Đổi mới hệ thống đồ án môn học – bộ môn Kiến trúc dân dụng

Tại Khoa Kiến trúc và Quy hoạch thuộc Trường Đại học Xây dựng, do đặc thù ngành đào tạo, đồ án môn học có tầm quan trọng rất lớn, đó là những bài tập thực hành giúp SV vận dụng những kiến thức đã tích lũy để giải quyết các vấn đề cụ thể với những yêu cầu riêng và một số quy định cũng như điều kiện cho trước. Trong thực tế, qua mỗi đồ án, SV sẽ định hình tư duy sáng tạo, dần dần nâng cao khả năng thiết kế và rèn luyện những kỹ năng cần thiết khác để có thể trở thành những KTS và những nhà quy hoạch có năng lực trong tương lai.

SV Khoa Kiến trúc và Quy hoạch làm đồ án chung với SV quốc tế tại một xưởng thiết kế
Nguồn: www.nuce.edu.vn

SV Kiến trúc ngày nay có điều kiện thuận lợi để học tập tốt đồ án môn học với rất nhiều tài liệu tham khảo hữu ích. Các công trình thực tế được xây dựng khắp nơi trong thành phố, là những bài học thực tế trực quan và sinh động. SV có nhiều cơ hội thực hành ngay từ năm thứ hai hoặc năm thứ ba. Những hoạt động ngoại khóa về thiết kế trong khuôn khổ các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế cùng các cuộc thi thiết kế ý tưởng thường xuyên được tổ chức. Mạng internet cũng phát huy vai trò tích cực, giúp SV có thể sưu tầm nhiều công trình kiến trúc tốt cả ở trong lẫn ngoài nước để tự nghiên cứu, phục vụ cho học tập.

Tuy nhiên, trong thực tế, môi trường hành nghề bên ngoài luôn vận động không ngừng. Công tác tư vấn quy hoạch – thiết kế do đó đòi hỏi chất lượng SV tốt nghiệp cao hơn trước. Trong khi đó, sự nghiệp đào tạo trong các trường đại học khối ngành kỹ thuật nói chung và Trường Đại học Xây dựng nói riêng dù đã có nhiều nỗ lực trong các năm qua vẫn chưa theo kịp những bước tiến bên ngoài xã hội. Vấn đề cấp bách là phải cải tiến các môn học chuyên ngành được giảng dạy trong trường đại học, đặc biệt là môn học đồ án. Nhưng đổi mới như thế nào thì dường như vẫn chưa tìm được một giải pháp thích hợp và thực sự phát huy hiệu quả.

Giới thiệu về hệ thống đồ án môn học của Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng

Là đơn vị chủ lực của Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Bộ môn Kiến trúc Dân dụng hiện đang phụ trách 6/8 đồ án môn học về lĩnh vực thiết kế công trình. Hệ thống đồ án môn học mà Bộ môn đảm nhiệm được trình bày qua Bảng 1:

Các vấn đề đang tồn tại của đào tạo đồ án kiến trúc dân dụng

Thực tiễn giảng dạy 6 đồ án môn học hiện nay của Bộ môn cho thấy một số bất cập như sau (không kể tới điều kiện cơ sở vật chất):

  • Số lượng nhiều hơn song ít chi tiết hơn, nhất là về mặt kỹ thuật, so với một đồ án cùng loại trong chương trình đào tạo của các trường quốc tế.
  • Chương trình thiếu tính linh hoạt. Tất cả đều là đồ án bắt buộc, không có đồ án tự chọn, do vậy chưa theo xu thế đào tạo của thế giới.

Bảng 1: Sáu đồ án môn học mà Bộ môn Kiến trúc Dân dụng phụ trách (thời điểm 2016)

  • Mặt bằng chung chất lượng đồ án của SV không cao. Chỉ có một số nhỏ, chừng 5 – 7% SV mỗi lớp chịu khó tìm tòi sáng tạo và làm việc đúng phương pháp, nên sản phẩm thiết kế tương đối tốt. Số SV còn lại với tinh thần làm việc chưa tự giác và thiếu chủ động nên chỉ đạt mức trung bình hoặc trung bình khá. Hiện tượng SV lụt đồ án và thể hiện không đúng quy định trình bày bản vẽ kỹ thuật còn phổ biến.
  • SV nhìn chung chưa nắm vững các giải pháp kỹ thuật. Hiểu biết về xã hội – một yếu tố quan trọng trong thiết kế kiến trúc và quy hoạch – còn hạn chế.
  • Thời lượng mỗi đồ án tương đối ít, chỉ 7 – 8 tuần, không tính tuần đầu tiên ra đề bài. SV còn chịu áp lực của nhiều môn học khác, trong đó có một số môn không phải chuyên ngành, khiến SV khó tập trung cho đồ án.
  • Tỷ lệ SV/GV cao, 15/1 – 20/1, thậm chí 25/1 hoặc hơn nữa, nếu tính cả số SV học lại. Thời gian 5 tiết một buổi thông đồ án từ tuần thứ 3 hoặc thứ 4 trở đi thường không đủ cho GV để chữa hết bài và giải thích cặn kẽ các lỗi hoặc những điểm chưa hợp lý cho SV trong nhóm mình phụ trách.
  • Các môn học lý thuyết nhìn chung chưa hỗ trợ đắc lực cho đồ án do thời điểm dạy môn lý thuyết đó không phù hợp, thậm chí được dạy chậm hơn 1 – 2 học kỳ so với lúc SV bắt đầu cần nền tảng lý thuyết cho thiết kế đồ án.

Xem thêm: Đào tạo KTS tại khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng

Nhu cầu đổi mới hệ thống đồ án – Góc nhìn của doanh nghiệp

Khoa và Bộ môn theo thời gian đã thiết lập được rất nhiều mối liên hệ với các doanh nghiệp, các công ty cũng như văn phòng thiết kế kiến trúc bên ngoài. Thông qua phản hồi của các đơn vị tuyển dụng, Khoa Bộ môn cũng đã thấy được phần nào hạn chế của công tác đào tạo nói chung và giảng dạy đồ án nói riêng trong nhiều năm qua. Tỷ lệ SV tốt nghiệp có thể bắt đầu làm việc được ngay khá thấp, thông thường tập trung vào số SV giỏi đã có quá trình thực tập hoặc làm việc bán thời gian tại các xưởng thiết kế trong/ngoài trường trong quá trình học, và/hoặc tích cực tham gia các cuộc thi thiết kế kiến trúc cùng các hoạt động trao đổi SV với các trường đối tác quốc tế.

Mô hình đồ án của Sinh viên (Nguồn: Internet)

SV tốt nghiệp ra trường được đào tạo thêm từ vài tháng đến vài ba năm bởi các nhà tuyển dụng thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Bên cạnh tư duy phân tích – tổng hợp, năng lực sáng tác, kiến thức chuyên môn và trình độ ngoại ngữ – tin học chuyên ngành, SV chưa được chuẩn bị tốt các kỹ năng mềm như: Có thể làm việc độc lập và theo nhóm, thuyết trình, thuyết phục khách hàng, phản biện ý kiến và bảo vệ quan điểm, … Một vấn đề rất đáng được quan tâm là sự hiểu biết về kỹ thuật công trình và nắm vững quy chuẩn – tiêu chuẩn thiết kế của SV còn rất hạn chế. Ngoài ra, chương trình đào tạo chậm đổi mới khiến SV mới tốt nghiệp bỡ ngỡ khi phải xử lý những tình huống và bài toán thực tế có các yếu tố kỹ thuật – công nghệ mới về cấu kiện, vật liệu và trang thiết bị. Phản ánh của các nhà tuyển dụng là một kênh tham khảo rất hữu ích để giúp những người làm công tác đào tạo nhìn nhận lại những vấn đề còn tồn tại để có giải pháp khắc phục, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn cho công cuộc (tái) quy hoạch và (tái) phát triển các đô thị trong tương lai. Nếu không có sự cải cách kịp thời và mạnh mẽ chương trình đào tạo, sự không hài lòng của các nhà tuyển dụng nói riêng và toàn xã hội nói chung về chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của cơ sở đào tạo, khoảng cách giữa giáo dục đại học tại Việt Nam với các quốc gia trong khu vực sẽ khó có thể được rút ngắn.

Nhu cầu đổi mới hệ thống đồ án – Góc nhìn từ khu vực và quốc tế

Bộ môn Kiến trúc Dân dụng có một số GV được đào tạo hoặc có cơ hội thực tập tại các trường kiến trúc có tên tuổi trên thế giới (chẳng hạn như các Khoa Kiến trúc của các trường Đại học Tennessee (Hoa Kỳ), Laval (Canada), Bauhaus Weimar (Đức), Toulouse và INSA de Strasbourg (Pháp), Đồng Tế (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản), ĐH Nottingham (Anh), ĐH Quốc gia Singapore và ĐH Melbourne (Úc…) Tại đó, trong quá trình học SV thực hiện số lượng đồ án môn học ít hơn so với SV trong nước. Số lượng đồ án môn học có thể khác nhau, dao động từ 4 đồ án (Đại học Tokyo – Nhật Bản) đến 10 đồ án (Đại học Tennessee – Hoa Kỳ), tùy thuộc vào thời gian học và chương trình học được thiết kế, song đều có một điểm chung là chú trọng chất lượng đồ án. SV các trường quốc tế đó chỉ thực hiện 1 đồ án mỗi học kỳ (thay vì 2 đồ án/học kỳ như SV Khoa Kiến trúc và Quy hoạch).

Số lượng đồ án môn học ít hơn, kéo dài suốt trong một học kỳ (10 – 16 tuần), lại gắn liền với dự án thực tế của GV phụ trách đồ án giao cho và có đầy đủ học liệu – tài liệu tham khảo nên SV kiến trúc ở các quốc gia tiên tiến có điều kiện tìm hiểu rất kỹ và rất sâu một đồ án, từ phương pháp luận ban đầu, đến phân tích khu đất cùng mối liên hệ với các khu vực xung quanh và các chi tiết cấu tạo cùng mạng lưới đường dây – đường ống kỹ thuật bên trong cũng như bên ngoài công trình. Qua mỗi đồ án, SV nước ngoài học được nhiều hơn so với SV trong nước. Có đầy đủ điều kiện để làm mô hình tỷ lệ lớn như 1/10 hoặc 1/20 nên tư duy không gian của SV nước ngoài rất tốt. Họ còn có vốn hiểu biết văn hóa – xã hội tương đối sâu và rộng, bên cạnh các kiến thức chuyên ngành vững chắc. Ngoài ra, họ còn chịu khó rèn luyện các kỹ năng mềm nên rất tự tin và làm việc đạt hiệu quả cao. Điều này được thể hiện rất rõ qua các xưởng thiết kế đồ án quốc tế mà SV trong Khoa có dịp làm việc cùng SV đến từ các trường đối tác trong vòng 3 năm gần đây.

Nhu cầu đổi mới hệ thống đồ án – Góc nhìn của SV

SV là đối tượng trung tâm của quá trình đào tạo. Vì vậy, ý kiến của SV thực sự rất quan trọng đối với đơn vị quản lý. Qua thu thập ý kiến ban đầu của 203 SV các lớp 58KD3, 58QH2, 59 KD1, 59KD2, 59KD4 và 59KD6 đối với đồ án DD3 (đồ án đầu tiên Bộ môn Kiến trúc Dân dụng phụ trách) và 148 SV các lớp 57KD1, 57KD2, 57KD3, 57KD4 và 58KD3 đối với đồ án DD7 (đồ án gần cuối), có thể thấy một số điểm đáng chú ý như sau:

  • Theo chương trình học, số lượng SV gặp nhiều vấn đề chuyên môn ngày càng cao do độ khó của đồ án gia tăng (45,8% với đồ án DD3 và 81,1% với đồ án DD7).
  • Hai vấn đề khó khăn nhất đối với SV qua đồ án DD3 là xử lý hình khối (45,3%) và thiết kế mặt bằng (28,6%), trong khi đó 2 vấn đề SV cảm thấy vướng mắc nhất qua đồ án DD7 là kết cấu + kỹ thuật công trình (56,1%) và tìm hình thức phù hợp với nội dung (44,6%).
  • Tỷ lệ SV muốn có bài giảng chuyên đề ngay tại buổi ra đề đồ án, bên cạnh các kiến thức cơ bản được cung cấp qua môn học bổ trợ từ trước, để có thể tìm hiểu sâu và kỹ hơn các vấn đề có liên quan đến thể loại công trình sắp phải thực hiện rất cao (83,7% với đồ án DD3 và 98% với đồ án DD7).
  • Tương tự, tỷ lệ SV có nguyện vọng Bộ môn đứng ra tổ chức thăm quan công trình thực tế trong phạm vi Hà Nội rất cao (80,3% với đồ án DD3 và 96,6% với đồ án DD7).
  • 52,2% SV cảm thấy thời gian 8 tuần cho đồ án DD3 là quá ngắn. Tỷ lệ này tăng lên đến 80,4% đối với đồ án DD7.
  • 70,4% SV có nguyện vọng kéo dài gấp rưới hoặc gấp đôi thời lượng làm đồ án DD3. Tỷ lệ này ở đồ án DD7 ở mức tương đương (68,2%).
  • 69,7% SV thuộc nhóm có nguyện vọng kéo dài thời gian làm đồ án DD3 và 99% SV thuộc nhóm có nguyện vọng kéo dài thời gian làm đồ án DD7 nêu lý do chính là muốn đi sâu tìm hiểu các vấn đề kỹ thuật công trình (kết cấu, điện, nước, thông gió, …).

Nhu cầu đổi mới hệ thống đồ án – Góc nhìn của GV

Số lượng đồ án khá nhiều, thời gian ngắn và số lượng SV quá đông, khiến các GV trong bộ môn phải chịu áp lực cao trong việc hướng dẫn đồ án. Tình trạng này kéo dài nên gây tâm lý mệt mỏi cho GV. Ý kiến này trùng với tâm tư và nguyện vọng của SV qua khảo sát.

Bảng 2: Đề xuất cải tiến đồ án môn học mà Bộ môn Kiến trúc Dân dụng phụ trách

Khoảng cách giữa đồ án DD7 và đồ án DD8 quá xa. Đây là hai đồ án công trình công cộng phức hợp, có quy mô tương đối lớn. Nếu làm nối nhau như các đồ án trước và có sự căn chỉnh phù hợp thì sẽ thuận tiện hơn cho cả việc học của SV, việc hướng dẫn cũng như đánh giá của GV và việc quản lý của Bộ môn.

Đổi mới hệ thống đồ án môn học – Nên giảm số lượng và tăng chất lượng

Xuất phát từ tình hình thực tế, từ cả bốn góc nhìn và với phương châm nỗ lực giải quyết căn bản các vấn đề đang tồn tại, hệ thống đồ án môn học mà Bộ môn Kiến trúc Dân dụng phụ trách sẽ được điều chỉnh và tối ưu hóa.

SV Kiến trúc – Xây dựng thiết kế đồ án (Nguồn: Internet)

Về số lượng, tổng cộng vẫn có 6 đồ án, nhưng thực chất SV chỉ làm 4 đồ án. Sẽ có 2 đồ án từ chiều dọc (nối tiếp nhau) được chuyển đổi sang chiều ngang (song song với nhau) và mang tính chất lựa chọn. Cụ thể như sau:

  • Đồ án DD3 hiện nay sẽ chuyển thành đồ án DD3a mới, giữ nguyên vị trí khởi đầu. Đồ án DD5 hiện nay hoán đổi vị trí cho đồ án DD4 hiện nay, chuyển lên để gộp với đồ án DD3 thành 1 cụm đồ án về nhà ở sẽ hợp lý hơn. Đồ án DD5 sau khi đổi sẽ tương đương với đồ án DD3b mới. Hai đồ án nhà ở DD3a và DD3b SV sẽ chọn 1 trong 2, thực hiện suốt một học kỳ (Học kỳ 2 năm thứ 2) và chia thành 2 giai đoạn tương ứng với 2 học phần. Hai môn học bổ trợ mà Bộ môn phụ trách là Cấu tạo Kiến trúc và Kiến trúc Nhà ở được giảng dạy trước đó một học phần (Học phần 2 thuộc học kỳ 1 của năm thứ 2).
  • Đồ án DD4 hiện nay hoán đổi vị trí cho đồ án DD5 hiện nay, chuyển xuống để gộp với đồ án DD6 thành 1 cụm đồ án về nhà công cộng sẽ hợp lý hơn. Hai đồ án DD4 và đồ án DD6 hiện nay sẽ tương ứng tương đương với hai đồ án DD4a và DD4b theo hệ thống mới. Hai đồ án nhà công cộng DD4a và DD4b SV sẽ chọn 1 trong 2, thực hiện suốt một học kỳ (Học kỳ 1 năm thứ 3) và chia thành 2 giai đoạn tương ứng với 2 học phần. Hai môn học bổ trợ mà Bộ môn phụ trách là Nội thất và Kiến trúc Nhà Công cộng được giảng dạy trước đó một học phần (Học phần 2 thuộc học kỳ 2 của năm thứ 2).
  • Các môn học bổ trợ khác như Kiến trúc Sinh khí hậu và Chiếu sáng, Âm học, Vật liệu Xây dựng, Kết cấu Công trình, Cấp thoát nước, Hệ thống Điện Công trình, Thông gió và Điều hòa Không khí, … cũng cần được sắp xếp lại trên tinh thần phục vụ tối đa cho môn đồ án DD3, DD4, DD5 và DD6 theo cách đánh số thứ tự mới. Tuy nhiên, các môn này do một số bộ môn khác trong cũng như ngoài Khoa giảng dạy nên cũng cần có sự trao đổi bàn bạc liên Bộ môn và liên Khoa để việc tái cấu trúc hệ thống môn học theo đồ án được tối ưu. Vấn đề này tác giả tạm thời chưa đề cập tới trong khuôn khổ bài viết.
  • Đồ án DD7 hiện nay theo số thứ tự mới là DD5, được chuyển từ học kỳ 2 năm thứ 3 sang học kỳ 1 năm thứ 4, và do vậy sẽ không bị gián đoạn bởi chuyến đi Xuyên Việt. Đây là đồ án phức tạp, nên khi chuyển dịch về sau sẽ có lợi hơn cho SV, vì SV sẽ có thêm thời gian tích lũy kiến thức chuyên ngành về hệ thống kết cấu, vật liệu, kỹ thuật và trang thiết bị công trình.
  • Đồ án DD8 hiện nay theo số thứ tự mới là DD6, sẽ chuyển dịch tương ứng đi 1 học kỳ, từ học kỳ 1 sang học kỳ 2 của năm thứ 4. Lợi ích của việc thay đổi này tương tự như đã nêu trên.
  • Đối với mỗi đồ án theo hệ thống mới: do thời lượng học tăng gấp đôi (từ 8 tuần lên 16 tuần), số tín chỉ cũng sẽ tăng tương ứng (từ 2 tín chỉ lên 4 tín chỉ). Tổng số tín chỉ của 4 đồ án mới sẽ là 16 tín chỉ, nhiều hơn tổng số tín chỉ của 6 đồ án cũ (12 tín chỉ). Bốn tín chỉ “phát sinh” này không ảnh hưởng đến tổng số tín chỉ (nếu tổng số tín chỉ bị khống chế không được tăng) vì được chuyển sang từ 2 môn học không chuyên ngành và không thiết thực cho SV (2 tín chỉ/môn) bị lược bớt khỏi chương trình học.

Thời lượng 16 tuần của mỗi đồ án sau khi được tái cấu trúc sẽ được phân chia như sau:

Bảng 3: Đề xuất kế hoạch làm việc theo từng tuần của một đồ án kiến trúc dân dụng sau đổi mới (tăng thời gian từ 8 tuần lên 16 tuần)

Như vậy, đồ án kiến trúc dân dụng theo quy trình mới sẽ có sự phối hợp liên ngành, rất có lợi cho SV. Bên cạnh GV chính ngành kiến trúc, SV sẽ có cơ hội được làm việc với một số GV của các bộ môn kỹ thuật có liên quan được điều động sang hỗ trợ gồm có kết cấu, vật liệu xây dựng, kỹ thuật công trình, kiến trúc môi trường (vật lý kiến trúc trước kia). Đây chính là sự vận dụng phương pháp đào tạo tiên tiến của nước ngoài vào điều kiện của Việt Nam, giúp công tác dạy và học đồ án kiến trúc trong nước dần dần tương đương với trình độ đào tạo bậc đại học của các quốc gia phát triển trong khu vực trước khi tiếp cận với trình độ thế giới.

Lời kết

Đổi mới đào tạo, nhất là đào tạo đồ án cho SV kiến trúc, là một công việc khó tại Việt Nam, cần có quy trình và thời gian chuyển đổi, chứ không thể nóng vội. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chần chừ hoặc cân nhắc quá lâu vì sẽ lỡ thời cơ hoặc đổi mới nửa vời sẽ càng khiến công tác đổi mới chậm trễ, gia tăng sự tụt hậu và dẫn đến sự lãng phí thời gian, chất xám và nhiều nguồn lực khác trong xã hội, trong khi thời gian lại không chờ đợi một ai và nguồn lực của Việt Nam hạn chế hơn nhiều quốc gia khác do yếu tố lịch sử để lại. Vì thế, công tác chuẩn bị đổi mới càng kỹ lưỡng, bám sát thực tiễn, nhanh chóng và chính xác bao nhiêu (cần có sự nghiên cứu) thì cơ hội thành công sẽ càng lớn bấy nhiêu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa trong mọi lĩnh vực kinh tế và dịch vụ xã hội (trong đó có công tác thiết kế kiến trúc) và xu thế quốc tế hóa giáo dục, không đổi mới hoặc đổi mới không triệt để sẽ đồng nghĩa với sự tự đào thải.

Xem thêm: Hướng đi mới trong Đào tạo Kiến trúc sư của Trường Đại học Xây dựng

TS. KTS Nguyễn Quang Minh
Bài đăng trên © Tạp chí Kiến trúc số 11-2016

–––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo
– Tài liệu nghiên cứu của các GV Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng
– Các chương trình đào tạo quốc tế: khai thác từ nguồn thông tin chính thống về Khoa Kiến trúc của các trường đại học Tennessee (Hoa Kỳ), Laval (Canada), Nottingham (Anh), Toulouse và INSA de Strasbourg (Pháp), Bauhaus Weimar (Đức), Đồng Tế (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Singapore (Singapore) và Melbourne (Úc): các quyển tài liệu được in ấn để quảng bá và/hoặc giới thiệu trên trang web của Khoa.