Trò chuyện với KTS Chu Kim Đức: Vì Quyền được chơi của trẻ em

KTS Chu Kim Đức:

  • Sinh năm 1980 tại Hà Nội
  • Tốt nghiệp Kiến trúc sư chuyên ngành Quy hoạch đô thị Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (2003)
  • Tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Vườn, Cảnh quan và Di sản, Trường Đại học kiến trúc Versailles, năm 2007
  • Đồng sáng lập Think Playgrounds – nhóm tình nguyện năm 2014. Thành lập Doanh nghiệp xã hội Nghĩ về sân chơi trong phố năm 2016
  • Giải 3 về Nghệ thuật tái chế do Unesco Việt Nam trao tặng
  • Được BBC bình chọn Top 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020.

Vũ Hiệp: Chúc mừng chị Chu Kim Đức! Mới đây, BBC đã bình chọn chị là một trong 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020. Cảm xúc của chị thế nào?

KTS Chu Kim Đức: Tôi rất vui mừng vì sự ghi nhận vượt ra khỏi lĩnh vực hoạt động của chúng tôi. Đồng thời nó cũng giúp nhiều người biết đến hơn về những gì chúng tôi làm, về công việc vận động cho Quyền được chơi của trẻ em. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng đây là một nỗ lực không chỉ mình tôi mà còn cả tập thể với rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể tham gia hỗ trợ cho sân chơi và không gian công cộng thân thiện cho trẻ em.

Sân chơi của trẻ làm bằng lốp xe cũ

Vũ Hiệp: Nếu như nhìn lại những dự án cộng đồng về sân chơi trẻ em mà chị đã thực hiện trong thời gian vừa qua, thì sự vinh danh này thật xứng đáng. Vậy điều gì khiến một KTS quy hoạch- cảnh quan lại bén duyên với sân chơi trẻ em?

KTS Chu Kim Đức: Năm 2012 khi tôi học làm phim ở Doclab, tôi gặp bà Judith Hansen, một phụ nữ Mỹ mong muốn tặng cho Hà Nội một sân chơi. Bà ấy có sở thích đi khắp nơi trên thế giới để chụp ảnh sân chơi, nhưng lại không tìm thấy sân chơi đúng nghĩa ở Hà Nội. Judith nói với chúng tôi về Quyền được chơi, rằng sân chơi không chỉ là 1 không gian trống trải, mà phải là nơi có các thiết bị chơi dành cho trẻ em, nơi trẻ em có thể chơi tự do, giao lưu và không phải trả tiền. Tuy dự án của bà không thực hiện được nhưng nó đã truyền cảm hứng cho tôi và Đạt. Rõ ràng, đó là một ý tưởng tuyệt vời, ai cũng thấy hay mà ko ai làm gì cả. Vì vậy, chúng tôi tự tay làm, rủ thêm bạn bè, tình nguyện viên và mọi người đóng góp hỗ trợ. Sân chơi đầu tiên đã thu hút báo chí và được ủng hộ. Chúng tôi cam kết cùng nhau rằng sứ mệnh của mình là tạo ra các không gian chơi đúng nghĩa cho trẻ em trong thành phố.

Vũ Hiệp: Cứ làm những dự án cộng đồng phi lợi nhuận như vậy mãi sao được. Con cái cũng cần có bỉm sữa nữa chị nhỉ!?

KTS Chu Kim Đức: Năm 2016, chúng tôi thành lập Think Playgrounds, một doanh nghiệp xã hội với cam kết sử dụng một phần lợi nhuận để duy trì các sân chơi, không gian thân thiện cho trẻ em trong thành phố. Doanh nghiệp có 2 mảng hoạt động, 1 mảng dự án cộng đồng phi lợi nhuận và 1 mảng là các dự án kinh doanh bán hàng và cung cấp dịch vụ thiết kế, thi công sân chơi. Chỉ có 2 năm đầu là chúng tôi làm tình nguyện, từ năm 2016 Think Playgrounds cố gắng đảm bảo mức lương, thưởng, trợ cấp phù hợp cho tất cả nhân viên của mình.

Vũ Hiệp: Nghe nói chị đã thực hiện hơn 200 sân chơi trẻ em. Một con số khá ấn tượng. Chị có thể cho biết các sân chơi mà chị thực hiện khác gì với những sân chơi truyền thống?

KTS Chu Kim Đức: Vật liệu sử dụng trong sân chơi của Think Playgrounds là vật liệu tự nhiên, tái chế từ lốp xe cũ, gỗ bạch đàn (là loại gỗ được trồng để làm nguyên liệu, không phá rừng nguyên sinh) được ngâm tự nhiên để tăng độ bền sử dụng ngoài trời. Hiện nay chúng tôi tiếp tục nghiên cứu các vật liệu tái chế khác để áp dụng trong sân chơi như gạch sinh thái, tấm lợp từ vỏ hộp sữa… mới mục đích sử dụng tài nguyên có ý thức nhằm bảo vệ môi trường.

Một đặc điểm quan trọng khác trong các sân chơi do Think Playgrounds thực hiện là tính cộng đồng rất cao. Chúng tôi luôn có các cuộc họp thiết kế, nơi mọi người cùng đóng góp ý kiến, cộng đồng cũng có thể chung tay cùng xây dựng và cam kết bảo vệ, duy trì, cũng có thể tự tay sửa chữa sân chơi.

Vũ Hiệp: Ngoài yếu tố vật liệu và vai trò của cộng đồng, chắc hẳn yếu tố nơi chốn, cảnh quan cũng cần phải lưu ý chứ ạ?

KTS Chu Kim Đức: Khi có điều kiện, nhiều sân chơi được thiết kế riêng cho từng địa điểm với sự tham gia của các câu chuyện văn hóa, lịch sử cũng như sinh hoạt của người dân sinh sống trong khu vực đó. Có thể có các thiết bị tiêu chuẩn, nhưng luôn có các hệ chơi mới, sáng tạo tùy từng câu chuyện của địa phương.

Các thiết kế kết hợp lốp xe và gỗ tròn trông sinh động và phiêu lưu chứ không bị tẻ nhạt phẳng phiu như các vật liệu nhựa và sắt.

Chúng tôi cũng luôn vận động cộng đồng hay các nhà đầu tư làm các sân chơi từ vật liệu tự nhiên để trẻ em thành phố có thể được tiếp cận các chất liệu thiên nhiên, trở nên gắn bó hơn với hệ sinh thái nhất là khi phải sinh sống trong môi trường quá bê tông hóa.

Tả Phìn – SaPa (ảnh trái), Sân chơi cộng đồng (ảnh phải)

Vũ Hiệp: Và sự khác biệt của người sử dụng có ý nghĩa như thế nào trong giải pháp thiết kế, ý tôi muốn nói về những nhóm trẻ có tâm lý, cá tính khác nhau?

KTS Chu Kim Đức: Không gian công cộng luôn có nhiều đối tượng sử dụng. Từ khi mới bắt đầu xây dựng sân chơi trong không gian công cộng chúng tôi đã nhận thức rằng để cho sân chơi có thể được phép thực hiện và bền vững, cần tính đến mọi đối tượng sử dụng không gian đó chứ không chỉ trẻ em. Vì thế Think Playgrounds đã có những dự án cải tạo không gian công cộng với nhiều chủ đề khác nhau, trong đó chúng tôi được giải thưởng Ashui 2019 cho Dự án chung tay của năm, với 5 chủ đề cho các không gian công cộng ở Tân Mai: sân chơi hòa nhập cho trẻ khuyết tật, vườn cộng đồng, không gian nghệ thuật cộng đồng, mô hình parklet – công viên nhỏ, không gian công cộng hỗn hợp cho thanh niên.

Đối với trẻ em khuyết tật, chúng tôi đã làm các dự án sân chơi hòa nhập, trong đó tính đến nhóm khuyết tật sinh sống gần không gian công cộng để có thể có thiết kế phù hợp khiến các em có thể tham gia được cùng các trẻ em bình thường khác. Chúng tôi cũng có nhiều kinh nghiệm cho trẻ em đặc biệt, trẻ tự kỷ qua các sân chơi làm cho bệnh viện Nhi TW.

Vũ Hiệp: Chị đã tốt nghiệp chuyên ngành Quy hoạch đô thị. Vậy, từ góc độ một người chuyên làm sân chơi cho trẻ em, chị có thể nêu suy nghĩ của mình về quy hoạch đô thị nói chung?

KTS Chu Kim Đức: Tôi nghĩ rằng những gì học được trong nhà trường cần phải được bổ sung rất nhiều từ thực tế, đặc biệt quy hoạch không thể chỉ nhìn vào số liệu mà áp đặt quy hoạch từ trên xuống. Trải nghiệm của người sử dụng và thiết kế đô thị từ góc nhìn của con người sinh sống và di chuyển hàng ngày trong thành phố là rất quan trọng. Ngoài ra còn phải cân nhắc đến các nhóm yếu thế, những người ít có tiếng nói trong các quyết định vĩ mô, như là những người nhập cư, những người bán hàng rong, những người đi bộ và đi xe đạp và đặc biệt chúng tôi quan tâm đến trẻ em. Think Playgrounds đã dành được 1 giải thưởng từ quỹ Bernard Van Leers thiết kế sân chơi cho trẻ dưới 5 tuổi, có chiều cao khoảng 95cm. Đây là đối tượng rất đặc biệt trong thành phố, vốn nhạy cảm với tiếng ồn và các loại ô nhiễm, mà các em lại chính là tương lai của chúng ta. Một đô thị không thân thiện cho trẻ em, nhất là trẻ nhỏ thì tương lai của đô thị đấy có thể ít nhiều sẽ rơi vào tình trạng yếu ớt và bất ổn.

Vũ Hiệp: Chị đã thực hiện nhiều dự án có sự tham gia của cộng đồng. Công việc đó chắc hẳn cần những kỹ năng mà các KTS ít khi được trang bị. Chị có thể nói thêm vấn đề này cho độc giả được biết không?

KTS Chu Kim Đức: KTS khi làm công việc thiết kế, cải tạo không gian công cộng cần có kỹ năng làm việc với cộng đồng.Nếu việc khảo sát hiện trạng chỉ bao gồm gửi phiếu khảo sát và phân tích số liệu nhận được từ hiện trạng thì sẽ dẫn đến thiếu hụt rất nhiều dữ liệu từ các khía cạnh đa dạng của đời sống, sinh hoạt cộng đồng cũng như các quan hệ phức tạp trong việc sử dụng không gian công cộng. Cộng đồng luôn là những người hiểu rõ nhất không gian công cộng mà họ sử dụng hàng ngày, và họ nên là chủ thể đóng vai trò quyết định trong các thiết kế cải tạo không gian sống chung. Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra nhiều đối thoại nhất với cộng đồng thông qua gặp mặt trao đổi, workshop. Ngoài ra, KTS cũng cần phải có khả năng lắng nghe nhiều phía và nghĩ đến các giải pháp đảm bảo hòa hợp nhất nhu cầu và quyền lợi của tất cả các bên liên quan, không quên việc đảm bảo quyền lợi cho các nhóm yếu thế. Sáng tạo cũng là một yếu tố rất quan trọng để tìm ra nhiều ý tưởng khác nhau, các ý tưởng mới hơn giúp giải quyết các vấn đề mà từ lâu tồn đọng. Một thiết kế đẹp và mới lạ hấp dẫn được thiết kế cùng cộng đồng cũng khiến cho họ có sự tôn trọng và tự hào hơn với khu vực vốn quá quen thuộc và nhàm chán.

Sân chơi cộng đồng Vọng Hà Chương Dương

Vũ Hiệp: Năm mới cũng đến rồi, chị có thể kể về những dự định trong tương lai của mình?

KTS Chu Kim Đức: Chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối để thử nghiệm các giải pháp mới cải tạo không gian công cộng trong thành phố thân thiện với trẻ em. Think Playgrounds đồng thời cũng đang thúc đẩy truyền thông để lan tỏa thông điệp về Quyền được chơi, cũng như để nhiều người biết đến hơn các giải pháp đơn giản mà hiệu quả để tạo ra không gian chơi cho trẻ em thành phố.

Vũ Hiệp: Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này. Chúc chị sang năm mới nhiều sức khỏe và đam mê để tiếp tục thực hiện những sân chơi mới cho trẻ em khắp mọi miền đất nước.

Vũ Hiệp (thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2021)