Xây dựng, phát triển thành phố Bắc Giang trở thành đô thị xanh, đô thị bền vững

Mở đầu

Trong những năm gần đây, các đô thị của Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng, đóng góp quan trọng cho kinh tế- xã hội của cả nước, tuy nhiên cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến việc khai thác, sử dụng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, làm môi trường đô thị ngày càng bị ô nhiễm và suy thoái. Hơn thế nữa, nước ta lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Tác động của nền kinh tế thị trường, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, việc phát triển đô thị theo hướng xanh hóa, thân thiện, hài hòa với tự nhiên đang là một hướng đi mới, nhằm bảo vệ, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, hướng tới cuộc sống an toàn, hạnh phúc của người dân.

Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Bắc Giang
Trụ sở làm việc các đơn vị sự nghiệp của các Sở ban Ngành

Trên thế giới hiện nay, một số nước đã xây dựng thành công các mô hình phát triển đô thị (ĐT) như: Đô thị xanh (ĐTX), Đô thị sinh thái (ĐTST), Đô thị thông minh (ĐTTM)…; đặc điểm chung của các ĐT này là thiết lập mối quan hệ bền vững giữa con người với thiên nhiên. Trong số đó, ĐTX được xem là trọng tâm và mục tiêu phát triển bền vững của nhiều thành phố trên thế giới, nhằm quản lý tốt các chất thải, khí CO2, bảo vệ hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ở Việt Nam, mô hình ĐTX cũng đang được nghiên cứu áp dụng và phát triển. Tuy nhiên, xây dựng ĐTX ở nước ta hiện nay chưa được nghiên cứu một cách hệ thống, chỉ đề cập một cách chung chung như “xanh, sạch, đẹp”, chỉ quan tâm đến mật độ cây xanh, tăng tỷ lệ che phủ xanh, còn nhiều vấn đề khác như: Tiết kiệm năng lượng, cân bằng sinh thái, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, bảo vệ môi trường bền vững, giảm thiểu khí phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu… chưa được giải quyết một cách đồng bộ, vì vậy việc quản lý và phát triển ĐTX ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn.

Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, nằm trong Vùng Thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên 3.895 km², dân số khoảng 1,8 triệu người; Tỉnh lỵ là thành phố Bắc Giang, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 50 km. Bắc Giang hiện có 16 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại II, 02 đô thị loại IV, 13 đô thị loại V; tỷ lệ dân số đô thị đạt khoảng 22,1%, quy mô, chất lượng của các đô thị được cải thiện và ngày được nâng cao. Một số đô thị đã phát huy tiềm năng, lợi thế để thực sự là trung tâm, động lực phát triển kinh tế của vùng; góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu Kinh tế – Xã hội, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Thành phố Bắc Giang (tiền thân là Phủ Lạng Thương) được hình thành từ thời Pháp thuộc, có bề dày lịch sử và mang trong mình nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Thành phố Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng cao và ngày càng phát triển về: Kinh tế – Xã hội, dân số, không gian đô thị, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ, gìn giữ. Mật độ xây dựng hiện nay còn chưa cao, giao thông chưa bị ùn tắc, công nghiệp mới phát triển, môi trường chưa bị ô nhiễm nhiều; trật tự xây dựng, không gian, kiến trúc, cảnh quan (KG KT CQ) cơ bản được đảm bảo, còn nhiều quỹ đất để mở rộng, phát triển không gian xanh, hệ sinh thái tự nhiên; văn hóa còn lưu giữ được các giá trị bản địa, đây là lợi thế rất lớn để Bắc Giang áp dụng mô hình phát triển theo hướng Đô thị xanh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bắc Giang vẫn còn những hạn chế như: Tỷ lệ dân số đô thị còn thấp; quy hoạch chất lượng chưa cao, còn mâu thuẫn với các quy hoạch chuyên ngành khác; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết tại đô thị còn thấp; kiến trúc cảnh quan chưa đồng nhất, chưa tạo được điểm nhấn, bộ mặt đẹp cho đô thị; nhiều khu đô thị, công trình công cộng chưa nghiên cứu đến công trình xanh, kiến trúc xanh và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính; ngập úng cục bộ, đe dọa hệ sinh thái tự nhiên vẫn còn xẩy ra. Xuất phát từ những tồn tại nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị Quyết số 138-NQ/TU ngày 01/9/2016 về “Đẩy mạnh phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, định đướng đến năm 2030” trong đó có nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của công tác quản lý phát triển đô thị theo hướng phát triển đô thị xanh, đô thị bền vững; ngoài ra UBND tỉnh Bắc Giang còn ban Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 14/8/2017 phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2030; trong đó định hướng phát triển Bắc Giang phải nâng cao chất lượng đời sống của người dân; bảo vệ và cải thiện môi trường; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; để tạo môi trường cảnh quan đẹp theo “hướng đô thị xanh” cho thành phố. Vì vậy, việc “Xây dựng, phát triển thành phố Bắc Giang trở thành đô thị xanh, đô thị bền vững là mục tiêu cần phải hướng tới”, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn, nhằm góp phần xây dựng thành phố Bắc Giang “xanh-sạch-đẹp”, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa và điều kiện tự nhiên, phát triển Kinh tế- Xã hội, đảm bảo An ninh – Quốc phòng và chống chịu với biến đổi khí hậu.

Để xây dựng, phát triển thành phố Bắc Giang trở thành Đô thị xanh, Đô thị bền vững cần giải quyết những vấn đề sau:

Nhà thi đấu thể thao Bắc Giang
Công viên Hoàng Hoa Thám

a) Làm rõ khái niệm về Đô thị xanh, các vấn đề về nhận thức, lợi ích phát triển Đô thị xanh, trên cơ sở đó xây dựng cơ sở khoa học về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan hướng tới ĐTX tại thành phố Bắc Giang.

Đánh giá, phân tích các vấn đề thực trạng của KG KT CQ với định hướng phát triển ĐTX và công tác quản lý KG KT CQ của thành phố Bắc Giang để từ đó nhận diện và đưa ra khái niệm đô thị xanh cho thành phố Bắc Giang; quan điểm về hướng tới ĐTX cũng cần phải được làm rõ nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về ĐTX, về quản lý KG KT CQ hướng tới đô thị xanh.

b) Đề xuất quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và tiêu chí quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan hướng tới ĐTX cho TP Bắc Giang.

  • Hiện nay TP Bắc Giang cần có quan điểm, mục tiêu cụ thể rõ ràng về đô thị xanh để làm cơ sở quản lý không gian kiến trúc cảnh quan TP Bắc Giang hướng tới ĐTX. Phát triển TP Bắc Giang theo hướng xanh hóa cảnh quan, cải thiện hình ảnh và bảo vệ môi trường đô thị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
  • Mục tiêu xanh hóa KG KT CQ của thành phố Bắc Giang đến năm 2035 dần đạt được ĐTX; phát triển công trình xanh và kiến trúc xanh, tăng cường quản lý trật tự xây dựng và cải thiện hình ảnh đô thị; bảo vệ môi trường trong đó tập trung làm sạch thành phố dựa trên việc áp dụng mô hình “ Đô thị tuần hoàn” và có biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
  • Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, thiết kế đô thị gắn với tiêu chí ĐTX cho TP Bắc Giang.
  • Cần xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí để quản lý, đồng thời làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành của ĐTX cho thành phố Bắc Giang.

c) Để khắc phục những tồn tại, hạn chế từng bước xây dựng TP Bắc Giang trở thành ĐTX, cần đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả và cụ thể, có khả năng đáp ứng tốt nhất các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và yêu cầu quản lý KG KT CQ cụ thể như:

  • Hoàn thiện cơ sở pháp lý và các công cụ để quản lý KG KT CQ thành phố Bắc Giang hướng tới ĐTX;
  • Cần phân vùng để quản lý KG KT CQ thành phố Bắc Giang hướng tới ĐTX.
  • Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KG KT CQ thành phố Bắc Giang hướng tới ĐTX;
  • Phát huy vai trò của cộng đồng và sự tham gia của dân cư trong quản lý KGKT CQ thành phố Bắc Giang hướng tới ĐTX.

Các giải pháp chính để phát triển thành phố Bắc Giang trở thành Đô thị xanh, Đô thị bền vững

Sơ đồ phân vùng quản lý KG KT CQ TP Bắc Giang.

a) Hoàn thiện cơ sở pháp lý và các công cụ để quản lý KG KT CQ thành phố Bắc Giang hướng tới ĐTX.

  • Ban hành cơ chế chính sách: Lồng ghép tiêu chí ĐTX vào các chương trình, mục tiêu phát triển đô thị thành phố Bắc Giang; Xây dựng Chương trình phát triển đô thị thành phố Bắc Giang hướng tới ĐTX; ban hành cơ chế đặc thù để thu hút các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng, nghĩa trang, rác thải, nước thải, công trình phúc lợi xã hội.
  • Công tác quy hoạch, kế hoạch: Rà soát các quy hoạch xây dựng để điều chỉnh gắn với mô hình, tiêu chí ĐTX cho thành phố Bắc Giang; có kế hoạch bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị.
  • Điều chỉnh quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị thành phố Bắc Giang hướng tới đô thị xanh.
  • Xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch và áp dụng GIS để quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan thành phố Bắc Giang hướng tới ĐTX.

b) Phân vùng quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan thành phố Bắc Giang hướng tới đô thị xanh

Để quản lý KG KT CQ cảnh quan TP Bắc Giang hướng tới ĐTX, cần phải phân vùng để quản lý; việc phân vùng phải căn cứ vào tiêu chí, nguyên tắc và phương pháp phân vùng để quản lý KG KT CQ, cụ thể như sau:

  • Các yếu tố phân vùng: (1) Yếu tố tự nhiên; (2) Yếu tố địa giới hành chính; (3) Yếu tố quy hoạch; (4) Yếu tố văn hoá, lịch sử; (5) Yếu tố tổ chức KG KT CQ; (6) Yếu tố phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.
  • Nguyên tắc phân vùng: (1) Tính đồng nhất về tính chất; (2) Ranh giới về tự nhiên và nhân tạo, các chướng ngại vật phân chia ranh giới; (3) Ranh giới hành chính.
  • Đề xuất phân vùng: Căn cứ các yếu tố, nguyên tắc, phương pháp phân vùng, đề xuất 5 vùng để quản lý như sau: Vùng số 1, Gồm các khu phố cũ và trung tâm văn hóa lịch sử; Vùng số 2, Khu vực mới phát triển; Vùng số 3, Khu vực phát triển đô thị mới; Vùng số 4, Khu vực chức năng đặc thù; Vùng số 5, Khu vực ngoại thành gồm các xã của TP Bắc Giang mở:

c) Triển khai các hoạt động quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan thành phố Bắc Giang hướng tới ĐTX.

  • Quản lý không gian:
    • Đối với không gian xanh (KGX): (1) Bảo tồn và phát huy các KGX tự nhiên; (2) Bảo vệ và phát triển KGX nhân tạo; (3) Tăng cường đầu tư và phát triển KGX theo quy hoạch; (4) Quản lý cây xanh và đưa ra các quy định trồng cây xanh.
    • Đối với không gian công cộng: (1) Khu vực đường phố, quảng trường; (2) Không gian mở; (3) Không gian kỹ thuật (giao thông, cấp nước, đường dây đường ống).
  • Quản lý kiến trúc: (1) Bảo tồn, bảo vệ các công trình kiến trúc có giá trị; (2) Quản lý trật tự xây dựng; (3) Kiểm soát hình ảnh đô thị; (4) Quản lý chỉnh trang, cải tạo công trình kiến trúc tuyến phố cũ; (5) Hướng dẫn, đăng ký, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận công trình xanh.
  • Quản lý cảnh quan đô thị: (1) Quản lý chiếu sáng đô thị; (2) Quản lý biển quảng cáo; (3) Quản lý mầu sắc công trình.
Đồ án quy hoạch phân khu số 3 TP Bắc Giang

d) Quản lý kết cấu hạ tầng xanh bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

  • Hệ thống giao thông: Tăng cường phát triển hệ thống giao thông công cộng; khuyến khích phương tiện cá nhân xe đạp, xe điện; hạn chế xe cơ giới, giảm thiểu phát thải ra môi trường;
  • Hệ thống đường điện, cáp thông tin: Đi ngầm dưới hè đường;
  • Lập quy hoạch hệ thống thoát nước riêng cho TP: Thường xuyên duy tu, nạo vét đường ống thoát nước và hồ điều hòa;
  • Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước thải của TP: Cải tạo nâng cấp trạm xử lý nước thải; Sử dụng hệ thống nước thải theo mô hình đô thị tuần hoàn. Phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thại đạt tiêu chuẩn 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế).
  • Tổ chức di chuyển, thu gom các nghĩa trang nhỏ lẻ đưa về nghĩa trang tập trung của TP; khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng.
  • Quản lý tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí phát thải nhà kính.

c) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KG KT CQ thành phố Bắc Giang hướng tới đô thị xanh

  • Nâng cao nhận thức, năng lực của cán bộ công chức ở các cấp về đô thị xanh; phối hợp chặt sẽ với các cơ quan có liên quan.
  • Cấp uỷ chính quyền các cấp phải coi quy hoạch, quản lý đô thị là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.

d) Phát huy vai trò của cộng đồng và sự tham gia của dân cư trong quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan hướng tới đô thị xanh.

  • Huy động sự tham gia của cộng đồng ngay giai đoạn lập nhiệm vụ, lập quy hoạch; giai đoạn thẩm định và quản lý quy hoạch.
  • Huy động sự tham gia của cộng đồng trong đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác sử dụng.
  • Huy động cộng đồng tham gia trong việc kiểm tra, giám sát.
  • Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý KG KT CQ hướng tới đô thị xanh cho thành phố Bắc Giang.

TS.KTS Đào Công Hùng

Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2020)

–––––––––––––––––––––––––––––––
Tài liệu tham khảo

  1. Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Bắc Giang đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
  2. Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, Đồ án quy hoạch phân khu số 3 thành phố Bắc Giang.
  3. Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bắc Giang.
  4. www.ashui.com.
  5. Rocco Pace, Galina Churkina, Manuel Rivera, (2016), How green is a “Green City”?, Institute for Advanced Sustainability Studies (IASS), Potsdam.