Chương trình hành động Hội KTS Việt Nam năm 2023: Đoàn kết – Sáng tạo – Hợp tác – Thành công

Năm 2023 được xem là bản lề để Hội KTS Việt Nam hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm như: Tổng kết, đề xuất bổ sung sửa đổi Luật Kiến trúc và các văn bản hướng dẫn có liên quan; hoàn thành một số chương trình nghiên cứu quan trọng; thực hiện thí điểm các chương trình kết nối hợp tác với một số địa phương; chuẩn bị bước đầu cho nhân sự nhiệm kỳ XI… Đứng trước những khó khăn và thách thức của bối cảnh hội nhập, Hội KTS Việt Nam kêu gọi giới nghề cùng các Hội KTS địa phương cùng đoàn kết, đồng lòng, hợp tác, sáng tạo – Hướng tới thành công của chương trình hành động năm 2023 và sự vững mạnh của Mái nhà chung – Hội KTS Việt Nam.

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội KTS Việt Nam lần thứ 4 khoá X

Năm 2022, nước ta chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, phức tạp và khó khăn bởi tình hình biến động địa chính trị trên thế giới diễn ra rất nhanh, gay gắt, tác động không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và vấn đề quy hoạch – kiến trúc nói riêng.

Nhằm thích ứng với tình hình chung của đất nước, Ban Thường vụ, Lãnh đạo Hội KTS Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các Ủy viên BCH TƯ Hội, các Hội, Chi hội KTS cơ sở trên tinh thần chủ động, linh hoạt trong triển khai phối hợp hoạt động, sự tham gia đồng hành của các hội viên, KTS trên cả nước, nên đến nay chúng ta đã hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ của năm 2022 mà Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ Hội lần thứ 3, khóa X đã đề ra; góp phần tích cực triển khai Định hướng Kiến trúc Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050; Luật Kiến trúc 2019 và Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045 đi vào đời sống kiến trúc – quy hoạch và hoạt động hành nghề của giới KTS.

Trên nền tảng đó, kiến trúc Việt Nam đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở tất cả các mặt: Quy hoạch đô thị và nông thôn, cảnh quan kiến trúc, kiến trúc công trình – Trong đó, các khu đô thị phát triển có bài bản, hiện đại, giàu bản sắc ngày càng phổ biến rõ nét hơn. Kiến trúc cảnh quan, nhất là tại các TP lớn được chú trọng tạo lập và chỉnh trang trở thành một nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt là gắn kết với việc tổ chức các không gian kết nối sáng tạo. Kiến trúc công trình hình thành nhiều cụm nhóm và công trình đơn lẻ có tính độc đáo sáng tạo được chú trọng hơn. Mảng nghiên cứu lý luận phê bình, rõ rệt hơn là đáp ứng yêu cầu phản biện, chủ động, kịp thời được gắn gần hơn với “hơi thở cuộc sống”…

Những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022

Đối diện với những khó khăn, thách thức, Hội KTS Việt Nam đã hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản, cụ thể như sau:

  • Góp phần thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 và các chủ trương, đường lối của Đảng – Thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam theo quyết định 1246/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Thống nhất cùng các hội kiến trúc sư tỉnh thành và các chi hội trực thuộc các nội dung cần tham gia triển khai tại từng địa phương, cũng như phương cách kết nối cùng hành động thực hiện trong toàn hệ thống;
  • Về thực hiện Luật Kiến trúc và Nghị định 85/CP, tiếp tục chương trình đào tạo CPD và sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề đảm bảo chất lượng, công bằng, dân chủ, công khai và kịp thời cho các KTS được tiến hành trực tiếp tại Hội KTS Việt Nam và Hội KTS TPHCM. Đồng thời, tiếp tục kết nối thật sự hiệu quả, tạo điều kiện cho Hội và KTS ở các vùng, miền được hoạt động, hành nghề cạnh tranh, bình đẳng; xác lập quy chế quản lý kiến trúc và quản lý hành nghề kiến trúc trong hoạt động kiến trúc tại địa phương;
  • Tổ chức các sự kiện, hội thảo, tọa đàm sáng tác và lý luận phê bình kiến trúc, phản biện, giám định xã hội có nội dung thiết thực, hiệu quả; góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng sáng tác, nghiên cứu lý luận, phản biện kiến trúc và hiểu biết pháp luật cho KTS;
  • Hoạt động KTS trẻ: Kiện toàn tổ chức CLB KTS trẻ liên vùng và các địa phương. Việc đổi mới hoạt động của các CLB KTS trẻ vùng, miền thực sự đã đạt được những kết quả khá tốt, góp phần tích cực vào thành công hoạt động chung của Hội KTS Việt Nam và các Hội cơ sở tại các địa phương;
Festival Sinh viên Kiến trúc 2022 tại Phú Yên
  • Tiếp tục triển khai thực hiện 05 Chương trình, đề án nghiên cứu của Chính phủ giao theo Định hướng phát triển kiến trúc Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định 1246/2021/QĐ-TTg). Sau khi được Bộ Tài chính duyệt, thông báo cấp kinh phí, Hội đã tiến hành tổ chức triển khai các nhóm thực hiện song song, đồng bộ 5 đề án:
  • Lưu giữ, trưng bày các giá trị bản sắc kiến trúc của các dân tộc Việt nam. Đề án tiến hành trong tối đa 10 năm, từ 2021-2030;
  • Nghiên cứu bảo tồn, phát huy, làm mới trong phát triển kiến trúc Việt Nam. Đề án tiến hành trong tối đa 10 năm 2021-2030;
  • Kiến trúc nông thôn từ truyền thống đến hiện đại, gắn kết thời kỳ hội nhập. Đề án tiến hành tối đa trong 10 năm 2021-2030;
  • Đào tạo, đổi mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiến trúc sư theo xu hướng hội nhập quốc tế. Đề án tiến hành tối đa 10 năm 2021-2030;
  • Xây dựng, phát triển hệ thống lý luận, phê bình kiến trúc Việt Nam. Đề án tiến hành tối đa 3 năm 2021-2023;
  • Triển khai Chương trình “chuyển đổi số” của Hội: Từng bước tiến tới đáp ứng yêu cầu hoạt động của Hội trong những năm tới, phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ;
  • Tham gia xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật: Gắn kết chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các Bộ ban ngành TƯ tham gia, đóng góp ý kiến cho các văn bản quy phạm pháp pháp luật, các Chương trình, đề tài nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội. Đến nay tất cả các chương trình được yêu câu tham gia 2022 đã hoàn thành toàn bộ với nội dung và chất lượng đảm bảo, thời gian kịp theo yêu cầu.
  • Kết nối-Gắn bó-Hợp tác hiệu quả, vận động bằng nhiều hướng – Bước đầu đã có kết quả, tạo mối liên kết bền vững giữa KTS với và các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, triển khai chuyên môn, đã có chú trọng khu vực ngoài nhà nước;
  • Kiện toàn tổ chức các Hội cơ sở: Thúc đẩy, hỗ trợ các Hội KTS địa phương chưa tổ chức được Đại hội; thành lập các chi hội KTS mới; tiếp tục khuyến khích, vận động phát triển hội viên mới theo đúng quy định của Điều lệ Hội, đặc biệt từ giới KTS trẻ. Trong năm 2022 đã kết nạp được 165 hội viên Hội KTS Việt Nam thuộc Hội KTS TP Hồ Chí Minh (62 hv), Chi hội KTS Hùng Vương (13 hv), Chi hội KTS Viện Thiết kế Bộ QP (20 hv) và Chi hội KTS CDC (3 hv); Hội KTS Bình Thuận (15 hv); Hội KTS Nam Định (04 hv); Hội KTS Lâm Đồng (06 hv); Chi hội Sun Group (42 hv). Chủ tịch Hội đã tặng 12 Bằng khen cho các đơn vị: Hội KTS Hà Nội và các Chi hội trực thuộc (10 BK); Khoa Kiến trúc quy hoạch Đại học Đà Nẵng (01 BK) và Câu lạc bộ KTS trẻ Vùng Tây Nam Bộ (01 BK).
  • Hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh gắn kết hoạt động hành nghề tư vấn; chọn lọc và đưa vào thử nghiệm các chương trình đào tạo CPD kết hợp nâng cao tri thức chuyên môn với các tổ chức và chuyên gia khu vực châu Á và các châu lục khác.
Diễn giả trong Gặp gỡ mùa thu 2022
Đoàn công tác Singapore

Một số tồn tại

Trong năm 2022, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng còn một số tồn tại rất cần được nghiêm túc chỉ rõ:

  • Việc thực hiện 15 chương trình đề ra cho năm 2022 (từ nhiệm vụ phương hướng theo nghị quyết và báo cáo phiên họp BCH lần thứ 2/12/2021) chưa đồng đều ở toàn hội. Một số nội dung hoàn thành còn rất mức độ, chưa đáp ứng thời gian, hiệu quả;
  • Vấn đề thực hiện Luật Kiến trúc chưa hiệu quả nhiều mặt trong toàn quốc, có sự góp phần còn thiếu chủ động, tích cực, hiệu quả của các cấp hội;
  • Về hoạt động của Ban Thường vụ: Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác chỉ đạo chung của Hội. Do điều kiện công tác ở nhiều nơi khác nhau, nên Ban Thường vụ làm việc, giao ban chủ yếu qua hình thức trực tuyến. Nhiều vấn đề quan trọng, cấp thiết liên quan đến hoạt động của Hội, Chủ tịch thường trực tiếp xin ý kiến từng ủy viên Ban Thường vụ để có sự thống nhất. Vì vậy, rất cần sự lưu ý, quan tâm và trách nhiệm của từng ủy viên Ban Thường vụ trong chỉ đạo công tác của Hội để kết quả được tốt hơn;
  • Sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Hội có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, nhất là trong khối trực thuộc và các cơ sở Hội;
  • Công tác báo cáo hàng năm về hoạt động, về hội viên của các Hội cơ sở chưa được quan tâm gửi về Văn phòng TƯ Hội, Ban Tổ chức hội viên kịp thời gian và đầy đủ, nên công tác tổng hợp gặp nhiều khó khan;
  • Công tác truyền thông của Hội chưa thực sự phát huy hiệu quả;
  • Công tác kiện toàn tổ chức hội ở một vài địa phương còn chậm (Hà Tĩnh; Quảng Ninh);
  • Việc thu đóng hội phí ở một số cơ sở Hội chưa đầy đủ. Tình trạng này cũng kéo dài nhiều năm, chưa có được những giải pháp giải quyết hiệu quả;

Chương trình hành động năm 2023: Đoàn kết – Sáng tạo – Hợp tác – Thành công

Nhìn lại những tồn tại của năm 2022, tại Hội nghị Ban chấp hành TW Hội lần thứ 4 – Khóa X (2020-2025), các đại biểu tham dự đã thống nhất chương trình hành động năm 2023 với những nhiệm vụ trọng tâm sau:

  • Tập trung toàn thể các cấp Hội, phối hợp thực hiện nhiệm vụ Hội trong chương trình chung và chương trình mục tiêu của khối Liên hiệp Văn học Nghệ thuật theo các nghị quyết của Đảng thuộc lĩnh vực, và kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Chương trình đặt ra để thực hiện cần bám sát vào vai trò vị trí và chức năng nhiệm vụ. Đề ra các mục tiêu cụ thể để gắn kết vào hoạt động thường xuyên, nhất là các chương trình góp phần thiết thực vào mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia hiệu quả;
  • Đề ra chương trình kết nối thực hiện các nội dung của nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 ở tất cả các cấp. Chú trọng góp phần cùng các địa phương thực hành nghị quyết bằng các kết quả triển khai chuyên môn chuyên ngành kiến trúc, trong đó trọng tâm là khâu quy hoạch đo thị – nông thôn;
  • Tiếp tục triển khai hiệu quả 05 nhiệm vụ được Chính phủ giao thực hiện Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050. Đảm bảo chất lượng nội dung theo yêu cầu của Định hướng; sử dụng đúng và hiệu quả kinh phí được Bộ Tài chính cấp theo quy định của pháp luật;
  • Tổ chức thành công Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 đảm bảo chất lượng các đồ án dược giải theo đúng tiêu chí, yêu cầu đổi mới Giải thưởng trong thời kỳ phát triển mới, có tính định hướng, dẫn dắt sáng tạo kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, kiến trúc vì cộng đồng, nhân văn, thích ứng với biến đổi khí hậu, đại dịch, phù hợp với điều kiện, lối sống và bản sắc văn hóa Việt Nam;
  • Tổ chức thành công Chương trình kỷ niệm 75 năm này Bác Hồ gửi thư cho KTS, 75 năm thành lập Hội KTS Việt Nam (27/4/1948-27/4-2023) và ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4 (theo nội dung công văn số 148/CV-HKTSVN ngày 04/10/2022 của Chủ tịch Hội về Chương trình Kỷ niệm 75 năm thành lập Hội gửi các Hội, Chi hội, các Ủy viên BCHTƯ Hội);
  • Tiếp tục đổi mới, nâng cao tính hệ thống, dài hạn và chất lượng đào tạo CPD, phù hợp với thực tế hành nghề kiến trúc ở nước ta và xu thế hội nhập quốc tế. Cần đa dạng hóa nội dung, chú ý đào tạo kỹ năng, kết nối sử dụng vật liệu;
  • Lãnh đạo Hội kết hợp với Hội KTS địa phương tiếp tục chương trình làm việc với các địa phương để thúc đẩy triển khai có hiệu quả Luật Kiến trúc, Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam, Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về phát triển quy hoạch; giải quyết những vướng mắc và xác định vai trò, vị thế kiến trúc trong phát triển kinh tế-xã hội, trong hoạt động hành nghề của KTS. Hoàn thành từng giai đoạn các nội dung chương trình để ký kết hợp tác với các địa phương phù hợp, tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác;
  • Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để lan tỏa trong xã hội hoạt động của Hội KTS Việt Nam và các Hội KTS cơ sở, từ đó góp phần nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức Hội và sáng tạo của KTS đối với nhà nước và nhân dân;
  • Tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực xây dựng để có sự đồng hành, hỗ trợ các hoạt động của Hội một cách bền vững, lâu dài, trên tinh thần hài hòa lợi ích, vì sự nghiệp phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hóa; tăng cường tài trợ trên tinh thần xã hội hóa cao hoạt động của các cấp Hội;
  • Đẩy mạnh chương trình ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp Hội. Tập trung hoàn thành các mẫu nhà ở nông thôn đủ 61 tỉnh thành trên cả nước (Mỗi địa phương từ 5 đến 10 mẫu) để làm nền tảng quy chuẩn phát triển cấu trúc nhà ở nông thôn mới theo hướng trật tự, bản sắc, bền vững và được kiểm soát. Trước hết tới tháng 4/2023 hoàn thành 75 mẫu (mỗi tỉnh thành 1-2 mẫu);
  • Công tác KTS trẻ: Tổ chức 01 kỳ hoạt động KTS trẻ toàn quốc có chất lượng cao nhằm trao đổi, phổ cập chuyên môn, hợp tác hoạt động. Tổ chức và vận động KTS trẻ toàn quốc tham gia hoạt động này (Đây là hoạt động khác với sự kiện Liên hoan KTS trẻ toàn quốc tổ chức vào năm 2023);
  • Hợp tác đối ngoại: Tăng cường hợp tác đối ngoại với Ban, Bộ, Ngành trung ương, Chính phủ, Quốc hội. Tăng cường hợp tác quốc tế về kiến trúc bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt phù hợp với đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng và xu hướng hội nhập quốc tế;
  • Công tác tổ chức: Đề nghị Hội KTS Hà Tĩnh và Hội KTS Quảng Ninh tổ chức xong đại hội nhiệm kỳ, kiện toàn lãnh đạo Hội. Đẩy mạnh công tác kết nạp hội viên từ các cấp Hội. Kịp thời thành lập các Chi hội tại các doanh nghiệp, tổ chức phù hợp có điều kiện theo quy định của Điều lệ Hội và pháp luật về hội;
  • Tổ chức tổng kết việc thực hiện Luật Kiến trúc 2019, Nghị định 85/CP. Hướng trọng tâm kịp thời đề xuất với Bộ Xây dựng, Chính phủ và Quốc hội cho phép bổ sung, hoàn chỉnh Luật Kiến trúc, Nghị định và các văn bản liên quan dưới luật. Đẩy mạnh chủ động công tác phản biện, giám định, tư vấn thi tuyển, đóng góp các chương trình nghiên cứu, tham luận hội thảo ở cấp trung ương, địa phương và các vùng miền. Hướng tới chương trình tổng kết thực hiện các Nghị quyết của Đảng gắn với phát triển nền kiến trúc cách mạng qua mỗi thời kỳ;
  • Triển khai mở rộng mạng lưới KTS Việt Nam đang làm nghề ở môi trường quốc tế, nhằm kết nối đoàn kết, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm, truyền bá nâng cao kiến thức cho kiến trúc sư trong nước, lan tỏa bản sắc văn hóa trong môi trương hội nhập bền vững. Trước hết là thành lập chi hội KTS quốc tế 1 tại Singapore để kết nối vùng châu Á. Tìm hướng đa dạng hóa và tăng tính hiệu quả mô hình “trại sáng tác” hàng năm, tại các vùng miền.
Phát động Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia

Kết luận

Trên tinh thần quán triệt sâu sắc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa văn nghệ (như NQ 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện NQ 33-NQ/TW; Hướng dẫn số 159-HD/BTGTW ngày 11/11/2020 của Ban Tuyên giáo TƯ về triển khai Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị) và các chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào trong mọi hoạt động của Hội; Thực hiện có trách nhiệm Chương trình hoạt động của Hội năm 2022 và toàn Khóa, Hội KTS Việt Nam đã khắc phục khó khăn thực hiện được cơ bản các nhiệm vụ đã đặt ra tại Hội nghị BCHTU Hội lần thứ 3, khóa X một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế hoạt động của Hội. Sự đoàn kết, thống nhất trên tinh thần dân chủ, cầu thị của tập thể BCHTU Hội; Chủ tịch các Hội, Chi hội; Ban Thường vụ, Thường trực Ban Thường vụ với vai trò điều hành, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội; Sự đóng góp hết mình của Văn phòng TƯ Hội và các đơn vị thuộc cơ quan TƯ Hội, như Tạp chí Kiến trúc, Trung tâm Phát triển hành nghề kiến trúc, Viện Kiến trúc, Trang điện tử Kiến Việt; các Ban chuyên môn; sự đoàn kết ủng hộ, đồng lòng của các Hội cơ sở, Chi hội trực thuộc và của các hội viên, KTS trên cả nước đã tạo nên những kết quả đạt được trong năm 2022.

Chúng ta cũng trân trọng ghi nhận và cám ơn sự đồng hành sẻ chia, hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực xây dựng kiến trúc đối với các hoạt động của Hội KTS Việt Nam trong năm 2022, như Tập đoàn Sun Group, Lixill, Đồng Tâm, Vingroup ..

Với sự cố gắng, quyết tâm, kết nối, chia sẻ, hy vọng và tin tưởng, các chương trình của năm 2023 sẽ được hoàn thành tốt đẹp.

Ra mắt thường trực BĐH CLB KTS Trẻ khoá IV, nhiệm kỳ 2022 – 2025

TS.KTS Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2022)