Những căn bếp Việt đầy nắng, gió và cây xanh

Không còn nằm trong góc khuất, nhiều căn bếp Việt được thiết kế với tiêu chí gần gũi thiên nhiên để mang tới cảm giác thư thái cho người nấu.

Căn nhà trên mảnh đất 120 m2 ở Sơn La chỉ có một tầng với điểm nhấn là mái chữ V. Nhờ mái chữ V, căn bếp đủ sáng mà không bị nắng gắt. Độ mở của mái kết hợp với băng cửa sổ trên cao cho phép các thành viên gia đình nhìn ra vườn và bầu trời thay vì các các công trình xung quanh.

Ngôi nhà ba tầng ở Thanh Trì có bề ngoài giống một lô cốt quân sự nhưng bên trong lại đầy cây xanh và nắng gió. Bếp tiếp xúc trực tiếp với hai mảnh vườn nên vừa thông thoáng, vừa đem lại cảm giác thư giãn.

Tuy nằm cách biệt với không gian sinh hoạt chung bởi bức tường ốp gạch, khu bếp trong căn nhà người con Đà Nẵng dành tặng bố mẹ vẫn thông thoáng nhờ những ô cửa mở ra khu vườn trước nhà. Nhờ cửa phụ, người ở cũng có thể đi thẳng vào bếp mà không cần qua phòng khách.

Ngôi nhà ba tầng xây trên miếng đất hình ống có diện tích 147 m2 là nơi ở kết hợp kinh doanh homestay của một cặp vợ chồng trẻ tại Quảng Nam. Thay vì xây tường bao kín, công trình sử dụng nhiều vách kính kết hợp mành, rèm. Khu bếp và phòng ăn luôn được tiếp xúc với thiên nhiên.

Ở Sài Gòn, ngôi nhà đôi vợ chồng tặng cô con gái mới đi du học trở về được thiết kế như một con phố thu nhỏ. Những ô kính trên mái và cách phân chia không gian đưa ánh sáng xuống tầng trệt nói chung và bếp nói riêng. Cây xanh vừa đáp ứng nhu cầu của gia chủ yêu thiên nhiên, vừa kết hợp với ánh nắng tô điểm cho những bức tường trắng.

Sân sau hay được dùng làm nhà kho nhưng trong ngôi nhà ba tầng diện tích 125 m2 được xây dựng ở TP Thủ Dầu Một, gia chủ cùng kiến trúc sư đã biến khu vực này thành chỗ cho giếng trời và cây xanh. Các thành viên dễ dàng tận hưởng thiên nhiên ngay lúc làm bếp hay ăn uống, như đang ở một nhà hàng sân vườn.

Trên mảnh đất xéo rộng 150 m2 ở Biên Hòa, các kiến trúc sư bố trí một khu vườn rộng 40 m2 ở giữa nhà để không gian ở được cân đối, vuông vắn. Phòng khách, bàn ăn và bếp nối liền với nhau, chạy dọc theo khu vườn. Đảo bếp nhìn thẳng ra khu vườn giúp gia chủ thư giãn ngay khi nấu nướng.

Gia chủ ở Khánh Hòa cải tạo căn nhà cấp 4 cũ làm nơi “nuôi cá và trồng thêm rau”. Thay vì chỉ chỉ làm một khoảng sân lớn ở tầng trệt như nhiều nhà khác, nhóm kiến trúc sư bố trí tạo ra không gian xanh trải dài từ tầng trệt lên mái. Nhờ khu vườn ngoài trời ở tầng hai, gia chủ có thể vừa nấu nướng thiết đãi người thân vừa ngắm ra không gian xanh.

Đôi vợ chồng ở Đồng Nai coi tổ ấm là nơi riêng tư để nghỉ ngơi nên không tiếp khách tại nhà và đặt bếp làm trung tâm. Bếp nằm sát cửa ra ngoài, lại giáp sân giữa nên nhận tới hai luồng sáng và tiếp xúc với hai mảng xanh.

Căn nhà bọc tôn ở Bà Rịa – Vũng Tàu không có vườn ngoài trời nhưng được bố trí nhiều khoảng thông tầng bên trong. Bếp nằm dưới một khoảng thông tầng, ngay cạnh một mảnh vườn nhỏ nên vừa thoáng vừa “xanh”.

Ngôi nhà được xây trên mảnh đất rộng 700 m2 tại Mỹ Tho được thiết kế như một resort tại gia nằm sau bức tường bao cao bảy mét. Khu bếp – phòng ăn mở ra không gian xanh. Nhờ hệ thống chống trộm, chống mưa gồm hai lớp cửa cuốn (một lớp bằng song inox và một lớp bằng nhôm mỏng), khu vực này không bị tác động bởi thời tiết bên ngoài.

Theo Minh Trang (Vnexpress)