Cải tạo Vườn hoa Diên Hồng: Xây dựng không gian công cộng kiểu mẫu tại Hà Nội

Vườn hoa Diên Hồng nằm trên địa bàn phường Tràng Tiền, vị trí giao giữa các phố Ngô Quyền – Lý Thái Tổ – Lê Phụng Hiểu, quận Hoàn Kiếm, có diện tích 4.240m2. Đây là vườn hoa có giá trị về kiến trúc tại khu vực trung tâm Hà Nội, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hoàn chỉnh không gian kiến trúc cảnh quan khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, quảng trường Ngân hàng Nhà nước, khu vực hồ Gươm và phụ cận (là di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt) và nhiều công trình quan trọng như nhà Khách Chính phủ, trụ sở Thành ủy, trụ sở Liên đoàn Lao động thành phố, Trung tâm văn hóa Ý, Khách sạn Metropole.

Thông tin dự án

  • Tên dự án : Vườn Hoa Diên Hồng
  • Công ty thiết kế : Văn phòng DE-SO Asia
  • Năm hoàn thành dự án : 2023
  • Tổng diện tích xây dựng : 4.500m2
  • Chủ trì dự án : Olivier Souquet
  • Bản quyền hình ảnh : Giuseppe de Franscesco

Đến nay, sau gần 120 năm tồn tại, mặc dù đã trải qua nhiều lần duy tu, cải tạo song chưa đồng bộ về hình thức, đài phun nước đã xuống cấp. UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Viện PRX – Đại diện vùng Ile-de-France (Pháp) tại Việt Nam và đơn vị tư vấn DE-SO (Pháp) nghiên cứu xây dựng “Dự án quy hoạch không gian công cộng và thử nghiệm quản lý không gian xanh theo hướng sinh thái tại quận Hoàn Kiếm”, trong đó có kế hoạch cải tạo vườn hoa Diên Hồng.

Vườn hoa nằm giữa quần thể kiến trúc điển hình, không gian điểm nhấn mang theo giá trị không chỉ về mặt lịch sử, văn hóa mà mang tính biểu tượng và tinh thần thành phố. Do đó, thách thức đặt ra cho các KTS thiết kế bắt buộc phải tạo được sự kết nối giữa không gian xanh nội đô với kiến trúc kế thừa từ khu phố tây thời Pháp. Đưa hệ thống cây xanh đô thị vào công trình nhằm kế thừa ý tưởng ban đầu quy hoạch thành phố vườn, đồng thời đảm bảo tính bền vững của di sản cây xanh phong phú trong khu vực này của Hà Nội, duy trì các chức năng sinh thái do cây xanh mang lại về lâu dài.

Vườn hoa Diên Hồng được cải tạo trên hai nguyên tắc thiết kế trọng điểm:

  • Giành lại sự ưu tiên cho người đi bộ trong khu vực di sản và làm giảm vai trò chủ đạo giao thông xe cơ giới như ô tô và xe máy.
  • Củng cố và tăng cường sự hiện diện của không gian cây xanh để đáp ứng những thách thức về biến đổi khí hậu về sự nóng dần toàn cầu và ô nhiễm không khí mà thành phố Hà Nội ngày càng phải đối mặt.

Đá granit xám được lựa chọn lát chủ yếu tại Vườn hoa Diên Hồng, đá được cắt thành những viên lát trên toàn bộ khu vực phố đi bộ, quảng trường hay vườn hoa, tạo ra sự thoải mái khi băng qua đường bằng các dải phân cách cho người đi bộ, vỉa hè cũng được xử lý bằng lát đá tự nhiên, trái ngược với không gian nhựa đường của làn đường giao thông.

Hiệu ứng bóng râm kết hợp với hiệu ứng thoát hơi nước từ không gian cây xanh sẽ làm giảm nhiệt độ không khí của một con phố từ 10-15 độ so với không gian không bóng mát và bê tông hoá ở Hà Nội trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm (nhiệt độ tham khảo lúc 15h). Những cụm cây bụi rậm rạp tạo nên lớp chắn mát mẻ được chủ ý sắp xếp bên băng ghế công cộng trên quảng trường. Nó cũng sẽ là một thách thức củng cố vai trò của nước ở mọi dạng của nó (đài phun nước được cải tạo, mặt nước gương, vòi phun nước).

Hiệu ứng chiếu sáng nhấn mạnh các góc mặt đứng kiến trúc của các công trình di tích, sự quy hoạch có hệ thống về chiếu sáng giúp đồng bộ cấu trúc đô thị di sản. Mục tiêu là hướng quy hoạch thành phố Hà Nội, thông qua các không gian công cộng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, nổi bật bản sắc đô thị, gây được ấn tượng về khu phố cổ. Ánh sáng của vườn hoa sẽ được chú trọng lựa chọn ánh sáng lạnh hơn so với chiếu sáng mặt đường để tạo ra độ tương phản và tạo tiêu điểm thị giác. Hệ thống chiếu sáng công viên mới cũng sẽ hoạt động hiệu quả và an toàn.

Việc quảng bá và làm đẹp không gian công cộng quanh khu vực Nhà hát lớn ở Hà Nội, trong đó có vườn hoa Diên Hồng nhằm nâng tầm khu phố lịch sử mang tính biểu tượng của Thủ đô. Công trình thỏa mãn đầy đủ các tiêu chí được đặt ra về dự án điển hình: Thêm nhiều không gian xanh hơn từ làn đường dành cho ô tô và là hành lang bảo vệ cũng như đảm bảo an toàn cho khu nội tâm quảng trường của đài phun nước; Quan điểm rõ ràng về các tòa nhà di sản bằng cách giải phóng khu vườn khỏi mọi ô nhiễm thị giác (ô tô, xe máy, đồ vật, doanh trại); Phát huy các hướng nhìn tới công trình di sản nhằm tăng sự kết nối vườn hoa với công trình bằng giảm tác động cản trở thị giác; Chọn vật liệu lát nền tiêu chuẩn bằng đá tự nhiên, trái ngược với không gian nhựa đường của làn đường giao thông.

Uyên Thư – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc