Tôi lái một xe điện, nó quá yên lặng đến mức người ta không thể nghe thấy tôi đến gần, đó là một hiệu quả tiêu cực, mọi người không nhận biết tôi đến gần, điều đó có thể gây ra thêm tai nạn. Chúng ta xử lý việc này như thế nào? Đó là một vấn đề dành cho việc thiết kế.

Ngược lại, điều đó cũng có những ảnh hưởng tích cực khi mà thành phố ít tiếng ồn hơn, chúng ta có thể mở cửa sổ, chúng ta không cần điều hòa không khí quá nhiều. Và khi chúng ta mở cửa sổ, điều đó có thể thay đổi mặt đứng các tòa nhà, điều này sẽ tác động như thế nào đến ngành công nghiệp xây dựng? Hiện chúng ta không lưu ý điểm đó, mọi người nói về những chiếc xe điện, nhưng ít nghĩ đến chúng cần dây sạc và những thay đổi khác xuất hiện trên đường. KTS và nhà thiết kế cần có những kỹ năng nghĩ về những câu hỏi tương tự.

PV: Là Giám đốc điều hành của Giải thưởng Pritzker – Giải thưởng Nobel dành cho KTS, gần đây đã công bố người đoạt giải năm 2019, Arata Isozaki; Bà có thể cho chúng tôi một số hiểu biết về quá trình lựa chọn người chiến thắng? Những tiêu chí quan trọng nào mà các KTS cần, để được ban giám khảo công nhận?

Martha Thorne: Trong suốt cả năm, tôi nhận được đề cử cho Giải thưởng Pritzker từ khắp nơi trên thế giới. Bất kỳ KTS hành nghề có chứng chỉ có thể gửi cho tôi một cái tên qua email.

Nếu họ nghĩ rằng người hoặc người đó không nổi tiếng với tôi hoặc Ban giám khảo, họ có thể gửi kèm CV và danh sách công trình của tác giả. Đây là những đề cử tự nguyện, nó hoàn toàn mở và không có một bản kê khai nào để điền vào. Nó rất dễ dàng – chỉ cần gửi email cho tôi. Nhưng cũng có đề cử chào mời chỉ định, từ tháng 8 đến đầu tháng 9, tôi gửi khoảng 250 email đến các chuyên gia về kiến trúc trên toàn thế giới. Họ có thể là người viết blog, người quản lý, giám đốc bảo tàng, người từng đoạt giải và tôi hỏi họ rằng họ muốn đề nghị ai cho giải thưởng vào năm tới.

Mục tiêu của Giải thưởng Pritzker, thứ nhất là Nghệ thuật kiến trúc và thứ hai là những đóng góp bền vững cho nhân loại. Ban giám khảo độc lập, họ đại diện cho chính họ, không phải đến từ một công ty hay tổ chức nào. Họ tìm câu trả lời từ các ứng viên, giá trị nghệ thuật của các công trình kiến trúc, và những đóng góp của nó cho nhân loại.

Chúng tôi nhận được rất nhiều đề cử. Ban giám khảo thẩm định thực tế, họ chủ đích đi đến thăm quan các công trình và tìm kiếm ý nghĩa của chúng. Họ cố gắng tìm kiếm một kết luận với thông điệp mà họ cảm thấy là phù hợp nhất.

Trong trường hợp của Isozaki, không ai có thể phủ nhận rằng ông ấy rất nổi tiếng; ông ấy hành nghề trong nhiều thập niên, có những ví dụ tuyệt vời về công việc của mình trên toàn thế giới. Tại sao ông ấy thắng năm nay? Tôi nghĩ rằng ban giám khảo đánh giá cao việc tìm kiếm những ý nghĩa sâu sắc hơn trong kiến trúc của ông ấy và những thử nghiệm mang tính tiên phong. Ông ấy không theo xu hướng nào cả; thay vào đó ông ấy kiên định con đường riêng, ông nổi loạn chống lại chủ nghĩa Metabolism ở Nhật Bản. Đã có lúc bạn có thể nói các tòa nhà của ông ấy gần với hậu hiện đại hơn, hoặc khi ông ấy sử dụng công nghệ theo cách trực tiếp hơn. Nhưng không có gì làm ông ta hài lòng, ông ta luôn cố gắng vượt qua khỏi giới hạn, và đó là điều mà ban giám khảo đánh giá cao.

Ông cũng là KTS Nhật Bản đầu tiên thúc đẩy cuộc đối thoại sâu sắc giữa Đông và Tây, đây là một thông điệp khác mà ban giám khảo đánh giá cao nhất là vào giai đoạn căng thẳng chính trị toàn cầu hiện nay. Một KTS thúc đẩy tinh thần đối thoại hướng đến những ý nghĩa sâu sắc hơn là những gì ban giám khảo mong muốn.

Ngoài ra còn phải kể đến tính rộng lượng, Isozaki luôn được các KTS trẻ yêu mến với những cam kết tuyệt vời. Ông ấy đã từng ở trong ban giám khảo, tôi tin rằng, khi Zaha Hadid giành chiến thắng trong cuộc thi đạt được đỉnh cao ở Hồng Kông, ông đã có sáng kiến mời các KTS trẻ từ khắp nơi trên thế giới đến xây dựng tại Nhật Bản. Phẩm chất luôn ủng hộ các tài năng trẻ là lý do thứ ba mà ban giảm khảo ghi nhận ở ông.

Đó là cách mà giải thưởng Pritzker hoạt động. Ban giám khảo đi khảo sát cùng nhau trong một tuần để xem xét các công trình của KTS được đề cử. Họ không chọn một KTS dựa trên những bức ảnh. Họ muốn trải nghiệm và đánh giá thông qua những tác phẩm của KTS, đó là một khía cạnh đặc biệt khác của giải thưởng.

PV: Bà nghĩ Giải thưởng Pritzker sẽ phát triển như thế nào? Chúng ta có thể tưởng tượng một kịch bản tương lai nào cho giải thưởng khi đánh giá những Profile KTS hành nghề cổ điển trong các xu hướng mới mà chúng ta đã thảo luận nãy giờ?

Martha Thorne: Tôi nghĩ rằng điều đó đang diễn ra. Trong những năm đầu, đôi khi vấn đề nêu ra đến từ chỉ một giám khảo, sau đó ngày càng nhiều thành viên thảo luận kỹ lưỡng hơn. Đã có những thay đổi của giải thưởng, chẳng hạn, KTS Chile chiến thắng gần đây, Alejandro Aravena, rất thú vị vì sự đóng góp của ông cho lĩnh vực nhà ở và nhà ở xã hội, không chỉ từ quan điểm của kiến trúc mà còn thể hiện tư duy khác biệt của người KTS về các vấn đề xã hội. Hoặc Shigeru Ban, người đã thiết kế các nhà cứu trợ thiên tai và thử nghiệm với các ống bìa cứng và gỗ…

Sức mạnh của Giải thưởng Pritzker là thông qua nghệ thuật kiến trúc và những đóng góp cho nhân loại. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi không nghĩ rằng cần có một sự thay đổi các quy tắc và nói theo kiểu: “Được rồi, một năm nữa giải thưởng sẽ được trao cho một kỹ sư, năm sau là một KTS cảnh quan và năm sau nữa là một chuyên gia công nghệ”. Tuy nhiên, tôi rất hy vọng rằng Ban giám khảo tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ vượt khỏi ranh giới cũ.

PV: Bà cũng rất thường tham gia hỗ trợ vai trò của phụ nữ trong kiến trúc. Bà nghĩ gì về những thách thức đối với các KTS nữ ngày nay, và những điều gì cần phải thay đổi?

Martha Thorne: Chúng tôi chắc chắn cần nhiều phụ nữ đại diện trong các giải thưởng danh giá như Pritzker vì những giải thưởng này gửi một thông điệp: Sau tất cả, phụ nữ có tiếng nói quan trọng. Nếu chúng ta thực sự muốn tạo ra một sự thay đổi đáng kể cho nghề nghiệp, điều đó phải xảy ra ở cấp độ chuyên nghiệp, hàng ngày, diễn ra tại tất cả các văn phòng kiến trúc. Những gì chúng ta cần là các văn phòng nắm lấy các biện pháp bình đẳng giới, bất kể quy mô của họ, họ phải cam kết đúng các chính sách tuyển dụng và thăng chức, tiền lương và thời gian linh hoạt.

Một số văn phòng thật tuyệt vời vì họ khuyến khích nhân viên tham gia các hoạt động tình nguyện trong cộng đồng và dành rất nhiều giờ mỗi tháng để làm điều này. Vì vậy, những thay đổi tích cực là tình nguyện hoặc dành thời gian cho những người cần giúp đỡ hoặc học tập. Chúng ta cần phải thoát khỏi ý tưởng rằng nghề kiến trúc là hai mươi bốn giờ một ngày, bảy ngày một tuần, đến một nơi chuyên sâu và chỉ tập trung vào Team đầu não.

Có những hướng dẫn khác nhau. Ở Úc, có một liên minh nhiều hãng thiết kế nơi nữ giới giành quyền bình đẳng trong văn phòng. AIA lại vừa đưa ra các hướng dẫn về bình đẳng và không phân biệt đối xử ở Mỹ. Sự bình đẳng cũng rất quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, đôi khi, có sự phân biệt đối xử khó nhận diện như: Không thuê phụ nữ, hoặc khiến phụ nữ dạy lịch sử và đàn ông dạy kết cấu. Ngược lại, môi trường giáo dục nên phải công khai, các trường đào tạo phải thiết lập nêu gương về một nền văn hóa bình đẳng giới.

PV: Bà suy nghĩ gì về tương lai của các đô thị và môi trường được kiến tạo? Làm thế nào nó có thể cải thiện, và điều gì tiếp tục truyền cảm hứng cho bà?

Martha Thorne: Đô thị luôn truyền cảm hứng cho tôi. Tôi sống ở một thành phố, tôi không thể tưởng tượng mình sống ở bất cứ nơi nào ngoại trừ trong một thành phố lớn vì những năng lượng và cơ hội của nó đem lại, từ văn hóa, giáo dục, con người cho đến thực phẩm… Madrid là một thành phố an toàn, đã có những thay đổi và cải tiến đáng kể đối với giao thông công cộng đã giúp rất nhiều người có khả năng di chuyển. Hệ thống giao thông công cộng tích hợp hoạt động thực sự tốt với giá cả hợp lý.

Một sự thay đổi khác mà tôi đã thấy ở Madrid là trên sông. Chúng ta đã từng có một dòng sông nhỏ bẩn thỉu, nhưng bây giờ, nhờ một loạt các công trình và quy hoạch cơ sở hạ tầng công cộng lớn, dòng sông giờ đây là một tài nguyên của thành phố, nó đã cải thiện môi trường tự nhiên và chất lượng không khí, và điều đó đã làm tăng giá trị bất động sản công trình và nhà ở dọc sông. Tôi đam mê các thành phố vì tiềm năng thay đổi của chúng. Chúng ta sẽ không phải chấp nhận hiện trạng cũ, tôi hy vọng và tin tưởng lạc quan về khả năng luôn biến đổi của đô thị theo chiều hướng tốt hơn, tôi yêu thích điều đó.

Nguyễn Thu Phong
(Lược dịch bài phỏng vấn chuyên đề của Archipreneur 12.2019)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2020)