Hội KTS Thành phố Hồ Chí Minh – Những ngày đầu thành lập

Sau ngày giải phóng đất nước, không đâu có thể quy tụ được nhiều nguồn KTS như ở TP HCM, cả cũ lẫn mới, cả Đông lẫn Tây. Năm 1981, đánh dấu thời điểm quan trọng với sự ra đời của Hội KTS TP HCM.

Từ đó, Hội KTS TP HCM trở thành một chi hội đông đảo và quan trọng trong tổ chức Hội KTS Việt Nam, một tổ chức nghề nghiệp thống nhất cả nước dành cho tất cả anh em KTS khắp mọi miền đất nước. Đây thực sự là một điều đáng quý, một ước mơ chỉ một đất nước độc lập và thống nhất mới làm được. Là một người dân Việt, mọi KTS Việt, có trong và ngoài nước, không ai là không hãnh diện về sự kiện này.

Xin ghi lại lịch sử các nguồn đào tạo và nhắc tên một số KTS tiêu biểu đã tích cực tham gia thành lập Hội KTS TP HCM vào năm 1981.

Nguồn đào tạo KTS Sài Gòn trước năm 1975

Thời Pháp thuộc, Sài Gòn là thành phố lớn tổ chức theo quy chế thuộc địa nên các KTS người Pháp quy tụ nhau trong một chi hội của Đoàn KTS Pháp để hành nghề và bênh vực quyền lợi người làm nghề thiết kế. Số KTS người Việt quá ít, hoạt động rất tản mạn. Người dân thường không biết nghề thiết kế kiến trúc là gì.

Năm 1960, Đoàn KTS Việt Nam (chủ yếu tập trung ở Sài Gòn) ra đời, đến năm 1975 đã qui tụ khoảng 150 KTS. Phải kinh qua 2 năm tập sự ở một văn phòng kiến trúc, người tốt nghiệp kiến trúc mới được đăng ký gia nhập Đoàn, rồi mới được hành nghề.

Đoàn viên cứ 3 năm bầu ra Hội đồng Quốc gia KTS Đoàn (Đoàn trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng). KTS nước ngoài muốn hành nghề ở Việt Nam phải được Hội đồng Đoàn chấp nhận, hoặc họ phải hợp tác với KTS trong nước để thiết kế.

Đoàn KTS trước năm 1975 tổ chức và hành nghề giống như các Đoàn Luật sư, Đoàn Bác sĩ… Nghề kiến trúc nhờ vậy mà đi vào ổn định, có kỷ cương và uy tín.

Nguồn đào tạo KTS Sài Gòn trước năm 1975 khá đa dạng, gồm mấy nguồn khác nhau:

  • Lớp lớn tuổi từng tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, đa phần từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, kết hợp với một số KTS có sẵn ở miền Nam;
  • Sau tăng cường thêm lớp KTS tốt nghiệp từ Pháp về (với văn bằng DPLG – Diplômé par le Gouvernement – của Trường Mỹ thuật Quốc gia Pháp Beaux-Arts Paris cấp);
  • Lớp KTS trẻ tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn (một số đi tu nghiệp ngắn hạn hoặc học thêm cấp thạc sĩ ở Mỹ).

Năm 1981, các KTS gia nhập Hội KTS TP HCM gồm:

  • KTS Nguyễn Hữu Thiện, tác giả thiết kế Thư viện Quốc gia, là bạn cùng khóa và hoạt động cách mạng với lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng KTS Huỳnh Tấn Phát (năm đó làm Chủ tịch đầu tiên Hội KTS Việt Nam), ông chuẩn bị tham gia Hội KTS thì đột ngột qua đời.
Công trình Thư viện TP HCM do nhóm KTS Nguyễn Hữu Thiện thiết kế ở Sài Gòn
  • KTS Ngô Viết Thụ (Giải lớn La Mã), nổi tiếng với hàng chục công trình quy mô lớn, từ Dinh Độc Lập, Viện Nguyên tử Đà Lạt đến Nhà thờ Phú Cam – Huế… Ông từng làm cố vấn quy hoạch – kiến trúc cho nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
  • KTS Trần Đình Quyền, người thiết kế Bệnh viện Vì Dân (nay là Thống Nhất), nghiệp đại học kiến trúc Sài Gòn sau học thêm ở Mỹ, ông từng nói: “Tôi dám khẳng định rằng nếu có điều kiện hành nghề như KTS các nước, chắc chắn KTS TP.HCM có đủ kinh nghiệm, năng lực để làm tốt hơn các đồng nghiệp nước ngoài”.
Bệnh viện Vì Dân do KTS Trần Đình Quyền thiết kế
  • Các KTS Nguyễn Quang Nhạc, Phạm Văn Thâng từng thiết kế hàng chục công trình dân dụng và công nghiệp, trong đó có Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, Trung tâm văn hóa Pháp Idecaf, nhà máy dệt Vinatexco, nhà máy giấy Cogido,…
Công trình ngân hàng Việt Nam Thương Tín
  • KTS Huỳnh Kim Mãng nổi tiếng với công trình Giảng đường Đại học Cần Thơ, Chùa Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc và đề án xây mới lại Chợ Bến Thành.
  • KTS Lê Văn Cấu, tác giả thiết kế khách sạn Rex.
  • Các KTS trẻ hơn tốt nghiệp từ trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn như Lê Bích, Nguyễn Văn Vinh, Võ Đinh Diệp, Cổ Văn Hậu, Diệp Văn Kiểu, Nguyễn Hữu Thái, Lý Thái Sơn, Tôn Nữ Quỳnh Như, Trương Văn Ý, Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Quang Minh, Trần Quế Trung, Phạm Doãn Thuật, Đinh Văn Hời, Võ Thành Lân, Lê Văn Rọt, Khương Văn Mười, Trần Chí Hiệp, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Ngọc Dũng… đã rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội KTS TP HCM ngay từ khi khởi đầu.
  • KTS Trương Quang Thao (từng du học Liên Xô sớm nhất), ở Hà Nội vào đã nhận xét khá khách quan về kiến trúc Sài Gòn thời cũ : “Các nhà kiến trúc miền Nam tiếp xúc trực tiếp với kiến trúc hiện đại thế giới và sáng tạo trong thế ưu đãi của tư bản và thế lực Sài Gòn, nhanh chóng làm chủ kỹ thuật bê tông, đá rửa, tạo nên những công trình làm ngơ ngác đồng nghiệp Hà Nội sau 30/4/1975 !”.

Các KTS được đào tạo từ miền Bắc

Đa phần gồm các KTS người gốc miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, sau có chi viện thêm nhiều anh em gốc Bắc. Họ phần lớn được đào tạo ở Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, hoặc du học Trung Quốc, Liên Xô cùng các nước Đông Âu cũ. Tôi nay không nhớ hết, chỉ nhắc đến một số người.

  • KTS Bùi Bốn vào hàng lão làng, nổi danh chủ yếu như một huyền thoại tình báo thời chống Mỹ.
  • KTS Huỳnh Kim Trương tham gia kháng chiến chống Pháp, về Nam khá sớm, nằm trong Ban Quân quản tiếp thu Sài Gòn – Gia Định năm 1975.
  • KTS Trương Tùng, du học Liên Xô, làm Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc TP HCM. Sau đó KTS Mai Hà San đảm nhận chức vụ này.
  • KTS Lê Văn Năm, du học Trung Quốc và Ba Lan, ông vừa làm KTS Trưởng lẫn chủ tịch Hội KTS TP.HCM và nổi tiếng với quan điểm: “Làm công tác hội thì bình đẳng. Đó là nguyên tắc. Hội chúng ta có điều đáng quý là anh em nhiều lứa tuổi, từ nhiều nguồn, trường lớp khác nhau, hoàn cảnh kinh tế, công việc, chức vụ cũng khác nhau nhưng đã đến với hội là trên tinh thần đồng nghiệp, bình đẳng, cởi mở, thân thiết, không đố kỵ. Mong rằng hội của chúng ta tiếp tục giữ vững được tinh thần này”.
  • KTS Nguyễn Kim Sến, du học Liên Xô nhận định:“Là người tham gia vào công tác hội từ những ngày đầu thành lập, tôi cảm thấy rất rõ sự thay đổi về vai trò của người KTS trong xã hội hôm nay”.
  • KTS Lê Quang Ninh đã du học Trung Quốc rồi Rumani. Ông từng nhận xét về đặc điểm kiến trúc khu vực phía Nam: “Đặc trưng riêng của các đô thị phía Nam, vùng đồng bằng Nam bộ là lấy sông làm trục đô thị, trục đô thị ở TP.HCM dựa theo sông Sài Gòn. Chúng ta sống trong điều kiện môi trường nhiệt đới, cần phải có kiến trúc không gian mở, phải lấy yếu tố rộng thoáng làm điểm nhấn”.
  • KTS Nguyễn Ánh Tuyết: Phó chủ tịch Hội nhiều nhiệm kỳ

Ngoài ra còn có các KTS Lê Hùng, Nguyễn Hồng Đào, Nguyễn Khởi (tốt nghiệp Liên Xô), Nguyễn Trọng Huấn, Nguyễn Ánh Tuyết (học Trung Quốc), Nguyễn Thanh Minh, Trần Văn Dưỡng (Tổng biên Tạp chí Kiến trúc và Đời sống).

Hơn 30 năm hoạt động, với sự nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo qua các thời kỳ và các thế hệ KTS, Hội KTS TP HCM đã ngày càng lớn mạnh, tập hợp được đông đảo KTS khu vực phía Nam, tham gia tích cực các hoạt động nghề nghiệp, góp tiếng nói quan trọng trong sự phát triển chung của TP và cả nước.

KTS Nguyễn Hữu Thái
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2017)