Cuộc thi quốc tế Ý tưởng Quy hoạch phân khu Khu đại học Phố Hiến – Sáng tạo, thiết thực và khả thi

Đó là ba tiêu chí chính để đánh giá, tuyển chọn các phương án tham gia  Cuộc thi quốc tế Ý tưởng Quy hoạch kiến trúc đô thị Khu đại học Phố Hiến do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng – Quảng cáo – Địa ốc Việt Hân phối hợp tổ chức từ tháng 4 đến tháng 6/2011. Đây không chỉ là tinh thần của một cuộc thi mà còn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình thực hiện dự án, tạo cơ sở cho những bước triển khai chi tiết và cụ thể của Khu đại học Phố Hiến – Hưng Yên.  
Là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống văn hiến lâu đời, Hưng Yên hiện có nhiều di tích, công trình văn hóa vật thể và phi vật thể mang dấu ấn lịch sử, có ý nghĩa xã hội và giáo dục truyền thống sâu sắc. Với chủ trương xây dựng các khu đại học tập trung, nhằm điều hòa, hợp lý hóa việc phân bố mạng lưới trường đại học, cao đẳng, Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng Khu đại học Phố Hiến. Đây sẽ là khu đại học – nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam, là mô hình trường đại học mới, góp phần thúc đẩy tiến trình đổi mới giáo dục đại học và các trường đại học ở nước ta. 
Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên về việc lựa chọn đơn vị thay mặt chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch chi tiết Khu đại học Phố Hiến, Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân đã phối hợp với Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam tổ chức Cuộc thi quốc tế Ý tưởng quy hoạch kiến trúc Khu đại học Phố Hiến. Nhằm mục tiêu tìm kiếm phương án quy hoạch tốt nhất cho Khu đại học Phố Hiến, cuộc thi tuyển chọn những ý tưởng sáng tạo và thiết thực nhất của các KTS, chuyên gia quy hoạch uy tín trong nước và quốc tế, tạo cơ sở để lựa chọn đơn vị tư vấn triển khai các bước thiết kế tiếp theo.
Theo đề án được Chính phủ phê duyệt, Khu đại học Phố Hiến thuộc huyện Tiên Lữ – TP Hưng Yên, nằm ở phía Nam tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội khoảng 60km về phía Tây Bắc (theo quốc lộ 39 và quốc lộ 5). Tổng khu đất khoảng 1700ha: phía Bắc giáp quốc lộ 38 B (quốc lộ 39B cũ) đi Hải Dương; phía Nam giáp quốc lộ 39A đi Thái Bình; phía Đông giáp đường huyện lộ 61; phía Tây giáp sông Điện Biên. Khu vực nghiên cứu gồm 02 khu chức năng: Khu đào tạo – nghiên cứu – phát triển cua các trường đại học và các trung tâm khoa học – công nghệ cao; Khu đô thị mới bền vững về môi trường, không gian cảnh quan, gắn liền với hoạt động của khu đại học bằng các công trình công cộng, giao thông thuận tiện nhằm thu hút người dân địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ giảng dạy… Bên cạnh đó, diện tích đất còn lại là Khu vực làng xóm cũ hiện có, đòi hỏi đề xuất giải pháp chỉnh trang, nhằm phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của vùng đất này, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.
Mục đích của cuộc thi nhằm chọn ra đề xuất nổi trội nhất, có tầm nhìn xa cho một khu đại học, đáp ứng tối đa yêu cầu về thẩm mỹ, quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, công năng sử dụng; khai thác hiệu quả nhất ba nguồn tài nguyên: Đất đai, Cơ sở vật chất và Con người, khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực hiện có và khu vực xây mới, tạo lập một khu đô thị mới có hệ thống kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thể hiện được ý nghĩa, tính chất dự án, có tính khả thi cao… 
Do tầm quan trọng của dự án, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị tư vấn uy tín. Ban tổ chức đã nhận được 09 phương án dự thi từ các đơn vị tư vấn thuộc nhiều quốc gia: Hàn quốc, Italia, Mỹ, Đức, Úc, Trung Quốc và Việt Nam. Với sự đầu tư nghiên cứu kỹ càng, phương pháp tiếp cận khoa học, các đồ án dự thi đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo, giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề thực tế đang đặt ra cho Khu đại học Hưng Yên… Điều này khiến cho việc lựa chọn một phương án khả thi, nổi bật và bản sắc trở nên khó khăn đối với  Hội đồng giám khảo. 
Chính vì vậy, để có thể phân tích, đánh giá các phương án dự thi và đề xuất tuyển chọn phương án tốt nhất một cách bài bản, hiệu quả, đảm bảo công bằng, khách quan… Hội đồng giám khảo đã cũng bàn bạc, thảo luận, và thống nhất, các tiêu chí hết sức kỹ càng và chi tiết. Cụ thể, các tiêu chí đánh giá được thiết lập, tương ứng với tỷ trọng như sau:
Tiêu chí 1-Sự phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch chi tiết (chiếm tỷ lệ 10%): Phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt và nhiệm vụ thiết kế cuộc thi.
Tiêu chí 2-Ý tưởng Quy hoạch (chiếm tỷ lệ 30%): Đề xuất ý tưởng quy hoạch độc đáo về một Khu Đại học tập trung hiện đại, đáp ứng yêu cầu của một Trung tâm đào tạo – Nghiên cứu tiên tiến của Thế kỷ 21, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên đất đai, hạ tầng, cơ sở vật chất và con người trên cơ sở tổ chức hài hòa giữa các Khu sử dụng chung đa phương và song phương với các Khu đặc thù riêng của từng Trường Đại học.
– Đề xuất ý tưởng tạo dựng Khu Đô thị mới hiện đại, phát triển bền vững, khai thác được tối đa mối quan hệ đặc thù – tương hỗ giữa Khu Đào  tạo – Nghiên cứu với Khu Đô thị.
– Đề xuất ý tưởng kết nối hài hòa với các làng  xóm truyền thống trên cơ sở chỉnh trang và di dời tối thiểu hợp lý.
Tiêu chí 3-Các giải pháp (chiếm tỷ lệ 30%): Các giải pháp phải nhằm giải quyết được 5 bài toán cơ bản của Khu Đại học hiện đại là Công năng, Giao thông, Tính cộng đồng, Tính bản sắc và tính phù hợp với điều kiện tự nhiên, cụ thể :
– Phân khu chức năng : trên cơ sở phân tích đánh giá hiện trạng, xác định tiềm năng phát triển và các vấn đề cần giải quyết, đề xuất giải pháp phân khu chức năng, xác định rõ quy mô ranh giới tính chất của Khu Đào tạo – Nghiên cứu và Khu Đô thị cũng như các Khu chức năng nội tại của 2 Khu trên (Khu Trung tâm, Khu học tập nghiên cứu các trường, khu ký túc xá, thể dục thể thao, dịch vụ, thương mại, ở …)
– Tổ chức giao thông : đề xuất được các giải pháp tổ chức giao thông đối ngoại – kết nối các tuyến ngoài Khu Đại học; đối nội – các tuyến liên khu, đi bộ, giao thông tĩnh …
+ Không gian quy hoạch – kiến trúc Khu Đại học phải đạt được các yêu cầu về tổ chức hợp lý các Khu chức năng, bảo đảm khả năng vận hành khai thác thuận lợi, đồng thời phải đạt tới giá trị cao về nghệ thuật bố cục không gian quy hoạch-kiến trúc
+ Khai thác điều kiện địa hình, tự nhiên, hài hòa với môi trường, cảnh quan khu vực xây dựng.
+ Tạo nên mối liên hệ chặt chẽ giữa các khu vực với tổng thể đô thị
+ Xác định các mô hình – loại hình công trình cho các khu chức năng.
+ Ý tưởng thiết kế kiến trúc cảnh quan tổng thể và từng khu chức năng. 
Tiêu chí 4-Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững (chiếm tỷ lệ 10%):
– Khai thác hiệu quả, hợp lý các điều kiện tự nhiên
– Các giải pháp về giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường, ưu tiên tổ chức giao thông không khói.
– Các giải pháp có tỉ lệ cây xanh, mặt nước cao, hướng tới mô hình Đô thị Đại học – Công viên sinh thái
Tiêu chí 5-Tính khả thi (chiếm tỷ lệ 20%):
– Khả thi về tài chính và đầu tư (phù hợp với điều kiện kinh tế, thị trường của tỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư).
– Khả thi về mặt xã hội, giảm thiểu sự xáo trộn trong khu vực
– Khả thi về mặt kỹ thuật và kết nối hạ tầng
– Tính linh hoạt của các giải pháp.
– Khả thi về phương án giải phóng mặt bằng tái định cư
 – Phân kỳ đầu tư hợp lý..
Sau nhiều vòng bình chọn, thảo luận và phân tích Hội đồng đã thống nhất trao các giải Nhì, Ba và Khuyến khích (không có giải Nhất) cho các phương án dự thi của Công ty SD partners Architects & Engineers (Hàn Quốc), Công ty Architettiriuniti (Subconsultan: Arup Italia), Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và Nông thôn – Bộ Xây dựng.
Nhìn chung, các đồ án đoạt giải với những ý tưởng phong phú, giải pháp sáng tạo và khả thi đã đáp ứng khá tốt các tiêu chí của Hội đồng giám khảo, đặc biệt, các biểu tượng mới của Khu đại học Phố Hiến trong tương lai được thể hiện rõ nét trên các đồ án đã gợi mở những hướng đi tiếp theo cho quá trình triển khai thực hiện dự án Thành phố – đại học tại Hưng Yên.
Được Hội đồng giám khảo đánh giá cao, phương án đoạt giải Nhì của Công ty SD partners Architects & Engineers (Hàn Quốc) đã đưa ra giải pháp về một Khu đại học kết hợp hài hòa giữa quá khứ và tương lai, trong đó điểm nhấn của toàn khu là hình ảnh bông hoa sen nở rộ, hướng về một tương lai của tri thức và văn hóa. Theo đó, Khu đại học Phố Hiến sẽ trở thành một Thành phố Xanh và phát triển hài hòa, bền vững (Green City – Harmornie City). Các giải pháp được đề xuất dựa trên các nguyên tắc: kết hợp truyền thống và tương lai, hài hòa với tự nhiên, nền giáo dục mở, thân thiện với môi trường. Trên cơ sở giữ nguyên dạng các khu di tích, chỉnh trang làng xóm hiện hữu, Khu đại học được thiết kế theo hình cánh quạt, tỏa rộng ra xung quanh, tạo thành những cảnh quan mở, thân thiện với môi trường, kết nối với tự nhiên: Quảng trường năng lượng mặt trời, công viên gió…
Với phương án đạt giải Ba của Công ty Architettiriuniti (Subconsultan: Arup Italia), Hội đồng giám khảo lại tìm thấy nét lãng mạn trong ý tưởng xây dựng một thành phố đại học kết nối cộng đồng, kết hợp những trường đại học mới với khu dân cư, với môi trường, sông ngòi. “Campus as a City” được thiết kế với ý tưởng phát triển Khu đô thi theo một trục xương sống, các công trình bám theo đó, các thiết kế đơn giản nhưng đảm bảo tính linh hoạt cao…
Đạt giải Khuyến khích là “Thành phố sáng tạo” của Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và Nông thôn – Bộ Xây dựng. Thành phố sẽ được xây dựng trên mô hình đô thị cộng sinh, đây sẽ là nơi diễn ra sự phục hưng của đô thị cổ Phố Hiến. Ý tưởng quy hoạch dựa vào bản sắc văn hóa của Phố Hiến – Hưng Yên, cấu trúc làng xóm được cách điệu thành cấu trúc ô phố, trục phố, tạo thành những không gian chuyển tiếp hài hòa giữa đô thị cũ và mới.
Hơn cả một cuộc thi, hơn cả một giải thưởng – đó là tương lai của một Khu đại học – đô thị quy mô lớn, quy hoạch đồng bộ và hiện đại đầu tiên và bậc nhất Việt Nam. Với kết quả của cuộc thi – hy vọng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên sẽ sớm đưa ra quyết định lựa chọn đơn vị tư vấn cũng như phương án thực hiện. Tin rằng Khu đại học Phố Hiến sẽ sớm thành hiện thực, trở thành một biểu tượng mới của tỉnh Hưng Yên nói riêng và Vùng Thủ đô nói chung.
GS.TS.KTS. Nguyễn Việt Châu
Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi