Khai thác yếu tố Đặc trưng trong kiến trúc cảnh quan công trình nghỉ dưỡng tại Châu Đốc

Quá trình toàn cầu hóa với sự phát triển kinh tế bất chấp những hậu quả đến các giá trị còn lại đã và đang làm xói mòn những giá trị lịch sử, văn hóa, đặc trưng nơi chốn nhiều nơi trên thế giới. Với nhiều mức độ nỗ lực khác nhau, nhiều công trình nghiên cứu, nhiều nhà thiết kế đang tìm tòi đúc kết và chuyển tải những giá trị không gian kiến trúc cảnh quan gắn liền với điều kiện tự nhiên và đặc điểm văn hóa địa phương, đặc trưng nơi chốn,… Bài viết này dựa giới thiệu một số yếu tố đặc trưng của Châu Đốc và vận dụng thiết kế kiến trúc cảnh quan công trình nghỉ dưỡng tại khu vực này.

1. Đặc trưng Kiến trúc cảnh quan Châu Đốc

Với vai trò là trung tâm du lịch của tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển du lịch tại Châu Đốc là chiến lược ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế của tỉnh. Với lịch sử phát triển thịnh vượng từ ngàn xưa, hoạt động sáng tạo của con người nơi đây đã giúp cho Châu Đốc trở thành vùng đất có nền văn hóa nhiều giá trị [1].

Hình 1: Xác định giá trị đặc trưng thông qua giá trị cảm thụ của các chủ thể được khảo sát

Những giá trị văn hóa được ghi nhận dựa trên khía cạnh vật chất cảnh quan và giá trị cảm nhận, cách ứng xử của người dân địa phương [2]. Những giá trị văn hóa đó chính là những tầng văn hóa Ốc Eo cổ xưa, tính cách nghĩa khí của con người “miệt vườn” vùng sông nước, của vẻ đẹp của hình dáng, nút giao nhau giữa những con sông, của núi Sam nơi đặc điểm địa hình độc đáo hòa quyện chung với sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh, hay công trình nhân tạo ghi lại dấu ấn lịch sử lớn lao của đất nước như kênh Vĩnh Tế…

Theo TS Vu (2010), bất cứ không gian nào cũng tồn tại 03 giá trị: Vật thể, hoạt động, ý nghĩa; 03 giá trị này kết hợp, tương tác với nhau thông qua chiều không gian vật thể và chiều không gian cảm xúc [3]. Thông qua cách vận dụng quan điểm khoa học đó, một khảo sát được tiến hành nhằm tìm hiểu, đánh giá, định lượng các giá trị của vùng đất qua cảm nhận của nhiều đối tượng tham gia bao gồm cộng đồng dân cư, cấp quản lý địa phương và khách du lịch (xem Hình 1). Kết quả thu thập được sẽ được đánh giá lại theo trường phái xác định đặc trưng phổ biến… và học thuyết về giá trị cảm thụ viễn cảnh – nương náu kết hợp với xử lý thông tin [2]. (Xem Hình 2)

Hình 2: Quá trình khảo sát Đặc trưng thành phố Châu Đốc

Kết quả khảo sát cho thấy một số đặc điểm nổi bật ở Châu Đốc:

  • Hình ảnh Ngã ba sông, kênh Vĩnh Tế.
  • Con người dễ dung nạp, thân thiện ảnh hưởng tới đặc điểm kiến trúc cảnh quan.
  • Nhu cầu có môi trường sống tốt không đóng vai trò quan trọng nhất để tạo nên sự gắn bó nơi chốn.
  • Hình ảnh quen thuộc đã bị mai một và hình ảnh có thể có giá trị trong tương lai.

Với tất cả các tiêu chí đó kết hợp với các yếu tố thu thập được, yếu tố đặc trưng kiến trúc cảnh quan thành phố Châu Đốc được xác định như hình 3.

Hình 3: Giá trị đặc trưng KTCQ Tp. Châu Đốc

2. Phương pháp khai thác đặc trưng KTCQ Châu Đốc vào việc thiết kế cảnh quan resort tại khu vực

Kiến trúc cảnh quan resort được nghiên cứu và thiết kế nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách du lịch; một trong những nhu cầu đó là khám phá và trải nghiệm. Khoảnh khắc tò mò, thích thú của du khách khi được tiếp nhận một cách chủ động hay bị động về một nền văn hóa mới, sự hòa mình vào không gian mang đậm tính địa phương, sự hồi tưởng và liên tưởng đến một không gian khác… chính là cái mục đích mà yếu tố đặc trưng địa phương cần được vận dụng, khai thác vào trong không gian kiến trúc cảnh quan resort. Với mong muốn chuyển tải giá trị đặc trưng Châu Đốc và kết hợp với lý thuyết tổ chức không gian, cùng với khoa học nghiên cứu về trường thị giác trong tính chất vật lý của mắt, mô hình vận dụng và khai thác đặc trưng KTCQ thành phố Châu Đốc vào trong việc thiết kế resort được xây dựng ( Hình 4).

Hình 4: Mô hình vận dụng giá trị đặc trưng Châu Đốc vào tổ chức KG KTCQ resort

Việc tổ chức KG KTCQ resort mang dấu ấn đặc trưng khu vực Châu Đốc bao gồm 03 nhóm ứng xử [2,4,5]:

  • Tôn trọng và bảo vệ: Tôn trọng, duy trì các đặc điểm có giá trị của không gian vật thể. Trong bất cứ một không gian nào, đặc tính tự nguyên thủy hay giá trị lâu đời sẽ giúp cho người ta cảm nhận được sự liên hệ và nhận thức được giá trị khu vực. Bảo vệ nghĩa là không phá hủy tài nguyên cảnh quan sẵn có, bao gồm cả cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan nhân tạo cũng như tầm nhìn, khả năng tiếp cận của con người đến các thành phần đó.
  • Thích ứng và hòa nhập: Tùy thuộc vào giá trị niên đại của các thành phần trong kiến trúc cảnh quan, khả năng khai thác cần phải linh hoạt và mềm dẻo, chú trọng về tính hiệu quả của việc khai thác như sự gắn bó hữu cơ giữa yếu tố đặc trưng với kết quả vận dụng, sự lồng ghép các giá trị bền vững với các yếu tố được áp dụng …
  • Chuyển tải tinh thần: Khả năng tổ chức một không gian, một sản phẩm mới có hình hài có thể khác lạ, tuy nhiên, lại chứa đựng giá trị tinh thần nguyên sơ và mang đậm tính đặc trưng của khu vực.
Hình 5: Sơ đồ cơ cấu chức năng không gian KTCQ resort tại Châu Đốc
Hình 6: Khai thác yếu tố đặc trưng cho công tác quy hoạch khu phát triển resort tại Châu Đốc (nguồn: Tác giả dựa trên đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Châu Đốc đến năm 2025)
Hình 6: Khai thác yếu tố đặc trưng cho công tác quy hoạch khu phát triển resort tại Châu Đốc (nguồn: Tác giả dựa trên đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Châu Đốc đến năm 2025)

3.Một số minh họa cụ thể của việc vận dụng phương pháp khai thác yếu tố đặc trưng

  • Trong việc phân khu chức năng resort tại Châu Đốc
    Không gian thành phố Châu Đốc được hình thành dựa trên tôn trọng và hòa hợp với thiên nhiên. Bên cạnh hệ thống sông và kênh rạch tạo nên mảng chia cắt đặc trưng của thành phố vùng sông nước, sự tôn trọng đó còn đưa Núi Sam vào vị trí trung tâm của đô thị, một điểm mốc (landmark) quan trọng trong định hướng phát triển cảnh quan chung của đô thị. Với vai trò quan trọng của Núi Sam, tác giả đề xuất khai thác giá trị này vào trong phân khu chức năng khu resort. Với thủ pháp chuyển tải giá trị đặc trưng, vị trí Núi Sam trong phân khu chức năng resort tại Châu Đốc chính là vườn trung tâm. Đây sẽ là không gian cảnh quan quan trọng nhất của resort, các khu chức năng khác sẽ được bố trí xung quanh.

Cách tổ chức vườn trung tâm như vậy cũng đảm bảo tính kết nối về thị giác và đảm bảo được yêu cầu về cận cảnh và trung cảnh từ các khu chức năng còn lại tới không gian ngoài trời quan trọng này.

  • Trong công tác quy hoạch khu vực phát triển các dự án resort

Duy trì tính kết nối về quy hoạch và lịch sử, tính kết nối về quy hoạch thể hiện mối liên hệ biện chứng giữa không gian resort và các không gian chức năng khác của thành phố thì sự kết nối về với lịch sử giúp duy trì giá trị đặc biệt của khu vực, đó cũng là điều kiện cần để thành phố phát triển bền vững [6].

Hình 8: Thủ pháp vận dụng dáng mái kiến trúc đình chùa vào resort tại Châu Đốc
Hình 9: Thủ pháp vận dụng kiến trúc nhà ở vào resort tại Châu Đốc

Đặc trưng cảnh quan quan trọng nhất thành phố Châu Đốc chính là Núi Sam, đây là địa danh hội tụ cả yếu tố cảnh quan địa hình lẫn đặc trưng văn hóa truyền thống bản địa và là cực phát triển song song với trung tâm đô thị cũ tại ngã ba sông. Với vai trò quan trọng đó, kết hợp với 02 tiêu chí quan trọng phát triển resort là kết nối tầm nhìn với “địa danh có cảnh quan đẹp và phát triển dự án cách xa nơi trung tâm ồn ào” [ 7] , việc lựa chọn những khu vực phát triển resort được đề xuất (như hình 6), đảm bảo các dự án resort có được tính kết nối trục giao thông với các khu chức năng khác của thành phố theo định hướng 2025. Việc kết nối tầm nhìn thì ưu tiên tầm nhìn tới Núi Sam (không trọn vẹn do giới hạn về khoảng cách và trường nhìn).

  • Trong việc xác định quy mô dự án resort tại Châu Đốc
    Dựa theo cách phân loại Resort của Margaret Huffadine [8] , phần lớn resort ở Châu Đốc thuộc thể loại Khu nghỉ dưỡng khép kín (Destiantion Resort) với quy mô vừa (5 – 10ha), với kích thước cạnh tối thiểu là 140m để đảm bảo yếu tố cảm thụ không gian cảnh quan của thị giác.
  • Trong việc thiết kế kiến trúc công trình resort tại Châu Đốc

Dù rất phổ biến với rất nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng với kiến trúc đa dạng và có nhiều giá trị đặc trưng riêng, việc vận dụng có cải tiến (các yếu tố dáng mái, tầng mái) cũng chỉ nên áp dụng ở một số khu chức năng công cộng như khối đón tiếp, dịch vụ . . .

Bên cạnh đó, kiến trúc nhà nổi và nhà sàn đều khá phù hợp với kiến trúc resort tại Châu Đốc. Thủ pháp vận dụng đa dạng từ sao chép nguyên mẫu, hoặc một phần kiểu mái, dáng mái; vận dụng tỉ lệ nhà vào các khối ngủ; hàng hiên được giữ và mở rộng cho phù hợp với chức năng khối ngủ.

  • Trong việc trang trí vật dụng không gian KTCQ resort tại Châu Đốc

Vật dụng là những nguyên tố không thể thiếu trong mọi không gian sống, trong KG KTCQ resort, vật dụng không chỉ có vai trò làm trọn vẹn nhu cầu sinh hoạt của du khách, hình thức của chúng còn đóng góp nhiều vào thẩm mỹ không gian chung: Hình ảnh con cá, cây lúa… là hình ảnh Châu Đốc với đồng quê, sông nước… hoặc yếu tố tinh thần, tôn giáo…
Tùy theo ý đồ của người thiết kế, thủ pháp vận dụng có thể sao chép nguyên mẫu hoặc chuyển tải một vài phần theo tiêu chí chuyển tải chung.

Hình 10: Chuyển tải giá trị đặc trưng vào trong vật dụng KG KTCQ resort tại Châu Đốc
Hình 11: Chuyển tải giá trị mặt nước trong KG KTCQ resort tại Châu Đốc
  • Yếu tố mặt nước hiện hữu trong không gian KTCQ Châu Đốc
  • Trong cảnh quan sân vườn resort

Tiêu chí khai thác ở đây là tôn trọng và bảo vệ đặc tính dòng chảy hiện hữu của hệ thống kênh rạch, góp phần vào dây chuyển sản xuất nông nghiệp chung của thành phố. Để làm được như vậy, khu vực phát triển dự án resort không được phép san lấp bất kì con kênh nào mà chỉ được phép sử dụng hệ thống kênh đó để làm ranh giới hạn trong việc xác định không gian resort, đảm bảo giá trị cảnh quan phù hợp với các vùng/trường cảnh quan (trung cảnh và cận cảnh).

Với những con kênh có diện tích đủ lớn, cho phép dự án resort đầu tư và phát triển theo tiêu chí thích ứng, nghĩa là cho phép sử dụng một phần lòng kênh làm môi trường xây dựng, các khu vực lưu trú hoặc hoạt động gắn liền với nước như nhà nổi, bến thuyền, bãi tắm, câu cá… là những gợi ý có thể khai thác và sử dụng.

Bầu trời có chức năng phông nền cho toàn bộ không gian bên ngoài resort, bầu trời kết hợp với các yếu tố phông nền khác như địa hình, cây xanh, mặt nước, con người, động vật… nhằm chuyển tải một hình ảnh giá trị đặc trưng thành phố Châu Đốc.

Hình 12: Chuyển tải giá trị bầu trời trong KG KTCQ resort tại Châu Đốc

Lời kết

Khai thác giá trị đặc trưng không chỉ là tác động đến những giá trị vật chất mà còn có những giá trị tinh thần mà con người chỉ có thể mơ hồ cảm nhận qua những cảm giác không liên quan đến lý tính của mỗi cá nhân. Do vậy, nhóm đối tượng chịu tác động trong tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan resort không chỉ đơn thuần là những yếu tố mà khách du lịch có thể thấy như không gian vật chất: kiến trúc, sân vườn… đan xen là không gian hoạt động và ý nghĩa như cái hồn của nếp ăn, nếp ở. . .

Khai thác yếu tố đặc trưng trong thiết kế kiến trúc cảnh quan resort tại Châu Đốc thực chất là kế thừa và vận dụng những giá trị đặc biệt của các chiều không gian của thành phố vào việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan resort. Các mức độ từ tôn trọng và bảo vệ; thích ứng và hòa nhập, chuyển tải tinh thần là 03 phương thức phổ biến hiện nay trong thiết kế resort có quan tâm đến yếu tố bản địa. Các phương thức này không chỉ đem lại giá trị cho không gian kiến trúc cảnh quan resort, mà còn góp phần giữ gìn những hình ảnh quen thuộc và thúc đẩy phát triển không gian chung của thành phố mang đậm bản sắc địa phương vốn đang bị mất dần trong các không gian đô thị hiện đại. Việc khai thác đặc trưng trong tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan resort cũng không chỉ gói gọn trong khuôn viên resort mà còn liên hệ chặt chẽ với hình ảnh và công tác quy hoạch chung của thành phố Châu Đốc.

ThS.KTS Khâm Minh Phúc – TS Vũ Thị Hồng Hạnh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2021)


Tài liệu tham khảo

  1. Eugenie van Heijgen, 2013, Human Landscape Perception, AONB High Weald Unit, UK.
  2. 2. Khâm Minh Phúc, 2019, Đặc trưng kiến trúc cảnh quan Châu Đốc, Tập san Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh.
  3. Vũ Thị Hồng Hạnh, 2010, Kênh rạch và Bản sắc Đô thị Sài Gòn- HCM, Luận án Tiến sĩ, ĐH Oxford Brookes
  4. Phạm Phú Cường, 2015, Duy trì và Chuyển tải các giá trị kiến trúc đô thị đặc trưng trong bối cảnh phát triển mở rộng khu vực trung tâm hiện hữu thành phố Hồ Chí Minh, Luận án tiến sĩ kiến trúc, Đại Học Kiến Trúc Tp. Hồ Chí Minh.
  5. Nguyễn Văn Chương, 2011, Khai thác yếu tố nơi chốn nhằm tạo lập bản sắc đô thị – Lấy thành phố Đà Nẵng làm địa bàn nghiên cứu, Luận án tiến sĩ kiến trúc, Đại Học Xây Dựng
  6. Zbigniew Bromberek, 2009, Eco-Resorts: Planning & Design for the Tropics, Routledge.
  7. Richard Haughey, 1997, Resort Development Handbook, Urban Land Institute.
  8. Margaret Huffadine, 1999, Resort Design: Planning, Architecture and Interiors, McGraw-Hill Professional