Di sản trong cuộc sống hiện đại

Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là di tích cấp Quốc gia và cũng là một trong hai Hội quán nằm trong lòng Thủ đô Hà Nội. Với diện tích 1802,6 m2, đây là một di tích có diện tích lớn nhất trong Khu phố cổ Hà Nội. Công trình được xây dựng giai đoạn cuối thế kỷ 19 và trải qua các thời kỳ mở rộng, trùng tu khác nhau, mỗi thời điểm trùng tu đều được đánh dấu bằng các phong cách kiến trúc, vật liệu xây dựng đặc trưng tại thời điểm đó. Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng đa số các hạng mục gốc cấu thành di tích về cơ bản vẫn được giữ nguyên theo kiến trúc ban đầu.

Một số hình ảnh công trình trước, trong và sau khi trùng tu

Theo lịch sử Hà Nội, trước đây có bốn cộng đồng người Hoa ở Thăng Long: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam. Người Quảng Đông thành lập cộng đồng sớm và mạnh nhất, chiếm tới hơn nửa số người Hoa tại Thăng Long, họ chủ yếu ở phố Đường Nhân (nên phố này gọi là Quảng Đông hay Việt Đông) – nay là Phố Hàng Ngang. Khu người Phúc Kiến ở cũng gọi là phố Phúc Kiến – nay là phố Lãn Ông. Dưới thời Tây Sơn, năm 1801, người Quảng Đông đã dựng hội quán. Sau đó hơn 10 năm, cộng đồng người Phúc Kiến cũng khởi dựng hội quán.

Từ năm 1979 đến tháng 11/2020, Hội quán Quảng Đông được sử dụng làm Trường mẫu giáo Tuổi Thơ. Năm 2020, UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện xây dựng mới Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (cách đấy 300m) để di dời trường học ra khỏi khuôn viên di tích và đầu tư chỉnh trang nhằm bảo tồn tôn tạo di tích.

Phố Hàng Buồm nằm ở phía Đông thành Thăng Long, trên phố có đền Bạch Mã, là đền trấn Đông của thành Hà Nội, được khởi dựng từ thế kỷ 9,

Quá trình phát triển

Phố Hàng Buồm nằm ở phía Đông thành Thăng Long, trên phố có đền Bạch Mã, là đền trấn Đông của thành Hà Nội, được khởi dựng từ thế kỷ 9, là một trong bốn ngôi đền quan trọng bậc nhất Việt Nam. Song song với phố Hàng Buồm là phố Nguyễn Siêu, giai đoạn đầu thế kỷ 9 thì phố Nguyễn Siêu vẫn là một đoạn của sông Tô Lịch nối ra Sông Hồng.

Những mốc chính
Dự án bảo tồn và trùng tu

Những mốc chính

Qua phân tích các bản đồ, nhận thấy giai đoạn đầu tổng mặt bằng của công trình được bố cục theo kiểu một công trình tín ngưỡng truyền Việt Nam – giai đoạn khoảng 1900’s. Đến giai đoạn tiếp theo, khi người Pháp có mặt tại Việt Nam, công trình được mở rộng xây dựng thêm và phá vỡ bố cục không gian tổng mặt bằng. Giai đoạn này được xây dựng với các kết cấu, vật liệu nhập khẩu từ Pháp (cột thép, hệ thống vì kèo thép..) kết hợp với vật liệu địa phương. Từ năm 1979, công trình được chuyển thành trường mẫu giáo nên đã xây dựng nhiều hạng mục mới nhằm phục vụ một chức năng mới của công trình. Các hạng mục mới xây dựng này chỉ nhằm một mục đích phục vụ nhu cầu của việc dạy học mẫu giáo mà không quan tâm tới việc bảo tồn công trình di sản Hội quán Quảng Đông.

Một số chi tiết bị mất được làm mới với cùng loại gỗ bởi các thợ thủ công lành nghề

Dự án bảo tồn và trùng tu

Năm 2018, UBND quận Hoàn Kiếm đưa ra quyết định xây dựng mới trường mẫu giáo nhằm mục đích di chuyển trường và tu bổ lại di tích.

Về kiến trúc nói chung, công trình không bị thay đổi quá nhiều ngoài một số hạng mục đã được xây dựng thêm giai đoạn sau 1979. Vật liệu xây dựng, trang trí trong công trình này cũng rất phong phú. Ngoài vật liệu địa phương như gạch, gỗ, vôi thì ở đây là công trình duy nhất trong Khu phố cổ Hà Nội sử dụng đá Granite làm một số cột, lát nền sân và tường trang trí. Ngoài ra, tại giai đoạn 1902-1948, công trình được xây dựng thêm một khu nhà sau cổng vào, được sử dụng vật liệu nhập từ Pháp: Cột thép chịu lực, hệ vì kèo thép…

Trong quá trình thi công, biện pháp thi công được cân nhắc rất nhiều để không ảnh hưởng đến tính nguyên gốc của các chi tiết công trình đặc biệt là các bức phù điêu bằng ceramic.

Thay lời kết

Trong suốt quá trình nghiên cứu dự án (từ năm 2013), câu hỏi luôn được đặt ra là: Sau khi được tu bổ và chuyển đổi chức năng thì công trình sẽ được sử dụng như thế nào? – Đây là một di sản kiến trúc đặc biệt với những nét đặc trưng cho sự giao thoa kiến trúc Đông – Tây, vì thế, đây sẽ là một điểm đến ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời cũng là một trung tâm sáng tạo mới, nơi trưng bày, giới thiệu những giá trị văn hoá – lịch sử của quận Hoàn Kiếm nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung – Đó cũng là con đường tiếp nối giá trị của di sản trong cuộc sống đương đại, hướng tới xây dựng Hà Nội – TP sáng tạo trong tương lai.

KTS di sản Nguyễn Hoàng Phương
Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố Cổ Hà Nội