GK Archi chia sẻ kinh nghiệm xây dựng công trình tại Mông Cổ

Để xây dựng thành công khách sạn 4 sao Soyombo (nằm ở ven đô Ulanbator – Mông Cổ), GK Archi đã phải trải qua sự khắc nghiệt của thời tiết, sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa… Các thành viên của GK Archi đã chia sẻ kinh nghiệm làm việc tại Mông Cổ với Tạp chí Kiến trúc.

Năm 2012 – 2014, nhận thấy nền kinh tế của Mông Cổ đang phát triển đầy khả quan, GK Archi, một công ty tiên phong trong việc “xuất khẩu” kiến trúc Việt ra thị trường nước ngoài đã quyết định thâm nhập vào thị trường này.

Theo  lộ trình tiếp cận một thị trường mới, GK Archi tìm hiểu thông tin về các đơn vị xây dựng, chủ đầu tư và các đơn vị thiết kế tương tự ở Mông Cổ. Họ có thể sẽ là đối tác, tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu của từng đơn vị để tìm cách hợp tác – Khi bắt đầu tiếp cận thị trường Mông Cổ, thủ đô Ulanbator là đích đến an toàn và nhiều cơ hội nhất.

Tình hình xây dựng bùng nổ ở Ulanbator, Mông Cổ vào năm ‎2012 – 2015.

Thủ đô Ulanbator, thành phố lớn và đông dân nhất của Mông Cổ nhưng dân số chỉ vỏn vẹn một triệu người. Nhiều người đùa rằng tổng lượng gia súc của Mông Cổ còn nhiều hơn dân số. Toàn bộ số gia súc của Mông Cổ có khoảng 5 triệu con, trong khi dân số Mông Cổ khoảng 2 triệu người (số liệu năm 2014). Tuy vậy nhưng từ sau khi chuyển sang hợp tác kinh tế với Trung Quốc, thủ đô Ulanbator trở thành 1 đại công trường với sự bùng nổ xây dựng và đầu tư.

Sau khi tiếp xúc với các đơn vị, GK Archi đã gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện tư vấn dự án cho chủ đầu tư Mông Cổ, ví dụ như:

  • Đi lại: Từ TP HCM (trụ sở chính của GK Archi) qua thủ đô Ulanbator không có chuyến bay thẳng. Chuyến bay ngắn và thuận tiện nhất là quá cảnh ở Bắc Kinh, Trung Quốc hoặc Seoul, Hàn Quốc. Điều này khiến các thành viên của GK Archi mất rất nhiều thời gian và sức lực trên đường đi.
Toàn cảnh khách sạn Soyombo do GK Archi thiết kế tại Mông Cổ.
  • Thời tiết: Thủ đô Ulanbator có thời tiết rất khắc nghiệt, nhiệt độ có thể xuống – 30 độ C vào mùa đông. Điều này ảnh hưởng nhiều tới tình hình sức khỏe của nhân viên, người được cử đi công tác, tham gia giám sát thiết kế tại Mông Cổ. Ngoài ra, thời tiết tác động lớn tới tiến độ thi công dự án. Nhiều dự án của Mông Cổ phải dừng lại vào mùa đông, không thể thi công ngoài trời với nhiệt độ – 20, – 30 độ C. Vì vậy, công ty phải sắp xếp tiến độ và kết thúc các công việc thiết kế trước tháng 6 hàng năm để đội nhóm thi công có thể dùng bản vẽ sử dụng thi công tới khoảng tháng 12. Từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, hầu như các công trình xây dựng đều ngưng trệ, chỉ xây phần bên trong.
  • Ngôn ngữ: Mông Cổ sử dụng tiếng địa phương (Mông Cổ hay tiếng Mông). Nhiều người Mông Cổ biết tiếng Nga và thậm chí, tiếng Nga trở thành ngôn ngữ thứ hai sau tiếng mẹ đẻ. Tiếng Anh không được sử dụng rộng rãi ở đây. Giao tiếp trở thành 1 rào cản đáng kể khi luôn cần có sự hỗ trợ của thông dịch viên mà họ lại thiếu kiến thức chuyên môn hoặc không đủ sự linh động, khéo léo trong việc đàm phán.

Hệ thống ký hiệu bản vẽ, hướng nắng, gió, hướng mặt trời cũng hoàn toàn khác giữa Mông Cổ và Việt Nam. Đơn cử ở Việt Nam, những phòng bất lợi sẽ được đặt ở hướng Tây. Tuy nhiên, vì xứ lạnh, nhu cầu cần mặt trời nhiều hơn nên Mông Cổ muốn công trình có nhiều ánh nắng mặt trời hoặc quay càng nhiều về hướng Tây để đón nắng càng tốt.

Mặt trước của khách sạn Soyombo

Vượt qua các khó khăn đó, GK Archi cần phải nắm bắt và thích nghi nhanh để thể hiện được sự am hiểu tính địa phương và năng lực thiết kế của mình. Và sau hai tháng thâm nhập thị trường Mông Cổ, GK Archi đã nhận được dự án đầu tiên. Đó là thiết kế cảnh quan cho khách sạn 4 sao Soyombo tại Ulanbator.

Khách sạn Soyombo tọa lạc tại vùng ven của thành phố Ulanbator, là cửa ngõ dẫn vào thành phố, nơi tập trung nhiều khu vực cắm trại cho người dân thành thị. Hàng năm, khu vực này đón rất nhiều du khách. Vì vậy, nơi đây có rất nhiều khách sạn. Yêu cầu cần phải có là sự độc đáo, khác biệt giữa các khách sạn bằng việc tạo ra cảnh quan bắt mắt, thu hút.

Khách sạn Soyombo nằm trên đỉnh đồi với view nhìn ra con suối trước mặt. Cảnh quan liên kết con suối tạo thành một phần của thiết kế, dẫn dắt từ lối vào chính (có cao độ khác biệt) chảy qua các tầng bậc và kết thúc tại con suối bên dưới. Xung quanh con suối là mảng cây và các loại cây ôn đới phù hợp cho cảnh quan trang trí và vào mùa đông, không bị ảnh hưởng.

Với giải pháp thiết kế hợp lý, khả thi, Khách sạn Soyombo đã được sự chấp thuận nhanh chóng của chủ đầu tư. Công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng năm 2015, đánh dấu sự thành công đầu tiên của GK Archi khi tiếp cận thị trường Mông Cổ.

Thu Ngân

© Tạp chí kiến trúc