Cần thiết có Luật, để ngăn chặn tham nhũng trong lĩnh vực Kiến trúc, Xây dựng

Công cuộc xây dựng ở nước ta trước năm 1975 có nền nếp tương đối tốt. Từ đầu năm 1980 và cho tới nay tốc độ phát triển xây dựng rất lớn, đến nỗi các quy định quản lý đầu tư và xây dựng phải theo sau những hành vi xấu đã hoành hành.
Giới kiến trúc đã sớm có phản ánh trước tình trạng xấu này. KTS TH đã viết bài đăng trên báo Nhân Dân ngày 10-5-1991 với đầu đề:

Báo động khẩn cấp trong ngành xây dựng:

– chặn đứng tệ thông đồng A và B.

– 300 tỷ đồng năm 19901 thất thoát mà không thể thấy thủ phạm.

Bài dài một trang, có bút danh ĐÀO AN ĐỨC. Trong bài có đoạn viết:….. “Bên nhận thầu (gọi tắt là bên B) trích 10% tổng kinh phí xây lắp để biếu lại bên giao thầu (còn gọi là chủ đầu tư, gọi tắt là A..; vậy chủ đầu tư là ai, bên B có thua thiệt gì không?… Chủ đầu tư là người có trình độ quản lý nhất định, tuy nhiên là người vô sản (hoặc xem như vô sản) được nhà nước giao quản lý vốn.. Bên B không thua thiệt gì khi A và B đã thông đồng moi tiền ngân sách, họ đẩy giá lên hoặc man sai số lượng, quy cách, phát sinh để được cấp thêm kinh phí. …. Bởi sự hấp dẫn rất lớn của “phần trăm” đã thôi thúc A hoặc B tìm cách moi được nhiều hơn. Thế là họ khéo léo “mời được” các quan chức có liên quan đến cấp vốn “vào cuộc”. Đó là các quan chức thuộc bộ chủ quản, là quan chức ở ngành kế hoạch, tài chính, ngân hàng… Công trình nào lọt vào khung cảnh được các quan chức (nhất là quan chức kế hoạch) “ủng hộ” thì khoản “phần trăm” cực kỳ to lớn, vì nó đã được “gửi” vào tổng dự toán từ khi lập luận chứng kinh tế kỹ thuật… Đây là cái túi không đáy của ngân sách. Một khi các quan chức ở cơ quan quản lý vốn đã “vào cuộc” với A thì giá công trình có cao mấy cũng được duyệt..”. Phần cuối bài báo còn có tiêu đề nhỏ: Để giảm bớt tình trạng A và B thông đồng ăn cắp ….. (nêu ra một số giải pháp ngăn chặn..)
Và còn nhiều KTS viết phản ánh những vấn đề tương tự, trong đó có KTS Nguyễn Thế Bá chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển Việt Nam, ông có bài viết về sự tùy tiện thay đổi quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Bài viết của KTS Nguyễn Trực Luyện phản ánh về việc bên A “đặt giá lại quả” với bên thiết kế quy hoạch và thiết kế công trình kiến trúc; KTS Trần Trọng Hanh phản ảnh mạnh mẽ về việc quy hoạch đề xuất phương án chuyển cơ quan đầu não lên vùng Ba Vì (có đoạn viết mô phòng đường Thăng Long như một mũi tên hướng vào khu trụ sở cơ quan đầu não…).
Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam và Hội kiến trúc sư Việt Nam đã có ý kiến ngăn chặn được một số quyết định không phù hợp với phát triển kinh tế xã hội và thẩm mỹ kiến trúc, cùng với đó là các chuyên gia, các nhà khoa học và giới báo chí cũng đã lên tiếng.Tuy nhiên cũng chỉ hạn chế phần nào. Tình trạng lạm dụng khai thác đất vẫn xảy ra: Quá nhiều sân gol đã là một chuyện, người ta lạm dụng “đi đêm” để có thêm đất làm nhà đợi, nhà chờ, nhà nghỉ, nhà giải khát; lạm dụng chủ trương đổi đất lấy hạ tầng để rồi “đi đêm” chiếm thêm đất,… hiện tượng lấn biển, lấn đất làm nhà vi phạm lưu không đất ven đê. Thậm chí còn tự tiện thay đổi thiết kế quy hoạch và công trình kiến trúc làm lệch lạc bố cục quy hoạch đã được duyệt, và làm xấu bộ mặt kiến trúc.
Tình hình trên đây cho thấy: kiến trúc, xây dựng hiện nay có hiện tượng: – tham ô nhũng nhiễu dẫn đến Bộ mặt kiến trúc không tương xứng với tiềm năng sẵn có:
Trạng thái 1: Do các quan chức nhà nước thao túng và một phần yếu kém của những người thiết kế bị o ép lệ thuộc vào chủ đầu tư.
Trạng thái 2: Do chủ đầu tư tự cho mình quyền thay đổi thiết kế hoặc chủ đầu tư hướng dẫn thợ làm theo ý mình (kể cả ngôi nhà ven đường phố lớn).
Để ngăn chặn hai trạng thái trên, rất cần thiết có LUẬT KIẾN TRÚC.

KTS Trần Thanh

( Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10 -2015 )