Hướng đi mới trong Đào tạo Kiến trúc sư của Trường Đại học Xây dựng

Đào tạo KTS và những vấn đề cần đặt ra hiện nay.
Trường Đại học Xây dựng là cơ sở đào tạo kiến trúc sư (KTS) có uy tín và cũng là nơi đào tạo KTS đầu tiên trong hơn 20 cơ sở đào tạo KTS trong toàn quốc. Tổng số sinh viên (SV) theo học ngành kiến trúc gần 2.300, mỗi năm tuyển 400 SV cho hai ngành kiến trúc và ngành quy hoạch (trong đó ngành quy hoạch 50 SV), số SV đủ điều kiện cấp bằng KTS/khóa học khoảng 250 SV (đạt 62,5%/tổng số SV toàn khóa). Sinh viên kiến trúc trường Đại học Xây dựng đã tham gia và đạt nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế cũng như các giải về nghiên cứu khoa học SV…


Hướng dẫn sinh viên học tập theo nhóm

Những KTS được đào tạo tại trường Đại học Xây dựng sau khi ra trường đã được các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường đại học tiếp nhận và rất tin tưởng vào trình độ năng lực, khả năng làm việc độc lập cũng như làm việc theo nhóm, họ được giao nhiều trọng trách trong các doanh nghiệp, nhiều KTS hiện đang giữ các cương vị lãnh đạo tại các viện, các sở, ban ngành các tỉnh, thành phố. Thực tiễn xã hội đánh giá cao về chất lượng đào tạo hiện nay của Nhà trường đã và đang là niềm động to viên lớn cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo và toàn thể SV trường Đại học Xây dựng.

Tuy nhiên, việc đào tạo KTS của trường Đại học Xây dựng nói riêng cũng như của các cơ sở đào tạo KTS trong cả nước nói chung hiện đang gặp một số khó khăn, cụ thể như: số SV theo học ngành kiến trúc quá đông trong khi các trường đều thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo chưa đồng bộ và nhất là mức học phí các trường công lập lại quá thấp so với chi phí đào tạo đặc thù cho ngành kiến trúc. Do đó, một số KTS khi ra trường còn chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng trình độ chuyên môn và ngoại ngữ phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu, sản xuất và quản lý Nhà nước.

Như vậy, vấn đề đặt ra cho các cơ sở đào tạo KTS là làm thế nào để cung cấp cho thị trường những sản phẩm tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, nhất là trong môi trường làm việc, học tập cạnh tranh quốc tế như hiện nay.

Những hướng đi mới trong đào tạo KTS
Nhận thức sâu sắc trách nhiệm mà xã hội giao phó, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Trường Đại học Xây dựng đã lựa chọn cho mình một hướng đi mới về đào tạo KTS – trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các chương trình đào tạo tiên tiến của một số nước trên thế giới, cũng như kinh nghiệm 45 năm đào tạo KTS (từ năm 1967 đến 2012). Chương trình đào tạo KTS chất lượng cao (CLC) ra đời từ năm 2010,  và đang được thực hiện với sự hợp tác của một số trường đại học và các tổ chức đào tạo nước ngoài như AUF, Anh, Pháp, Italia, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Canada, Bỉ… mà chủ đạo là khối kiến trúc các nước Anh ngữ và các nước Pháp ngữ.

Chương trình đào tạo KTS CLC của trường Đại học Xây dựng cần đạt một số mục tiêu sau:  
– Sử dụng phương thức giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chương trình đào tạo KTS của các nước trong khu vực và trên thế giới;
– Thành tựu của các lớp CLC làm động lực cho phong trào học tập, nghiên cứu khoa học và sáng tạo của SV ngành kiến trúc;
– KTS đào tạo theo chương trình CLC ra trường phải có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng các yêu cầu của xã hội, có khả năng làm việc độc lập hoặc nhóm, có thể trở thành các nhà quản lý doanh nghiệp giỏi, có trình độ ngoại ngữ tốt để tham gia làm việc và học tập trong môi trường quốc tế.

Các SV được đào tạo CLC có điểm thi đầu vào và điểm trung bình chung học tập cao nhất của năm học đầu tiên, mỗi khóa có một lớp Anh ngữ và một lớp Pháp ngữ, lớp học theo xưởng với số lượng 30 SV/lớp. Ngoài tiêu chuẩn học lực, SV muốn được vào học chương trình CLC phải trải qua 03 vòng thi: vòng thi sáng tác kiến trúc, vòng thi tiếng Anh và cuối cùng là vòng phỏng vấn trực tiếp.
Về đội ngũ cán bộ giảng dạy, Nhà trường lựa chọn các GS, PGS, TS, ThS có kinh nghiệm chuyên môn giỏi, các giảng viên giảng dạy cho lớp CLC đều được đào tạo bởi các phương pháp giảng dạy tiên tiến ở nước ngoài về. Ngoài ra, Nhà trường thường xuyên mời các GS ở các trường đại học quốc tế cũng như các chuyên gia giỏi trong nước giảng dạy các môn chuyên đề và hướng dẫn đồ án cho lớp CLC.     

Về chương trình đào tạo, ngoài chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, SV được học nâng cao môn học đồ án kiến trúc, ngoại ngữ và các môn học kỹ năng. Việc học đồ án kiến trúc rất được quan tâm, đảm bảo 4-5 SV/giảng viên hướng dẫn, SV trước khi làm đồ án được học chuyên đề đồ án, đi khảo sát thực địa và tham quan các công trình kiến trúc tương đương. Các đồ án đều được sáng tác trên cơ sở thực tiễn, gắn kết giữa ý tưởng sáng tạo với hệ thống kỹ thuật công trình. Với các đồ án môn học, SV làm việc theo nhóm và thường xuyên trình bày, báo cáo ý tưởng kiến trúc cũng như nội dung thể hiện đồ án trước hội đồng đánh giá. SV được học ngoại ngữ liên tục từ năm thứ nhất đến hết năm thứ tư, yêu cầu trình độ ngoại ngữ trước khi tốt nghiệp KTS phải đạt các chứng chỉ quốc tế, đủ điều kiện đi làm và học tập tiếp tại nước ngoài. Đội ngũ cán bộ giảng dạy ngoại ngữ được mời từ các trung tâm luyện thi quốc tế, các trường đại học chuyên ngữ trong nước để giảng dạy cho SV lớp CLC. Ngoài ra, SV còn được học các chuyên đề nâng cao kỹ năng sáng tác đồ án, kỹ năng thể hiện, kỹ năng báo cáo, trình bày đồ án và các chuyên đề bổ trợ chuyên môn khác phục vụ cho KTS khi ra trường có thể làm việc ngay trong môi trường cạnh tranh. Hàng năm, SV được tham dự các workshop quốc tế tổ chức tại nước ngoài hoặc trong nước, tham gia học xưởng mùa hè tại các doanh nghiệp, các công ty tư vấn thiết kế trong nước…
Về cơ sở vật chất, chương trình CLC được dành riêng các xưởng học thiết kế kiến trúc với đầy đủ trang thiết bị học tập, cùng với không gian trưng bày triển lãm đồ án kiến trúc và phòng đọc thư viện dành riêng cho giảng viên và SV của khoa kiến trúc.

Từ những chủ trương đúng đắn trong chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo của trường Đại học Xây dựng, chương trình đào tạo KTS CLC đã ngày càng khảng định là hướng đào tạo có hiệu quả. Các SV đạt kết quả học tập tốt, 100% đạt điểm khá giỏi; trình độ ngoại ngữ được nâng cao; các đồ án môn học kiến trúc ngày càng có tính sáng tạo và phù hợp hơn với thực tiễn; SV say mê trong học tập và nghiên cứu khoa học, đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi kiến trúc trong và ngoài nước.
 

Kết luận.
Chương trình đào tạo KTS CLC của trường Đại học Xây dựng bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được SV, phụ huynh cũng như các doanh nghiệp hoan nghênh, sẵn sàng đón nhận những KTS có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng các đòi hỏi ngày càng khắt khe của xã hội. Với kinh nghiệm đào tạo KTS lâu năm, chúng tôi nhận thấy đây là một trong những hướng đi mới trong đào tạo KTS, do đó cần phải nỗ lực tìm tòi, đầu tư đội ngũ cán bộ giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất và cần có sự ủng hộ của các tổ chức Hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, các công ty tư vấn, các trường đại học trong và ngoài nước hỗ trợ để chương trình đào tạo KTS CLC của trường Đại học Xây dựng ngày một hoàn thiện và đạt hiệu quả.

Khoa kiến trúc và quy hoạch Trường Đại học Xây dựng