Bàn về xu hướng đào tạo kiến trúc gắn với thực hành

Trước bối cảnh hội nhập thị trường khu vực và quốc tế và quá trình phát triển đô thị của nước nhà, việc đào tạo KTS tại các cơ sở đào tạo nghề kiến trúc cũng đứng trước nhiều thách thức mới. Câu hỏi lớn đặt ra là: Các cơ sở đào tạo nghề kiến trúc đã chuẩn bị gì cho việc hội nhập? Việc đào tạo có gắn với quy luật, nhu cầu của nền kinh tế thị trường không? Đây là một trong nhiều vấn đề có tính quyết định đến sự tồn tại và phát triển của một cơ sở đào tạo nghề kiến trúc trong thời gian tới. Bài viết này sẽ giới thiệu về xu hướng đào tạo KTS gắn với thực hành, ý nghĩa của những cuộc thi kiến trúc đối với chương trình đào tạo, góc nhìn của người học đối với chương trình đào tạo có kết hợp các cuộc thi thiết kế. Từ đó, giúp chúng ta hiểu thêm về hiệu quả đem lại đối với sự tương tác giữa người dạy và người học và giữa chính người học với nhau.

Xu hướng đào tạo KTS gắn với thực hành – Ý nghĩa của những cuộc thi kiến trúc đối với chương trình đào tạo

Với mục đích gìn giữ kiến trúc Sài Gòn xưa trong một công trình kiến trúc lâu đời tại Sài Gòn, tháng 8/2018, Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc thuộc Sở Quy hoach – Kiến trúc TP HCM đã kết hợp với Trường đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) tổ chức cuộc thi tìm ý tưởng kiến trúc cho công trình Trung tâm lưu trữ Quốc gia II tại TP HCM. Đó là công trình tại vị trí số 2 Ter Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM. Đây tổ chức sự nghiệp thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, là nơi lưu trữ các văn bản, hồ sơ, tài liệu có giá trị từ Trung ương đến địa phương. Công trình là nơi tạo dựng nên không gian chia sẻ, nghiên cứu dành cho mọi đối tượng quan tâm đến di sản văn hóa lịch sử của Việt Nam, đồng thời là di tích kiến trúc Pháp tại Sài Gòn.

Phương án được đánh giá cao nhất của sinh viên ngành kiến trúc TDTU

Để đạt được tiêu chí của cuộc thi thiết kế là gìn giữ nét kiến trúc của Sài Gòn xưa, các nhóm dự thi phải tìm hiểu về phong cách kiến trúc Sài Gòn, những nét văn hóa và thói quen của người Sài Gòn xưa; Khai thác sự liên hệ qua lại giữa yếu tố Hiện đại và Truyền thống, nhằm tái hiện một không gian Sài Gòn xưa vào không gian trưng bày. Các phương án đề xuất phải làm tôn thêm giá trị của các tài liệu cổ và các ấn phẩm được lưu giữ. Qua đó, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về lịch sử và cả văn hóa đến người xem.

Đối với khoa kiến trúc TDTU, cuộc thi tìm ý tưởng kiến trúc cho công trình này là cơ hội tốt để sinh viên ngành kiến trúc và quy hoạch tiếp cận thực tiễn, nâng cao tính thực hành trong hoạt động nghề nghiệp. Đồng thời, việc kết hợp một cách chủ động và có chuyên môn sâu với Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM cũng thể hiện sự đóng góp thực chất và hiệu quả của một cơ sở đào tạo hàng đầu Việt Nam vào công việc chung của thành phố, góp phần gìn giữ một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử của TP HCM.

Chủ động tham gia vào các cuộc thi thiết kế ở trong và ngoài nước nhằm hướng tới mục tiêu gắn kết đào tạo trong nhà trường với thực tiễn, nâng cao tính thực tiễn hành nghề KTS đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế thị trường. Cho dù những cuộc thi thiết kế được tổ chức bởi các cơ quan, chính quyền thành phố, hay bởi các doanh nghiệp trong lĩnh vực như kiến trúc, xây dựng, vật liệu trang trí nội và ngoại thất,… thì tất cả đều có một điểm chung là tính thực tiễn rất cao, đòi hỏi các phương án có tính khả thi, khả dụng và hàm chứa ý tưởng sáng tạo. Sự cộng tác giữa cơ sở đào tạo kiến trúc với các doanh nghiệp, hay Sở ban ngành thành phố luôn đem đến lợi ích cho cả hai phía. Một mặt, giúp doanh nghiệp và Sở ban ngành tìm được sự hưởng ứng và hiệu ứng tốt trong một cộng đồng học thuật rộng lớn, theo đúng mục đích của đơn vị tổ chức sự kiện. Ngoài ra, họ có thêm những ý tưởng sáng tạo cho các cuộc thi tìm ý tưởng, giúp doanh nghiệp dễ dàng chọn lựa giải pháp tốt nhất cho những dự án của mình. Mặt khác, đối với cơ sở đào tạo, những cuộc thi kiến trúc trong quá trình đào tạo sẽ giúp việc đào tạo gắn chặt với thực tiễn, nâng cao tính thực tiễn hành nghề KTS và tính cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Bài thi thiết kế 60 Showroom Ôtô theo đơn đặt hàng của Công ty Đại Quang Minh (THACO), tháng 3-6/2018

Năm 2018, Công ty CPĐT Đại Quang Minh (ĐQM) đặt hàng thiết kế ý tưởng cho 60 showroom Ôtô theo kế hoạch của Tập đoàn THACO. Đơn đặt hàng này được giao cho ngành kiến trúc TDTU, thực hiện từ tháng 3 – 8/2018. Nội dung nhiệm vụ thiết kế được lồng ghép vào đồ án môn học của năm thứ 4 kiến trúc, là cơ hội tốt để tiếp cận với doanh nghiệp và học hỏi nhiều kinh nghiệm thiết kế thực tế, qua đó tăng cường và nâng cao kỹ năng thực hành chuyên môn. Ban QLDA Công ty ĐQM đã hỗ trợ, hướng dẫn các nhóm sinh viên Kiến trúc trong suốt quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và xây dựng ý tưởng thiết kế. Sinh viên được hưởng lợi kép, khi vừa được làm đồ án chất lượng, lại vừa được thực tập tại doanh nghiệp có sự hướng dẫn trực tiếp từ Ban QLDA để thực hiện các đồ án sẽ đem ra triển khai xây dựng thực tế (Hình 5&6).

Từ tháng 8 – 10/2019, cuộc thi thiết kế “Phù Thủy Không Gian” do Tập đoàn An Phát Holdings tổ chức dành cho các trường đào tạo ngành kiến trúc và thiết kế nội thất trên toàn quốc. Mục đích cuộc thi nhằm thay đổi về nhận thức và hành động của mỗi người trong việc bảo vệ môi trường sống, tự tìm cách thay đổi không gian sống theo hướng tích cực, tiết kiệm nguồn tài nguyên. Tham dự có sinh viên từ các trường đào tạo kiến trúc, thiết kế nội thất: ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kiến trúc TP HCM, và ĐH Văn Lang. Ngành kiến trúc TDTU nhận thấy mục đích cao cả của cuộc thi nên đã cho Sv tham gia và đạt được nhiều giải thưởng cao, có ý nghĩa. Trong đó, có giải thưởng tập thể dành cho đơn vị có nhiều bài thi nhất (75/214 tổng số bài thi). Thành công này khẳng định vai trò và vị thế của TDTU trong các phong trào và hoạt động của sinh viên kiến trúc và KTS trẻ trong cả nước. Đồng thời, góp phần khẳng định những kinh nghiệm và phương pháp mới trong chất lượng đào tạo hành nghề kiến trúc trong thời kỳ mới.

Tham gia cuộc thi thiết kế Phù Thủy Không Gian, tháng 10/2019

Góc nhìn của người học đối với chương trình đào tạo có kết hợp các cuộc thi thiết kế

Với sự tham gia cuộc thi tìm ý tưởng cho Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Trần Nghĩa Thoại (SV đạt giải cao nhất) và các sinh viên kiến trúc – quy hoạch TDTU coi đó là cơ hội tốt để các KTS tương lai được trải nghiệm một cuộc thi thiết kế với đề bài thực tế. Họ được khuyến khích thể hiện hết năng lực sáng tạo của mình. Nội dung công việc đặt ra tính thực tế và cạnh tranh cao, đòi hỏi mỗi thí sinh phải nắm vững kiến thức chuyên ngành cũng như những kiến thức về lịch sử, văn hóa, kiến trúc Sài Gòn. Để từ đó vận dụng kỹ năng sáng tác và các kỹ năng đồ họa chuyên nghiệp thể hiện tác phẩm của mình thành những đồ án khả thi và hiệu quả nhất. Họ tin tưởng và hy vọng phương án dự thi đạt giải cao nhất của mình sẽ được áp dụng để triển khai trong thời gian tới.

Thông qua cuộc thi thiết kế “Phù Thủy Không Gian”, nhóm sinh viên kiến trúc năm 4 của TDTU (Lương Tuấn Kiệt – Nguyễn Thanh Huy, đạt Giải Cộng đồng đối với tác phẩm nhận được nhiều lượt bình chọn nhất cuộc thi) cảm nhận rằng “Được tham dự cuộc thi giúp chúng em có cách nhìn thực tế hơn và đam mê hơn đối với ngành nghề của mình. Đó là cơ hội tốt để giao lưu học hỏi từ Thày Cô và cả các đàn anh, đàn chị ngành kiến trúc”. Chính những tiêu chí của cuộc thi thiết kế là những thách thức cần phải vượt qua, và đó cũng chính là những đòi hỏi về tính sáng tạo, tính khả thi trong các phương án thiết kế.

Bài thi thiết kế Out-In-Box của nhóm sinh viên kiến trúc năm 4, TDTU: Giải Cộng đồng đối với tác phẩm nhận được nhiều lượt bình chọn nhất

Thay lời kết

Hướng tới việc đào tạo chất lượng cao ngành kiến trúc, từ các cuộc thi thiết kế trong và ngoài nước, có thể thấy rằng thí sinh Việt Nam không thua kém thí sinh các nước trong khu vực châu Á. Thậm chí thí sinh Việt Nam có kỹ năng thể hiện đồ án, đặc biệt kỹ năng thể hiện bằng tay, tốt hơn và thuần thục hơn các nước bạn. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn về cách thức đào tạo ngành nghề thì giáo dục và đào tạo của chúng ta còn thiếu tính sáng tạo, thiếu tính linh hoạt, và thậm chí đôi khi còn lạc hậu, hoặc còn mang tính viển vông, xa rời thực tế. Để hướng tới việc đào tạo kiến trúc đạt chất lượng tốt hơn, có tính cạnh tranh hơn ở trong khu vực thì các cơ sở đào tạo và bản thân đội ngũ giảng viên cần chủ động cập nhật kiến thức mới, cập nhật tình hình thực tiễn để đưa vào trong chương trình giảng dạy, vào các đồ án cho sinh viên kiến trúc. Chẳng hạn, cần chú trọng đưa vào bài giảng và chủ đề cho đồ án môn học những vấn đề hiện thực khách quan đang diễn ra như biến đổi khí hậu, triều cường, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, nhà ở cho người nghèo, người vô gia cư, hay sự thay đổi trong mối quan hệ giữa con người và môi trường thiên nhiên,…

Tóm lại, quan niệm đào tạo KTS gắn liền với thực tế cuộc sống, gắn liền với những vấn đề thực tiễn đang xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta ngày càng đúng đắn và cần thiết. Quan điểm đó cần được các cơ sở đào tạo chủ động nắm bắt xu thế phát triển và được cụ thể hóa bằng những hoạt động đào tạo gắn liền với thực hành, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Hình thức thực hiện đa dạng và linh hoạt tùy từng hoàn cảnh, tùy điều kiện của từng trường mà tổ chức các đồ án môn học, chuyên đề, seminar và thực tập doanh nghiệp trong và ngoài nước, trở thành cấu trúc bắt buộc trong chương trình đào tạo kiến trúc.

TS.KTS. Ngô Lê Minh, KTS. Nguyễn Thanh Huy, KTS. Lương Tuấn Kiệt
Trường Đại học Tôn Đức Thắng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2019)