Đào tạo theo xu hướng Kiến trúc xanh – Kiến trúc hiệu quả năng lượng

Trong những năm gần đây, thế giới đang đứng trước những thách thức lớn của vấn đề môi trường toàn cầu, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Xu hướng thiết kế xây dựng công trình Xanh thân thiện với môi trường đã trở nên phổ biến và đang trở thành yêu cầu phát triển của nhiều quốc gia trong khu vực, trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Bước vào thế kỷ 21, chúng ta chứng kiến sự phục hưng các nền kiến trúc bản địa đương đại trong thế giới thứ ba, một sự kết hợp xu thế tiết kiệm năng lượng và kiến trúc sinh thái, hướng tới sự hài hòa giữa con người, môi trường sinh thái và hình khối công trình. Các xu thế kiến trúc mới xuất hiện: “Hiện đại toàn cầu – bản địa” (Glocal = global/local), hoặc “Sinh thái – khí hậu” (Eco-Climate).

Công trình Termitary house đạt giải thưởng WAF 2015

Hiện nay phát triển kiến trúc Xanh, công trình Xanh và đô thị Xanh tại Việt Nam bắt đầu được quan tâm và đang dần trở thành xu hướng thiết kế của nhiều KTS cũng như các nhà quy hoạch, kỹ sư xây dựng, kỹ sư đô thị… Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, thậm chí một số nhà quản lý chưa thật sự quan tâm đúng mức. Quy chuẩn quốc gia QCVN 09:2013 Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành, nhưng thiếu chế tài và cơ chế để bắt buộc thực hiện. Hệ thống đánh giá công trình Xanh LOTUS đã được Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam VGBC đã nghiên cứu ban hành và sử dụng đánh giá và cấp chứng chỉ cho Công trình nhà ở, công trình công cộng và công nghiệp, công trình đang vận hành tại Việt Nam. Một số hệ thống đánh giá CTX thế giới như LEED, Green MarK, EGDE, Green Star… cũng bắt đầu được áp dụng đánh giá CTX tại Việt Nam.

Theo tổng quan đánh giá của mạng lưới Công trình Xanh Châu Á – Thái Bình Dương, số công trình xây dựng đạt tiêu chí Xanh và được chứng nhận công trình Xanh của Việt Nam hiện đang ở mức rất khiêm tốn, kém hơn so với nhiều nước trong khu vực và quốc tế. Xu hướng phát triển xây dựng Xanh còn chưa được thật sự coi trọng, xây dựng công trình và phát triển đô thị hiện đang còn tồn tại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững.

Tiêu đề của Hội nghị phát triển CTX toàn cầu và khu vực Châu Á – TBD năm 2015 tại Singapore năm nay được nhấn mạnh với tiêu đề: “LEAD – ENGAGE – SUSTAIN” (Định hướng – Cam kết, thỏa ước – Bền vững) đang là định hướng sự phát triển Công trình Xanh của nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.
Các đối tác tham gia công tác thúc đẩy phát triển đô thị Xanh và công trình Xanh tại Việt Nam là các nhà quản lý xây dựng và phát triển đô thị cấp Trung ương và địa phương, các nhà tư vấn quy hoạch và thiết kế kiến trúc, các doanh nghiệp xây dựng và phát triển công nghệ thiết bị xây dựng, các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình và người sử dụng. Do vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực trên từ các trường đại học là rất quan trọng và cần thiết.

Khoa Kiến trúc của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được thành lập từ năm 2008. Mục tiêu đào tạo KTS của Khoa tiếp cận thực tiễn xây dựng của đất nước và hội nhập với xu hướng đào tạo KTS trên thế giới.

Khoa Kiến trúc đã liên tục đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo. Tuy thời gian đào tạo là 4 năm rưỡi, thời gian ít hơn so với các cơ sở đào tạo KTS khác ở trong nước, nhưng chương trình đào tạo vẫn đảm bảo yêu cầu chương trình khung của Bộ Giáo dục đào tạo, vẫn đảm bảo cung cấp khối lượng kiến thức cần thiết về chuyên ngành cho SV.

Công trình The Interlace (singapore) đạt giải thưởng WAF 2015

Để từng bước thực hiện chương trình đào tạo theo xu hướng phát triển Xanh và tiết kiệm năng lượng, Chương trình đào tạo của khoa được thiết kế một số môn học bắt buộc và nhóm môn học chuyên ngành tự chọn về Kiến trúc Xanh. Trong khối kiến thức bắt buộc, khoa đã đưa môn học Bảo vệ môi trường và phát triển đô thị bền vững, Bảo tồn di sản và cải tạo Kiến trúc vào chương trình. Từ năm 2011, khoa đã thực hiện 4 nhóm chuyên ngành tự chọn trong năm học cuối trước khi SV nhận đồ án tốt nghiệp – Đó là các chuyên ngành: Kiến trúc công trình, Kiến trúc nội, ngoại thất, Kiến trúc xanh và Thiết kế đô thị. Khoa Kiến trúc đã tập trung nghiên cứu chuyên ngành Kiến trúc Xanh, từ năm học 2012, Khoa đã xây dựng 4 môn học:

  • Lý thuyết thiết kế Kiến trúc Xanh – Kiến trúc bền vững
  • Môi trường Xây dựng
  • Giải pháp giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường của công trình xây dựng
  • Đồ án thiết kế công trình Nhà ở cao tầng và công trình công cộng theo các tiêu chí Công trình Xanh, Kiến trúc Xanh.

Từ năm 2013, Khoa Kiến trúc đã hợp tác với Khoa Thiết kế nội thất và Kiến trúc trường Đại học tổng hợp Schwinburne – Úc trong chương trình đào tạo sinh viên nghiên cứu thực địa về phát triển không gian kiến trúc trong khu vực phố cổ Hà Nội. Hàng năm, nhóm nghiên cứu SV Úc và Việt Nam thực hiện các dự án nghiên cứu SV về khu vực này trong thời gian 3 tuần. Hai khoa đang nghiên cứu phối hợp để liên kết đào tạo một cách hiệu quả.

Khoa Kiến trúc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ hiện đang là một thành viên trong mạng lưới các trường đại học quốc tế trong đào tạo phát triển Công trình Bền vững. Mạng lưới do trường Đại học tổng hợp công nghệ BTU Cottbus và tổ chức GIZ của CHLB Đức chủ trì. Thành viên mạng lưới bao gồm các trường Đại học của CHLB Đức, Peru, Lebanon America, CHLB Nga, Ucraina, Cameroon, Nigeria và Việt Nam. Trong học kỳ 2 năm học 2014-2015, Khoa Kiến trúc đã bắt đầu thử nghiệm chương trình đào tạo từ xa E- learning bộ giáo trình ECO- Campus cho nhóm SV kiến trúc sử dụng thành thạo tiếng Anh. Trong tháng 3/2016, Khoa đã phối hợp với Đại học tổng hợp BTU – Cottbus và GIZ tổ chức thành công Hội thảo “Xanh hóa chương trình đào tạo nhằm phát triển Kiến trúc bền vững”. Hai bên đã kí biên bản thỏa thuận hợp tác trong đào tạo thực tuyến E – learning về phát triển bền vững trong kiến trúc và xây dựng.

Xem thêm: Phát triển bền vững trong cải tạo công trình tại Việt Nam

Công tác đào tạo KTS tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang từng bước phát triển theo mục tiêu tiếp cận thực tiễn đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, công tác đào tạo KTS tại các cơ sở đào tạo KTS ngoài công lập hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Do đầu tư công suy giảm, thị trường Bất động sản chưa khởi sắc, công việc tư vấn kiến trúc, xây dựng gặp nhiều khó khăn, số lượng thí sinh vào ngành kiến trúc ngày càng giảm sút. Kỳ thi chung hai trong một, kết hợp tốt nghiệp PTTH và tuyển sinh đại học thực hiện 2 năm nay, còn nhiều bất cập, đầu vào giảm sút cả về lượng và chất đã gây nhiều khó khăn cho việc tổ chức đào tạo và giải quyết công ăn việc làm cho thầy, cô giáo. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là cơ hội cho các trường để tìm các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.

Cũng đã đến lúc công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Kiến trúc trong cả nước cần được quy hoạch, phối hợp tổ chức và cải cách chương trình đào tạo, để đảm bảo mục tiêu tạo dựng được một đội ngũ nhân lực KTS tương lai có chất lượng, phục vụ cho công cuộc xây dựng phát triển tại các địa phương và đất nước.

GS. TS. KTS Nguyễn Hữu Dũng
Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc – Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2016)