Đà Nẵng và cơ hội xây dựng Thành phố thông minh?

Đô thị thông minh trong xã hội tri thức

Chỉ trong vòng vài thập niên nữa, 2/3 loài người sẽ sinh sống tại các thành phố. Đó vừa là một triển vọng đáng phấn khởi nhưng đồng thời cũng là những thách thức và nỗi lo. Nói về thời điểm tập trung phát triển “Thành phố Thông minh” (Smart City), thì đó chính là lúc này.
Dân số gia tăng với tốc độ nhanh tạo ra nhu cầu ngày càng lớn đối với cơ sở hạ tầng đô thị với các dịch vụ thiết yếu như giao thông, y tế, giáo dục và an ninh công cộng; đồng thời với các nhu cầu luôn thay đổi của công chúng, đòi hỏi phải có nền giáo dục tốt hơn, các chương trình “xanh hơn”, chính quyền dễ tiếp cận, nhà cửa giá rẻ…

Thay thế cơ sở hạ tầng đô thị hiện có thường là không thực tế về mặt thời gian và chi phí. Tuy nhiên, với những tiến bộ gần đây trong công nghệ, chúng ta có thể đưa trí tuệ mới vào cơ sở hạ tầng hiện có của mình. Nghĩa là chúng ta sẽ số hóa và kết nối các hệ thống, sao cho chúng có thể nhận biết, phân tích, tích hợp dữ liệu, và đáp ứng thông minh với nhu cầu trong phạm vi chức năng của chúng. Tóm lại, chúng ta có thể mang lại sức sống mới cho các hệ thống, để chúng có thể hoạt động hiệu quả hơn. Trong tiến trình đó, các thành phố có thể phát triển và duy trì chất lượng cuộc sống cho cư dân của mình.

Trong quá trình tiến vào nền kinh tế tri thức, mỗi quốc gia tiên tiến đều xây dựng các hạ tầng thông minh trên nền tảng, cơ sở của một số hệ thống cốt lõi – gồm các cấu trúc hạ tầng, các mạng lưới thông tin, và truyền thông và công tác môi trường – xem như các yếu tố trung tâm để điều hành và phát triển đất nước, cụ thể là: Các dịch vụ công, khối doanh nghiệp, công dân, giao thông vận tải, thông tin truyền thông, nước và năng lượng.
Trong bối cảnh phát triển đó, những “Thành phố thông minh” (Smart City) sẽ xuất hiện làm đầu tàu phát triển kinh tế cho từng vùng miền, đất nước và cả khu vực. Chúng phát triển dựa trên 6 trục hoặc độ đo chính, căn cứ trên tính thông minh về: Kinh tế, tính lưu động (mobility), môi trường, nhân dân, lối sống (living), trị lý (governance).

Năng lực cạnh tranh đô thị như vậy cũng sẽ dựa trên các yếu tố sau: Thế cạnh tranh vùng, vận chuyển, công nghệ thông tin và truyền thông CNTT-TT (ICT, Information and Communication Technologies), nguồn vốn con người và xã hội, sự tham dự của công dân vào việc trị lý đô thị. Tất cả đều hướng tới mục tiêu sau cùng là tạo sự phát triển kinh tế bền vững.

Vai trò then chốt của CNTT-TT

Để đạt được những kết quả đó, các hệ thống đô thị phải được vận hành đồng bộ, cải tiến liên tục, phải luôn hiệu quả hơn và thông minh hơn. Trong bối cảnh đó, sự lan toả của ngành công nghệ thông tin và truyền thông, bao gồm chính phủ điện tử (e-gov), thương mại điện tử (e-commerce), xây dựng điện tử (e-construction), cộng đồng điện tử (e-community)… có những khả năng thần kỳ giúp đáp ứng các nhu cầu này và đẩy mạnh nền kinh tế tri thức, phục vụ cho lợi ích quốc gia qua ICT theo các bước như sau:

  • Số hoá (Instrumentation/Digitization): Tin học hóa toàn bộ hệ thống công việc, điều hành của một quốc gia, chuyển tất cả các hoạt động thành những dữ liệu và đo đếm được. Vào năm 2010, đã có khoảng 1 tỷ giao dịch số (bán dẫn), làm cơ sở phát triển của kỷ nguyên số cho mỗi con người trên trái đất.
  • Liên thông (Interconnection): Toàn bộ các bộ phận của hệ thống cốt lõi quốc gia có thể nối kết, thông tin và trao đổi được với nhau. Biến đổi các dữ liệu thành những tập thông tin liền lạc, đồng bộ và kiểm soát được.
  • Tri thức hóa (Intelligence): Khả năng sử dụng các tập hợp thông tin quốc gia đã được tạo ra để phục vụ cho việc sáng tạo, mô hình hóa và chuyển chúng thành tri thức tiên tiến, hiện đại. Tiến hành các hành động cụ thể để biến các sản phẩm ICT nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển của con người.

Kinh nghiệm của Singapore trong 3 thập niên vừa qua là một tấm gương về cách thức xây dựng lên một quốc gia tri thức trên nền tảng ICT. Từ chỗ thua thiệt về tài nguyên và nguồn lực, lãnh đạo Singapore đã biết sử dụng những đầu tư đột phá vào công nghệ cao hiện đại hóa, tri thức hóa để thu hút nhân tài của cả thế giới. Singapore đã phát triển nền kinh tế một cách toàn diện, nâng cấp chất lượng sản phẩm/dịch vụ quốc gia, tiến tới việc đưa ra những phát minh, sáng tạo thông minh bậc nhất trên hành tinh này.

Các hệ thống hạ tầng cốt lõi và các mối quan hệ nằm trong khung chiến lược và trị lý đô thị

Đà Nẵng – mô hình “thành phố thông minh”

Theo đánh giá của hầu hết các chuyên gia phát triển cả trong lẫn ngoài nước thì Đà Nẵng đang hội đủ điều kiện để trở thành một “Thành phố thông minh” đi đầu cả nước, có tầm cỡ ở Đông Nam Á. Từ vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lực trí tuệ và xã hội dồi dào, năng lực trị lý đô thị mạnh dạn hiện nay, thành phố này đang phát triển theo hướng bền vững của xã hội tri thức thế giới. Tập đoàn công ty công nghệ thông tin hàng đầu Mỹ IBM đã từng tiếp cận đề xuất giải phóng “thành phố thông minh” cho Đà Nẵng.

Các chuyên gia đều khẳng định Việt Nam chưa thể có ngay các thành phố hiện đại, tuy nhiên, nếu muốn tạo ra những công trình thông minh, cơ quan chính phủ, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ, quy hoạch đô thị và phát triển bất động sản phải có kế hoạch cụ thể ngay từ bây giờ.
Nhiều cao ốc đang được xây dựng tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Việc quản lý chi phí hoạt động, nguồn năng lượng, thông tin liên lạc, an ninh, bảo trì vận hành… là mối quan tâm của tất cả các chủ đầu tư và người dân sống trong đó. Lên kế hoạch triển khai các giải pháp đồng bộ, tổng thể, lấy công nghệ thông tin làm nền tảng sẽ giúp đơn giản hóa việc giám sát, quản lý, tối ưu hóa lượng điện tiêu thụ.

Cộng đồng Thông minh + Kết nối (vẫn được gọi là giải pháp S + CC – Smart & Connected Community) là sáng kiến toàn cầu của tổ chức Cisco từ năm 2009, coi hệ thống mạng là nền tảng biến đổi các cộng đồng cơ học thành cộng đồng kết nối, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường một cách bền vững. Sáng kiến này mang lại giải pháp sáng tạo trong 9 lĩnh vực gồm: chính quyền, an toàn – an ninh, y tế, giáo dục, quản lý năng lượng, giao thông, bất động sản, thể thao – giải trí và bán lẻ.

Công trình thông minh FPT Complex

Công nghệ thông tin đang được coi là nền tảng để xây dựng lên những thành phố kết nối, nơi có các tòa nhà thông minh, tức mọi quy trình sẽ được điều khiển từ xa hoặc tự động hóa mà không cần đến sự can thiệp của con người.

Kinh nghiệm quốc tế rất nhiều: Khu kinh tế tự do Songdo, Incheon (Hàn Quốc), thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), Shah Alam (Malaysia), Florida và New York (Hoa Kỳ) là các ví dụ điển hình về “thành phố thông minh” với khả năng áp dụng công nghệ cao vào quản lý và sinh hoạt. Tại Việt Nam, Đà Nẵng cũng đang hướng đến áp dụng mô hình này.

Đà Nẵng ngày nay có đủ tiền đề để phát triển theo định hướng “thành phố thông minh”, tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ để sớm phát triển thành đô thị toàn cầu. Thành phố đang có những đặc trưng nổi bật như sau: Nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn đa quốc gia, tổ chức quốc tế, ngân hàng, hãng luật, công ty kiểm toán, sàn giao dịch chứng khoán; là nơi đăng cai nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế; có nhiều ngoại kiều, sinh viên quốc tế; có nhiều cơ sở văn hoá nổi tiếng và nhiều di sản thế giới; có kết cấu hạ tầng đầy đủ và hiện đại; xã hội có mức sống cao, thoải mái và an ninh. Như vậy, thành phố sẽ sớm trở thành đô thị toàn cầu kết nối với đô thị các nước thậm chí còn nhiều hơn với đô thị trong nước.

Nhà triển lãm

Xem thêm : Cách tiếp cận nào với thành phố thông minh

KTS Nguyễn Hữu Thái

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 6/2017)