Đi tìm giải pháp không gian Kiến trúc cao tầng ven biển Đà Nẵng

“Thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và là Thành phố biển đáng sống đẳng cấp khu vực Châu Á” – Đó là tầm nhìn mà Nghị Quyết số 43-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Xây Dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mới đây, ngày 24/1/2019. Tầm nhìn đó đã đặt ra cho các chuyên gia, trong đó có các KTS rất nhiều việc phải làm. Trên tinh thần ấy, toạ đàm “Không gian kiến trúc cao tầng ven biển: Tầm nhìn và giải pháp” do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam và Hội KTS Đà Nẵng phối hợp tổ chức tại KS Vanda, Đà Nẵng để cùng trao đổi chuyên môn về “Không gian kiến trúc cao tầng ven biển” – một vấn đề nhỏ nhưng tác động có thể lớn đến sự phát triển hợp lý, bền vững và có bản sắc của các đô thị ven biển ở nước ta, mà Đà Nẵng là trường hợp tiêu biểu.

Tại toạ đàm, bên cạnh những kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển không gian kiến trúc đô thị ven sông, biển được đề cập, các đại biểu đã cùng trao đổi, đề xuất những định hướng giải pháp phù hợp với Đà Nẵng từ góc độ chuyên môn.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, KTS Phan Đức Hải – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, Phó Chủ tích Hội KTS Đà Nẵng chia sẻ: “Hội KTS Đà Nẵng rất vinh dự chào mừng các quý đại biểu, anh chị em KTS và báo chí đã có mặt trong buổi toạ đàm này, đây là một hoạt động chuyên môn bổ ích của Hội KTS Việt Nam kết hợp cùng Hội KTS địa phương. Toạ đàm đặt ra những vấn đề nóng cho quy hoạch và kiến trúc các tỉnh ven biển miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng. Thực trạng hôm nay sẽ góp phần rút ra những bài học kinh nghiệm phát triển thành phố trong tương lai.”

Loader Loading...
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

Tải xuống. [253.92 KB]

Quan điểm về phát triển cao tầng ven biển

Với vai trò là người dẫn luận và điều hành toạ đàm, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng Biên Tập Tạp chí Kiến trúc nhấn mạnh: “Những người làm chuyên môn chúng tôi mong muốn được góp ý và lắng nghe những ý tưởng phát triển kiến trúc và qui hoạch trong tương lai, giúp TP Đà Nẵng lựa chọn giải pháp, khắc phục những vấn đề của phát triển nóng thời gian qua, đồng thời đề xuất những ý tưởng phát triển không gian kiến trúc cao tầng phù hợp với Đà Nẵng và các đô thị ven biển nói chung.”

Trong bài trình bày: “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển và quản lý không gian kiến trúc đô thị ven biểnTS. KTS. Ngô Viết Nam Sơn lưu ý các đại biểu tham dự tọa đàm về định hướng chiến lược quy hoạch tổng thể toàn bộ khu vực ven sông và ven biển của đô thị biển Đà Nẵng:

  • Tạo kết nối công cộng tiện lợi – Mở rộng kết nối công cộng ra bờ biển, bờ sông, và giao thông thủy, tại các khu đất công và đất tư trong thành phố, để phục vụ  cho người dân và khách du lịch;
  • Tạo lập không gian Ven bờ hấp dẫn – Tạo ra các không gian sinh động ven biển và ven sông hấp dẫn, liên kết với không gian trung tâm của các cộng đồng dân cư lân cận;
  • Hướng đến Hiệu quả kinh tế cao – Hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế đa dạng khu vực ven biển và ven sông;
  • Tăng chất lượng môi trường sinh hoạt ven bờ – Cải thiện chất lượng môi trường nước và không gian nước, thông qua các biện pháp bảo vệ môi trường sống tự nhiên, tạo điều kiện cho các hoạt động vui chơi giải trí công cộng, và tăng chất lượng sống cho các cộng đồng khu vực ven biển, ven sông, và khu vực lân cận trong đất liền;
  • Bảo vệ môi trường tự nhiên – Khôi phục các khu vực sinh thái ven biển và ven sông bị xuống cấp; bảo vệ các khu vực túi nước tự nhiên và môi trường sống ven bờ;
  • Phát triển Giao thông thủy – Nâng cao hiệu quả phục vụ công cộng của các tuyến đường thủy bao quanh đô thị biển;
  • Kiện toàn chính sách quản lý và phát triển – Cải thiện các chính sách và quy định của chính phủ, trong cơ cấu phối hợp đa ngành về quản lý và phát triển khu vực ven bờ và giao thông đường thủy;
  • Lập kế hoạch ứng phó nguy cơ biến đổi khí hậu – Xác định nguy cơ và đưa ra các giải pháp ứng phó nhằm tăng khả năng phục hồi của thành phố trước nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Chia sẻ về những kinh nghiệm của các nước bạn bè trên thế giới, KTS. Nguyễn Thế Phương, Đại diện Công ty TNHH Liên minh thiết kế quốc tế FINKO có chỉ ra: “Nếu chỉ có bãi biển và phong cảnh đẹp, thì nên là các đô thị du lịch, với dân số và quy mô đô thị vừa phải, thiên về các khu nghỉ dưỡng thấp tầng, đan xen các vùng cảnh quan tự nhiên bảo tồn, lõi trung tâm có thể đặc hơn, cao hơn chứ không nên rộng ra. Khi đó, sự đan xen của đô thị và cảnh quan sẽ tạo ra sức hấp dẫn và môi trường sống, môi trường tự nhiên được bền vững. Các Đô thị này nên tập trung khai thác các dịch vụ thương mại du lịch đi kèm, đồng thời việc áp dụng chiến lược đô thị với trung tâm mật độ cao sẽ tạo ra nhiều quỹ đất hay chính xác hơn là giữ được nhiều quỹ đất cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi thay vì luôn chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp và rừng thành quỹ đất ở.
Với các Đô thị không chỉ có bãi biển mà còn có cảng biển và các tiềm năng kinh tế khác như mỏ khí đốt, hải sản…thì nhất thiết phải được ưu đãi để trở thành thủ đô kinh tế quốc gia. Các Đô thị này thiên về phát triển kinh tế và tài chính, dịch vụ thương mại toàn cầu nên môi trường làm việc phải rất cạnh tranh: tập trung, liên hoàn, đa dạng, hấp dẫn vì thế quỹ đất giá trị nhất sẽ được sử dụng và khai thác tối đa với hệ số sử dụng đất cao nhất có thể. Đây là một sự thay đổi lớn trong cách nhìn quy hoạch ở Việt Nam nhưng là một điều đã được áp dụng và có kết quả từ rất lâu của quy hoạch thế giới cho các đô thị đặc biệt.”

Giải pháp phát triển đô thị ven biển

Tham gia dẫn luận: “Những vấn đề về không gian kiến trúc cao tầng ven sông, biển Đà Nẵng”, PGS. TS. KTS. Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Lắng nghe tiếng nói, quan điểm của giới nghề cũng như của báo chí là điều mà các cơ quan quy hoạch cần chú trọng.”

Chia sẻ về thực trạng không gian KTCQ đô thị tại Đà Nẵng KTS. Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cùng đồng thời nhận xét về mặt tích cực và tiêu cực của xu hướng phát triển kiến trúc cao tầng ven biển. Ông đề xuất một số định hướng phát triển không gian kiến trúc ven biển Đà Nẵng theo hướng:

  1. Cụm nhà cao tầng phải kết hợp với phát triển tương lai về giao thông công cộng;
  2. Các nhà cao tầng tạo nên hình dáng đô thị phù hợp với cảnh quan biển núi hùng vĩ;
  3. Hình thức kiến trúc cần phù hợp với điều kiện khí hậu và khuyến khích xu hướng kiến trúc xanh.

Chia sẻ về kinh nghiệm thiết kế công trình cao tầng ven biển, Đại diện Công ty Nikken Sekkei cho biết phương pháp tiếp cận nghiên cứu hiện trạng và những giải pháp công ty đã sử dụng để giải quyết những khó khăn khi xây dựng những công trình cao tầng ven biển.

Kiến trúc cao tầng ven sông biển Đà Nẵng, đâu là giải pháp phù hợp? 

Với sự điều phối của GS.TS. KTS. Nguyễn Quốc Thông các đại biểu tham dự tọa đàm đã cùng trao đổi những nội dung chính:

  • Một số vấn đề bất cập trong công tác qui hoạch, khai thác cảnh quan tự nhiên, phát triển kiến trúc, nhất là kiến trúc cao tầng tại TP. Đà Nẵng
  • Kinh nghiệm quốc tế và trong nước trong công tác qui hoạch, khai thác cảnh quan tự nhiên, phát triển kiến trúc, trong đó có kiến trúc cao tầng tại các đô thị ven biển.
  • Kiến nghị, đề xuất các giải pháp qui hoạch, khai thác cảnh quan tự nhiên, phát triển kiến trúc, nhất là kiến trúc cao tầng tại TP. Đà Nẵng. Nhấn mạnh kiến trúc cao tầng các khu vực ven biển của TP. (Trong đó bao gồm các nội dung: vị trí xây dựng/ tạo điểm nhân đô thị, qui mô/ khối tích, tầng cao, hình thức kiến trúc, màu sắc và VLXD… Khả năng sử dụng tiết kiệm năng lượng, xanh, thông minh… )

Tọa đàm kiến trúc cao tầng ven biển tại Đà Nẵng là một trong các hoạt động chuyên môn của Hội KTS Việt Nam. Những thông tin và ý kiến ghi nhận tại tọa đàm vê chủ đề Không gian kiến trúc cao tầng ven biển sẽ tiếp tục được Tạp chí Kiến trúc cập nhật trên website: tapchikientruc.com.vn.

Hy vọng các KTS, các chuyên gia và bạn đọc quan tâm tiếp tục góp ý về chủ đề này.

ThS.KTS Lã Kim Ngân
Viện phó Viện Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam

“Kiến trúc với không gian ven biển Đà Nẵng”

Kiến trúc điểm nhấn với tiêu chí tạo hình độc đáo và tầng cao – kiến trúc cao tầng với tiêu chí khai thác tối đa lợi thế view biển, giá trị sử dụng đất, sự lợi dụng và thiếu kiểm soát đối với xu hướng này… đang là những cảnh báo về tác hại đối với môi trường cảnh quan như một số dự án ở Nha Trang…
Đà Nẵng là một trong những đô thị có đủ lợi thế, cơ hội, điều kiện phát triển đô thị hướng tiếp cận biển. Và không gian ven biển Đà Nẵng như là không gian mặt tiền của đô thị – “Sảnh đô thị”. Nơi đón tiếp, thu hút các tinh hoa từ bên ngoài, nơi trình diễn các giá trị, các sáng tạo đô thị. Chính vì vậy, yêu cầu tổ chức không gian, sự tinh tế về nghệ thuật sắp đặt, thẩm mỹ được ưu tiên để tạo nên sức hấp dẫn. Không thể xây dựng tùy tiện, bất chấp mọi nguyên tắc.
Cần thiết phải lập Quy hoạch tổng thể “Không gian kiến trúc ven biển” và cụ thể hóa từng đoạn tuyến trên quy hoạch chi tiết 1/500, Thiết kế đô thị có mô hình được cấp thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản:

1. Các lợi thế từ biển là cảnh quan, tầm nhìn, hướng gió, bãi cát, mặt nước…cần được chia sẻ cho toàn đô thị. Ưu tiên các không gian dành cho cộng động và kiểm soát hạn chế sở hữu tư nhân/ Chiếm hữu không gian công cộng dành cho cộng đồng;
2. Giải phóng các tầm nhìn ra biển. Kết nối đô thị với biển qua các trục không gian hướng biển;
3. Kiến trúc nương tựa vào tự nhiên và không làm tổn hại đến các giá trị vốn có, các giá trị cảnh quan cần được bảo tồn. Và vì thế, các địa danh nổi tiếng như Hải Vân, Non nước, Ngũ hành Sơn, bán đảo Sơn Trà dành cho tự nhiên, các kiến trúc ở đây phải cân nhắc hết sức thận trọng, không lấn át và chỉ mang tính điểm tô.  Kiến trúc cao tầng không nên xây dựng trong không gian này;
4. Không gian tiền sảnh – không gian đệm được giới hạn từ mép nước đến đường đô thị và không gian phát triển đô thị. Không gian này là không gian chuyển tiếp, thuộc về công cộng – mọi người tự do đi lại, ưu tiên các hoạt động gắn với đi bộ, cây xanh cách ly, cây xanh cảnh quan, kiến trúc nhỏ;
5. Không gian phát triển: Ưu tiên các chức năng phát triển du lịch, dịch vụ. Song, mật độ xây dựng được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo độ thông thoáng ưu tiên cho các yếu tố tự nhiên, các giá trị cảnh quan phục vụ nghỉ dưỡng, thắng cảnh…
Tổ chức/phân bố có nhịp điệu công trình và tổ hợp công trình cao tầng theo từng đoạn tuyến đường đô thị ven biển, thay vì dàn trải bê tông hóa trên suốt dọc dài bờ biển.
Hạn chế tối đa việc xây dựng chung cư cao tầng bám sát không gian ven biển/đường đô thị ven biển. Cần tổ chức chung cư cao tầng theo hướng tập trung thành tổ hợp phát triển theo chiều sâu vào đô thị với không gian trục kết nối hướng biển.

GS David Rockwood
(Đại học Hawaii tại Manoa)

“Sự cần thiết của kiểm soát phát triển cho các công trình cao tầng tại Đà Nẵng (Việt Nam)” 

Các nhà đầu tư tìm cách tối đa hóa lợi tức đầu tư bằng cách kiểm soát chi phí và tăng thu nhập bất động sản. Chi phí đất đai có thể chiếm một phần đáng kể trong tổng chi phí, đặc biệt là tại các địa điểm có nhu cầu cao, chẳng hạn như khu vực bãi biển Đà Nẵng, Mỹ Khê. Khác với TP HCM và Hà Nội – nơi tổ chức các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế – Đà Nẵng có rất ít tòa nhà văn phòng cao tầng. Xây dựng nhà cao tầng tại Đà Nẵng tập trung ở khách sạn, chung cư, và căn hộ khách sạn sử dụng (có cả một số nhà thương mại thấp tầng). Xây dựng nhà cao tầng đắt hơn các loại công trình thấp tầng và chi phí bổ sung này được chứng minh bằng chi phí đất đai cao.
Do đó, phần lớn sự phát triển gần đây ở khu vực bãi biển Mỹ Khê là phát triển theo chiều cao. Kiểu phát triển này đặt ra một số tác động tiêu cực đến cơ sở hạ tầng và môi trường thành phố. Vấn đề thiếu nước ở các khu dân cư gần khu phát triển cao tầng dọc bờ biển được ghi nhận gần đây. Sự quá tải trên các hệ thống đường bộ do giao thông do khách du lịch tạo ra cũng được đề cập. Và một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là nước thải được xả trực tiếp ra biển bởi cả các tòa nhà cao tầng và nhà ở đã tạo ra các mối đe dọa đáng kể đối với môi trường biển và sức khỏe người dân lẫn du khách.

TS.KTS Nguyễn Hồng Ngọc
(Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng)

“Cần tối ưu hóa các yếu tố thiết kế bền vững đối với các kiến trúc cao tầng ven biển Đà Nẵng”

Lợi thế chủ chốt trong việc kinh doanh khách sạn và căn hộ cao tầng ven biển tại Đà Nẵng là tầm nhìn ra biển và khả năng tiếp cận bãi tắm. Các nhà phát triển/đầu tư bất động sản sẽ tìm cách tối đa hóa đặc điểm này trong điều kiện hạn chế bởi ngân sách và bối cảnh xung quanh. Do tính chất ngẫu nhiên và không có phối hợp của các công trình được xây dựng bởi các nhà phát triển khác nhau, tầm nhìn ra biển có thể không thể được kiểm soát theo sự phát triển của cả khu vực. Điều tương tự có thể xảy ra với việc đảm bảo cấp ánh sáng và thông gió tự nhiên, theo đó những tài nguyên này có thể bị chặn bởi các tòa nhà xung quanh được xây dựng sau đó. Tuy nhiên, các tính năng thiết kế bền vững có khả năng trở thành nhu cầu cấp thiết của khách hàng trong tương lai.

Không có Quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch phù hợp hay thậm chí một Hướng dẫn thiết kế tốt (Design Guideline) để kiểm soát chiều cao và hình thức tòa nhà, các nhà đầu tư có thể tự do phát triển các tòa nhà theo kiểu tối đã hóa lợi nhuận của họ. Điều này có thể tạo ra một số hiệu ứng ít mong muốn. Cảnh quan đường phố có thể thiếu tỷ lệ nhân văn (human scale), thiếu đi sử dụng đất và hoạt động đa dạng, thiếu thảm thực vật, thiếu bóng râm, thiếu môi trường cho người đi bộ và các yếu tố khác để tạo ra một trải nghiệm đáng nhớ cho con người. Các tòa nhà cao tầng gần đây thường có diện tích xây dựng lớn và có thể thiếu nhiều hoạt động thương mại ở tầng trệt. Do đó, chúng có xu hướng trở thành những hòn đảo (những khu vực khu biệt) bị cắt khỏi trải nghiệm đi bộ điển hình ở thành thị. Ngoài ra, giao thông có thể dày đặc, gây tiếng ồn và tạo môi trường không an toàn. Điều này càng trở nên trầm trọng khi người dân không khả năng lựa chọn phương tiện giao thông công cộng khả thi, như trường hợp hiện tại ở Đà Nẵng. Cuối cùng, các công trình có thể được thiết kế và định hướng theo cách không cho phép tối ưu hóa các yếu tố thiết kế bền vững, chẳng hạn như che nắng thụ động và thông gió.

KTS Nguyễn Hữu Thái

“Đà Nẵng cần điều chỉnh quy hoạch theo hướng xây dựng các đô thị sáng tạo vùng ven biển”

Các nhà nghiên cứu tại địa phương cho rằng vị trí Đà Nẵng không mấy thuận lợi cho du lịch (nhiều ngày hứng gió bão mạnh trong năm). Môi trường tự nhiên bị phá hủy và hiện tượng bê tông hóa làm thành phố nóng hơn vào mùa nắng và lạnh hơn vào mùa đông. Mặt khác, dư luận lâu nay vẫn còn xôn xao về những bất cập trong việc chia lô bán sạch đất bãi biển, việc chiếm dụng các rẻo đất triền núi Sơn Trà xây các khu gọi là “resort” rất “lôm côm”… Tôi đã từng đi qua nhiều thành phố biển các nước, nhìn thấy họ không bao giờ giao đất nằm sát biển để làm khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí. Bãi biển là không gian vui chơi giải trí của cộng đồng, phải ưu tiên cho nhân dân hưởng thụ.

Đà Nẵng hiện nay vẫn chưa được trang bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng như cảng biển xử dụng cho tàu du lịch cỡ lớn. Thành phố cần mở thêm bến thuyền (phục vụ du thuyền, kiểu “Marina”). Hướng xây dựng khách sạn quy mô lớn là cần thiết nhưng phải biết kết hợp với trung tâm hội nghị phục vụ họp mặt nghề nghiệp, đại hội chuyên đề  (convention), hội thảo quốc tế kết hợp vui chơi giải trí dành cho gia đình người dự họp như thường thấy ở phương Tây.

KTS Nguyễn Luận

“Kiến trúc cao tầng ven biển – Một số suy nghĩ”

Tôi xin có mấy suy nghĩ nhỏ và đề cập thẳng vào vấn đề mà không qua lời dẫn.
I/ Vấn đề tầm nhìn (view) từ trong bờ ra biển
Thông thường, khi bàn về kiến trúc cao tầng ven biển, luận điểm thường được dùng là: “Nhà cao tầng ven biển che tầm nhìn từ bên trong đô thị ra biển, làm mất giá trị thẩm mỹ của cảnh quan đô thị”. Tôi xin góp một số suy nghĩ của mình như sau:
1.1- Nếu dải đất ven biển là nhà thấp tầng thì ai sẽ hiện thực hóa luận điểm này?
Nhà đầu tư tư nhân chắc sẽ không mặn mà lắm vì điều này ngược với quy luật giá trị đất đô thị. Quy luật giá trị đất đô thị ven biển là cao dần từ bên trong ra đến dải đất ven biển. (Xem hình 1). Nhà đầu tư tư nhân thì luôn tuân theo quy luật này.
Muốn có điểm nhìn cao ở bên trong đô thị, thì phải có nhà đầu tư chấp nhận giá trị đất thấp mà lại xây cao tầng! Điều này có khả thi không?
Chỉ có nhà nước mới có khả năng làm điều này. Nhưng vốn ở đâu? Trong điều kiện nước ta hiện nay,  điều này khó khả thi.

1.2- Nếu đặt vấn đề là view thì có thể có 2 câu hỏi về giá trị của view như sau:
Ai sẽ là những người cần loại view này? Chỉ là một tỉ lệ % rất nhỏ của người dân đô thị. Bởi phần lớn thị dân không có đủ điều kiện để sở hữu điểm cao từ bên trong đô thị để nhìn ra biển.
Thời gian là bao nhiêu trong ngày để sử dụng các view này? Chắc chắn là một số phút rất ít trong 24 giờ, một % rất rất nhỏ.
Nếu nhân 2 hệ số % này ta sẽ có một % giá trị của view là rất, rất, rất nhỏ.
Vậy là giá trị của view từ bên trong đô thị ra biển là rất, rất nhỏ. Luận điểm của view từ bên trong đô thị ra biển là cần, nhưng không phải là chính để định hướng, để tạo khung quy hoạch cho các dải đất ven biển 

II/ Vấn đề thẩm mỹ đô thị của các đô thị ven biển
Thẩm mỹ đô thị của các đô thị ven biển có phải được đánh giá bằng  view từ bên trong đô thị ra biển không? Tôi cho rằng không phải như vậy. Bởi giá trị thẩm mỹ đô thị của các đô thị ven biển chủ yếu được đánh giá ở cảnh quan của dải đất ven biển.
2.1 – Dải đất ven biển có thể chỉ là nhà thấp tầng, ta có hình thái cảnh quan nhẹ nhàng, lãng mạn (trường hợp có quy hoạch hợp lý).
2.2- Dải đất ven biển có nhiều nhà cao tầng (trường hợp không tạo thành bức tường liên tục) ta có hình thái cảnh quan tráng mỹ.

Cả hai trường hợp trên đều có giá trị thẩm mỹ ngang nhau, vấn đề là lựa chọn hình thái nào? Hay kết hợp một cách hợp lý. Điều này có nghĩa là không nhất thiết dải đất ven biển chỉ có nhà thấp tầng mới có giá trị thẩm mỹ đô thị. 
2.3- Cảnh quan của dải đất đô thị ven biển thường được xác định từ giới hạn xây dựng đến bờ biển. Khoảng không gian này càng rộng, càng dễ tạo cảnh quan có giá trị thẩm mỹ cao cho dải đất đô thị ven biển.

Chính không gian ven biển này mới quyết định vẻ thẩm mỹ của cảnh quan đô thị ven biển, chứ không phải view từ bên trong ra biển. Quy hoạch hạ tầng giao thông trong các đơn vị ở khu vực ven biển Đà Nẵng.

 

ThS.KTS Phan Quang Minh
Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng
Tập đoàn VicoLand – Thành Phố Đà Nẵng

“Quy hoạch hạ tầng giao thông trong các đơn vị ở khu vực ven biển Đà Nẵng”

Ngày 3-10-2018, UBND thành phố có Công văn số 7600/UBND – QLĐTh về việc quản lý xây dựng công trình cao tầng trên địa bàn thành phố khu ở, nhà phố liền kề nhỏ trong đó nêu rõ chỉ được phép xây dựng từ 8 đến 9 tầng trên địa bàn ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà tuy nhiên vẫn không nêu cụ thể đối với mặt cắt lòng đường nhỏ 5,5m, 7,5m vì vậy chủ cơ sở vẫn có thể xây nhà cao 8 – 9 tầng trên các tuyến đường này. Một số khu đất có diện tích từ 200m2 đến dưới 1000m2 tại các mặt cắt đường lớn hơn cũng chỉ được xây dựng từ 8 – 9 tầng là chưa phù hợp, đặc biệt đối với các lô đất này được phép xây dựng từ 90% đến 100% diện tích khu đất là con số quá cao, không đảm bảo cho các không gian khác.

Như vậy, cần phân loại mặt cắt lòng đường, diện tích cụ thể cho từng khu đất và từng vị trí trong đô thị. Khu đất càng lớn thì sẽ được xây cao, những lô đất nhỏ với mặt cắt lòng đường nhỏ nên quy định thấp tầng phù hợp với hạ tầng khu vực đó. Quy định rõ về  mật độ xây dựng, khoảng lùi trước và hai bên, (chỗ đậu đỗ xe kinh doanh). Áp dụng  những quy định đó cho các nhà có diện tích lớn hơn để tạo điều kiện phát triển phù hợp cho từng chủ đầu tư chứ không phải cứng nhắc con số 8 đến 9 tầng cho toàn thành phố.

Với cùng một lượng dân cư cụ thể, một khu đất có diện tích cụ thể nhất định thì việc xây dựng nhà cao tầng có nhiều ưu điểm hơn là việc phân lô phố. Ở các nước  phát triển, nhà cao tầng nhiều nhưng không hoặc rất ít khi xảy ra hiện tượng tắc đường do có hệ thống giao thông tốt, xây nhà cao tầng với mật độ xây dựng quy định cụ thể giúp tận dụng được nguồn lực đất đai để dành đất làm hệ thống hạ tầng giao thông công viên cây xanh, các công trình công cộng phúc lợi nên vấn đề ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng là chưa có sự đồng bộ về hạ tầng chứ không phải là nhà cao tầng.

 

TS.KTS Lê Vĩnh An
Trưởng Khoa Kiến trúc & Mỹ thuật, ĐH Duy Tân, Đà Nẵng

Một vài ý kiến về vấn đề kiến trúc cao tầng ở Đà Nẵng”

Kiến trúc cao tầng biểu hiện diện mạo của một đô thị văn minh, và đó cũng là xu hướng phát triển tất yếu một khi quĩ đất đô thị giới hạn mà dân số lại càng ngày càng phát triển, cọng với lượng lưu dân từ nơi khác đến đây sinh sống lập nghiệp và số lượng khách du lịch gia tăng đột biến trong những mùa du lịch. Nhu cầu về nhà cao tầng và sự xuất hiện của nó đã có từ rất sớm ở Mỹ, các nước châu Mỹ-La tinh, châu Âu, châu Phi và châu Á với những công năng chủ yếu như cao ốc văn phòng, chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại… Một khi du lịch phát triển, loại hình kiến trúc cao tầng này lại thể hiện rất rõ vai trò ưu việt của nó trong việc giải quyết vấn đề hạn hẹp về diện tích xây dựng, đáp ứng được nhu cầu đa công năng và khai thác tối đa không gian âm (views/scenes) trong kiến trúc cảnh quan.

Phố biển ở Đà Nẵng được qui hoạch dưạ trên yếu tố địa lý tự nhiên, chia làm 2 khu vực chính: Phố biển Liên Chiểu (đường Nguyễn Tất Thành) và phố biển Mỹ Khê (đường Võ Nguyên Giáp), đây là 2 mặt giáp biển quan trọng của thành phố Đà Nẵng và cũng là mặt tiền đón gió, điều hoà nhiệt độ không khí cho thành phố. Việc hình thành khu phố biển với những công trình cao tầng mà chủ yếu là khách sạn và cao ốc văn phòng đã làm thay đổi một cách nhanh chóng diện mạo đô thị theo hướng tích cực, đã góp phần đáng kể giải quyết nhu cầu lưu trú của khách du lịch so với những năm trước đây mà hiện tượng “cháy phòng” khách sạn đang là vấn nạn của các đô thị biển ở miền Trung như Đồng Hới, Qui Nhơn và Nha Trang vào mùa cao điểm du lịch.

Tuy nhiên, việc quy hoạch xây dựng nhà cao tầng ở các tuyến đường nêu trên của Đà Nẵng cũng đã và đang gặp phải những vấn đề cần cân nhắc và cần thiết phải có biện pháp chế tài đảm bảo cho sự hài hoà giữa các vùng phân khu chức năng trong đô thị và phát triển bền vững.

Một số hình ảnh buổi toạ đàm:

Bích Thuỷ – tckt.vn
© Tạp chí Kiến trúc