Terra Cotta Studio – Không gian sáng tạo mang vẻ đẹp của tre và gạch đất nung

Công trình nằm cạnh sông Thu Bồn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Con sông có sự tương tác rất lớn đối với cuộc sống cư dân hai bờ. Cuộc sống phần lớn của cư dân ven sông là nông nghiệp cùng tồn tại với một số làng nghề truyền thống như gốm, chiếu, bánh tráng, ….

Nghề gốm có một cuộc sống gắn bó với sự vận động của con sông này.

Xem thêm: 10 công trình Kiến trúc nổi bật toàn cầu năm 2016

Công trình là không gian làm việc và sáng tác của nghệ nhân Lê Đức Hạ. Công trình là một khối lập phương 7x7x7m. Tiếp cận công trình là hệ hàng rào khung tre dùng để phơi gốm và ngồi chơi, uống trà thư giãn ngoài trời. Đồng thời cũng là hàng rào giới hạn không gian làm việc và khu vườn rộng lớn của xưởng gốm.

  • Thông tin dự án
  • Địa điểm: huyện Điện Bàn, Quảng Nam
  • Thiết kế: Công ty THHH Thiết kế Xây dựng Không gian Nhiệt đới
  • Kĩ sư kết cấu: Bạch Ngọc Hoàng
  • Kỹ sư tham gia thiết kế: Nguyễn Hải Long, Trần Thị Ngụ Ngôn, Nguyễn Anh Đức, Trịnh Thanh Tú
  • Năm hoàn thành: 2016
  • Diện tích: 49m2
  • Nhiếp ảnh: Oki Hiroyuki

Qua hàng rào tre và vườn rau nhỏ là lớp vỏ công trình được tạo bằng gạch đất sét nung. Gợi lại hình ảnh xưa kia của những lò nung gốm truyền thống, có ảnh hưởng ít nhiều từ văn hóa tinh thần của người Chăm.

Lớp vỏ công trình được xây gạch xen kẽ giúp thông gió và điều hòa không khí. Với lớp vỏ này, không phải là những bức tường dùng để ngăn cách, người nghệ sĩ có thể cảm nhận được gió, hơi nước từ dòng sông và tất cả các âm thanh tự nhiên từ môi trường xung quanh. Nhưng nó vẫn tạo được một sự riêng tư cần thiết cho ngươi nghệ sĩ. Lớp vỏ công trình như một lớp voan mỏng, che lưng chừng.

Tiếp theo là hệ thống khung gỗ 3 tầng  đặt gốm với kích thước mỗi ô là 60xm x 60cm, cao 7m kể từ mặt đất.

Bên trong công trình, ta có thể thấy các kệ gốm và hành lang chạy xung quanh nằm giữa kệ để gốm và lớp vỏ bằng gạch. Đi dọc các hành lang, chúng ta có thể quan sát được không gian xưởng sản xuất, bờ sông và cả khu vườn qua các ô cửa sổ từ lớp vỏ làm bằng gạch.

Tại trung tâm công trình là một không gian gồm hai tầng. Trung tâm tầng trệt là nơi sáng tác của nghệ sĩ. Đây là nơi người nghệ sĩ và tác phẩm của mình có sự tương tác cùng với ánh mặt trời, từ lúc bình minh cho đến chạng vạng.

Không gian tầng lửng và tầng trệt có sự liên kết thông qua giếng trời tại khu vực trung tâm

Tại đây, ta có thể bắt gặp được sự trò chuyện giữa nghệ sĩ và tác phẩm cũng như nghệ sĩ và cái bóng của mình trong sự tĩnh lặng. Đồng thời có thể nhận thấy rõ nét thời gian đi qua các tác phẩm thông qua sự dịch chuyển của ánh sáng mặt trời.

Tầng lửng là nơi mọi người có thể quan sát được nhiều không gian khác nhau ở trong và ngoài công trình, cũng như quan sát được quá trình sáng tác của người nghệ sĩ qua khoảng trống tại trung tâm.

Giếng trời lấy ánh sáng cho không gian làm việc

Đây cũng là nơi chứa tạm đồ cũng như là nơi trú tạm trong những ngày lũ lụt. Tại miền trung Việt Nam cứ mỗi năm sẽ có các đợt lũ kéo dài từ 3 đến 7 ngày do nhiều tác động khác nhau như thủy điện và biến đổi khí hậu.

Ngôi nhà với góc nhìn từ sông Thu Bồn

Nhóm thiết kế muốn công trình trở thành nơi chứa đựng, chiêm nghiệm và lan truyền những cảm xúc của nghệ sĩ với những tác phẩm đang hình thành và cũng như sự tồn tại của nó. Công trình là nơi đến để gặp gỡ, chia sẽ của những người yêu đất nung và muốn có những trải nghiệm với đất.

Xem thêm: Công viên đất nung Thanh Hà – Làng gốm Thanh Hà – Hội An – Việt Nam

Không gian làm việc và sáng tác của nghệ nhân Lê Đức Hạ

Một số bản vẽ công trình

Xem thêm: “Nhà biết thở” – giải pháp thiết kế mới cho kiến trúc ngột ngạt tại Hà Nội.

Đinh Hằng/TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc