Giải pháp sinh thái trong ngôi nhà Việt

Trên các diễn đàn kiến trúc quốc tế hôm nay, Kiến trúc sinh thái (Ecology architecture) là một chủ đề đang có tính thời sự. Ở Việt Nam, chủ đề này cũng rất được quan tâm và thậm chí còn được coi như là một xu hướng kiến trúc mới mẻ, tiến bộ, cần tiếp thu, học hỏi để “theo kịp” với đà phát triển của thế giới. Bài viết này muốn giải đáp những vấn đề sau:

  • Mối quan hệ giữa những đặc điểm sinh thái trong kiến trúc Việt Nam truyền thống và kiến trúc sinh thái;
  • Khả năng phát triển kiến trúc sinh thái ở TP HCM – Bài học kinh nghiệm những năm trước 1975;
  • Khả năng hội nhập theo hướng sinh thái của kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tiếp cận vấn đề này theo quan điểm phương Tây (phần hay được xem là thế giới) và phương Đông (phần hay được xem là “chúng ta”) thường có hai cách thức khác nhau. Ở phương Tây, mỗi khi gặp những vấn đề lớn với thiên nhiên, người ta hay tiến hành các nghiên cứu khoa học tinh vi để tìm câu giải đáp, đối tượng “tham vấn” của họ là “Bà mẹ thiên nhiên” – khách thể khoa học. Trong khi ở phương Đông, người ta thường tìm lời giải đáp từ kinh nghiệm của Tổ tiên cho những vấn đề tương tự. Như vậy, “Bà mẹ thiên nhiên” và kinh nghiệm của Tổ tiên là hai đối tượng cùng có thể giúp cho những cách tiếp cận khác nhau được sáng tỏ. Nhưng kết quả cũng vì vậy mà không giống nhau. Và, nếu chúng có tạo nên những hệ lụy thì cũng khác nhau.

Đặt vấn đề như thế, với tinh thần “ôn cố tri tân” (xem xét cái cũ để biết làm cái mới), chúng tôi muốn trước hết cần làm rõ mối tương quan giữa các giải pháp của kiến trúc truyền thống Việt Nam với những giải pháp của Kiến trúc sinh thái đang được truyền tụng rất nhiều trên các diễn dàn kiến trúc hiện nay.

MỐI QUAN HỆ GIỮA NHỮNG ĐẶC ĐIỂM SINH THÁI TRONG KIẾN TRÚC VIỆT NAM TRUYỀN THỐNG VÀ KIẾN TRÚC SINH THÁI

Trước tiên, chúng tôi nhận thấy rằng: So sánh những giải pháp của kiến trúc truyền thống Việt Nam với Kiến trúc sinh thái ngày nay thì sự tương đồng là chủ yếu.

Điều đó nói lên rằng, giải pháp cho những vấn đề đương đại có thể đến từ kinh nghiệm truyền thống. Hay nói cách khác: Hãy hiện đại hóa kinh nghiệm của Tổ tiên thay cho việc “nhập khẩu “ vội vã quá nhiều những sản phẩm công nghiệp.

KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN KIẾN TRÚC SINH THÁI Ở VIỆT NAM – BÀI HỌC KINH NGHIỆM NHỮNG NĂM TRƯỚC 1975

Kiến trúc hiện đại ở Việt Nam những năm 1960 – 1975 – còn được gọi là Kiến trúc Hiện đại Nhiệt đới hóa – đã có những nỗ lực và thành tựu rất đáng trân trọng nếu xét trên những tiêu chí và giải pháp của Kiến trúc sinh thái.
Nổi bật nhất trong số này là Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM). Các tác giả Nguyễn Hữu Thiện, Bùi Quang Hanh đã tạo hình khéo léo kết hợp những hình thức của công trình kiến trúc với công năng hiện đại nhưng lại nhất quán những giải pháp thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới, nắng nóng, mưa rào. Đầu tiên là ý tưởng vận dụng kiểu kết cấu nhà sàn gỗ truyền thống đặt trên mặt hồ nước, vừa tạo cho công trình một dáng vẻ quen thuộc của kiến trúc bản địa, vừa góp phần làm giảm cái nắng nóng của miền nhiệt đới mà trong kỹ thuật xây dựng hiện đại gọi là giải pháp vi khí hậu.

Tuy công trình sử dụng rất nhiều bê tông cốt thép – một loại vật liệu hiện đại lúc bấy giờ – nhưng lại được thể hiện với một sắc thái mới. Kết cấu bê tông cốt thép đã được hóa thân vào những cấu kiện của kiến trúc gỗ truyền thống như cột, dầm, consol, mái đua, hành lang, tường hoa… Tất cả như một bản hòa tấu để che chở công trình khỏi cái nắng gắt, mưa tạt và mặt khác lại đón được gió mát thiên nhiên từ bên ngoài theo giải pháp thông gió xuyên phòng (hình 1A).

Hình 2: Dinh Độc Lập. Những tấm rèm BTCT có vừa có khả năng thông gió, vừa khuyếch tán ánh sáng rất tốt

Dinh Độc Lập do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế cũng là công trình nổi tiếng của Kiến trúc Hiện đại Nhiệt đới hóa, đáng kể nhất là hệ thống rèm hoa đá ngay mặt trước của công trình với những đường thanh tú, lịch lãm, giàu chất âm tính của Á Đông. Những đốt “rèm hoa đá” bằng bê tông cốt sắt không chỉ chắn các tia nắng chói chang hắt vào bên trong công trình mà còn tạo thành những bề mặt phản xạ để ánh sáng có thể truyền sâu vào trong nhà nguồn năng lượng quí giá sau khi sức nóng của nó đã bị triệt tiêu. Những tấm rèm này còn có khả năng thông gió rất tốt để thổi đi những hơi nóng còn lại bên trong công trình (hình 2).

Trụ sở ESSO, KTS. Trần Đình Quyền chủ trì thiết kế, nằm ở góc đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng, thể hiện nỗ lực theo hướng tiên tiến của vật lý kiến trúc vùng khí hậu nhiệt đới. Mặt nhà hướng Đông Nam và Tây Nam sử dụng hệ thống lam thẳng đứng theo yêu cầu chống nắng, kết hợp với những tấm nằm ngang như những lá chớp để chắn bức xạ mặt trời và mưa hắt. Tuy nhiên, mặt hướng Bắc dọc theo đường Hai Bà Trưng lại hoàn toàn chỉ là cửa kính, tương phản hoàn toàn với hai mặt nhà còn lại. Cách thức xử lý này đã cho thấy việc cố gắng thích ứng với điều kiện thiên nhiên của từng hướng khí hậu là hoàn toàn phù hợp với cả hai yếu tố hiện đại và truyền thống (hình 3).

Việt Nam Công thương Ngân hàng, thiết kế của KTS.Trần Văn Ba, công trình có bề mặt cao bốn tầng lầu được che chắn bởi một hệ lam được tạo hình khá sáng tạo như hình ảnh của những “đốt tre” bằng bê tông cốt sắt nhằm tạo sự thông thoáng, chống được cái oi bức của hướng Bắc và Tây. Có thể nói là đây là giải pháp “rèm hoa tường” khá thành công về phương diện trang trí theo motif truyền thống, mặt khác cũng rất hiệu quả về ứng phó với điều kiện khí hậu nhiệt đới (hình 4).

Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (hình 5) và Ngân hàng BNP (Banque Nationale de Paris) (hình 6), do Văn phòng của ba KTS Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng – Nguyễn Quang Nhạc thiết kế, đều sử dụng môtif lam che nắng bằng bê tông cốt thép chạy suốt chiều cao tòa nhà. Ngoài ra còn có mái hiên rộng ở tầng triệt bao quanh toàn bộ công trình.

Những công trình quan trọng khác của Kiến trúc Hiện đại Nhiệt đới hóa còn phải kể đến là: Bệnh viện Vì Dân, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa Sài Gòn, Trường Quốc Gia Nông Lâm Súc, Khu làng đại học Thủ Đức, Viện Đại học Cần Thơ…

Như vậy, việc khai thác các hình thức của kiến trúc truyền thống của Kiến trúc Hiện đại Nhiệt đới hóa ở Việt Nam không đơn thuần là để giải quyết yêu cầu về mỹ quan hay tinh thần, mà còn hướng đến một nội dung căn bản hơn – Đó là giải quyết vấn đề thích ứng với điều kiện khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm. Những kết quả đáng khích lệ nêu trên đã cho chúng ta thấy rõ những giải pháp của kiến trúc truyền thống đã được vận dụng khá hiệu quả. Cụ thể là:

  • Giải pháp sử dụng các tấm hoa tường, hệ thống lam đứng, lam ngang, hệ thống “rèm” bê tông cốt thép… được vận dụng khá phổ biến là do tiếp thu trực tiếp từ cửa bức bàn, song cửa, phên, giại, tường hoa… của kiến trúc truyền thống (hình 7A, B).
  • Sự kết hợp giữa các tấm hoa tường, “rèm” bê tông cốt thép và hành lang đã tạo nên một loại tường 2 lớp (double skin) của Kiến trúc sinh thái (hình 8A,B).
  • Giải pháp sử dụng mặt nước thiên nhiên, vườn trên mái… vừa tạo cảnh quan đẹp & chính là giải pháp thiết kế môi trường vi khí hậu (hình 1A, B).
  • Giải pháp mái 2 lớp ở Cụm trường Trung học Kỹ thuật và trường Trung học Sư phạm, Vĩnh Long được các KTS Trần Văn Tải, Bùi Quang Hanh, Lê Văn Lắm thiết kế giúp tăng cường khả năng cách nhiệt và tạo đối lưu không khí trong phần mái nhà (hình 9).
Hình 9: Trường TH Kỹ thuật và TH Sư phạm Vĩnh Long -Giải pháp mái 2 lớp để tăng cường khả năng cách nhiệt & tạo đối lưu không khí trong phần mái nhà

Chỉ với những thống kê sơ bộ nêu trên, đã cho thấy hướng thiết kế kiến trúc có tính tiên phong đã được thực hiện ở miền Nam Việt Nam từ trước những năm 1975. Nhưng điều đáng trăn trở nhất là nếu ngay từ thời điểm ấy, việc quảng bá, đúc kết lý luận về xu thế kiến trúc tiến bộ này được tiến hành một cách có bài bản và chuyên nghiệp, thì cơ hội giới thiệu với giới học thuật quốc tế về phương châm sống và phát triển bền vững của kiến trúc truyền thống Việt Nam đã không bị “lỗi nhịp”. Có thể ngay từ khi đó, thế giới đã được biết đến khái niệm mà ngày nay đã được hiện đại hóa trong cái danh xưng tiếng Anh là Ecology Architecture (Kiến trúc Sinh thái). Như vậy, đối với các KTS Việt Nam, kiến trúc sinh thái không phải là một khái niệm gì hoàn toàn mới mẻ và xa lạ, mà đây chỉ là một khái niệm cũ được làm mới, được hiện đại hóa mà thôi. Đáng tiếc là cơ hội bằng vàng này đã bị bỏ lỡ do sự thiển cận, chậm chạp và đôi khi là cả sự thờ ơ của chính chúng ta theo cách nghĩ truyền thống “Bụt chùa nhà không thiêng”.

KHẢ NĂNG HỘI NHẬP THEO HƯỚNG SINH THÁI CỦA KIẾN TRÚC VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA HIỆN NAY

Nếu chỉ tiếp tục du nhập những kiểu mẫu từ nước ngoài, không phải là tiếp tục đào sâu học hỏi những kinh nghiệm thật sự quí báu mà tổ tiên chúng ta đúc kết được trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, thì chắc chắn nền kiến trúc mới của chúng ta còn gặp nhiều hệ lụy lớn hơn nữa. Từ những gì mà chúng tôi cảm nhận được về cái nguy cơ sùng ngoại, sính ngoại này về một thứ “Kiến trúc sinh thái ngoại lai” là một sự lo ngại rằng đất nước nghèo nàn của chúng ta dễ trở thành nơi thử nghiệm bừa bãi cho những quảng bá rầm rộ về vật liệu hợp kim nhôm nhựa (Aluminium composite panel), kính cường lực, các loại hóa chất dùng trong xử lý nước thải với chu trình tuần hoàn khép kín… Như vậy, những giá trị của kiến trúc truyền thống Việt Nam một lần nữa đang có nguy cơ bị tiêu giảm một cách vô tình như nó đã từng bị đối xử trong quá khứ.

Cuối cùng, cần nhìn nhận cho đúng thực tiễn của toàn cầu hóa và điều kiện cụ thể của Việt Nam, để có những giải pháp thích hợp cho sự tham gia hội nhập, bình đẳng kiến trúc thế giới đương đại cả về lý luận cũng như thực tiễn. Toàn cầu hóa và hội nhập là tất yếu, nhưng một đất nước có tiềm lực kinh tế còn non yếu thì phải chọn cho mình một hướng tiếp cận khôn ngoan hơn, ít ồn ào hơn để tránh được các mối nguy hại của việc du nhập ồ ạt những công nghệ chưa qua kiểm chứng mà chúng ta chưa đủ trình độ để kiểm soát và làm chủ được nó. Theo chúng tôi, sau những quảng bá ồn ào quá mức đến từ những công ty chào bán sản phẩm và công nghệ xây dựng mới dưới nhãn hiệu của Kiến trúc Sinh thái, thì hướng tiếp cận kiên trì của kiến trúc Việt Nam đương đại với văn hóa và kiến trúc truyền thống, với kinh nghiệm của tổ tiên, với những nguyên lý thiết kế Kiến trúc vẫn là những hướng tiếp cận luôn phù hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1 – Ngô Thị Tài Quyết. 2010. Khả năng nhiệt đới hóa trong Kiến trúc hiện đại VN – GĐ 1954 – 1975. Luận văn cao học.
2 – Lê Thanh Sơn. 2009. Khái niệm sinh thái trong ngôi nhà Việt. Kỷ yếu Diễn đàn Kiến trúc Quốc tế VIETARC’09 “Architecture in VN: Meeting the Challenges of Tomorrow”.
3 – Nguyễn Hữu Thái. 2016. Những KTS tài danh của Sài Gòn trước 1975. http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20160824/nhung-kts-tai-danh-cua-sai-gon-truoc-1975/1159918.html

PGS.TS.KTS Lê Thanh Sơn – Trường Đại học Kiến trúc TP HCM

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05 – 2017)