Phát huy các giá trị không gian kiến trúc hồ Hoàn Kiếm

Ngày 8/10, UBND Quận Hoàn Kiếm (thành phố Hà Nội) phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử hồ Hoàn Kiếm – Tạo dựng thương hiệu đô thị của Thủ đô Hà Nội”.

IMG_1978
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc sư.

Hồ Hoàn Kiếm là hình ảnh mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, là hạt nhân không gian trung tâm, nơi tập trung nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật truyền thống với không gian mặt nước, cây xanh. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật và không gian công cộng tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là nhiệm vụ quan trọng, nhất khi đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt.
Trước sức ép mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là kinh tế thị trường, việc giữ gìn, quản lý và sử dụng hiệu quả không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử xung quanh hồ Hoàn Kiếm đang đứng trước thách thức không nhỏ và còn nhiều tồn tại.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia đã nhìn nhận, đánh giá những vấn đề đang tồn tại trong công tác quản lý, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng khu vực hồ Hoàn Kiếm. Trên cơ sở phân tích các yếu tố thuận lợi, hạn chế, các nhà khoa học đã đưa ra một số gợi ý về giải pháp quy hoạch và thiết kế đô thị như tổ chức khu phố đi bộ, chỉnh trang diện mạo nhà ở và cửa hàng bên hồ, kiến tạo những địa điểm, hoạt động đặc trưng xung quanh khu vực Hồ Gươm…

Đặc biệt, các ý kiến của các nhà khoa học, sử học, kiến trúc sư cho rằng, nên hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình hiện đại khu vực quanh hồ và vùng phụ cận; đề xuất việc chỉnh trang, tu bổ những hạt nhân kiến trúc đô thị Bờ Hồ như đền Bà Kiệu, tháp Hòa Phong, đền Ngọc Sơn… nhằm mang lại sức sống mới cho không gian đặc biệt này – Tạo dựng thương hiệu của Thủ đô với định hướng xây dựng một thành phố xanh, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và phát triển bền vững.

Các ý kiến tham gia tại hội thảo sẽ giúp quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội trong việc định hướng quản lý, thực hiện các đề án, các dự án chỉnh trang khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận cho xứng tầm Di tích cấp quốc gia đặc biệt – Một biểu tượng thiêng liêng, gắn bó với Thăng Long – Hà Nội từ ngàn năm nay./.

Phạm Cường/ CPV