Gương mặt KTS trẻ tiêu biểu

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập (1948-2018), Hội KTS Việt Nam trao tặng Bằng Cống hiến cho 10 KTS Trẻ tiêu biểu Vì đã có những thành tích xuất sắc trong sáng tạo kiến trúc, đạt nhiều giải thưởng Quốc gia – quốc tế và hoạt động tích cực trong công tác Hội cũng như hội nhập quốc tế. TCKT đã có cuộc trao đổi nhanh và ghi lại những nét chính trong hoạt động của một số gương mặt KTS trẻ tiêu biểu.Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

10 KTS Trẻ tiêu biểu

  1. Nguyễn Thu Phong (CLB KTS Trẻ toàn quốc
  2. Hoàng Thúc Hào (VP Kiến trúc 1+1>2)
  3. Võ Trọng Nghĩa (Công ty Võ Trọng Nghĩa)
  4. Nguyễn Hoàng Mạnh (MIA Design Studio)
  5. Nguyễn Xuân Minh (Công ty Kiến trúc BHA)
  6. Nguyễn Tuấn Anh (A+G)
  7. Nguyễn Hòa Hiệp (A21 Studio)
  8. Đoàn Thanh Hà (HP Architects)
  9. Trần Ngọc Phương (HP Architects)
  10. Lê Nguyễn Hương Giang (Công ty GK Archi)

Kiến trúc luôn gắn liền với Ánh sáng, Không gian và Nơi chốn

KTS Nguyễn Xuân Minh:
Tốt nghiệp Kiến trúc tại Huế năm 2002
Thành lập công ty kiến trúc BHA năm 2007
Building of year 2017 Ashui awards
100 Achitecture of the year 2017 UIA- KIA
KTS Việt Nam tiêu biểu 2010-2015
Giải thưởng Kiến trúc Xanh Việt Nam 2012
Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2008
Giải thưởng Công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc Thừa Thiên Huế 2005

Ánh sáng là chất liệu của kiến trúc. Tôi luôn ám ảnh về ánh sáng, sử dụng ánh sáng và điều chỉnh ánh sáng phù hợp với không gian mà tôi muốn. Các công trình của tôi thường được nghiên cứu lớp vỏ để có thể điều tiết ánh sáng, làm cho không gian luôn biến đổi, thú vị.

Về bản chất kiến trúc, theo tôi đó là tạo lập không gian. Không gian trong công trình của tôi thường khá “nhập nhằng” – Tôi thích sử dụng những khoảng chuyển tiếp, khoảng mở, những khoảng không gian không rõ ràng về công năng. Điều này phù hợp với điều kiện khí hậu ở Huế nắng nóng mưa nhiều và tính cách Huế thích nhẹ nhàng, cởi mở với thiên nhiên.

Kiến trúc của tôi luôn neo chặt với nơi chốn, đó là văn hóa sống, tập quán sinh hoạt của người dân, là khí hậu, là cảnh quan, là điều kiện kinh tế nơi nó tồn tại.Ở miền Trung, bên cạnh những bất lợi về điều kiện tự nhiên thì yếu tố nơi chốn rất rõ nét, đây là vùng có văn hóa đặc sắc, phong phú. Điều này tạo nên những cơ hội cho các kiến trúc sự tìm tòi, sáng tạo nên những thiết kế thích ứng, đặc trưng và giàu bản sắc.

Triết lý về kiến trúc hạnh phúc 1+1>2

KTS Hoàng Thúc Hào:

Tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội | 1987 – 1992, Đại học Bách khoa Turin – Italy | 2000 – 2003
• Hiện là Giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ tịch Hội KTS Đại học Xây dựng Hà Nội
• Giải thưởng Kiến trúc SIA – Getz 2016 (Kiến trúc sư nổi bật châu Á 2016) của Hội KTS Thế giới – UIA.
Và rất nhiều giải thưởng quan trọng trong nước và Quốc tế.

Toàn cầu hóa mang lại nhiều giá trị to lớn, song có nguy cơ xóa nhòa, thậm chí triệt tiêu bản sắc, nhất là ở những cộng đồng yếm thế – những cộng đồng không có điều kiện, nguồn lực bảo vệ tiếng nói riêng.

Thách thức thực sự với KTS là bằng cách nào có thể tác động, dấn thân vào khu vực “không tồn tại kiến trúc” này?
Sau quá trình nghiên cứu, thí điểm, chúng tôi nhận thấy nếu chỉ hành nghề ở góc độ thuần túy kiến trúc, bài toán trên không có lời giải.

Với quan niệm kiến trúc là một nghệ thuật xã hội, là tổng hợp đa ngành, chúng tôi chủ trương tiếp cận và thao tác kiến trúc theo phương thức 1+1>2: KTS vừa thử nghiệm mô hình, vừa vận động, thuyết phục xã hội, kết nối các nguồn lực…, vừa đồng thời phát hiện, tiếp biến những giá trị bản địa cốt lõi vào trong một ngôn ngữ kiến trúc bền vững, hiện đại.
Những cộng đồng yếm thế, hầu như bị lãng quên lại nắm giữ kho báu văn hóa khổng lồ. Họ đương nhiên có quyền cất tiếng nói riêng, đóng góp vào sự giàu có và đa dạng của loài người. Điều đinh ninh chính đáng này là động lực hội tụ nguồn lực, động lực của kiến trúc hạnh phúc 1+1>2.

H&P Architects – Đoàn Thanh Hà & Trần Ngọc Phương

H&P Architects được thành lập bởi Đoàn Thanh Hà và Trần Ngọc Phương, cả hai học cùng lớp ĐH Kiến trúc Hà Nội và tốt nghiệp năm 2002. Các dự án liên quan đến cộng đồng của họ có sự cố vấn từ TS.KTS Nguyễn Trí Thành (hiện đang là Phó Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội).

Mặc dù còn khá trẻ, nhưng H&P Architects đã và đang dấn thân vào những dự án đầy thách thức tại những cộng đồng nghèo khó, bị thiệt thòi ở Việt Nam. Với tinh thần của KTS vì người nghèo, các dự án xã hội của HPA được phát triển trên quan điểm tạo ra những không gian (mà Hà gọi là “Không gian cần thiết”) có thể đáp ứng tùy theo những nhu cầu cần thiết căn bản nhất của người nghèo, bị thiệt thòi. “Không gian cần thiết” được hình thành nên từ những “vật liệu cần thiết” (rẻ, sẵn có tại địa phương, vật liệu tái sử dụng) với công nghệ xây dựng thích hợp theo từng bối cảnh (kết hợp phương pháp thủ công truyền thống với công nghệ hiện tại) và có sự tham gia xây dựng của người sử dụng từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành. Qua đó, mỗi công trình của H&P góp phần giáo dục, truyền cảm hứng và định hướng hành động trong tương lai của người sử dụng – Đó là những hành động có trách nhiệm với xã hội; cần thiết và thân thiện với văn hóa, cộng đồng và khí hậu…

Những “Không gian cần thiết” của H&P Architects có quy mô đa dạng từ việc đáp ứng nhu cầu căn bản cho một cá thể đến một gia đình và rộng hơn là một cộng đồng dân cư. Địa bàn áp dụng trải rộng từ những đối tượng dễ bị tổn thương vùng bị thiên tai tới những dân tộc nghèo ở vùng cao, hay những cộng đồng người thiệt thòi ở đô thị và nông thôn. Các dự án có thể liệt kê vào 3 nhóm lĩnh vực: Nhà ở theo mô-đun; Giáo dục – Y tế; Không gian cộng đồng mở.

ThS.KTS Lê Nguyễn Hương Giang

• Đồng sáng lập Công ty TNHH GK Archi năm 2009.
• Đồng sáng lập Công ty GK Archi Myanmar tại Yangon, Myanmar năm 2012.
• Đã đi qua gần 70 nước và tất cả các châu lục. Từng thực hiện chuyến đi xe đạp một mình 1.720km từ Bắc vào Nam trong vòng 15 ngày để ủng hộ quỹ vì trẻ em tự kỉ của Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM.
• Phụ trách công tác phát triển thị trường quốc tế của Công ty TNHH GK Archi. GK Archi đã thực hiện thành công các dự án ở Myanmar, Bangladesh, Mông Cổ, Kenya,Cambodia, Pháp…

Làm việc hay kinh doanh, chúng ta cần xác định rõ mục tiêu để đi tới. Và với tôi, kiến trúc là mục tiêu. Tôi muốn được thoả mãn ước mơ thiết kế, được vùng vẫy, đưa ra những ý tưởng sáng tạo nhất có thể, tạo ra những công trình mang dấu ấn kiến trúc rõ nét. Và vì là KTS, tôi có thể dễ dàng quản lý sản phẩm của mình hoặc các cộng sự tạo ra một cách tốt nhất. Thật sự khi mới thành lập GK Archi, chính cái tôi, cái kiêu hãnh là một KTS giúp tôi có một định hướng rõ ràng điều mình cần làm là gì. Tôi muốn tạo ra một sân chơi cho riêng mình, nơi tiếng nói kiến trúc cần mạnh mẽ, làm mục tiêu xuyên suốt, kiến trúc phải là bộ môn lãnh đạo dẫn dắt các bộ môn khác để tạo ra một công trình hoàn hảo.

Và sau này, đó cũng là điểm mạnh xuyên suốt các dự án của GK Archi, định hướng rõ nét cho khách hàng công việc và dịch vụ của GK Archi. Điều này nói dễ nhưng làm hoàn toàn không đơn giản. Cần phải đủ bản lĩnh, sáng suốt, minh mẫn và giữ rõ quan điểm của mình trong quá trình hoạt động. Cần tư vấn đúng, đủ và làm hết lương tâm của nghề. Đừng quá chạy theo các yêu cầu của chủ đầu tư để rồi tự biến mình thành các “thợ vẽ” chứ không phải là KTS.

Trên thế giới, tiếng nói của KTS rất lớn. Chính họ đóng góp nhiều vào diện mạo và hình thái của đô thị. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay ở Việt Nam chính là việc đào tạo quá nhiều KTS hàng năm. Điều này vô hình chung tạo ra một áp lực lớn trong quá trình hoạt động và đẩy các KTS mới ra trường, thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh, chạy theo yêu cầu của chủ đầu tư một cách thái quá. Tôi thiết nghĩ Hội KTS cần phải có những hoạt động thực tiễn hơn để hỗ trợ các KTS về định hướng nghề nghiệp, bản lĩnh cần có của một KTS đúng nghĩa.

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2018)