Hai lợi ích lớn từ việc khôi phục dòng Tiêu Tương

Dân gian cho rằng: Dòng Tiêu Tương bắt nguồn từ sông Hồng (Ảnh: Viết Mạnh)
Dân gian cho rằng: Dòng Tiêu Tương bắt nguồn từ sông Hồng (Ảnh: Viết Mạnh)

Tháng 01/2015 vừa qua, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cho “Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Quy hoạch nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý, các tiềm năng để xây dựng đô thị Bắc Ninh thành đô thị loại I vào năm 2020 bao gồm thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn và 3 xã thuộc huyện Quế Võ. Về định hướng phát triển mạng lưới công viên cây xanh, có chủ trương phục hồi sông Tiêu Tương ở khu vực đô thị Từ Sơn.

Thủy đình, Đền Đô, Bắc Ninh tương truyền được xây dựng trên dấu vết dòng Tiêu Tương ngày nay (Ảnh: nguồn internet).
Thủy đình, Đền Đô, Bắc Ninh tương truyền được xây dựng trên dấu vết dòng Tiêu Tương ngày nay (Ảnh: nguồn internet).

Chủ trương khôi phục dòng Tiêu Tương ở khu vực thị xã Từ Sơn theo quy hoạch thực sự là một chủ trương hợp lý, theo chúng tôi việc làm này quả thực sẽ đem lại nhiều lợi ích, trong đó có hai lợi ích rất lớn cho Bắc Ninh; đó là giải quyết vấn đề môi trường và thu hút du lịch. Trước hết chúng ta đi tìm lại nguồn gốc của dòng sông Tiêu Tương để có ý tưởng khôi phục như thế nào cho hợp lý.

Theo dân gian truyền lại, sông Tiêu Tương là con sông nhỏ, chủ yếu đóng vai trò thủy lợi nội vùng của Đông Ngàn cũ (thị xã Từ Sơn và một phần đất vùng Gia Lâm, Đông Anh, Hà Nội ngày nay), huyện Tiên Du, Yên Phong tỉnh Bắc Ninh. Dòng sông bị mất (hay có thể bị lấp) từ bao giờ, chưa thấy có tài liệu nào ghi chép lại, chỉ còn truyền lại huyền sử văn hóa Kinh Bắc với câu chuyện tình lâm ly nổi tiếng của chàng Trương Chi nhà nghèo, làm nghề chài lưới trên sông, mỗi khi cất tiếng hát lên trên dòng sông làm cho công chúa Mị Nương si tình thổn thức. Tiêu Tương gắn với chuyện tình Trương Chi – Mị Nương, là nguồn cảm hứng dồi dào cho các thế hệ văn nghệ sĩ sáng tác nhiều loại hình nghệ thuật.

Đình làng Phù Lưu, nơi thờ Thủy tổ bên dòng Tiêu Tương (Ảnh: nguồn internet).
Đình làng Phù Lưu, nơi thờ Thủy tổ bên dòng Tiêu Tương (Ảnh: nguồn internet).

Có rất nhiều nhận định về dòng Tiêu Tương. Theo dân gian truyền miệng có nhiều tích khác nhau, nhưng có một số trùng hợp. Dân gian cho rằng: Tiêu Tương bắt nguồn từ sông Hồng, chảy qua các địa phận phía Bắc huyện Gia Lâm, qua một phần phía Nam huyện Đông Anh (Đông Ngàn cũ), một phần phía Tây huyện Yên Phong (Bắc Ninh) xuống qua Đình Bảng, Phù Lưu (Tân Hồng), xã Tương Giang rồi chảy qua các làng Quan họ cổ vùng Tiên Du: xã Nội Duệ, Vân Tương (thị trấn Lim), Ó, Nhồi (Võ Cường); Y Na (Kinh Bắc) rồi chảy vào sông Cầu.

Còn ghi chép từ thời Nguyễn thì coi phát tích của dòng Tiêu Tương từ khu đầm Loa Hồ (Phù Lưu hiện vẫn còn dấu tích rất nhỏ) rồi chảy qua các địa danh tiếp theo đổ vào sông Cầu. Cũng từ đầm Phù Lưu thì một số truyền tích dân gian để lại thì cho rằng đầm Loa Hồ (Phù Lưu) là đoạn phình rộng nhất của dòng Tiêu Tương. Khu vực Đình Bảng, Phù Lưu xưa còn là rừng (có tên rừng Báng). Di tích đền Miếu thôn Dương Lôi (Tân Hồng) còn bia ghi lại là khu rừng Mai Lâm. Đầm Loa Hồ là đoạn phình rộng của Tiêu Tương cũng có lý, cần nghiên cứu.

Đầm Loa Hồ, vốn tương truyền là phát tích của sông Tiêu Tương cạn dòng  “để lộc” cho dân Phù Lưu là đoạn phình rộng nhất của dòng Tiêu Tương (Ảnh: nguồn internet).
Đầm Loa Hồ, vốn tương truyền là phát tích của sông Tiêu Tương cạn dòng
“để lộc” cho dân Phù Lưu là đoạn phình rộng nhất của dòng Tiêu Tương (Ảnh: nguồn internet).

Sách “Đại Nam nhất thống chí” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1971) viết: “Sông Tiêu Lương ở địa giới phủ Từ Sơn phát nguyên từ một cái đầm lớn ở xã Phù Lưu, huyện Đông Ngàn, chảy từ phía Tây sang Đông Bắc, qua xã Tam Sơn huyện Yên Phong, chuyển sang địa phận 2 huyện Tiên Du và Quế Dương vào sông Thiên Đức”. Tiêu Lương chắc là dòng Tiêu Tương vì có chuyện “tương tư” trong chuyện tình Trương Chi – Mị Nương mà chữ “Lương” đổi thành “Tương”.

Sách “Địa chí Hà Bắc” (xuất bản 1980) viết: “Sông Tiêu Lương, còn gọi là sông Tiêu Tương, ở địa giới huyện Tiên Sơn phát nguyên từ hồ Lãng Bạc chảy từ Tây sang Đông, bắc qua xã Tương Giang, Vân Tương qua các làng Quan họ nổi tiếng như Lim, Bưởi, Ó, Se… rồi chảy vào sông Cầu”.

Sông Cầu (Phù Lãng, Bắc Ninh) nơi được xem như nơi đổ vào của dòng Tiêu Tương (Ảnh: nguồn internet).
Sông Cầu (Phù Lãng, Bắc Ninh) nơi được xem như nơi đổ vào của dòng Tiêu Tương (Ảnh: nguồn internet).

Viện Nghiên cứu Văn hóa (theo tác giả Phạm Thị Thủy Chung của bài báo “Sông Tiêu Tương với văn hóa Kinh Bắc”) có nhận định: “Sông Tiêu Tương là đoạn cuối sông Hoàng Giang, một chi lưu sông Hồng chảy qua Cổ Loa về Phù Lưu, qua Tam Sơn vào sông Cầu”.
Giáo sư Trần Quốc Vượng có nhận định qua bài “Sông nước Tiêu Tương hương Cổ Pháp” có nhận định: “Sông Tiêu Tương cũng là nhánh sông Hồng từ Hoa Lâm – Mai Lâm chảy qua Đình Bảng – đầm Phù Lưu và có hai nhánh, một nhánh chảy qua Lũng Tiêu, Ó Chọ, Dương Ổ (làng Giấy) rồi chảy vào sông Thiếp (Ngũ huyện Khê) ở vùng Đồng Bạch. Một nhánh chảy xuống xã Đại Đồng (Tiên Du) rồi hòa vào sông Tào Khê chảy dưới chân núi Phật Tích rồi đổ ra sông Thiên Đức”. Có lẽ từ huyền tích này mà dân gian có câu tục ngữ: “Bao giờ rừng Báng hết cây/ Phù Lưu hết chợ, đất này hết Quan”. Người xưa muốn ám chỉ 3 địa danh: Rừng Báng (Đình Bảng), Tào Khê (một hệ thống sông khu vực Đông Ngàn, Từ Sơn, Tiên Du, trong đó có Tiêu Tương), Phù Lưu có chợ Giàu (là chợ lớn nhất xứ Kinh Bắc), ngày nay là 3 địa danh trù phú, vùng đất có nhiều người làm quan trong các triều Lý, Lê, Trần, kể cả các triều đại về sau.

Sông Hoàng Giang, đoạn cách chùa Bái Đính 1,5km (Ảnh: nguồn internet).
Sông Hoàng Giang, đoạn cách chùa Bái Đính 1,5km (Ảnh: nguồn internet).

Tất cả những nhận định về sông Tiêu Tương cần tiếp tục nghiên cứu, nhưng từ huyền tích dân gian đến những nhận định nêu ở trên đều khẳng định có một dòng Tiêu Tương gắn với chuyện tình nổi tiếng Trương Chi – Mị Nương. Dòng sông đó đã tạo nên một vùng đồng bằng trù phú và cũng tạo nên một huyền thoại văn hóa xứ Kinh Bắc ở vùng quê đã phát tích Vương triều Lý, mở ra thời kỳ rạng rỡ non sông Đại Việt của triều đại phong kiến Việt Nam.

Sông Thiên Đức trước chùa Báo Ân - nơi một nhánh dòng Tiêu Tương đổ ra (Ảnh: nguồn internet).
Sông Thiên Đức trước chùa Báo Ân – nơi một nhánh dòng Tiêu Tương đổ ra (Ảnh: nguồn internet).

Bảo tồn, gìn giữ những Di sản lịch sử, văn hóa là việc làm hết sức quan trọng của quê hương, đất nước. Di tích, di sản là những chứng lý quan trọng cho nhiều công việc, trong đó có cả việc đại sự quốc gia, cao hơn nữa là chủ quyền độc lập dân tộc. Sông Tiêu Tương cùng với dòng Tào Khê, Suối Sẻ (bắt nguồn từ núi Phật Tích chảy vào sông Dâu) đã bị vùi lấp, kể cả sông Dâu. Có lẽ cũng giống như số phận Hoàng Thành Thăng Long vừa mới tìm lại được dưới lòng đất. Nhưng dù bị vùi lấp, dòng Tiêu Tương, Tào Khê, sông Dâu, suối Sẻ vẫn là những dòng sông có thật gắn liền với những huyền thoại văn hóa xứ Kinh Bắc.

Cách đây khoảng chục năm, huyện Tiên Du đã có ý định khôi phục đoạn sông Tiêu Tương chảy qua xã Nội Duệ, Vân Tương để phục vụ cho lễ hội Lim nổi tiếng với chương trình “Hát Quan họ dưới thuyền” và cũng là tạo “Môi trường lá phổi” cho khu đô thị Lim. Nhưng rồi ý tưởng đó cũng mai một, không ai nghĩ đến nữa. Nay đã có quy hoạch khôi phục ở Từ Sơn, nên chăng cũng cần đưa vào khôi phục ở 2 khu vực nữa là: khu vực Lim và Ó, Nhồi. Nói là 2 khu vực vì Lim thuộc huyện Tiên Du; Ó, Nhồi (phường Võ Cường) thuộc thành phố Bắc Ninh, nhưng lại có địa giới khác nhau. Nếu khôi phục, chỉ cần làm thành một điểm (một dòng của Tiêu Tương kết hợp với Hồ điều hòa), vừa phục vụ cho mạng lưới công viên xanh giữa 2 đô thị Đông Nam Bắc Ninh và Lim; vừa phục vụ cho phát triển Du lịch (Hội thi hát Quan họ dưới thuyền). Dòng Tiêu Tương mới khôi phục này có mật độ làng Quan họ gốc khá đậm đặc: Hoài Thượng, Hoài Trung, Bịu Sim, Lũng Giang, Đình Cả, Duệ Đông, Hạ Giang, Xuân Ổ (Ó, Nhồi), Khả Lễ.

Như vậy, nếu khôi phục được dòng Tiêu Tương ở thị xã Từ Sơn và cả đoạn ở vùng Lim – Ó – Nhồi như chúng tôi vừa nêu, ngoài việc đạt 2 lợi ích giải quyết về môi trường, phát triển du lịch; còn có những lợi ích bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Quan họ, lễ hội. Nhất là trong quy hoạch thị trấn Lim là trung tâm thể thao, văn hóa cấp đô thị, đảm bảo việc hình thành đô thị có phong cách, đẹp, năng động, xứng tầm là đô thị hạt nhân Vùng Thủ đô.

Nguyễn Công Hảo
Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh

( Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07 -2015 )