Cuộc thi thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội: Cơ hội chuyển đổi các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo

Hà Nội đã nằm trong mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO (từ năm 2019) và đang khởi động chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hoá và kinh tế sáng tạo, một xu hướng mới và tất yếu của các TP lớn trên thế giới. Cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo (TKKGST) Hà Nội được phát động trong gần một năm và “Công nghiệp văn hoá”. Cá nhân tôi đã may mắn được tham gia đồng hành cùng BTC cuộc thi từ rất sớm, ngay từ khâu xây dựng yêu cầu, thể lệ và các gợi ý kỹ thuật cho cuộc thi. Là một cố vấn chuyên môn trong suốt cuộc thi, và là một thành viên Hội đồng giám khảo, tôi đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho cuộc thi này, đồng thời cũng đặt nhiều hy vọng và kỳ vọng đối với kết quả của cuộc thi.

Phương án AU686 – Circle Punk – Giải Nhất Hạng mục Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng – Đối tượng chuyên nghiệp của Công ty CP Kiến trúc Lập Phương – Cubic

Có lẽ, cảm xúc đầu tiên của cá nhân tôi lúc này là sự hài lòng: Hài lòng về số lượng các bài tham dự và hiệu ứng xã hội mà cuộc thi tạo ra. Đây là một cuộc thi thú vị nhưng khó. Khác với các cuộc thi thiết kế (kiến trúc hay sáng tác thông thường) với nhiều yếu tố đầu vào được định trước, thiết kế không gian sáng tạo (TKKGST) là một câu hỏi mở với những phạm trù và khái niệm trừu tượng: Sáng tạo là gì? Không gian sáng tạo (KGST) là không gian như thế nào? Làm sao tạo ra chúng? Ai tạo ra và tạo ra cho ai? KGST tương tác với xã hội và nền kinh tế như thế nào?…

Thêm vào đó, vị trí hay địa điểm để làm các KGST này không được chỉ định trước và mà đòi hỏi sự phát hiện, đề xuất của các đối tượng dự thi. Trong suốt thời gian cuộc thi, BTC đã nỗ lực tổ chức các toạ đàm chuyên môn, mời các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, thực hành trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ về những chủ đề liên quan. Có lẽ chính nhờ những câu hỏi mở này và các sự kiện chuyên môn trong khuôn khổ cuộc thi, mà cuộc thi đã có sức lôi cuốn mạnh mẽ, không chỉ với giới nghề, những người tham gia thi, mà còn với cả với các cơ quan thông tấn, báo chí và cộng đồng xã hội. Tôi nghĩ, thông tin về cuộc thi được phổ biến rộng rãi và lặp đi lặp lại đã như một sự kích hoạt trong tư duy của tất cả chúng ta, từ cộng đồng, đến người làm sáng tạo, đến giới truyền thông và các nhà quản lý, về những chủ đề và khái niệm hết sức mới mẻ này.  Điều này rất có ý nghĩa , vì nó đặt viên gạch đầu tiên trong tư duy của chúng ta về nền “Kinh tế sáng tạo”

Trong suốt một năm qua, tôi đã cùng với Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, nỗ lực đưa khái niệm Di Sản Công nghiệp vào Việt Nam; thực hiện các nghiên cứu và liên tục chia sẻ về giá trị của các nhà máy cũ tại Hà Nội. Chúng tôi đã nhận thấy những cơ hội lớn lao khi chuyển đổi các nhà máy cũ này thành các Không gian văn hoá – Sáng tạo – Công. Chính vì vậy, một trong 3 chủ đề chính của cuộc thi là:

 Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng”. Theo cách này, chúng ta cùng một lúc có thể nhanh chóng có các cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế sáng tạo, cho ngành công nghiệp văn hoá, vừa bảo tồn các giá trị lịch sử và cảm thức cho các nơi chốn cũ ở Hà Nội, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường khi phá bỏ xây mới các công trình nhà máy khi chúng vẫn còn tốt, và quan trọng hơn cả là tạo thêm nhiều KGCC cho Hà Nội. Đây là cách làm khác, mang lại nhiều lợi ích cho tất cả hơn so với cách làm trước đây khi các nhà máy cũ thường chuyển thành các dự án chung cư – thương mại cao tầng, càng làm tăng mật độ dân cư, tăng tải lên khu vực nội đô Hà Nội. Hạng mục này đã nhận được tổng số 27 phương án dự thi. Các bài thi đều có chất lượng tốt với nhiều đề xuất thú vị, thuyết phục và có chiều sâu tư duy.

Hội đồng GK được chia thành 3 tiểu ban theo 3 chủ đề để  có thể làm việc chuyên sâu. Tôi là trưởng tiểu ban 2, tập trung đánh giá các bài thuộc hạng mục “Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng”.

Về các bài dự thi, điểm tích cực đầu tiên là đa số các bài dự thi đều có chất lượng tốt, nhiều bài có chất lượng rất tốt, gây bất ngờ cho BGK. Các bài thi đều nhấn mạnh tiềm năng lớn lao và nhấn mạnh cơ hội quý báu để chuyển đổi các không gian CN cũ thành các không gian văn hoá, sáng tạo, công cộng cho Hà Nội và người Hà Nội.

Tuy nhiên, điểm chưa được như kỳ vọng (của cá nhân tôi) là việc lựa chọn các địa điểm nghiên cứu của các nhóm chưa đa dạng. Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thực sự được xem là một “landmark” của di sản công nghiệp với số lượng khủng (10/27 bài dự thi) về địa điểm này. Nhà máy Dệt kim Đông Xuân và Nhà máy thuốc lá Thăng Long thu hút mỗi nơi 4 phương án dự thi. Các nhà máy quy mô nhỏ hơn đã không nhận được sự quan tâm nhiều từ các bạn dự thi.  Xí nghiệp Điện thông có 2 phương án. Nhiều nhà máy vừa và nhỏ khác không được đội nhóm nào nghiên cứu.  Tôi thấy hơi tiếc về điều này.

Đánh giá về chất lượng các bài dự thi:

  • Chùm bài về Nhà máy xe lửa Gia Lâm (NMXLGL) có chất lượng cao và tương đối đồng đều, sự khác nhau nằm ở mức độ ít – nhiều khi can thiệp toàn phần hay bán phần đối với quần thể nhà máy. Điểm tương đồng lớn giữa các phương án là khẳng định giá trị lịch sử, kiến trúc, không gian của NMXLGL và xem đây là một địa điểm then chốt trong bức tranh “không gian văn hoá – sáng tạo của Hà Nội” trong tương lai. Các đề xuất xoay quanh việc tái sử dụng thích nghi kết hợp bảo tồn các công trình kết cấu lớn, cải tạo không gian tổng thể, đồng thời chuyển đổi công năng sang các mô hình mới phục vụ kinh tế sáng tạo và hạ tầng văn hoá như tổ hợp văn hoá nghệ thuật quy mô lớn, vườn ươm công nghệ 4.0 và khởi nghiệp …, bảo tàng, thư viện …. Có những bài như phương án KA156, bên cạnh đề xuất về thiết kế không gian còn gửi kèm một thuyết minh chi tiết khía cạnh thực thi và kiến nghị mô hình quản lý vận hành sau chuyển đổi, có tính thuyết phục khá cao. Phương án AA999 đề xuất sự kết hợp giữa bảo tồn và phát triển khi tích hợp một KGST lớn với mô hình TOD cho ga Gia Lâm. Đây cũng là một xử lý hài hoà cơ hội và lợi ích, có tính thực tiễn cao;
  • Nhà máy Dệt kim Đông xuân đã có những đề xuất xuất sắc. Phương án AU686 có cách tiếp cận thực sự bài bản và chuyên nghiệp khi phân tích các vấn đề quy hoạch, bối cảnh, kết nối và tiếp cận, hay các đánh giá sâu về giá trị kiến trúc, lịch sử các công trình hiện tồn; nhưng phần đề xuất giải pháp không gian vẫn rất sáng tạo khi dùng đường dạo hình tròn “the circle punck” (như tên gọi dành cho không gian), để kết nối tất cả: Không gian, thời gian, công năng, con người, sự kiện … Điểm thú vị của phương án này là hiệu ứng cuối cùng của không gian – Vừa mới mẻ, tân tiến, kích thích sáng tạo và tương tác, vừa giữ được “cảm thức nơi chốn” về một nhà máy cũ;
  • Phương án SW191 về Nhà máy thuốc lá Thăng long cũng là một phương án tròn trịa, tác giả đề xuất giữ lại một nửa quỹ không gian mặt ngoài nhà máy với các công trình có giá trị kiến trúc và kết cấu lại để chuyển thành KGST, và một nửa phía sau vẫn có thể dùng để phát triển các kết cấu cao tầng như chung cư, cao ốc văn phòng. Đây có thể là giải pháp có tính thực tế khi chúng ta dung hoà lợi ích BĐS trước mắt của khu đất vàng Thăng long với các lợi ích lâu dài mang lại từ phần diện tích KGST. Và trên thực tế, hai chức năng này sẽ hỗ trợ, bổ khuyết và cộng sinh lẫn nhau rất tốt;
  • Có những bài dự thi là các KGST đã được hiện thực hoá, đã đi vào hoạt động và rất thành công như Hanoi Creative City, hay không gian 282 Design. Chúng tôi cũng đánh giá rất cao những bài dự thi này.
  • Điểm thú vị nữa là, nhìn chung, chất lượng bài từ các đối tượng bán chuyên và không chuyên không khác những bài thuộc đối tượng chuyên nghiệp, thực sự họ cũng rất “chuyên nghiệp”.

Do quy mô giải thưởng có hạn, số lượng các bài có chất lượng nhiều hơn con số vào vòng bình chọn (8 bài) và cơ cấu giải thưởng chính, vì vậy chúng tôi buộc phải lọc ra những bài có những điểm nổi trội hơn, có những khía cạnh riêng, mới hơn, mạnh hơn các phương án khác. Những bài được chọn đều cơ bản đáp ứng các tiêu chí đánh giá cơ bản sau:

  • Có cách tư duy tổng hợp, xử lý đồng thời nhiều yêu cầu phức tạp đặt ra, nhưng được chuyển hoá vào một đề xuất không gian hấp dẫn, sáng tạo, mới mẻ mà không làm mất đi “bản sắc” của địa điểm. Vì vậy, các giải pháp không gian kết hợp khéo léo giữa giữ gìn giá trị di sản với tạo mới các không gian và chức năng sẽ được đánh gía rất cao;
  • Đề xuất các mô hình không gian cho phép sự đa dạng, linh hoạt, được kết nối, dễ tiếp cận (cả về vật lý lẫn chi phí) và cộng sinh; vì chúng tôi tin rằng đây là những yếu tố kích thích sự hình thành và phát triển của các KGST;
  • Chú trọng yếu tố môi trường và xã hội: Hạn chế phá dỡ các kết cấu công trình còn tốt, đặt dấu cộng (+) bên cạnh những phương án có nhiều KGCC cho cộng đồng và tính đến nhu cầu của mọi thành phần xã hội như người già, trẻ em, những đối tượng yếu thế khác;
  • Có tính thực tế khi đưa ra được lộ trình thực hiện gồm nhiều giai đoạn, với sự tham gia của các bên liên quan;
  • Đặt điểm cộng cho những phương án đã nêu ra những vấn đề vĩ mô vượt lên trên cả các giải quyết ở một địa điểm cụ thể mà nhìn nhận cả một chuỗi các địa điểm sáng tạo, trong mối liên hệ hữu cơ với hệ thống giao thông, quy hoạch GTCC và các phân vùng chức năng của TP.
Phương án HP282 – 282 Workshop – Giải Hội đồng Hạng mục Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng – Đối tượng chuyên nghiệp của Công ty CP Kiến trúc và Đầu tư 282.

Chúng tôi trân trọng sự sáng tạo và cống hiến của các nhóm dự thi và xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến họ, những nhân tố sáng tạo của TP, những “champions” của Hà Nội trên hành trình thúc đẩy đổi mới tư duy, cách làm, cách quản lý. Nếu chỉ một phần của những ý tưởng này được đưa vào cuộc sống, Hà Nội chắc chắn sẽ tự hào, tự tin trở thành điểm sáng trong Mạng lưới các TP văn hoá, TP sáng tạo trong khu vực và toàn thế giới.

Chúng ta hãy cùng hồi hộp chờ đợi ngày công bố kết quả cuối cùng của cuộc thi. Nhưng quan trọng hơn, sau cuộc thi, chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy để các ý tưởng thành hiện thực. Cá nhân tôi rất mong muốn và đề xuất Hội KTS Việt Nam (cùng sự bảo trợ và đồng hành của Sở VHTTDL Hà Nội, VP UNESCO Việt Nam và các tổ chức liên quan) sau cuộc thi hãy tổ chức một workshop với chủ đề “Quy hoạch mạng lưới KGST cho Hà Nội”. WS sẽ quy tụ các đội, nhóm đạt giải (và kể cả không đạt giải) của cuộc thi lại, hợp sức cùng các chuyên gia quy hoạch, các KTS lớn, các nhà quản lý, để cùng nghiên cứu và đề xuất với TP một bản đồ quy hoạch mạng lưới KGST cho Hà Nội. Lúc này, các KGST của Hà Nội không chỉ là những điểm sáng rời rạc, mà sẽ trở thành một mạng lưới có kết nối – một hệ thống CSHT thực sự cho Hà Nội – TP sáng tạo. Bản đồ này sẽ đặc biệt hữu ích, có tính thời sự và là một “đầu vào” quan trọng cho đồ án “Điều chỉnh QHC XD Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050” đang được TP triển khai.

Xem thêm:
Kết quả Cuộc thi thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội

                                                                      PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2021)