Hà Nội: Công bố Quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất đến năm 2030

Ngày 9/2, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức hội nghị công bố, bàn giao hồ sơ quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 và quy hoạch chung thị trấn Liên Quan đến năm 2030, tỷ lệ 1/5.000.

Theo quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất đến năm 2030, huyện Thạch Thất có diện tích khoảng 18.459,05ha. Phía Bắc và Đông Bắc giáp huyện Phúc Thọ; Phía Nam và Đông Nam giáp huyện Quốc Oai; Phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Hòa Bình; Phía Tây và Tây Bắc giáp thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì.



Phối cảnh huyện Thạch Thất.

Là huyện ngoại thành phía Tây trung tâm thành phố Hà Nội với tính chất cơ bản là phát triển khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo chất lượng cao; tiểu thủ công nghiệp làng nghề, dịch vụ, du lịch gắn với nông nghiệp sinh thái.

Mục tiêu nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.

Rà soát, khớp nối các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư có liên quan. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp đối với các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt hoặc đang triển khai nghiên cứu có sự thay đổi về ranh giới hoặc kiến nghị thay đổi chức năng cần cập nhật vào đồ án Quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000.

Phát triển huyện Thạch Thất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, tương xứng với vị trí ở vùng đô thị phía Tây thành phố Hà Nội, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển đô thị trung tâm Hà Nội.

Khai thác và phát huy cao nhất các lợi thế cạnh tranh của huyện Thạch Thất, đặc biệt tập trung vào phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, tiểu thủ công nghiệp kết hợp dịch vụ – du lịch và sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế của huyện và phát triển bền vững của TP Hà Nội.

Làm cơ sở tổ chức lập các quy hoạch và dự án đầu tư; Kiểm soát phát triển và quản lý đô thị; Cập nhật, hướng dẫn, kiến nghị hướng giải quyết các đồ án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy mô dân số dự báo: đến năm 2020 khoảng 324.200 người (dân số đô thị khoảng 124.700 người, dân số nông thôn khoảng 181.800 người, thành phần dân số khác khoảng 17.700 người); đến năm 2030 khoảng 648.900 người (dân số đô thị khoảng 414.600 người, dân số nông thôn khoảng 189.100 người, thành phần dân số khác khoảng 45.200 người).

Tổng diện tích tự nhiên (toàn bộ địa giới hành chính huyện Thạch Thất) là 18.459,05ha. Trong đó, khu vực phát triển đô thị khoảng 10.134,05ha; khu vực nông thôn khoảng 8.325ha.

Mô hình không gian huyện Thạch Thất chuyển từ cấu trúc huyện nông nghiệp-làng nghề, có trung tâm là thị trấn huyện lỵ Liên Quan (diện tích đất đô thị chiếm khoảng 1,58% diện tích tự nhiên toàn huyện) sang cấu trúc Đô thị vệ tinh – Hành lang xanh (diện tích đất đô thị chiếm khoảng 50% diện tích tự nhiên toàn huyện). Hành lang xanh, gồm các khu dân cư nông thôn và vùng sinh thái nông nghiệp.

Định hướng phát triển đô thị: Gồm thị trấn huyện lỵ Liên Quan, một phần đô thị vệ tinh Hòa Lạc, một phần đô thị sinh thái Quốc Oai và một phần đô thị sinh thái Phúc Thọ.

Thị trấn Liên Quan: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế thương mại, văn hóa, thể dục thể thao huyện Thạch Thất. Phát triển theo mô hình sinh thái mật độ thấp, mở rộng không gian về phía Nam xã Kim Quan, kết nối với tuyến đường Bắc Nam. Kiểm soát môi trường dọc sông Tích, duy trì cấu trúc truyền thống các khu dân cư hiện có đã xác định các khu phát triển mới nhằm dãn dân số, di dân trong các khu vực làng xóm, bổ sung quỹ đất bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ dân cư địa phương.

Khu vực thuộc đô thị vệ tinh Hòa Lạc: Là trung tâm khoa học – công nghệ cao của quốc gia. Đầu tư các cơ sở trọng tâm là đại học quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao Hà Nội. Phát triển mô hình đô thị nén có hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại và đồng bộ. Giữ gìn cấu trúc cảnh quan đô thị, bảo tồn vùng núi Viên Nam phía Tây đô thị Hòa Lạc và hệ thống mặt nước phía Tây quốc lộ 21. Kiểm soát ranh giới phía Bắc và phía Tây đô thị vệ tinh Hòa Lạc với cụm làng Thạch Hòa – Bình Yên – Tân Xã, cụm làng Hạ Bằng – Cần Kiệm – Đồng Trúc. Dự kiến tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 9.383,2ha; thuộc địa bàn các xã Thạch Hòa, Tân xã, Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân và 1 phần xã Hạ Bằng, Đồng Trúc.

Khu vực thuộc đô thị sinh thái Quốc Oai: Phát triển mô hình đô thị sinh thái và cụm công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Kiểm soát ranh giới phía Bắc đô thị sinh thái Quốc Oai với cụm làng Phú Bình – Phùng Xá. Dự kiến tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 246ha; thuộc 1 phần đất 2 xã Thạch xá và Phú Bình.

Khu vực thuộc đô thị sinh thái Phúc Thọ: Phát triển mô hình đô thị sinh thái và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Kiểm soát ranh giới phía Nam đô thị sinh thái với cụm làng xã Đại Đồng. Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 297,6ha.

Phát triển nhà ở đô thị theo chỉ tiêu quy hoạch đô thị. Bình quân khoảng 35-45m2/người. Nhà ở nông thôn của huyện Thạch Thất trung bình khoảng 200- 300m2/hộ. Khu vực miền núi gồm các xã: Yên Trung, Yên Bình, đạt khoảng 150-300m2/hộ; Khu vực trung du gồm các xã: Cẩm Yên, Bình Yên, Đồng Trúc, Lại Thượng, Cần Kiệm, Hạ Bằng, Thạch Hòa, Tân xã đạt khoảng: 120- 240m2/hộ; Khu vực đồng bằng 80-180m2/hộ) khuyến khích dãn dân gồm các xã Hữu Bằng, Phùng Xá, Chàng Sơn, Bình Phú.

Mô hình nông thôn huyện Thạch Thất chuyển từ cấu trúc làng xã theo địa hình tự nhiên sang cấu trúc “Cụm làng – trung tâm đổi mới”, có vành đai khép kín giới hạn không gian làng xã không xâm lấn vào không gian xanh của Hành lang xanh Hà Nội, bảo vệ đất nông nghiệp; cung cấp đủ các hạ tầng thiết yếu và các dịch vụ khác giúp làng xã phát triển linh hoạt trong tương lai.

Việc quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng công trình cần tuân thủ quy hoạch và các “Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000” được ban hành kèm theo hồ sơ quy hoạch này; quy định quản lý kèm theo các đồ án quy hoạch chung có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam.

Theo quy hoạch chung thị trấn Liên Quan đến năm 2030, phạm vi nghiên cứu quy hoạch khoảng 326,3ha, bao gồm toàn bộ diện tích thị trấn Liên Quan hiện có và một phần diện tích xã Kim Quan, tăng 3,6ha so với nhiệm vụ quy hoạch đã được duyệt (thuộc xã Kim Quan) do cụ thể hóa hành lang tuyến đường Hồ Tây – Ba Vì theo hướng tuyến xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Về quy mô dân số, quy hoạch đến năm 2020 khoảng 7.400 người và năm 2030 khoảng 9.850 người.

Định hướng phát triển không gian đô thị trên cơ sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội huyện Thạch Thất nói chung và thị trấn Liên Quan nói riêng. Hình thành trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa của huyện Thạch Thất để hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội tại vùng nông thôn, đẩy mạnh phát triển các chức năng về công cộng, y tế, giáo dục, thương mại, văn hóa.

Hình thành không gian đô thị với các chỉ tiêu kiểm soát phát triển về chức năng đô thị, mật độ xây dựng, chiều cao công trình và hình thái kiến trúc phù hợp với đặc điểm cảnh quan, môi trường trong khu vực hành lang xanh…

Phát triển cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp. Khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và lợi thế về giao thông đường bộ để phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.

Cùng với đó, di dời toàn bộ trụ sở của UBND thị trấn ra ngoài khu vực dân cư hiện có về khu vực tập trung các công trình công cộng hành chính được quy hoạch đồng bộ, hiện đại về kiến trúc cảnh quan, góp phần tạo sự hài hòa với không gian xung quanh, dành quỹ đất sau khi di dời bổ sung các công trình hạ tầng công cộng phục vụ người dân trong khu vực dân cư hiện hữu.

Bổ sung quỹ đất xây dựng khu vực công cộng cho các điểm dân cư nông thôn và xây dựng các khu vực dân cư tập trung mới phục vụ giãn dân trong khu vực dân cư hiện có, đáp ứng nhu cầu về nhà ở…

(Báo Xây dựng)

Báo Xây dựng