Đó cũng là nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo “Công trình kiến trúc với đô thị sinh thái” diễn ra vào ngày 15/01/2022 vừa qua, do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam phối hợp cùng AkzoNobel tổ chức.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm các ý tưởng và giải pháp cho xây dựng đô thị sinh thái theo hướng bền vững – xu hướng của ngành xây dựng trong tương lai để đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường tự nhiên với sự tham gia của ông Benjamin Tan – Giám đốc Thiết kế CPG Việt Nam, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn – Chuyên gia quy hoạch, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, KTS. Andy Mai Hoàng Dũng – Sáng lập & Điều hành Công ty cổ phẩn kiến trúc MH Architects và TS. Pamela Phua – Giám đốc phát triển sản phẩm đơn vị Sơn trang trí của AkzoNobel khu vực Đông và Đông Nam Á cùng gần 300 khách mời tham dự trực tuyến trên nền tảng Zoom. Đây cũng là nội dung chuyên đề đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2021.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.KTS. Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc khẳng định vai trò quan trọng của các công trình kiến trúc với đô thị sinh thái: “Yêu cầu về việc phát triển các đô thị xanh, đô thị sinh thái ngày càng cao ở Việt Nam. Hỗ trợ cho quá trình phát triển này cũng là một phần của Tuyên ngôn Kiến trúc xanh mà Hội Kiến trúc sư Việt Nam công bố từ năm 2012 và là lý do để Tạp chí Kiến trúc phối hợp với Dulux Professional thuộc AkzoNobel tổ chức hội thảo ‘Công trình kiến trúc với đô thị sinh thái’. Qua đó, các chuyên gia trong ngành sẽ cùng nhau thảo luận và tìm ra những giải pháp về thiết kế, về vật liệu, cảnh quan, kiến trúc…bền vững nhằm góp phần hoàn thiện và thúc đẩy nhanh việc phát triển các khu đô thị sinh thái ở nước ta”.
Bà Nguyễn Thị My Lan, Tổng Giám đốc đơn vị Sơn trang trí AkzoNobel Việt Nam, cũng nhấn mạnh: “Xây dựng các đô thị sinh thái là xu hướng tất yếu, đặc biệt là trong những năm sắp tới khi vấn đề môi trường sinh thái càng được chú trọng hơn sau các thảo luận tại COP26 vừa qua. Dulux Professional của AkzoNobel liên tục đầu tư vào các giải pháp sơn và chất phủ tiên tiến với tính năng bền vững cho các dự án, cam kết đóng góp vào quá trình phát triển các đô thị sinh thái. Thông qua hội thảo, chúng tôi mong muốn có thể kết nối các chuyên gia để cùng chia sẻ và tìm kiếm ra những giải pháp thiết thực cho các đô thị của Việt Nam”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã có những chia sẻ về vấn đề của kiến trúc trong đô thị sinh thái như đảm bảo tối đa các tiêu chí về môi trường, thiết kế hài hoà, gần gũi với tự nhiên, khai thác tối đa nguồn năng lượng tự nhiên, giảm thiểu tác động đến môi trường. TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn – Chuyên gia quy hoạch, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners đã có những chia sẻ về “Thiết kế Môi trường sinh thái trong Quy hoạch” với ví dụ thực tiễn từ dự án nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung TP Huế từ năm 2014 của diễn giả; KTS. Tan Chin Chai Benjamin – Giám đốc Thiết kế CPG Việt Nam và cộng sự KTS Lê Quỳnh Như đã mang đến các mô hình “Thiết kế xanh cho cộng đồng sống bền vững và an sinh”, cho từng khu vực đặc trưng của Việt Nam như khu vực ven biển, khu vực miền núi và đồng bằng.
Từ khía cạnh của một nhà sản xuất vật liệu bền vững, TS. Pamela Phua, Giám đốc quản lý sản phẩm, đơn vị Sơn trang trí, AkzoNobel SESA chia sẻ về những giải pháp phát triển các đô thị sinh thái thông qua vật liệu bền vững bao gồm cách thức hoạt động bền vững của một doanh nghiệp sơn và chất phủ cũng cách mà thương hiệu này đang hỗ trợ cho các khách hàng để đạt được sự bền vững trong ngành này cũng như ngành xây dựng, bất động sản. Cuối phần trình bày là bài chia sẻ về Công trình với thiết kế bền vững – Cách tiếp cận từ khía cạnh Kiến trúc của KTS. Andy Mai Hoàng Dũng – Sáng lập & Điều hành Công ty cổ phẩn kiến trúc MH Architects. Nhìn chung, các diễn giả đều nhận định, phát triển công trình kiến trúc, đô thị theo hướng bền vững sẽ là mô hình trong tương lai.
Sau phần trình bày của các diễn giả là phiên thảo luận đặc biệt giữa 4 diễn giả và khách mời dưới sự điều phối của KS. Đỗ Hữu Nhật Quang – Giám đốc Công ty tư vấn xanh GreenViet. KS Đỗ Hữu Nhật Quang đã đưa ra 3 nội dung để trao đổi với các diễn giả, đó là: Các tiêu chí trong phát triển đô thị bền vững; Làm sao để thiết kế tích hợp trong dự án một các hiệu quả nhất; Những thách thức khi thiết kế các công trình theo hướng bền vững.
Trả lời cho câu hỏi Có nên hay không đưa ra tiêu chí chung cho phát triển đô thị bền vững, TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết: “Không nên có tiêu chí chung bó buộc cho các đô thị bền vững, bởi mỗi đô thị sẽ có những đặc điểm riêng. Thậm chí ngay cả trong 1 đô thị, mỗi khu vực đều cần có giải pháp xử lý khác nhau. Kể cả các tiêu chí về không gian xanh, không nên lạm dụng quá nhiều không gian xanh, kiến trúc nên hoà lẫn không gian xanh chứ không nên để nó trở thành yếu tố lấn át trong phát triển đô thị. Vậy nên, để phát triển đô thị theo hướng bền vững một cách hiệu quả, trong bối cảnh thực tế hạ tầng chưa đồng bộ, cần áp dụng nhiều giải pháp đồng thời và có hướng thực hiện cụ thể trong từng không gian. Điều này cũng khẳng định tầm quan trọng của quản lý đô thị trong phát triển bền vững.”
Trả lời cho câu hỏi về việc làm sao thiết kế tích hợp trong dự án một cách hiệu quả nhất, KTS. Tan Chin Chai Benjamin và cộng sự chia sẻ: “Khi thiết kế mỗi công trình, chúng tôi luôn đặt ra câu hỏi, làm sao để đưa ra giải pháp tối ưu nhất. Chúng tôi đề cao sự thiết yếu nhất cho người dùng, nên trong quá trình phân tích dự án, chúng tôi sẽ nghiên cứu nhu cầu của tất cả các đối tượng sẽ sử dụng công trình, cũng như trao đổi với tất cả những bên sẽ hợp tác thực hiện dự án, từ đó tổng hợp thành một đề bài đầy đủ nhất và đưa ra phương án hoàn hảo nhất cho tất cả các bên.”
Đồng quan điểm với các KTS của CPG Việt Nam, KTS. Andy Mai Hoàng Dũng cũng cho rằng thiết kế công trình cần hướng đến nhu cầu của người sử dụng. Ngoài ra, KTS. Andy Mai Hoàng Dũng cũng chia sẻ thêm những thách thức khi thiết kế công trình theo hướng bền vững, sẽ khiến cho công trình phải giải quyết nhiều vấn đề hơn, nhưng đó cũng là điều thú vị, tạo điều kiện cho các KTS thể hiện khả năng sáng tạo.
Trong phần thảo luận, rất nhiều khách mời tham dự cũng thắc mắc về những thay đổi của dòng sơn AkzoNobel giúp công trình bền vững hơn, bảo vệ sức khoẻ con người. TS. Pamela Phua đã làm rõ hơn về câu hỏi này: “Để công trình bền vững hơn, phải kể đến độ bền của công trình. Dòng sơn của AkzoNobel giúp công trình bền vững hơn với thời gian và có khả năng chống chịu tốt trong điều kiện thời tiết ở Việt Nam. Ngoài ra các dòng sơn của AkzoNobel không chỉ đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ mà còn giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu các mùi khó chịu, có khả năng hút những chất độc hại trong không khí.”
Nói đến phát triển bền vững, có lẽ một buổi hội thảo là chưa đủ. Nhưng với các giải pháp kiến trúc và vật liệu được thảo luận trong hội thảo, ban tổ chức chương trình hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự đổi mới hơn nữa trong lĩnh vực phát triển bền vững tại Việt Nam.
Thu Vân – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc