Khai thác tiềm năng nguồn lực của Long An trong việc nâng cao tính cạnh tranh và kêu gọi đầu tư

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định rõ một trong những quan điểm phát triển của tỉnh Long An là: “Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Việc khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lực, nâng cao tính cạnh tranh, thu hút đầu tư có vai trò ngày càng quan trọng, đem lại ích lợi lớn lao cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Long An, đạt thắng lợi mục tiêu chiến lược: “Xây dựng Long An trở thành tỉnh phát triển bền vững, hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn; có trình độ công nghệ cao, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực có chất lượng; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; có nền quốc phòng – an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Long An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp”.

Khu dân cu thương mại dịch vụ Hoa thương, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc.

1. Vị trí địa lý

Long An là một trong 13 tỉnh, thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh có vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Tỉnh Long An có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài 133km với cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa) và cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ). Long An có vị trí nằm liền kề TP HCM, có chung đường ranh giới với TP HCM gồm các tuyến quốc lộ 1A và quốc lộ 50, cách trung tâm TP HCM 40km, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 45km, cảng Cát Lái 40km, cảng Sài Gòn 45km, cảng Hiệp Phước 30km và cảng Bourbon 18km. Trong tương lai, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành chuẩn bị khởi công sẽ kết nối Long An với sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với khoảng cách khoảng 80km.

Khu đô thị Vàm Cỏ Đông, xã An Thạnh, huyện Bến Lức
Khu đô thị Vàm Cỏ Đông, xã An Thạnh, huyện Bến Lức

Bên cạnh đó, Long An còn là một trong 8 tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – đây là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất, là trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính hàng đầu cả nước, chiếm gần 17% dân số, hơn 8% diện tích, sản xuất hơn 42% GDP, gần 40% kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp gần 60% ngân sách quốc gia.
Kinh tế tỉnh Long An liên hệ chặt chẽ với các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là TP HCM. Long An là thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản lớn nhất của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, Long An có điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nhiều nguồn đầu tư, có vai trò quan trọng trong việc liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nước láng giềng Campuchia; các hoạt động kinh tế từ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều đi qua địa phận tỉnh Long An. Vì vậy, có thể nhận thấy, Long An có vị trí địa lý phát triển kinh tế đầy tiềm năng.

2. Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực có vai trò thiết yếu đối với phát triển kinh tế – xã hội. Theo số liệu thống kê năm 2013, dân số tỉnh Long An là 1.449.600 người; lực lượng lao động là 994.889 người, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 42% cung cấp thường xuyên cho nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hàng năm.
Bên cạnh nguồn lao động tại chỗ, do đa số các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giáp ranh hoặc cách trung tâm TP HCM khoảng 30 km, giao thông thuận lợi là điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tận dụng trong công tác tuyển dụng, dễ dàng thu hút thêm nguồn lao động chất lượng cao dồi dào tập trung từ TPHCM.
Ngoài ra, với lợi thế là cửa ngõ TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Long An còn dễ dàng thu hút được phần lớn lực lượng lao động từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và lực lượng này đã đóng góp không nhỏ vào lực lượng lao động chủ yếu tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Điều kiện tự nhiên

Long An nằm trong vùng đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nên khí hậu tỉnh Long An có nền nhiệt ẩm phong phú, ánh nắng dồi dào, thời gian bức xạ dài, nhiệt độ cao, biên độ nhiệt ngày đêm giữa các tháng trong năm thấp, ôn hòa.
Long An có địa hình đơn giản, bằng phẳng; địa hình bị chia cắt bởi hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Phần lớn diện tích đất của tỉnh Long An được xếp vào vùng đất ngập nước.Khu vực tương đối cao nằm ở phía Bắc và Đông Bắc (các huyện Đức Huệ, Đức Hòa). Khu vực Đồng Tháp Mười địa hình thấp, trũng, thường xuyên bị ngập lụt hàng năm. Khu vực huyện Đức Hòa, một phần huyện Đức Huệ, phía Bắc huyện Vĩnh Hưng, thành phố Tân An có một số khu vực nền đất tốt, sức chịu tải cao, việc xử lý nền móng ít phức tạp. Còn lại hầu hết các vùng đất khác đều có nền đất yếu, sức chịu tải kém.

4. Tài nguyên thiên nhiên

a) Tài nguyên đất
Long An có diện tích tự nhiên gần bằng 4.500 km2, chiếm tỷ lệ 1,3% so với diện tích cả nước, bằng 8,74% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long;với 6 nhóm đất chính, nhưng phần lớn là dạng phù sa bồi lắng lẫn nhiều tạp chất hữu cơ, cấu tạo bở rời, tính chất cơ lý kém, nhiều vùng bị chua phèn và tích tụ độc tố.
Toàn tỉnh hiện có tất cả 28 khu công nghiệp với tổng diện tích là 10.216 ha; trong đó có 24 khu công nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích 8.247,75 ha; hiện có 16 khu công nghiệp đang hoạt động, tổng diện tích 3.998,77 ha (diện tích đất có khả năng cho thuê 2.794,78 ha). Tỷ lệ lấp đầy của 16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là 51,47%. Ngoài ra, tỉnh có 14/32 cụm công nghiệpđang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 90%.
Long An đang tập trung phát triển đô thị và công nghiệp tổng hợp, tạo thành hành lang phát triển đô thị trung tâm ở Bến Lức – Tân An và các đô thị công nghiệp đặc thù ở các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước, thu hút đầu tư ở các lĩnh vực hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu dân cư – đô thị và các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hiện tại quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2020 gần 15.000 ha, trong đó trên 5.000 ha đất hoàn chỉnh hạ tầng đủ điều kiện để tiếp nhận các dự án đầu tư, tập trung chủ yếu ở vùng này.
b) Tài nguyên rừng
Long An có 44.481 ha diện tích rừng, cây trồng chủ yếu là cây tràm, cây bạch đàn với nguồn tài nguyên động thực vật của hệ sinh thái rừng tràm trên đất trũng phèn ở Long An phong phú, đa dạng, hiện nay đang được chú trọng bảo tồn và phát triển.
c) Tài nguyên cát
Một phần của lưu vực ở Tây Ninh chảy qua Long An trên dòng sông Vàm Cỏ Đông, qua nhiều năm bồi lắng ở cuối lưu vực một lượng cát xây dựng khá lớn. Theo điều tra trữ lượng cát khoảng 11 triệu m3 và phân bố trải dài 60km từ xã Lộc Giang (huyện Đức Hòa) giáp tỉnh Tây Ninh đến bến đò Thuận Mỹ (huyện Cần Đước). Trữ lượng cát này nhằm đáp ứng yêu cầu san lấp nền trong đầu tư xây dựng của tỉnh.
d) Tài nguyên khoáng sản
Long An đã phát hiện thấy các mỏ than bùn ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười như Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Đức Huệ. Trữ lượng than thay đổi theo từng vùng và chiều dày lớp than từ 1,5 – 6m; ước lượng có khoảng 2,5 triệu tấn.
Than bùn là nguồn nguyên liệu khá tốt để chế biến ra nhiều loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Theo kết quả phân tích đánh giá về chất lượng cho thấy than bùn ở Long An có độ tro thấp, mùn cao, lượng khoáng cao, có thể sử dụng làm chất đốt và phân bón.Việc khai thác than sẽ thúc đẩy quá trình oxy hóa và thủy phân tạo ra acid sulfuric, đây là chất độc ảnh hưởng đến cây trồng và môi trường sống.
Ngoài than bùn, tỉnh còn có những mỏ đất sét (trữ lượng không lớn ở khu vực phía Bắc) có thể đáp ứng yêu cầu khai thác làm vật liệu xây dựng.
e) Tài nguyên nước
Trên địa bàn tỉnh Long An có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nối liền với sông Tiền và hệ thống sông Vàm Cỏ là các đường dẫn tải và tiêu nước quan trọng trong sản xuất cũng như cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của dân cư; đồng thời đó cũng là những tuyến đường thủy quan trọng trong giao thương hàng hóa, kết nối tỉnh Long An với các địa phương trong khu vực và nước ngoài.

Sông Vàm Cỏ Long An
Sông Vàm Cỏ Long An

– Sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ Campuchia, qua tỉnh Tây Ninh và vào địa phận Long An với độ dài qua tỉnh là 145km, độ sâu từ 17 – 21m. Nhờ có nguồn nước hồ Dầu Tiếng đưa xuống nên đã bổ sung nước tưới cho các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức và hạn chế quá trình xâm nhập mặn của tuyến Vàm Cỏ Đông qua cửa sông Soài Rạp. Sông Vàm Cỏ Đông nối với Vàm Cỏ Tây qua các kênh ngang và nối với sông Sài Gòn, sông Đồng Nai bởi các kênh Thầy Cai, An Hạ, Rạch Tra, sông Bến Lức.
– Sông Vàm Cỏ Tây độ dài qua tỉnh là 186km, nguồn nước chủ yếu do sông Tiền tiếp sang qua kênh Hồng Ngự, đáp ứng một phần nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho dân cư.
– Sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây hợp lưu thành sông Vàm Cỏ dài 35km, rộng trung bình 400m, đổ ra cửa sông Soài Rạp và thoát ra biển Đông.
– Sông Rạch Cát (sông Cần Giuộc) nằm trong địa phận tỉnh Long An dài 32km, lưu lượng nước mùa kiệt nhỏ và chất lượng nước kém do tiếp nhận nguồn nước thải từ khu vực đô thị TP HCM, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của dân cư.
Ngoài ra, tỉnh Long An còn có nguồn nước ngầm có nhiều khoáng chất hữu ích đang được khai thác và phục vụ sinh hoạt dân cư trên địa bàn cả nước.
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; khai thác, sử dụng có hiệu quả những nguồn lực của địa phương, tỉnh Long An xác định những phương thức riêng để nâng cao tính cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư khác biệt và hấp dẫn các nhà đầu tư.

Cụ thể là:

1. Long An chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, nhất là các tuyến đường giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp và cảng, kết nối các khu vực có dự án với quốc lộ để đảm bảo quá trình vận chuyển hàng hóa thông suốt, giảm thời gian, chi phí vận chuyển, dễ dàng trong việc kết nối giao thương với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM, các tỉnh còn lại của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Long An cam kết sẽ cung cấp dịch vụ hạ tầng phù hợp, tăng cường dịch vụ hỗ trợ tiện ích và logistics, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ chuyên môn và dịch vụ tài chính, đảm bảo khi các dự án đầu tư vào tỉnh sẽ có đầy đủ điều kiện để vận hành một cách hiệu quả.

2. Quan tâm công tác hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho nhà đầu tư triển khai dự án. Thông qua gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời thông tin về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, để có biện pháp hỗ trợ giải quyết kịp thời, tạo lòng tin cho doanh nghiệp trên địa bàn.Tăng cường kiểm tra tiến độ thực hiện từng dự án để có giải pháp xử lý, hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư.

3. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, thực hiện giải quyết thủ tục theo mô hình một cửa, một cửa liên thông, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước.

4. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực và thông suốt; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan trong việc giải quyết kiến nghị và thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.

5. Thực hiện bình đẳng, không phân biệt đối xử trong giải quyết công việc giữa người dân với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.

6. Thống kê, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, của thị trường lao động trên địa bàn từ đó thực hiện kế hoạch đào tạo lao động. Thực hiện phương án đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ, thông thạo ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay.

7. Cùng với việc tích cực thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài cũng đặc biệt được chú trọng. Từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm, có tác động thiết thực đến việc thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực củatỉnh, các nhà đầu tư được tiếp cận thông tin dự án qua nhiều kênh, nhiều hình thức. Hàng năm tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo, đối thoại quảng bá hình ảnh, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.

Cầu Tân An, hướng về khu vực TP HCM
Cầu Tân An, hướng về khu vực TP HCM

Trong thời gian qua, với những tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực sẵn có, cộng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tính cạnh tranh và thu hút đầu tư, môi trường đầu tư tỉnh Long An ngày càng thông thoáng, hẫp dẫn và đã đạt được những kết quả như sau:
– Theo công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của cả nước năm 2014; kết quả về thứ hạng, Long An đứng hạng 7/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 hạng so với năm 2013, xếp ở nhóm Tốt; Về điểm số, Long An đạt 61,37/100 điểm, tăng hơn 2 điểm so với năm 2013.
– Long An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến tháng 05/2015, tỉnh đã thu hút được 626 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đăng ký là 4.155 triệu USD, trong đó có 381 dự án đi vào hoạt động, vốn thực hiện là 2.289 triệu USD.
– Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được điều chỉnh theo hướng chuyển từ thiên về số lượng như trước đây, sang chú trọng nhiều hơn đến hiệu quả thu hút và nâng cao chất lượng đầu tư, tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi môi hình tăng trưởng hiện đại và hiệu quả, thực hiện nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh Long An tiếp tục triển khai những giải pháp đã thực hiện hiệu quả, đồng thời nghiên cứu thực hiện những phương thức mới sau:

1. Xây dựng và thực hiện chính sách khuyến khích để thu hút các dự án đầu tư hình thành mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh, các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị. Có chính sách thu hút công ty đa quốc gia, đặc biệt đối với các công ty đa quốc gia có kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp trong nước về tiêu thụ, cung ứng sản phẩm để hình thành các cụm công nghiệp – dịch vụ.

2. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào những ngành cần tăng tỷ trọng đầu tư nước ngoài như đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ; các ngành sản xuất có yếu tố hàm lượng công nghệ mới, công nghệ cao, đào lạo lao động và chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý, thân thiên với môi trường. Hạn chế tối đa những dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ thấp, có khả năng tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, sinh thái.

3. Có các chính sách, quy định về thuế, đất đai, tín dụng… để thu hút, khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sử dụng đầu vào trong nước thay vì nhập khẩu, gia công, lắp ráp, chú trọng vào kinh doanh thương mại, nhất là tại thị trường nội địa.Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An

( Bài đăng trên tạp chí kiến trúc số 06 -2015 )