Gặp gỡ mùa thu 2019: Tìm kiếm giải pháp kiến tạo nông thôn Việt Nam

Trong hai ngày 22-23/11/2019, hơn 400 KTS từ khắp các vùng miền đã đến với TP Hòa Bình tham dự Hội thảo Gặp gỡ Mùa thu 2019 với chủ đề: Kiến trúc với phát triển nông thôn. Là hoạt động chuyên môn được Hội KTS Việt Nam tổ chức thường niên, trong khuôn khổ Gặp gỡ Mùa thu 2019 đã diễn ra nhiều hoạt động như: Giao lưu giữa các Hội KTS địa phương, triển lãm mẫu nhà ở nông thôn… Nhân dịp này, với sự ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình, Hội KTS Hòa Bình cũng phối hợp tổ chức tham quan những làng, xã, địa danh tiêu biểu thuộc TP Hòa Bình.

Trong bức thư gửi Hội nghị đầu tiên của giới KTS Việt Nam năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc với kiến trúc nông thôn: “Chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa mà rẻ tiền…”. Chính vì thế, ngay từ khi mới thành lập, Hội KTS Việt Nam đã luôn coi trọng việc động viên giới nghề trên cả nước tham gia thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở các địa phương; công tác quy hoạch xã, huyện đã được triển khai, hạ tầng được đổi mới, giao thông cơ giới về đến từng nhà. Nhà cửa, công trình công cộng được xây dựng mới khang trang, sạch sẽ, sáng sủa và tiện nghi hơn.

Năm 2019, chính phủ và các địa phương tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cũng nhân dịp này, Hội thảo Gặp gỡ Mùa thu 2019 là dịp để nhìn lại những đóng góp của giới nghề trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Với sự tham gia của các KTS, các nhà quản lý, các chủ đầu tư, Hội thảo lần này hướng tới giới thiệu các điển hình phát triển nông thôn mới, mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn, mang lại giá trị về kinh tế và kiến trúc. Việc chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế và trong nước là những bài học kinh nghiệm đáng giá về việc tổ chức thực hiện và vai trò của KTS trong phát triển du lịch nông thôn và thiết kế kiến trúc nông thôn. Mặt khác, chủ đề của Hội thảo kỳ này – “Kiến trúc với phát triển nông thôn” đã trực tiếp nhắn gửi thông điệp của giới nghề đến với cộng đồng: Phát huy bản sắc văn hóa, thông qua hình ảnh kiến trúc và sinh hoạt văn hóa sẽ là động lực để phát triển kinh tế bền vững – Hướng đến xây dựng nông thôn mới hiện đại và đậm bản sắc.

Những thách thức trong phát triển kiến trúc nông thôn

Ngay trong tham luận đề dẫn hội thảo, TS.ThS.KTS Lã Thị Kim Ngân (Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam) đã nhận diện những thách thức và hạn chế trong phát triển nông thôn mới trong thời gian vừa qua: “Tổng kết 10 năm Chương trình phát triển nông thôn mới (NTM) dường như chỉ dừng lại ở các chỉ tiêu tăng trưởng mà các xã đạt được theo 19 tiêu chí nông thôn mới, chủ yếu chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội, tăng trưởng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội mà chưa phản ánh đầy đủ các chỉ số về chất lượng phát triển, đặc biệt về môi trường và các giá trị văn hóa (bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể) ở nông thôn.

Chất lượng sống, chất lượng các cơ sở văn hóa, chất lượng kiến trúc cảnh quan với các hoạt động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa ở địa phương; các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, các giá trị mới… Những vấn đề này thực sự đang là những thách thức trong bức tranh toàn cảnh về nông thôn ở nước ta.”

Các đại biểu tham dự hội thảo thống nhất quan điểm của KTS Lã Thị Kim Ngân: Kiến trúc góp phần tạo nên các giá trị cho vùng nông thôn. Tuy nhiên, điều này cũng gợi mở những băn khoăn về vai trò của KTS trong quá trình kiến tạo nông thôn. Theo KTS Nguyễn Văn Tất, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp, thì chúng ta hiện còn thiếu những định hướng và thừa ngộ nhận trong việc thiết kế kiến trúc nhà ở NTM đương đại: “Với nhà ở nông thôn, yêu cầu bản sắc và né tránh sự hiện diện thô bạo của kỹ thuật và vật liệu công nghiệp giúp tôi chiêm nghiệm về giá trị của sự hết lòng và chân thật với những cảm xúc của mình trong kiến trúc. Một kiến trúc thành công sẽ ra đời thật tự nhiên, thân thiện nhưng cũng mạnh mẽ, đúng như thiên nhien thứ hai, tỏa sáng lâu dài và nâng đỡ cuộc sống con người. Việc đưa ra các mẫu nhà cho các vùng nông thôn thì phải hiểu đó không phải là mẫu nhà đơn thuần mà là cả một chính sách về hệ sinh thái nhà ở nông thôn. Bất kỳ ngôi nhà nào cũng dính đến các mối quan hệ về hàng hóa, phân phối, trao đổi, lợi nhuận để huy động một lực lượng rất lớn trong xã hội cùng tham gia”.

Đó cũng là nhận định chung của Hội KTS Việt Nam – BTC Hội thảo Kiến trúc với phát triển nông thôn. Những hoạt động của Hội từ trước đến nay được đánh giá cao, sát với thực tế, những đề xuất ứng dụng được ngay và hiệu quả. Tuy nhiên, giới nghề cũng nhìn nhận: “Từ trước tới nay chúng ta mới làm chức năng của KTS là nghiên cứu kiến trúc truyền thống, bố cục, đặc tính của ngôi nhà và cụm nhà để người dân có nhà ở và làng có quy hoạch hợp lý, nhưng chưa giúp họ giảm nghèo và cải thiện mức sống.”

Không phải ngẫu nhiên, những thiết kế bởi cộng đồng, cùng với cộng đồng như: Bài học thực tiễn từ An Bàng (Hội An), homestay Út Trinh, những mô hình nhà ở cộng đồng ở khu vực miền núi phía Bắc, những thiết kế chú trọng yếu tố hiện đại – bản địa, vị nhân sinh của KTS Hoàng Thúc Hào, Đoàn Thanh Hà… đã đem đến những hướng đi mới cho việc phát triển kinh tế nông thôn – kiến trúc nông thôn theo hướng bền vững và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.

Kỳ vọng Kiến trúc trở thành quyền lực “mềm” trong phát triển nông thôn mới

Đó chính là quan điểm của ThS Ngô Tất Thắng – Phó Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối nông thôn mới TW. Là “người trong cuộc”, trực tiếp tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới, ThS Ngô Tất Thắng chia sẻ những thông tin về Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong phát triển kinh tế nông thôn bền vững, chiến lược giai đoạn 2021-2030. Ông cũng bày tỏ quan điểm: Hy vọng giới KTS trở thành một “quyền lực mềm”, tham gia tích cực hơn trong sự nghiệp phát triển nông thôn mới: “Nhóm sản phẩm du lịch trong chương trình OCOP chính là giải pháp hữu hiệu làm thay đổi cách nhìn nhận tích cực về thiên nhiên, đất nước, con người, kiến trúc – văn hóa, nông sản Việt Nam. Như vậy, phát triển du lịch nông thôn trong OCOP sẽ mang lại kỳ vọng cải tạo không gian sống cho người dân nông thôn, giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập ổn định. Từ yêu cầu xây dựng các làng văn hóa du lịch, xây dựng các trang trại thích ứng và phù hợp với công nghệ mới, cần thiết Hội KTS tham gia thực hiện các chiến lược quy hoạch tổng thể các huyện, xã; tham gia tư vấn thiết kế kiến trúc tổng thể các Làng VHDL, trước mắt tập trung 8 làng theo Quyết định 490. Cách thức tham gia các cuộc thi, lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất để đưa vào sử dụng.”

Những năm gần đây, Hội KTS Việt Nam với nhiều hoạt động thiết thực, khuyến khích giới nghề quan tâm và tham gia lĩnh vực nhà ở nông thôn. KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết: “Qua nghiên cứu khảo sát thực tế, Hội KTS Việt Nam nhận thức được lĩnh vực kiến trúc nông thôn gắn liền với năng lực sáng tạo của giới nghề. Với sự tham gia tư vấn nghề nghiệp của KTS, chúng ta có thể mang lại giá trị gia tăng cho từng ngôi nhà, mảnh ruộng, vườn rau cũng như tập quán sinh hoạt truyền thống của làng quê, làm cho mức sống của người dân nông thôn vùng sâu, vùng xa được cải thiện, từ bỏ cuộc sống đói nghèo và lạc hậu, đồng thời giữ gìn và phát huy được những giá trị của bản sắc văn hóa các vùng miền. Điều này không phải trong ngày một ngày hai, mà cần sự tham gia của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cộng đồng dân cư địa phương. Tôi tin tưởng rằng, giới KTS Việt Nam luôn sẵn sàng góp phần hiệu quả trong quá trình hiện đại hóa nông thôn Việt Nam một cách bền vững và giàu bản sắc.”

Hội thảo Gặp gỡ Mùa thu 2019 đã mang đến những góc nhìn gợi mở, đa chiều cho sự nghiệp phát triển NTM. Đó không chỉ là câu chuyện của thiết kế kiến trúc, của quản lý quy hoạch hay chính sách hỗ trợ mà là sự kết hợp hài hòa và nhuần nhuyễn các góc độ chuyên môn, cộng đồng, các nhà quản lý địa phương và doanh nghiệp để cùng chung tay xây dựng NTM. Khai thác và phát huy những giá trị truyền thống cho cuộc sống hiện đại – Hy vọng rằng đây sẽ là sự mở đầu hiệu quả cho những công việc cụ thể của công cuộc xây dựng NTM giai đoạn chiến lược 2021-2030.

Trúc Linh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2019)