Hội thảo tham vấn Dự thảo Kế hoạch hành động tiết kiệm năng lượng và Khung cơ sở dữ liệu vật liệu xây dựng và thiết bị điện dân dụng

Ngày 1/6 vừa qua, tại Vĩnh Phúc đã diễn ra hội thảo tham vấn Dự thảo Kế hoạch hành động tiết kiệm năng lượng và Khung cơ sở dữ liệu vật liệu xây dựng và thiết bị điện dân dụng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam do Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây Dựng tổ chức. 

Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình đô thị hoá và hiện đại hoá, đặc biệt là vấn đề suy thoái tài nguyên, cạn kiệt nguồn năng lượng hoá thạch, gia tăng phát thải khí nhà kính (KNK) và ô nhiễm môi trường. Trước những thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra hàng loạt giải pháp phát triển bền vững như Chương trình mục tiêu quốc gia về Biến đổi khí hậu (2007); Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK & HQ) (2010); và Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (2014). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai hàng loạt các nhiệm vụ liên quan tới tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong ngành xây dựng Việt Nam, cụ thể là Quyết định số 811/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ngày 18/08/2016 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành xây dựng, giai đoạn 2016 – 2010; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2013/BXD) được Bộ Xây dựng ban hành qua Thông tư số 15/2013/TT-BXD ngày 26/09/2013; và Quyết định số 419/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ngày 11/05/2017 ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành xây dựng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trong bối cảnh đó, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Chủ dự án) trực thuộc Bộ Xây dựng (BXD) đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các toà nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” (viết tắt “Dự án EECB”) do Quỹ Môi trường toàn cầu (Global Environment Fund – GEF) tài trợ với mục tiêu góp phần giảm thiểu cường độ phát thải KNK từ các công trình xây dựng ở Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng của dự án là cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các toà nhà thương mại và chung cư cao tầng. Để đạt được mục tiêu này, dự án sẽ được thực hiện thông qua ba hợp phần:

  • Hợp phần 1: Cải thiện và thực thi Quy chuẩn xây dựng tiết kiệm năng lượng;
  • Hợp phần 2: Các sáng kiến hỗ trợ việc phát triển thị trường xây dựng; và
  • Hợp phần 3: Các ứng dụng và nhân rộng công nghệ xây dựng TKNL.

Trong thời gian này, dự án EECB được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành xây dựng dựa trên các chính sách và biện pháp thực hiện để tạo dựng hành lang pháp lý, giúp ứng dụng và quản lý TKNL trong các toà nhà. Theo đó, dự án đã lựa chọn một chuyên gia TKNL để hỗ trợ dự án triển khai nhiệm vụ từ tháng 10/2017 đến tháng 04/2018.

Nhiệm vụ của dự án nhằm xây dựng một lộ trình và kế hoạch hành động nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành xây dựng Việt Nam trong giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Việc xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động cho ngành xây dựng trong ngắn, trung và dài hạn sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan thực thi nhà nước, các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư và các cơ quan liên quan được định hướng cụ thể về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Những định hướng này cần được xác định rõ ràng, có thể định lượng và được kế hoạch hoá trên phương diện mục tiêu, xây dựng chính sách và nhu cầu quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong ngành xây dựng. Ngoài ra, cần xác định và khắc phục những rảo càn, thiếu sót trong chính sách và các rào cản khác.

Trong báo cáo về tổng quan về TKNL trong công trình tại Việt Nam – Cơ hội và Thách thức của bà Phạm Hoàng Ngọc Linh, bà cho biết: “Trong những năm gần đây, ngành xây dựng Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Sự tăng trưởng mạnh mẽ đó đã khiến Việt Nam phải trả giá đắt về môi trường, như sự sụt giảm nhanh chóng và suy thoái tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường từ nước thải đô thị và công nghiệp.

Chính vì vậy, tại Báo cáo đề xuất Lộ trình và KHHĐ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành Xây dựng tại Việt Nam, bà chia sẻ: “Việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng năng lượng hiệu quả trong xây dựng, cùng với các tiêu chuẩn liên quan đến sử dụng năng lượng hiệu quả đối với thiết bị và nguyên vật liệu xây dựng, là những can thiệp cần thiết của chính phủ để có những rào cản thị trường bền vững đảm bảo việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các khu vực dân cư, thương mại và dịch vụ công cộng.

Khách mời hội thảo đóng góp ý kiến

Báo cáo đã nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia, khách mời tham dự hội thảo cũng như những đóng góp ý kiến về các quy chuẩn kỹ thuật. Cũng trong hội thảo, các chuyên gia đã đem ra cùng bàn bạc thảo luận thêm về Thông tư 36/2016/TT-BCT – dán nhãn năng lượng cho các thiết bị, phương tiện sử dụng. Dựa trên nội dung của thông tư Ông Nguyễn Đức Lượng, tư vấn viên đã trình bày “Đề xuất khung cơ sở dữ liệu số hóa cho các loại vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng và thiết bị điện dân dụng” được triển khai trong thời gian qua.

Đề xuất đã đưa ra kết quả điều tra, tổng quan các nội dung và phân loại các tiêu chuẩn thử vật liệu, tiêu chuẩn năng lượng, hệ thống chứng nhận và nhãn hiệu quả năng lượng cho các loại vật liệu, dụng cụ và thiết bị ở Việt Nam và trên thế giới và Xác định cấu trúc, nội dung và định dạng của cơ sở dữ liệu số hóa cho các loại vật liệu xây dựng và cấu kiện, sản phẩm xây dựng, các loại dụng cụ và thiết bị tiêu thụ điện, và thực hiện tham vấn với các bên liên quan để hoàn thiện.

Thu Vân – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc