Tôn vinh sáng tạo kiến trúc Việt Nam – Giải thưởng kiến trúc quốc gia lần thứ 16 (2024-2025)

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) lần thứ 16 (2024-2025) đã vinh danh 53 tác phẩm xuất sắc, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình tôn vinh sáng tạo kiến trúc Việt Nam. Đây là giải thưởng cấp quốc gia cao quý nhất trong lĩnh vực kiến trúc, được nhà nước công nhận, tổ chức định kỳ hai năm một lần bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Giải thưởng không chỉ thúc đẩy sáng tạo, tôn vinh tác giả và tác phẩm xuất sắc mà còn định hướng phát triển nền kiến trúc Việt Nam, nâng cao nhận thức cộng đồng về kiến trúc.

Kỳ Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ 16 đặc biệt ghi dấu ấn với số lượng tác phẩm tham gia cao kỷ lục, lên tới 239 tác phẩm thuộc 5 hạng mục chính, và được Hội đồng chuyên môn đánh giá đạt chất lượng cao. Sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng các tác phẩm dự thi tại GTKTQG 2024-2025 được xem là một chỉ báo quan trọng về sự phát triển chung của đất nước, thúc đẩy sự đầu tư vào thiết kế kiến trúc, khuyến khích sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới.

Dấu ấn GTKTQG 2024-2025: Bức tranh toàn cảnh sáng tạo

Với số lượng tác phẩm tham dự cao nhất qua các kỳ, GTKTQG 2024-2025 đã minh chứng rõ nét cho sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ của ngành kiến trúc trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.

Hội đồng GTKTQG 2024-2025 gồm 19 thành viên, là các chuyên gia, nhà quản lý, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm từ Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cùng với sự tham gia đặc biệt của hai chuyên gia quốc tế uy tín cao đến từ Vương quốc Bỉ và Cộng hòa Italy. Quá trình chấm giải diễn ra trong nhiều ngày làm việc theo nhóm chuyên ngành và hai ngày làm việc tập trung, với tinh thần khoa học, công tâm, khách quan. Hội đồng đã nghiên cứu hồ sơ, phân tích, thảo luận và tranh biện kỹ lưỡng theo quy chế thống nhất để chọn ra 53 tác phẩm xuất sắc.

Điểm nhấn đặc biệt của kỳ giải này là việc trao Giải thưởng Lớn sau 10 năm chờ đợi. Công trình “Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam” tại Hà Nội (hoàn thành năm 2024) đã xuất sắc giành Giải thưởng Lớn, với số phiếu lựa chọn gần như tuyệt đối từ Hội đồng. Đây là một sự ghi nhận xứng đáng cho một sáng tạo kiến trúc đã thể hiện thành công bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Công trình với sự đóng góp của các KTS Việt Nam và Nhật Bản đã góp phần khẳng định kiến trúc Việt Nam đã và đang vươn mình ra thế giới, không chỉ tiếp thu tinh hoa quốc tế mà còn khẳng định dấu ấn riêng. Cùng với đó, sự kết hợp giữa các KTS hai nước càng cho thấy Giải thưởng có môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích sự hợp tác quốc tế và trao đổi kiến thức, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho các dự án kiến trúc đẳng cấp toàn cầu.

Hội đồng GTKTQG năm nay đã thống nhất nhận định rằng các tác phẩm tham gia năm nay ở mọi loại hình đều có sự tiến bộ rõ rệt về chất lượng, đa dạng về thể loại, phong phú về hình thái. Điều này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong thời kỳ hội nhập và công nghiệp văn hóa được đẩy mạnh, cho thấy hướng kết nối bản sắc – hiện đại – hội nhập của kiến trúc Việt Nam hiện nay đang đi đúng hướng. Theo đó, 5 hạng mục Giải thưởng bao gồm:

Kiến trúc Nhà ở

Hạng mục Kiến trúc Nhà ở, với 81 tác phẩm dự thi, tiếp tục cho thấy sự quan tâm sâu sắc đến việc giải quyết hiệu quả công năng đa dạng cho từng đối tượng sử dụng, đảm bảo tiện nghi và an toàn. Các thiết kế đặc biệt chú trọng khía cạnh xanh, sinh thái, hài hòa giữa con người với thiên nhiên và môi cảnh, đồng thời vẫn giữ được sự gần gũi với văn hóa ở của người Việt. Yếu tố thẩm mỹ cũng được đáp ứng tốt các tiêu chí đề ra.

Loại hình nhà ở riêng lẻ luôn có sự tham gia đông đảo tác phẩm hơn, với nhiều sáng tạo thú vị, thể hiện sự đặc thù cho các địa hình, ô phố, vùng nông thôn và ven đô, tạo nên một bức tranh phong phú và đặc sắc. Tuy nhiên, một điểm còn hạn chế được chỉ ra là số lượng tác phẩm tham gia ở loại hình nhà ở chung cư và nhà ở xã hội vẫn khá khiêm tốn, tính đại diện chưa cao, mặc dù đây là những loại hình rất cần thiết cho sự phát triển đô thị tương lai và việc phổ cập nhà ở cho người dân.

 Kiến trúc Công cộng

Hạng mục Kiến trúc Công cộng là hạng mục đem đến sự hấp dẫn và đa dạng nhất, với 77 tác phẩm tham gia, bao gồm các công trình thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng, trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa, xã hội cho đến kiến trúc công nghiệp và công trình bảo tồn thích ứng. Các tác phẩm tham dự hạng mục năm nay đáp ứng kỳ vọng của giới nghề và xứng tầm với sự quan tâm lớn của xã hội. Nhiều thiết kế trong hạng mục này thể hiện tư duy đột phá, tiếp cận kịp thời các tư tưởng, kỹ thuật, công nghệ và vật liệu ở cấp độ thế giới. Đặc biệt, các tác phẩm chú trọng đáp ứng các tiêu chí của các xu hướng tiến bộ như kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, đồng thời kết nối tốt với tính bản địa. Phần lớn các công trình đã tạo được cảm hứng tinh tế về hình khối, sử dụng chất liệu và vật liệu thích ứng, mang lại hiệu quả cao và phục vụ tốt cho đa số người dân.

Kiến trúc Nội – Ngoại thất, Cảnh quan và Thiết kế Đô thị

Với 34 tác phẩm tham gia, hạng mục này cho thấy sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các lĩnh vực thiết kế bổ trợ cho kiến trúc công trình.
● Thiết kế Nội thất: Các tác phẩm nội thất đã cho thấy sự ngày càng phát triển ở Việt Nam, với sự tương đối đa dạng về thể loại – phong cách từ truyền thống đến hiện đại và giao thoa. Trong đó, nhiều thiết kế đã mang tính chuyên môn sâu, có chú ý đến từng bố cục không gian, tổ chức ánh sáng, ưu tiên vật liệu địa phương, phù hợp với công năng sử dụng, có phương pháp tư duy từ tổng thể đến chi tiết, từ chất liệu không gian đến đồ đạc – thiết bị, kết hợp trang trí nghệ thuật… tạo cảm nhận sinh động, giàu xúc cảm cho người sử dụng.
● Thiết kế Cảnh quan: Lĩnh vực này đang dần được chú trọng ở Việt Nam, điều đó cũng thể hiện tại kỳ này với 7 đồ án tham gia. Các đồ án bắt đầu thể hiện sự khởi sắc, đa dạng và có tìm tòi sáng tạo gắn với bản sắc riêng. Một số đồ án đã mang đến chất lượng đáng suy ngẫm.
● Thiết kế Đô thị: Tuy còn thưa thớt nhưng cũng thể hiện xu hướng đang được chú ý khai thác và tạo lập hiệu quả.
Sự phát triển và được công nhận của các hạng mục như thiết kế nội thất, cảnh quan và thiết kế đô thị cho thấy một sự chuyển dịch quan trọng trong nhận thức về kiến trúc tại Việt Nam, hướng tới việc tạo ra những không gian sống toàn diện, hài hòa và tích hợp vào bối cảnh đô thị lớn hơn.

Quy hoạch

Hạng mục Quy hoạch, với 29 đồ án góp mặt, mang đến một tín hiệu tốt về số lượng và sự đa dạng ở các thể loại đồ án quy hoạch. Các tác phẩm gửi dự giải đều cho thấy khả năng chọn lọc ý tưởng từ tư duy mới, chú ý lợi thế cảnh quan, bảo tồn và phát triển thiên nhiên, hướng tới phát triển bền vững cho con người, cố gắng tìm giải pháp cân bằng giữa phát triển và lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, truyền thống. Các đồ án quy hoạch đô thị được thực hiện khá bài bản, bắt đầu chú trọng giải quyết yêu cầu xanh, bền vững với những giải pháp tích hợp.

Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và nông thôn kỳ này cũng đã có đồ án tham gia riêng. Đặc biệt, có khá nhiều đồ án quy hoạch các khu chức năng có chất lượng tiến bộ, đáp ứng xu thế thời đại, tạo sự đồng cảm và lan tỏa với đời sống cộng đồng.

Việc công trình “Tái thiết Làng Nủ và làng Nậm Tông” (Lào Cai – Năm 2024), một dự án tập trung vào tái thiết và phát triển nông thôn, đạt Giải Vàng trong hạng mục Công trình Kiến trúc Đặc biệt là một minh chứng rõ ràng cho định hướng này.

Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình Kiến trúc

Hạng mục Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình kiến trúc có số lượng tham dự khiêm tốn hơn các kỳ trước với 12 tác phẩm dự giải. Tuy nhiên, các tác phẩm vẫn đảm bảo được yếu tố khá đồng đều về hàm lượng khoa học, thể hiện sự nghiên cứu công phu, đa dạng về nội dung và đề tài. Có tác phẩm mang tính ứng dụng vào thực tiễn tốt, là nguồn tham khảo hữu hiệu cho các kiến trúc sư hành nghề.

Mặc dù số lượng tác phẩm trong hạng mục này còn khiêm tốn, nhưng chất lượng và giá trị ứng dụng của chúng lại được đánh giá cao, cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng một nền tảng tri thức vững chắc cho ngành kiến trúc.

Kiến trúc Việt Nam trong kỉ nguyên mới

Chia sẻ tại Lễ trao GTKTQG 2024-2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến trúc trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có từ biến đổi khí hậu, thiên tai đến quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Ông khẳng định: “Kiến trúc Việt Nam đang đứng trước sứ mệnh lịch sử – Kiến tạo những không gian sống an toàn, bền vững và giàu bản sắc. Các công trình kiến trúc không chỉ cần đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ và công năng mà còn phải trở thành những giải pháp tiên phong, ứng phó với các vấn đề cấp bách, đồng thời góp phần xây dựng các đô thị thông minh và nông thôn hiện đại, giàu bản sắc văn hóa Việt”.

Để hiện thực hóa sứ mệnh này, Phó Thủ tướng đã đưa ra ba nhiệm vụ trọng tâm cho Hội KTS Việt Nam và các KTS trên cả nước:

  • Thứ nhất, tham gia tích cực vào việc tham mưu chính sách: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và quản lý đô thị. Mục tiêu là phát triển đô thị, nông thôn theo quy hoạch, có kế hoạch, định hình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, tạo không gian thuận lợi để các nhà kiến trúc sáng tạo, chuyển tải các giá trị truyền thống và thời đại vào bộ mặt đô thị, nông thôn. Các chuyên gia, KTS phải có ý thức cao trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tham gia từ quá trình quy hoạch tổng thể đến thiết kế, thi công các công trình cụ thể để đảm bảo ngôn ngữ kiến trúc thống nhất, bổ trợ lẫn nhau;
  •  Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kiến trúc xanh và bền vững: Chú trọng sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo và các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và Internet vạn vật (IoT) để thiết kế những công trình thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và an toàn trước thiên tai;
  • Thứ ba, đóng góp trí tuệ vào quy hoạch đô thị và phát triển nhà ở xã hội: Đề xuất các giải pháp giảm giá thành xây dựng, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội sống trong những không gian an toàn, tiện nghi và nhân văn. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các phương án kiến trúc, giải pháp công trình an toàn, bền vững, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, thiên tai.

Đồng thời, Chính phủ cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển nền kiến trúc Việt Nam đặc sắc, hiện đại, thông qua các chính sách minh bạch, khuyến khích đổi mới sáng tạo và hỗ trợ ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong kiến trúc.

TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo GTKTQG 2024-2025 đã khẳng định Giải thưởng kỳ này đã thành công vượt bậc trong việc truyền cảm hứng và kỳ vọng tạo nhiều hứng khởi cho hy vọng về một nền Kiến trúc Việt Nam ngày mai càng tươi sáng. GTKTQG không chỉ ghi nhận nỗ lực của giới kiến trúc sư trong sự nghiệp xây dựng đất nước mà còn khích lệ tư duy sáng tạo theo xu hướng tiến bộ và trách nhiệm xã hội của các thế hệ kiến trúc sư: “Giải thưởng góp phần chuyển biến trong xã hội, giúp toàn cộng đồng hiểu rõ về vai trò, bản chất văn hóa, xã hội của kiến trúc trong đời sống. Thành công của giải thưởng là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự phối hợp của các cơ quan đồng tổ chức, các chuyên gia, nhà đồng hành, cơ quan báo chí truyền thông, và đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của các tác giả cùng sự ủng hộ của các chủ đầu tư.”

Khẳng định vị thế và Vươn tầm tương lai

GTKTQG lần thứ 16 (2024-2025) đã khép lại với những dấu ấn sâu sắc, không chỉ là sự kiện tôn vinh những thành tựu nổi bật mà còn là một diễn đàn quan trọng để định hình tương lai của kiến trúc Việt Nam. Số lượng tác phẩm kỷ lục và chất lượng vượt trội đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của ngành, phản ánh rõ nét quá trình đổi mới, hội nhập và vươn mình của đất nước.

Những công trình đạt giải, đặc biệt là Giải thưởng Lớn – Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đã minh chứng cho khả năng kết hợp hài hòa giữa bản sắc văn hóa dân tộc sâu sắc và tinh hoa kiến trúc thế giới. Điều này cho thấy kiến trúc Việt Nam đang trên đà hội nhập một cách chủ động và có chọn lọc, không hòa tan mà vẫn giữ vững cốt cách riêng. Sự tham gia của các chuyên gia quốc tế trong Hội đồng giám khảo và sự công nhận các tác phẩm có yếu tố hợp tác quốc tế càng củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ kiến trúc toàn cầu.

Các định hướng từ Chính phủ đã phác thảo một lộ trình rõ ràng cho ngành kiến trúc: Tiên phong trong tham mưu chính sách, đẩy mạnh kiến trúc xanh và bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến và đóng góp vào quy hoạch đô thị cùng phát triển nhà ở xã hội. Đây là lời hiệu triệu mạnh mẽ để giới KTS tiếp tục cống hiến, đổi mới và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, kiến tạo những kiệt tác kiến trúc mang dấu ấn Việt Nam, không chỉ là niềm tự hào quốc gia mà còn là biểu tượng của sự vươn mình sánh vai với các cường quốc năm châu.

GTKTQG 2024-2025 không chỉ là sự công nhận cho những tác phẩm xuất sắc mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của KTS đối với xã hội, môi trường và tương lai bền vững của đất nước. Với tài năng, tâm huyết và khát vọng, giới KTS Việt Nam chắc chắn sẽ tạo nên những di sản trường tồn cho các thế hệ mai sau.

Kết quả Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ 16 (2024-2025) xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/ket-qua-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-2024-2025.html

 

 

 

 

 

 


Giải Thưởng Lớn

Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam – Biểu tượng khát vọng hòa bình và tự cường  

Công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại Hà Nội đã vinh dự đạt Giải thưởng Lớn – Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025, hạng mục Kiến trúc Công cộng. Được thiết kế bởi Công ty Nikken Sekkei LTD, với nhóm KTS chủ trì: Hiroshi Miyakawa, Trịnh Việt A, Michio Oizumi, Nguyễn Đình Đông và Gen Sugiyama, công trình này không chỉ là một bảo tàng đồ sộ mà còn là một biểu tượng kiến trúc mang giá trị lịch sử và giáo dục sâu sắc.

Tọa lạc trên diện tích 38.6 ha tại Tây Mỗ, Đại Mỗ, Bảo tàng mới sở hữu không gian rộng rãi, tạo điều kiện lý tưởng để hình thành một “bảo tàng trong công viên”, mang đến những trải nghiệm không gian độc đáo cho du khách. Hội đồng Giải thưởng đánh giá cao công trình về quy mô đầu tư, chất lượng thiết kế, thi công và đặc biệt là ý nghĩa biểu tượng.

  • Điểm nhấn kiến trúc và triết lý thiết kế:
    • Biểu tượng “Nỏ thần An Dương Vương”: Ý tưởng thiết kế độc đáo lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Nỏ thần An Dương Vương” đã tạo nên một biểu tượng mạnh mẽ cho lịch sử chống ngoại xâm, lòng tri ân và yêu nước của người Việt Nam;Kiến trúc đơn giản, uy nghiêm: Mặt tiền được tạo nên từ dãy cột vô cùng tinh giản, gợi lên cảm giác uy nghiêm và tôn kính. “Chỉ với một chiếc trụ nhưng người kiến trúc sư tạo nên cả một ngôi đền,” đây là nhận định của Hội đồng, thể hiện sự chắt lọc về ngôn ngữ kiến trúc nhưng vẫn truyền tải được ý nghĩa sâu sắc;
  • Kết nối cảnh quan hài hòa: Tổng mặt bằng quy hoạch kết nối hợp lý công trình bảo tàng với cảnh quan xung quanh như một công viên. Các lối vào đa dạng và đường hậu cần được che chắn khéo léo, đảm bảo vận hành hiệu quả mà vẫn giữ được tính thẩm mỹ và sự kết nối không gian cho khách tham quan;
  • Ba cửa ngõ “Đất, Biển, Trời”: Công trình được thiết kế dựa trên ý tưởng về ba yếu tố cấu thành lãnh thổ quốc gia và ba lực lượng quân đội. Từ mặt nước biểu tượng “Cửa Biển”, đến triền đồi xanh “Cửa Đất” nâng công trình chính, và cuối cùng là tòa nhà Bảo tàng vươn lên “Cửa Trời” tự do, tạo nên một hành trình khám phá lịch sử đầy cảm xúc;
  • Không gian bán mở và vật liệu thô mộc: Kiến trúc tòa nhà được kiến tạo bởi một cụm mái vòm lớn, tạo nên những không gian bán mở thông thoáng, phù hợp với khí hậu nhiệt đới, đồng thời tiết kiệm năng lượng. Nội thất khu vực trưng bày sử dụng bê tông trần thô mộc, tôn thêm giá trị của các vật phẩm trưng bày. Sự kết hợp hài hòa nội – ngoại thất và các tác phẩm nghệ thuật tạo hình đã tạo ra những không gian sinh động, hiện đại.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một công trình mang tầm vóc Quốc gia, không chỉ là nơi lưu giữ và trưng bày hiện vật mà còn là một tác phẩm kiến trúc biểu tượng, truyền tải câu chuyện lịch sử hào hùng và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.


Giải Vàng

“Tái thiết Làng Nủ và Nậm Tông” – Kiến tạo không gian sống bền vững tại Lào Cai

Công trình “Tái thiết Làng Nủ và Nậm Tông” tại Lào Cai, do KTS Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Xuân Ngọc, Vũ Xuân Sơn và cộng sự (Công ty CP Kiến trúc Xây dựng quốc tế 1+1>2; Viện Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng – Sở Xây dựng Lào Cai) thiết kế, đã vinh dự đạt Giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 ở hạng mục Kiến trúc công cộng. Dự án tái định cư rộng 10 ha này không chỉ kiến tạo một ngôi làng mới gồm 40 nhà sàn, nhà sinh hoạt cộng đồng và điểm trường mà còn là một điển hình về quy hoạch tôn trọng tự nhiên và kế thừa văn hóa bản địa.Khu tái định cư Làng Nủ mới cách Làng Nủ cũ 2km, được quy hoạch trên vùng đồi sim hiện trạng, với phương châm san gạt tối thiểu và bảo vệ thảm thực vật có giá trị. Tổng thể lấy Nhà Văn hóa, sân cộng đồng và điểm trường làm hạt nhân trung tâm, đồng thời phân bố các khu ở thành các cụm dân cư nhỏ theo truyền thống của người Tày. Các tuyến giao thông nương theo địa hình, kết nối với những sân nhỏ chung để ngắm cảnh, tạo nên sự phong phú tự nhiên và giảm thiểu tác động đến cảnh quan.

Giải pháp nhà ở và nhà sinh hoạt cộng đồng tiếp biến nhà sàn người Tày bản địa, đặc biệt là nhà sàn “con song bốn bức” vùng Bảo Yên. Công trình ứng dụng giải pháp móng rễ cây thích ứng và toàn bộ cấu kiện dầm, cột, sàn, tấm tường ALC được thiết kế thành các cấu kiện lắp ghép sản xuất tại nhà máy. Điều này không chỉ giúp thi công thần tốc mà còn đảm bảo chất lượng và tính thẩm mỹ.

Các ngôi nhà mang đặc trưng truyền thống với mái xòe rộng, 3 gian, hành lang quanh nhà và hệ vì kèo thép mô phỏng kết cấu gỗ. Nhà sinh hoạt cộng đồng với không gian đa năng, mái kênh lên đón ánh sáng và thông gió tự nhiên, cùng vì kèo thép khai thác hoa văn trang trí dân tộc Tày. Điểm trường được thiết kế màu sắc sinh động, cửa sổ nhấp nhô và phần kênh mái giúp thông gió, lấy sáng, tạo nên không gian học tập hấp dẫn và ấm cúng cho trẻ nhỏ.

“Tái thiết hai khu Làng Nủ và Nậm Tông” là một dự án đầy ý nghĩa, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và bản sắc văn hóa, tạo ra một không gian sống bền vững, thân thiện và giàu tính cộng đồng cho người dân vùng cao.


“Cà phê Xã” – Không gian cộng đồng giữa lòng Buôn Ma Thuột

Công trình “Cà phê Xã” tại Đắk Lắk, được thiết kế bởi các KTS: Vũ Tiến An, Phạm Quốc Hiệp, Bùi Diễm Quỳnh (TAD Atelier), đã xuất sắc giành Giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 ở Hạng mục Kiến trúc công cộng. Tọa lạc tại xã Cư Ebur, ngoại ô Buôn Ma Thuột, nơi nếp sống cộng đồng vẫn được gìn giữ, công trình này không chỉ là một quán cà phê thương mại mà còn là một không gian xã hội ý nghĩa, tôn vinh tinh thần đặc trưng của địa phương.Trên diện tích đất 463m², “Cà phê Xã” được định hình để duy trì sự hài hòa với nếp sinh hoạt của cư dân xóm Đạo, đồng thời thích ứng với quá trình đô thị hóa. Mục tiêu của nhóm thiết kế là tạo ra một điểm gặp gỡ, giao lưu, tăng cường sự gắn kết và tương tác xã hội trong cộng đồng.

Giải pháp thiết kế của “Cà phê Xã” chú trọng tính “xã” thông qua mô hình mở, kế thừa thói quen sinh hoạt “cà phê cóc” lấp lửng trong ngoài của người dân bản địa. Công trình sử dụng cấu trúc nhẹ, rỗng xốp vốn đã tự có trong nếp sống cư dân, tạo nên các không gian liên kết, đa dạng công năng. Vật liệu địa phương được ưu tiên sử dụng, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa.

Sự tương quan giữa kiến trúc và cảnh quan, cùng với giải pháp điều hòa vi khí hậu thông minh, đã tạo nên một không gian hài hòa, bền vững và thân thiện với môi trường. “Cà phê Xã” là một minh chứng sống động cho việc kiến trúc có thể vượt lên vai trò kinh tế, trở thành một không gian công cộng ý nghĩa, góp phần bảo tồn và làm phong phú thêm những giá trị văn hóa nơi chốn.


“The Park” – Bản giao hưởng giữa Kiến trúc và Thiên nhiên

The Park không chỉ là một công trình kiến trúc công cộng đơn thuần mà còn là một tuyên ngôn về sự hài hòa giữa con người và cảnh quan tự nhiên tại Nghệ An. Được thiết kế bởi đội ngũ KTS của Công ty TNHH Mia Design Studio, dẫn dắt bởi KTS Nguyễn Hoàng Mạnh và Nguyễn Hồng Quân, công trình đã xuất sắc giành Giải Vàng tại Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ 16, khẳng định triết lý thiết kế bền vững và giàu cảm xúc.

Với diện tích hơn 6.300 m², “The Park” được kiến tạo từ những khối hình đan xen tinh tế, tạo nên những lát cắt không gian linh hoạt và điểm nhấn thị giác cuốn hút. Sự mạch lạc và uyển chuyển trong tổng thể hình khối đã biến công trình thành một tác phẩm điêu khắc giữa lòng thiên nhiên.

Điểm nổi bật của “The Park” nằm ở triết lý thiết kế bền vững. Các cấu trúc dạng lưới gỗ không chỉ mang lại vẻ ngoài ấm áp mà còn tối ưu hóa hiệu suất môi trường, kiểm soát vi khí hậu và cải thiện hiệu quả năng lượng. Mái nhà xanh được triển khai thông minh, giúp hấp thụ và quản lý nước mưa, đồng thời điều hòa nhiệt độ, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.

Đặc biệt, công trình đề cao việc bảo tồn hệ sinh thái hiện hữu, giữ gìn những cây xanh nguyên bản bằng rào chắn rễ và hàng rào bảo vệ. Vật liệu tái chế và có nguồn gốc địa phương, đặc biệt là gỗ, được ưu tiên sử dụng, tạo nên sự hòa quyện tuyệt đối với cảnh quan. Gỗ không chỉ mang tính cấu trúc mà còn kiến tạo không gian nội thất ấm cúng, kết nối liền mạch với bên ngoài qua những ô cửa lớn.

Hệ thống chiếu sáng ban đêm tại “The Park” được thiết kế tỉ mỉ, tạo môi trường an toàn, mời gọi và đầy tính thẩm mỹ. Ánh sáng tự nhiên cũng được tối đa hóa nhờ các ô cửa lớn và cách bố trí không gian chiến lược.

“The Park” là minh chứng sống động cho tư duy kiến trúc hiện đại, nơi sự sáng tạo hòa quyện cùng trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Công trình không chỉ là một không gian chức năng mà còn là tác phẩm kiến trúc truyền cảm hứng về một tương lai bền vững, nơi thiên nhiên và con người cùng tồn tại hài hòa.


Grand Mercure Hotel – 5 sao – Nơi bản sắc Việt thăng hoa trong lòng Hà Nội 

Khách sạn Grand Mercure Hotel – 5 sao tại Hà Nội, một công trình của thương hiệu Accor nổi tiếng toàn cầu, đã xuất sắc giành Giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 ở hạng mục Kiến trúc công cộng. Được thiết kế bởi KTS Lê Trương, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Thành Trung, Trần Ngọc Anh, Phạm Thị Thu Trang, Lê Tùng và cộng sự (Công ty Kiến trúc Xây dựng TTA-Partners), công trình này không chỉ là một khách sạn cao cấp mà còn là một tuyên ngôn về sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và giá trị văn hóa bản địa.

Tọa lạc trên khu phố cổ, cách Văn Miếu – Quốc Tử Giám chỉ 200m và gần các trung tâm chính trị quan trọng, Grand Mercure Hotel mang phong cách hiện đại với sự kết hợp tinh tế của kính, gỗ nhân tạo và tấm ốp kim loại. Đặc biệt, bề mặt ngoại thất công trình là sự tổ hợp nghệ thuật của mảng, tấm và thanh, tạo nên một mô-típ đặc trưng của kiến trúc truyền thống đồng thời góp phần ngăn cản tối đa bức xạ mặt trời từ hướng Đông và Tây, mang lại hiệu quả năng lượng.

Toàn bộ không gian nội thất khách sạn là một dòng chảy kết nối đậm chất Đông Dương – Boutique. Nhóm tác giả đã khéo léo lấy cảm hứng từ hình ảnh cây lúa – hạt thóc, vốn là biểu tượng văn hóa sâu sắc của Việt Nam và các nước ASEAN. Hình ảnh này được khai thác, cách điệu và lan tỏa một cách tinh tế trong mọi không gian, từ sảnh, nhà hàng, ballroom, phòng ở cho đến những chi tiết nhỏ nhất như sàn, tường, trần, đèn và thảm trang trí.

Sự kết hợp giữa ý niệm, màu sắc, chất cảm của tự nhiên (đất, nước, ruộng bậc thang) cùng những motip trang trí truyền thống, hệ cửa bức bàn, bậc thềm hay màu đỏ đặc trưng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tạo nên những nguyên liệu quý giá cho sự sáng tạo. Đặc biệt, các sản phẩm nội thất là cơ hội để tôn vinh sự khéo léo của thợ thủ công Việt Nam, với các tác phẩm Gò Đồng, Sơn mài, chế tác Gỗ, Kim loại và Gốm truyền thống từ các làng nghề, mang đến vẻ đẹp khác biệt và độc đáo cho khách sạn.


Nhà ga T2 – Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài – Khát vọng vươn tầm từ di sản Huế 

Công trình Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài tại Thừa Thiên Huế, được thiết kế bởi nhóm KTS Kyo Ariyoshi, Nguyễn Đăng Quang, Hiroyuki Enomoto, Phạm Tiến Thắng và cộng sự (Liên danh Azusa – Coninco), đã xuất sắc giành Giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 ở Hạng mục Kiến trúc công cộng. Đây là một công trình mang tính biểu tượng, không chỉ phục vụ kết nối kinh tế – du lịch – văn hóa mà còn thể hiện tầm nhìn kiến trúc hướng tới tương lai.

Với tổng diện tích 25 ha, Nhà ga T2 được quy hoạch và thiết kế để đáp ứng nhu cầu hành khách hiện tại và linh hoạt mở rộng trong tương lai. Điểm nhấn kiến trúc độc đáo của công trình là ngoại thất lấy cảm hứng từ kiến trúc Cung điện Huế. Hình tượng các lớp mái chồng xếp vươn xa được cách điệu một cách hiện đại, tạo nên một diện mạo ấn tượng, vừa mang tính đặc trưng của một nhà ga quốc tế, vừa gợi lên vẻ đẹp cổ kính mà vẫn thanh thoát của kiến trúc cung đình Huế vút cao lên bầu trời. Thiết kế này thể hiện khát vọng vươn lên và hội nhập của Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh yếu tố thẩm mỹ, công trình còn tối ưu hóa công năng và trải nghiệm cho hành khách. Không gian bên trong nhà ga, được lấy cảm hứng từ văn hóa Việt Nam, chào đón nồng nhiệt ở Sảnh đến và Khu vực đường tầng. Mái đua lớn không chỉ che chắn hiệu quả những cơn mưa đặc trưng của Huế mà còn tạo không gian mở, thoáng đãng. Ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối đa qua hệ thống lưới tản nhiệt bằng gỗ, chiếu sáng bề mặt bể cảnh trên sân hiên, mang lại cảm giác thư thái và dễ chịu.

Ths. KTS. Nguyễn Ánh Dương
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2025)