ALP Mini – Talks, chuỗi hoạt động ở rộng của chương trình Architecture Leader Perspective (ALP) do LIXIL Việt Nam khởi xướng từ năm 2016 đã trở lại chuỗi đối thoại trực tuyến có chủ đề xuyên suốt: “Nhìn về văn hóa kiến trúc VIỆT”. Với 12 tọa đàm cùng sự tham gia của các kiến trúc sư, nhà thiết kế, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, ALP Mini – Talks đã mang tới những chia sẻ, thảo luận, đối thoại đa chiều, những suy tư về thực hành Kiến trúc – Nghệ thuật – Văn hóa.
Một số nổi bật từ 12 Chủ đề của 12 Tọa đàm:
ALP Mini – talks đầu tiên có chủ đề “Kiến trúc thánh thiêng – 500 năm truyền giáo tại Việt Nam” với sự tham gia của 2 diễn giả chính là KTS Nguyễn Anh Cường (Nhabe Schole) và KTS Vũ Hương (vn-a) và cùng bàn luận, chia sẻ về không gian thánh thiêng dưới góc nhìn văn hóa, kiến trúc và những đóng góp của kiến trúc bản địa vào giá trị chung của kiến trúc thánh đường. Những công trình kiến trúc thiên chúa sống động được đề cập trong bài trình bày có Nhà thờ Bùi Chu; Vương cung thánh đường Sở Kiện; Nhà thờ Phát Diệm; Nhà thờ Đức Bà; Nhà thờ lớn Hà Nội; Nhà thờ mới giáo xứ Ka Đơn…
Từ tọa đàm mở đầu về kiến trúc tôn giáo, ALP MINI TALK #2 đã tiếp nối với chủ đề: “Đánh thức thần linh trong bối cảnh đổi mới” mở ra câu chuyện về không gian thiêng dưới góc nhìn văn hóa. Trong khuôn khổ phần thảo luận, Diễn giả và Quý khách mời tham dự đã có dịp nhìn lại chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của tín ngưỡng truyền thống, không gian thánh thiêng trong đời sống người Việt vô cùng phong phú, đồng thời đặt ra các vấn đề cấp thiết trong tái tạo không gian thiêng trong bố cảnh sống hiện đại, những biến đổi không gian, xu hướng và nhân tố tham gia.
Cũng từ các vấn đề đặt ra tại các tọa đàm trước, ALP MINI_TALK #3 với chủ đề: “Nhận diện một số mã gien kiến trúc Việt Nam” – đã mở rộng nội dung trao đổi tới “Bản sắc trong Kiến trúc”. Tọa đàm cũng hướng tới mục tiêu tìm kiếm những khả tính mới của nghệ thuật từ chính nội hàm con người Việt với những điều kiện đặc thù về lịch sử, văn hóa, sinh thái, di truyền, chương trình giới thiệu một tiếp cận nhân học đối với nghệ thuật.
Sau 3 tọa đàm với góc nhìn vĩ mô về văn hóa kiến trúc Việt, ALP MINI_TALK #4, 5 thu hẹp lại phạm vi trao đổi với nội dung về kiến trúc Nhà ở và Trường học với chủ đề lần lượt là “Ranh giới và Khoảng trống” và “Không gian trường học – Từ triết lý đến giải pháp”.
ALP MINI_TALK #6 có chủ đề “Như thể là một hiện hữu của sắp đặt tuyệt đối” – kiến trúc từ góc nhìn nghệ thuật và khơi gợi suy tưởng về khái niệm ‘sắp đặt tuyệt đối của nghệ thuật’ – một nền tảng trong thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ đương đại Phạm Minh Hiếu.
ALP MINI_TALK #7 có chủ đề “Kiến trúc thi ca” với sự tham gia của KTS Hồ Viết Vinh. Về bản thể, thi ca thoát thai trong sự cao siêu và huyền bí, làm thời gian cất tiếng và cảm nhận được diễn bày. Kiến trúc chạm đến cuộc sống trong và quanh nó, tạo ra chiều sâu nơi mà không gian và thời gian không còn tách biệt. Kiến trúc thi ca mang hơi thở cuộc sống nhưng vẫn đậm chất thơ.
ALP MINI_TALK #8 tiếp tục trao đổi về chủ đề “Lớp vỏ và Khoảng trống” với sự tham gia của KTS Nguyễn Xuân Minh – Sáng lập văn phòng Kiến trúc BHA và những giải pháp kiến trúc đơn giản để thích ứng với khí hậu đặc thù của miền Trung. Giải pháp anh mang đến đảm bảo yếu tố tốt về mặt kỹ thuật và bài toán kinh tế, vừa đơn giản, thuần khiết, phải đẹp nhưng phải rẻ, rẻ trong xây dựng và rẻ trong sử dụng.
ALP MINI_TALK #9 lấy chủ đề “Kiến trúc ý niệm” với sự tham gia của KTS Hồ Mộng Long đã chia sẻ về Khái niệm, Bản chất cũng như những Biểu hiện của Kiến trúc ý niệm thông qua mối quan hệ giữa hình thức kiến trúc và phương thức trải nghiệm kiến trúc. KTS đồng thời giới thiệu các dự án điển hình mà HMLarchitecture đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện. “Không gian ý niệm” – thiết kế dựa trên những thứ vô hình (cảm xúc) và truyền đạt nó thông qua những thứ hữu hình (ngôn ngữ thiết kế), như một dạng cầu nối trực tiếp nhất giữa thế giới vật chất hữu hình (không gian vật lý, kiến trúc, nội thất) với thế giới nội tâm vô hình nhưng sâu thẳm bên trong mỗi con người.
ALP MINI_TALK #10 là chương trình ALP Mini-talk đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của gần 20 khách mời tại không gian kết nối cộng đồng Kiến trúc – Thiết kế X-hub và 60 khách mời trên Zoom Webinar. Lấy chủ đề “Đối thoại với tự nhiên”, Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Sơn (SơnX) đã chia sẻ những quan điểm của anh về thực hành và thưởng thức âm nhạc truyền thống. Âm nhạc truyền thống Việt Nam mang nhiều đặc tính tự do, ngẫu hứng nhưng đồng thời cũng rất dễ trói buộc người thực hành nghệ thuật vào truyền thống. Vượt lên những hạn chế, sử dụng nền tảng truyền thống để tiếp cận với nhạc đương đại là một bước chuyển trong hoạt động nghệ thuật của anh. Sơn X đã giới thiệu các sáng tác đương đại trên nguồn cảm hứng từ chất liệu âm nhạc truyền thống, mở ra nhiều liên tưởng mới lạ, phá vỡ những rào cản quen thuộc của khán giả trong thưởng thức âm nhạc. Đồng thời, nghệ sĩ cũng chia sẻ quan điểm về sự kết hợp liên ngành giữa âm nhạc và kiến trúc trong quá khứ cũng như hiện đại.
ALP MINI_TALK #11 tiếp tục được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với bài nói chuyện : “Ý và Hình trong Kiến trúc” cùng với sự tham gia của diễn giả khách mời – KTS Nguyễn Phước Thiện đã chia sẻ những đúc rút cô đọng từ kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy, thực hành kiến trúc, với những diễn giải trong tác phẩm “Architecture, Form – Space and Order” của FRANCIS D. K. CHIN. Buổi chia sẻ khái quát nội dung các chuyên đề được đề cập trong cuốn sách, bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan tới hình khối, không gian công năng và mỹ quan đô thị đúng với tựa đề của nó. Bên cạnh đó, diễn giả đưa ra các đề nghị từ kinh nghiệm hành nghề và giảng dạy của bản thân, để từ đó mỗi khán thính giả có thể hiểu và ứng dụng“Ngôn ngữ Kiến trúc” trong thực hiện các tác phẩm kiến trúc của riêng mình.
ALP MINI_TALK #12 không chỉ là một buổi tổng kết chuỗi đối thoại của chương trình ALP Mini-talks mang chủ đề lớn: “Nhìn về văn hóa kiến trúc VIỆT”. Toạ đàm còn mở ra nhiều câu hỏi cũng như suy tư của các chuyên gia từ các ngành nghề khác nhau trong cuộc đi kiếm tìm bản sắc. Những bài học của các quốc gia lớn có lịch sử lâu đời và bản sắc như Nhật Bản, Trung Quốc hay như các nước phương Tây đều đã cần rất nhiều thời gian để đi tìm chính mình và kiến tạo nên bản sắc của dân tộc không chỉ trong quá khứ mà còn là trong hiện tại. Nhìn rõ những ưu điểm cũng như nhược điểm của chính mình là tiền đề để có những giá trị tốt đẹp hơn. Hướng ra bên ngoài để mở rộng tầm nhìn nhưng hướng vào bên trong làm cho mình trở nên rắn rỏi hơn, nội lực hơn để sáng tạo. Mục tiêu càng lớn bao nhiêu thì công cụ càng phải nhỏ, Đường càng xa thì càng phải bước những bước chân thật chậm rãi…
Chuỗi tọa đàm không dừng lại chỉ ở 12 buổi đối thoại chuyên đề, những nỗ lực đi cùng nhau để vẽ nên một bức tranh tương đối đa dạng về các thử nghiệm của các hướng tiếp cận khác nhau về văn hóa kiến trúc VIỆT. ALP Mini-talks 2021-2022 có 12 buổi tọa đàm, kép dài 9 tháng, từ tháng 10/2021 – tháng 6/2022, với sự tham gia của 15 diễn giả là các kiến trúc sư, nhà thiết kế, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, cùng sự quan tâm tham dự của gần 1500 khán giả… mang tới những chia sẻ, thảo luận, đối thoại đa chiều, những suy tư về thực hành Kiến trúc – Nghệ thuật – Văn hóa.
Thông tin về ALP Mini – Talks
- Đơn vị tổ chức: LIXIL Việt Nam
- Đơn vị thực hiện:
- Không gian kết nối, truyền cảm hứng giao lưu và học hỏi cho cộng đồng Kiến trúc – Thiết kế Xhubvietnam.com
- Cổng kết nối sáng tạo Kiến trúc & Nghệ thuật AGOhub
- Đơn vị truyền thông chuyên ngành Kiến trúc – Nội thất – Xây dựng kienviet.net
© Tạp chí Kiến trúc