1. Viện Nghiên cứu Thiết kế Trường học được thành lập ngày 12/10/1978 với sứ mệnh xuyên suốt là nghiên cứu thiết kế các loại hình trường học từ nhà trẻ, mẫu giáo đến các Khu Đại học tập trung. Trong 35 năm xây dựng và phát triển, Viện NCTK Trường học đã trở thành một tổ hợp Khoa học công nghệ – Tư vấn thiết kế – Thi công xây lắp và Tư vấn đầu tư, với các pháp nhân độc lập (3 Trung tâm, 1 Công ty và 1 Chi nhánh).
Là một đơn vị tư vấn chuyên ngành về công trình giáo dục duy nhất trên toàn quốc, sản phẩm của Viện có mặt trên khắp 63 tỉnh thành – Từ Quy hoạch mạng lưới trường đến các thiết kế chi tiết bàn ghế nội thất phòng học, phòng thí nghiệm…
Là một thương hiệu có uy tín, công trình do Viện thiết kế được biết đến bởi tính chặt chẽ, khoa học, bám sát dây chuyền công nghệ dạy và học – vốn đang được chú trọng phát triển một cách đa dạng, đồng thời cũng bởi những đường nét, hình khối lột tả vẻ đẹp dung dị của kiến trúc trường học. Cũng vì thế mà hầu hết các Công ty Tư vấn quốc tế khi thực hiện những dự án về các công trình giáo dục ở Việt Nam đều tìm đến Viện NCTK Trường học như một đối tác Việt Nam tin cậy và hiệu quả.
Lãnh đạo Hội KTS Việt Nam và Hội KTS TP HCM thăm gian triển lãm của Viện Nghiên cứu Thiết kế Trường học tại VietArch 2010
Trong quá trình xây dựng và phát triển về tổ chức, từ năm 1989, Viện NCTK Trường học đã thực hiện chương trình thí điểm sắp xếp lại các tổ chức sự nghiệp Nghiên cứu Khoa học của Bộ Đại học Và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), tự trang trải toàn bộ kinh phí hoạt động, chấp nhận sự thách thức của cơ chế thị trường. Đây cũng chính là tiền đề để Viện trở thành đơn vị được giao quyền tự chủ về tài chính theo Nghị định 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ và là đơn vị đầu tiên trong Bộ chuyển đổi mô hình hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ. Đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ, đa dạng hóa dịch vụ nghiên cứu và tư vấn, mở rộng địa bàn, tăng cường hợp tác quốc tế, với phương châm: “Lấy nghiên cứu khoa học làm nền tảng, tư vấn thiết kế làm hoạt động trọng tâm, thi công xây lắp và tư vấn đầu tư làm động lực phát triển bền vững”, Viện đã đạt được những thành tựu đáng kể trong xây dựng thương hiệu, kiện toàn đội ngũ và cơ sở vật chất.
Nhiều công trình của Viện đã được ghi nhận ở các Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, Giải thưởng Hiệp Hội tư vấn, của các Bộ Ngành, Địa phương; Thắng thầu nhiều công trình quy hoạch, thiết kế có quy mô lớn… Đồng thời Viện cũng được những phần thưởng cao quý của Nhà nước (các Huân chương Lao động hạng Nhì, Nhất và Độc lập hạng 3) và các Huân chương Hữu nghị, Lao động hạng Ba, hạng Nhì và Huân chương Tự do hạng 3 của nước CHDCND Lào.
Và một trong những phần thưởng cao quý nhất được dành cho Viện đó chính là sự tín nhiệm của những khách hàng truyền thống, mối quan hệ lâu dài và bền vững từ thế hệ lãnh đạo này qua thế hệ khác (trên 15 năm) như Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Tây Nguyên, Nhạc viện Hà Nội, Trường Đại học Hải Phòng, Trường Đại học Tây Bắc …
Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận trao Huân chương Lao động Hạng nhất cho TS.KTS Trần Thanh Bình
2. Trung thành với phương châm lấy Nghiên cứu khoa học làm nền tảng, lấy sự chuyên sâu, hiểu biết thấu đáo đặc thù của không gian học đường làm thế mạnh cạnh tranh, các công trình của Viện đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trước hết là do kết quả nghiên cứu về các mô hình trường, các không gian lớp học, giảng đường, thí nghiệm… thông qua những nghiên cứu về công nghệ DẠY và HỌC – những hoạt động chính diễn ra trong các không gian đào tạo nghiên cứu khác nhau. Đồng thời, những nghiên cứu về bản sắc vùng miền, chìa khóa dẫn đến những giải pháp đa dạng phong phú, thích ứng với điều kiện tự nhiên và cao hơn là hướng tới các giải pháp thiết kế bền vững, sự kết hợp tổng hòa giữa kiến trúc xanh và tiết kiệm năng lượng trong kiến trúc trường học.
Các đề tài nghiên cứu về mẫu trường học thích ứng với vùng thường xuyên xảy ra bão lũ ở khu vực duyên hải miền Trung được Viện đặc biệt chú trọng, đặc biệt sau trận lũ lịch sử năm 1999, các nghiên cứu này đã làm cơ sở cho các thiết kế được ADB lựa chọn trong Dự án xây dựng các trường Trung học cơ sở ở miền Trung. Dự án có quy mô các lớp học khác nhau, kết cấu sàn tầng trệt và mái được gia cường, sử dụng các không gian linh hoạt khi có thiên tai. Hoặc những đề tài nghiên cứu về trường học “sống chung với lũ” ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng chính là cơ sở để thiết kế các mẫu trường dùng cho “Chương trình kiên cố hóa trường học” ở khu vực có nền đất yếu đặc trưng. Tính đa dạng của hình thức công trình cùng với việc thích ứng hiệu quả với khí hậu khắc nhiệt của các tỉnh miền Trung đã khiến chương trình NORAD (viện trợ của Na Uy) lựa chọn các mẫu trường của Viện đưa vào Dự án.
Hội thảo về trường Đại học Quốc tế ở CHLB Đức
Tiếp cận thông tin, đi trước đón đầu, tập trung nghiên cứu các đề tài mang tính ứng dụng cao, làm cơ sở cho các đơn đặt hàng tư vấn thiết kế phục vụ kịp thời cho những mô hình trường mới trong các chương trình khác nhau – Từ phòng học bộ môn, trường học phân ban, ký túc xá, trường phổ thông đa cấp, trường chuyên, thư viện điện tử, nhà cao tầng … cho đến các tổ hợp đào tạo nghiên cứu, các khu Đại học tập trung, Đại học vùng, Đại học Quốc gia … Và cũng không phải ngẫu nhiên, những bài toán công nghệ phức tạp của các phòng thí nghiệm hiện đại hoặc tính toán nhu cầu diện tích hợp lý trong học chế tín chỉ ở các trường Đại học chỉ có thể được tìm thấy lời giải ở Viện NCTK Trường học.
3. Kiến trúc trường học lâu nay vẫn bị coi là loại hình công trình khá đơn điệu, khó làm đẹp, cũng như không dễ để trở thành những tác phẩm kiến trúc được thừa nhận ở những kỳ xét Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia. Nguyên nhân có thể bởi tính phổ biến tới mức trùng lặp nhiều, phần nào đó do quan niệm dây chuyền công năng trong các công trình trường học là không phức tạp, suất đầu tư công trình lại rất thấp, các hệ số sử dụng bị ràng buộc ngặt nghèo hơn so với các thể loại công trình công cộng khác. Bên cạnh đó, quần thể kiến trúc trường học, nhất là các trường Đại học, do hạn hẹp về vốn, thời gian đầu tư khá dài, thêm vào đó chưa có điều kiện thực hiện đồng bộ cho môi trường cảnh quan, sân vườn mặt nước, tiểu cảnh … nên tính tổng thể, trọn vẹn cũng như hiệu quả liên thông giữa các công trình khó có thể được cảm nhận ngay.
Mặt khác, ngôi trường trong tâm thức của mỗi một con người lại chiếm một vị trí vô cùng quan trọng – Không chỉ là cái nôi nuôi dưỡng hay nơi chuẩn bị hành trang để đưa ta bước vào đời, nó còn là nơi gắn bó cả một lượng thời gian không nhỏ – thời gian đẹp nhất trong cuộc đời. Bởi vậy cái Riêng – bản sắc của ngôi trường như một thôi thúc vượt lên bên cạnh cái Chung – công năng.
Làm việc với đoàn chuyên gia của Công ty Gmp của Đức
Đây thật sự là những thách thức cho các KTS trong hành trình tạo lập vẻ đẹp cho không gian kiến trúc trường học. Chấp nhận những thách thức đó, cùng với các kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật khác, các KTS của Viện NCTK Trường học đã tìm tòi những lời giải cho các bài toán tổng thể đặc thù về công năng – giao thông – cộng đồng và bản sắc để hướng tời một ngôi trường thẩm mỹ trong các đồ án quy hoạch thiết kế.
Ý thức được loại hình trường học, đặc biệt là trường Đại học là một quần thể công trình, mọi sự thành công phải được bắt đầu từ quy hoạch nên mặt bằng tổng thể (master plan) luôn là một công tác được Viện chú trọng hàng đầu.
Các đồ án quy hoạch chung cho những khu Đại học lớn như Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2001), Đại học Quốc gia Hà Nội (2002), Đại học Thái Nguyên và Đại học Cần Thơ được thực hiện song song với các Báo cáo nghiên cứu Tiền khả thi (cũng do Viện lập) là tiền đề và cơ sở quan trọng cho các bước quy hoạch thiết kế tiếp theo do các đơn vị tư vấn khác trong và ngoài nước thực hiện. Đó cũng là trường hợp quy hoạch chi tiết (phân khu) của Đại học Dầu khí (400 ha) và Khu Giáo dục Đào tạo (4 trường Đại học) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 thể hiện toàn bộ ý tưởng (concept) tổ chức không gian trên mặt bằng tổng thể và triển khai xây dựng thực hiện theo đúng quy hoạch trong suốt một thời gian dài. Tiêu biểu như Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Hải Phòng, Đại học Tây Bắc, Nhạc viện Hà Nội, Đại học Tây Nguyên, Đại học Hồng Đức – Thanh Hóa …, trong đó Học viện Kỹ thuật Quân sự và Nhạc viện Hà Nội là hai Trường đã được xây dựng hoàn chỉnh cho tới hạng mục cuối cùng.
Lễ khởi công Công trình các khối chức năng khoa Tiếng Việt – ĐHQG Lào
Trong các công trình thiết kế của mình, các KTS ở Viện NCTK Trường học thường cố gắng thông qua giải pháp xanh – ứng xử thích hợp với địa hình môi trường tự nhiên để tạo ra những nét mang tính bản sắc cho công trình, cụm công trình để hướng tới ý tưởng Trường – Công viên sinh thái. Đó là các trường hợp vườn sân chơi ở trên hầm để xe và tầng kỹ thuật ở dưới trong các khuôn viên chật hẹp (Nhạc viện Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh), thiết kế xanh cho từng công trình và cụm công trình (Trường phổ thông đa cấp Marie Curie – Hà Tĩnh, Thư viện Đại học Đà Lạt, Cụm giảng đường Đại học Tiền Giang …), quy hoạch các trường trên địa hình phức tạp (Đại học Nông Lâm tại Gia Lai, Đại học Tây Bắc, Đại học Phan Châu Trinh – Quảng Nam …) với tỉ trọng cây xanh, mặt nước rất cao.
Các cơ sở đào tạo nghiên cứu trong các trường Đại học với những phòng thí nghiệm hiện đại thường có những dây chuyền công nghệ và hệ thống kỹ thuật hạ tầng phức hợp. Những ví dụ giải quyết hài hòa được bài toán này với tính đặc thù của môi trường sư phạm có thể kể đến các công trình như: Trung tâm Công nghệ phần mềm – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện Môi trường và Công nghệ sinh học – Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Khoa Công nghệ Đại học Cần Thơ …
Một nhóm làm việc ở Viện Nghiên cứu thiết kế Trường học
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu ứng dụng những công nghệ kỹ thuật, vật liệu hiện đại cũng đã giúp có những công trình có chất lượng, xác lập những “mốc đầu tiên ở các trường Đại học Việt Nam” như các công trình cao tầng: Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội (7 tầng – 1989), Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (11 tầng – 2002), Học viện Kỹ thuật Quân sự (15 tầng – 2008), Cụm giảng đường tập trung lớn nhất (Đại học Giao thông Vận tải – 8 giảng đường dốc – 1200 chỗ), Phòng hòa nhạc thính phòng đầu tiên đạt tiêu chuẩn âm học quốc tế (Phòng hòa nhạc 900 chỗ – Nhạc viện Hà Nội) và nhiều những công trình khác: Thư viện, Nhà thi đấu, Ký túc xá … .
Từ năm 1995 cho đến nay, Viện NCTK Trường học đã có 15 công trình ở 11/16 tỉnh tại nước CHDCND Lào. Với các loại hình đa dạng (trường từ dạy nghề, dân tộc nội trú phổ thông đến Cao đẳng, Đại học và 1 Khu tưởng niệm). Các công trình được nghiên cứu kỹ những nét văn hóa bản địa phù hợp với công nghệ và hài hòa với điều kiện từng vùng. Trong đó, có những công trình được giới chuyên môn và người sử dụng đánh giá cao như Trường Dự bị và Năng khiếu thuộc Đại học Quốc gia (Vientiane), Trường Phổ thông Hữu nghị Lào-Việt (Vientiane) và Trường Cao đẳng Nghệ thuật và Âm nhạc Quốc gia Lào…
4. 35 năm để xây dựng và khẳng định một thương hiệu chưa hẳn là dài, nhưng cũng không phải là ngắn đối với một đơn vị Tư vấn thiết kế. Mới đây, Viện đã chuyển giao sang thế hệ lãnh đạo thứ 3, với hành trang là kinh nghiệm, nền tảng truyền thống là Nghiên cứu và Thiết kế, chắc chắn Viện NCTK Trường học sẽ gìn giữ và tiếp tục khẳng định vị thế của thương hiệu, vững chắc bước tiếp trên con đường hội nhập và phát triển gắn bó với những ngôi trường của tương lai.p