Vì sao sinh viên kiến trúc thích môn học đồ án hơn các môn lý thuyết

Tại Việt Nam, ngành Kiến trúc hiện nay là một ngành nghề được coi trọng trong xã hội, đồng nghĩa với việc đào tạo một KTS cần được đặc biệt quan tâm. Sự cân bằng phương pháp giảng dạy giữa lý thuyết và thực hành trong nước luôn là vấn đề hàng đầu trong xu hướng phát triển đào tạo kiến trúc. Vậy về phía những sinh viên đang trực tiếp ngồi trên ghế nhà trường sẽ có những chia sẻ, đánh giá sao về vấn đề này?

Trong số này, TCKT xin trân trọng gửi đến bạn đọc những chia sẻ đến từ sinh viên (SV) Kiến trúc về đào tạo tại các trường trên toàn quốc.

Võ Ngọc Thanh Tuấn
Lớp: KT16A5 – Trường: ĐH Kiến Trúc TP HCM

Võ Ngọc Thanh Tuấn: Thực tế là nhiều SV thích môn học đồ án hơn các môn lý thuyết, nhưng không phải tất cả. Cá nhân tôi, tôi thích cả hai môn đồ án và các môn lý thuyết về văn hóa, bản sắc dân tộc. Vì nguồn cảm hứng thiết kế phải bắt nguồn từ truyền thống, văn hóa. Khi thiết kế phải biết kết hợp với kiến trúc, bản sắc, lịch sử, văn hóa thì đồ án mới mang tính thuyết phục, mang tính đặc trưng (tạo nên sự khác biệt với các kiến trúc khác trên thế giới). Đừng quá chạy theo xu hướng mà quên đi cái bản sắc vốn có của dân tộc mình. Cần có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời, chúng tôi cũng muốn học cách áp dụng văn hóa, lịch sử kiến trúc vào đồ án thiết kế như thế nào là hợp lý, vừa phải.

Nguyễn Hải Ninh
Lớp: 60KDE – Trường: Đại học Xây dựng

Nguyễn Hải Ninh: Đối với SV ngành sáng tạo nói chung và sinh viên kiến trúc nói riêng, được thể hiện mình qua các đồ án, sản phẩm là điều mà họ luôn mong muốn và dành tâm huyết cho điều đó. Tôi không là ngoại lệ. Tuy nhiên khi xét về các môn thực hành và các môn lý thuyết, tôi nghĩ không nên coi nó là hai “thái cực” của vấn đề học tập để nghĩ về việc “thích môn nào hơn”, mà nên coi nó như một “dây chuyền” những môn lý thuyết để phục vụ, làm nền tảng cho những môn thực hành, vì nếu không, những sản phẩm làm ra sẽ thiếu chiều sâu, hay đơn giản là không chính xác. Một dây chuyền khi bạn thực hành để nhận ra mình còn thiếu điều gì trong quá trình làm việc và sự cần thiết của những môn lý thuyết.

Trong chương trình đào tạo Chuyên ngành Kiến trúc tại Đại học Xây dựng, việc phân bổ các môn học ở hai khía cạnh môn học này khá hợp lí. Các môn học lý thuyết ở từng kỳ thường gắn liền với đồ án của kỳ học đó, những kiến thức được học gần như sẽ được áp dụng trực tiếp vào các đồ án.

Mô hình đào tạo theo xưởng, làm việc theo nhóm có nhiều ưu điểm khi áp dụng vào đào tạo kiến trúc. Song hành với việc học tập những môn lý thuyết, cần tăng cường các hoạt động làm việc nhóm, workshop theo chuyên đề. Đó là lúc từng người sẽ nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của mình để tự phát huy hay cải thiện. Và vì trong công việc thực tế về kiến trúc, gần như không ai làm việc một mình, việc nâng cao khả năng làm việc nhóm là rất cần thiết để giúp các bạn SV không bỡ ngỡ khi bước ra khỏi cánh cổng trường đại học.

Tạ Hồng Đức
Lớp: 15K7 – Trường: ĐH Kiến trúc Hà Nội.

Tạ Hồng Đức: Tôi nghĩ phần nhiều sự tâm huyết hay không với một môn học hay một việc làm được quyết định bởi cách nhìn nhận ban đầu. Khi học các đồ án thiết kế kiến trúc, cảnh quan, quy hoạch,.. tôi đến trường với tâm thế “làm đồ án” với tính thực nghiệm cao hơn: còn những môn lý thuyết thì vẫn cảm giác quay trở lại như hồi còn đi học từ tiểu học cho đến phổ thông, phần nhiều vẫn trau dồi theo hướng tiếp thu thụ động và vì thế những môn học đó không có nhiều sức hấp dẫn. Vì vậy, mà tôi dành nhiều thời gian và suy nghĩ cho việc học đồ án hơn.

Khác với các ngành khác, những người học khối ngành sáng tạo cần nhiều sự cảm nhận và chiêm nghiệm để tạo ra cái mới. Với tôi, điều đó là mấu chốt để tạo ra sức hấp dẫn cho những môn nặng tính sách vở như lịch sử kiến trúc hay bảo tồn. Môn học đó hay hay không, dành được nhiều sự mặn mà hay không là do chứa đựng sự chiêm nghiệm, để lại dấu ấn trong mỗi SV như một đường “link” định hướng tài nguyên và cách tiếp cận chuyên ngành kiến trúc sau này.

Nếu nói về cách giảng dạy hay truyền đạt của giảng viên thì cũng có thể thấy sự khác nhau giữa hai môn học. Đồ án sẽ có nhiều sự gợi mở sinh viên là người được chọn lựa và quyết định, còn những môn học lý thuyết thì thường đã tồn tại một đáp án đúng nhất cho các vấn đề mà thiếu đi cách SV được đưa ra góc nhìn, điều này dần trở nên mất cân bằng trong suy nghĩ của người học. Còn nếu xét trên khía cạnh khối lượng môn học, cả đồ án hay những môn nặng tính lý thuyết đang là hơi nhiều bên cạnh những môn học liên quan đến thực tiễn hay những môn có tính thực hành cao.

Tôi chưa trải nghiệm mô hình đào tạo nước ngoài nhưng có cơ hội được nghe những chia sẻ của người bạn đang học kiến trúc tại Anh về môn học Đồ án kiến trúc. Bên nước bạn thì coi trọng quá trình hình thành, phân tích lập luận logic, đưa ra ý tưởng, còn chương trình dạy đồ án hiện nay tại Việt Nam thì chú ý hơn vào kết quả, sản phẩm hình thức kiến trúc được đưa ra mà thiếu đi những sự phân tích sâu về bối cảnh, văn hóa, các yếu tố liên quan… Lý do cũng bởi thời gian học những môn như đồ án có phần hơi nhanh và gấp gáp, quỹ thời gian hạn chế nên việc đào sâu suy nghĩ, tìm tòi của người học cũng từ đó bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, cũng từ trải nghiệm của cá nhân, tôi muốn việc học đồ án trên trường sẽ có nhiều chất lượng hơn thay vì số lượng như hiện nay. Những đồ án quy mô lớn vào những năm cuối (bảo tàng, nhà thi đấu, sân vân động, nhà hát …) thay vì làm cá nhân thì những đồ án đó SV cần được làm teamwork, tự chọn nhóm như một dự án mô phỏng văn phòng kiến trúc thu nhỏ với đủ các bộ phận: concept – triển khai – quản lý.. như vậy thì ý thức tìm hiểu cũng như khối lượng nghiên cứu sẽ chuyên sâu hơn, người hướng dẫn có thể đưa ra yêu cầu cụ thể hơn cho từng phần mà SV cũng có thể hiểu hơn về mảng bộ phận mà mình coi là thế mạnh để có những định hướng dần phù hợp với tương lai.

Phạm Hồng Ngọc
Lớp: 60KDE – Trường: Đại học Xây dựng

Phạm Hồng Ngọc: Phần lớn các SV tôi được biết đều có chia thành 2 loại, 1 là mong muốn được làm việc thì đều chủ động tìm các công ty kiến trúc để thực tập, từ đó quen dần với môi trường nghề nghiệp. Tất nhiên phần còn lại thì không.

Sự liên kết của nhà trường là cần thiết, tuy nhiên nên đi sâu vào các vấn đề như:

  • Các công ty có năng lực tốt hơn các công ty phổ thông các sinh viên có thể chủ động tìm được.
  • Các công ty nước ngoài có đa dạng về góc nhìn kiến trúc hơn.

Đó là các công ty Kiến trúc mà SV khó chủ động tìm kiếm được, chúng tôi rất cần sự liên kết của nhà trường.

Nguyễn Phương Linh
Lớp: 16080401 (Kiến trúc K20)
Trường: Đại học Tôn Đức Thắng

Nguyễn Phương Linh: Tại trường đại học Tôn Đức Thắng, tôi thấy rằng giảng viên và nhà trường đã tạo khá nhiều sự liên kết giữa nhà trường và các công ty kiến trúc để SV có những cơ hội trải nghiệm. Tuy vậy, SV sau khi tốt nghiệp vẫn rất bỡ ngỡ trong việc tìm kiếm việc làm và làm quen với môi trường làm việc. Bỡ ngỡ trong tìm kiếm việc làm của SV mới ra trường có thể là vì họ chưa có sự trải nghiệm về những vấn đề xin việc làm bao giờ ví dụ như những thắc mắc về hồ sơ xin việc, phỏng vấn ra sao? Trả lời thế nào? Trước khi phỏng vấn cần chuẩn bị những gì? … Những điều này trong thời gian học hay thực tập, SV chưa từng trải nghiệm cảm giác này nên tất nhiên không tránh được cảm giác bỡ ngỡ. Tôi đã từng tiếp cận cách thức làm việc của ba công ty kiến trúc tại TP HCM, có thể thấy được mỗi công ty đều có cách làm việc khác nhau từ cách quản lí, phân chia công việc cho tới phần mềm sử dụng, thế nên khi sinh viên mới ra trường làm việc tại một công ty mới không làm quen được với môi trường làm việc là điều tất nhiên. Điều này cần phải có thời gian làm việc và trải nghiệm mới thích ứng được.

Bích Thủy (thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2019)