Gặp gỡ Mùa Thu 2012 và Hội thảo về Di sản Kiến trúc

Ngày 14/12/2012 tại TP.Hồ Chí Minh, hơn 200 KTS đã có mặt tham gia Hội thảo: “Di sản Kiến trúc đô thị TP. Hồ Chí Minh” do Hội KTSVN, Hội KTS TP. Hồ Chí Minh và UBND TP. phối hợp tổ chức. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Hữu Tín cùng đại diện lãnh đạo các Sở Văn hoá-TT-DL, Sở KT-QH, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố và các ban ngành liên quan. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Hội KTSVN Nguyễn Tấn Vạn-nêu bật ý nghĩa của cuộc Gặp gỡ Mùa Thu và sinh hoạt hàng năm cũng như chủ đề hội thảo năm nay,17 tham luận của các diễn giả đã được lần lượt trình bày.

Thành phố Hồ Chí Minh có quá trình hình thành và phát triển trên 300 năm, từ khi Chúa Nguyễn thành lập Phủ Gia Định đến nay đã tích tụ một quỹ di sản kiến trúc với 139 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 30 di tích cấp quốc gia, 47 di tích cấp Thành phố. Ảnh hưởng của phát triển trong những năm gần đây, theo TS.KTS Lê Quang Ninh thì các di tích bị xâm chiếm đến 75% do vậy đang là một vấn đề trong tương lai của đô thị này. Những di tích đang tồn tại theo cụm, theo tuyến, điểm… được đánh giá cụ thể qua các nghiên cứu từ nhiều năm qua là cơ sở cho quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích một cách khoa học. Các ý kiến trao đổi tại chỗ được nêu ra làm sáng tỏ thêm về một số vấn đề liên quan như TP. vốn một thời được mệnh danh “hòn Ngọc Viễn Đông” thì ở góc độ di sản cần chú ý tìm ra những công trình đặc trưng nhất để bảo tồn. Hoặc như mật độ nhà cao tầng đang lấn át các di sản kiến trúc ở khu vực trung tâm, mâu thuẫn thực tế giữa bảo tồn và phát huy giá trị các di tích ở TP trong những năm qua …Đặc biệt trong các tham luận, một số ý kiến nhìn nhận về di sản và công tác bảo tồn phát triển các di sản của các KTS Lê Quang Ninh, Ngô Viết Nam Sơn, Lê Thanh Sơn, Phạm Phú Cường, Dương Hồng Hiến…đã gây sự chú ý và có nhiều ý kiến tranh luận, ghi nhận.