Gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc thông qua tích lũy điểm phát triển nghề nghiệp liên tục CPD

Theo Luật Kiến trúc và Nghị định 85/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, để gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc, KTS hành nghề phải đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục hằng năm thông qua hình thức tích lũy điểm phát triển nghề nghiệp liên tục (viết tắt là CPD). Ngày 8/4/2021, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức hoạt động đào tạo đầu tiên áp dụng tích điểm CPD cho KTS qua Hội thảo “Quy tắc ứng xử nghề nghiệp – một bước tiến bộ trong hành nghề của giới KTS Việt Nam” . Nhằm giúp bạn đọc hiểu hơn về CPD và các hình thức tích điểm CPD cho Kiến trúc sư, Tạp chí Kiến trúc đã cuộc trao đổi với KTS Đặng Kim Khôi – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, phụ trách Hội đồng KTS hành nghề. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

PV: Phát triển nghề nghiệp liên tục là một trong những điều kiện bắt buộc để gia hạn chứng chỉ hành nghề. Vậy ông có thể chia sẻ phát triển nghề nghiệp liên tục là gì và vì sao phải phát triển nghề nghiệp liên tục?

KTS Đặng Kim Khôi: Theo quy định tại Luật kiến trúc và Nghị định 85, chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm và một trong những điều kiện cần có khi thực hiện gia hạn chứng chỉ là bảo đảm phát triển nghề nghiệp liên tục hằng năm thông qua hình thức tích lũy điểm CPD. CPD viết tắt của tiếng Anh là Continuous Professional Development và được dịch sang tiếng Việt là đào tạo nghề nghiệp liên tục. Đối với KTS hành nghề, đây là công việc vô cùng cần thiết để duy trì, củng cố, nâng cao kiến thức và kỹ năng, giúp cải thiện khả năng của kiến trúc sư đáp ứng được yêu cầu của xã hội. 

Ba yếu tố theo CPD khi hành nghề KTS cần có: Một là kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực kiến trúc; Hai là những vấn đề về quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến là phải được cập nhật; Ba là những vấn đề về quản trị doanh nghiệp, phần mềm. Có thể thấy việc nâng cao năng lực, ý tưởng của KTS bao gồm cả những hiểu biết về các vấn đề cho dù là phi kiến trúc.

Không phải đơn vị, cơ quan nào cũng đào tạo đủ những yếu tố đó, vì vậy để hiệu quả trong công việc thì mỗi cá nhân phải tự “ngấm” những nội dung trên trong suốt quá trình làm việc. Hiện nay CPD đã trở thành một công việc bắt buộc được quy định trong Luật Kiến trúc và các nghị định. Đây là cơ hội để nâng cao năng lực trách nhiệm nghề nghiệp, kiến thức.

PV: Vậy các hình thức của CPD gồm những hoạt động gì?

KTS Đặng Kim Khôi: Về hình thức của CPD có 8 nội dung sau:

  • Tham gia các khóa tập huấn về chuyên môn và pháp luật.
  • Tham gia hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về kiến trúc.
  • Tham gia những chương trình về khảo sát, tham quan, học tập về lĩnh vực kiến trúc liên quan tới kiến trúc.
  • Viết sách, tạp chí, các bài báo về chuyên ngành kiến trúc.
  • Tham gia các khóa học tập, nghiên cứu sau đại học với chuyên đề là kiến trúc.
  • Tham gia giảng dạy đại học.
  • Nghiên cứu sáng chế khoa học được công nhận nhưng phải về chuyên đề về kiến trúc.
  • Tham gia các giải thưởng kiến trúc quốc gia hằng năm.

Mỗi hoạt động, khóa học sẽ được quy định theo một số điểm cụ thể. Số điểm CPD tích lũy hằng năm tối thiểu là 04 điểm. Các KTS hành nghề trên 60 tuổi phải đạt tối thiểu là 02 điểm phát triển nghề nghiệp liên tục một năm. Cá nhân đạt vượt mức yêu cầu thì được chuyển kết quả phát triển nghề nghiệp liên tục sang năm kế tiếp. Cá nhân chưa đạt mức yêu cầu thì phải hoàn thành phần kết quả phát triển nghề nghiệp liên tục còn thiếu trong năm kế tiếp.

Xem thêm Phụ lục về Bảng tính điểm CPD đối với các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của KTS hành nghề

Loader Loading...
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

Tải xuống. [1.23 MB]

PV: Hội KTS Việt Nam là đơn vị đầu tiên triển khai chương trình đào tạo nghề nghiệp liên tục (được tính điểm CPD) đã thu hút sự tham dự của nhiều KTS trên cả nước. Ông có thể chia sẻ những nội dung chính của khóa đào tạo này?

KTS Đặng Kim Khôi: Buổi đào tạo CPD đầu tiên ở phía Bắc do Hội KTS Việt Nam đứng ra tổ chức đã thu hút sự tham dự của rất nhiều KTS cả nước. 

Chính vì vậy, việc đưa ra vấn đề đào tạo CPD không đơn giản chỉ là cũng cấp chứng chỉ mà còn là vấn đề làm sao để các anh, em kiến trúc sư hành nghề biết bản thân đang thiếu gì, cần gì, từ đó mình cung cấp cho họ những kiến thức kịp thời để họ hành nghề tốt hơn và có trách nhiệm hơn với xã hội.

Để thực hiện tốt việc này, Hội KTS Việt Nam sẽ thành lập Ban phát triển đào tạo gồm rất nhiều các KTS, thuộc các lĩnh vực khác nhau tham gia đào tạo. Trách nhiệm của Ban là nghiên cứu các chủ đề đào tạo và công bố chương trình đào tạo vào tháng 8 hằng năm. Để hình thức đào tạo  được thực hiện thuận lợi, Hội KTS Việt Nam cùng phối hợp, liên kết với các hội địa phương, với các doanh nghiệp để công tác CPD này được nhân lên và sâu rộng, nhưng hơn hết là phải đạt được hiệu quả đi vào đời sống xã hội, được anh em đón nhận và phải mang lại hiệu quả thực tế.

PV: Cảm ơn chia sẻ của KTS Đặng Kim Khôi. Chúc Hội KTS Việt Nam sẽ ngày càng thành công trong thời gian tới.

Thu Vân – Tố Uyên (thực hiện)
© Tạp chí Kiến trúc

Ngay sau khi các nội dung về quy tắc ứng xử nghề nghiệp được quy định trong Luật Kiến trúc và Nghị định 85/2020/NĐ-CP, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động nghề nghiệp phối hợp với Bộ Xây dựng trong xây dựng các quy định về chương trình, tài liệu phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Bên cạnh đó, Hội KTS Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển nghề nghiệp liên tục – xác định đây là hoạt động quan trọng nhằm tạo điều kiện gia hạn chứng chỉ hành nghề cho các KTS thông qua hệ thống tính điểm CPD. Cụ thể Hội đã ban hành tài liệu phục vụ sát hạch, bộ câu hỏi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Đồng thời, tổ chức các chuỗi hoạt động tính điểm, phát triển nghề nghiệp liên tục cho KTS (CPD).

Xem thêm thông tin Hội thảo về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp – Khởi động chuỗi hoạt động tích điểm phát triển nghề nghiệp liên tục của Kiến trúc sư (CPD) tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/dien-dan/hoi-thao-ve-quy-tac-ung-xu-nghe-nghiep-khoi-dong-chuoi-hoat-dong-tich-diem-phat-trien-nghe-nghiep-cua-kien-truc-su-cpd.html