Kiến trúc quy hoạch Quảng Ninh: Định hình hiện tại và hướng tới tương lai

Trong 60 năm, kể từ ngày thành lập và phát triển tỉnh Quảng Ninh, ngành Xây dựng đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm về phát triển quy hoạch kiến trúc. Hiện nay, toàn tỉnh với 13 đơn vị hành chính cấp huyện có hạt nhân là 13 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 69%, đứng thứ 5 cả nước. Phân cấp đô thị phân bố khá hài hòa: Một đô thị loại I là thành phố (TP) Hạ Long; 03 đô thị loại II là Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí; 02 đô thị loại III là các thị xã: Quảng Yên, Đông Triều; 03 đô thị loại IV là các thị trấn: Tiên Yên, Quảng Hà, Cái Rồng; 04 đô thị loại V là các thị trấn: Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Cô Tô.

Đô thị Móng Cái (Ảnh: Hoàng Ngọc Nghĩa)

Hướng tới năm 2030, đặt ra mục tiêu hình thành: 04 đô thị loại I là Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả và Móng Cái (Hải Hà sáp nhập vào Móng Cái); 03 đô thị loại II là Quảng Yên, Đông Triều và Vân Đồn; 01 đô thị loại III là thị xã Tiên Yên; 03 đô thị loại IV là thị trấn Cô Tô, thị trấn Đầm Hà và thị trấn Bình Liêu – Đồng Văn; 01 thị trấn loại V là Ba Chẽ.

Đô thị Hạ Long (Ảnh: Hoàng Ngọc Nghĩa)

Thế mạnh nổi bật của Quảng Ninh, có thể thấy trọng tâm gồm 05 yếu tố: Là tỉnh duy nhất của cả nước được đánh giá như Việt Nam thu nhỏ, hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên cho phát triển Kinh tế – Văn hóa – Xã hội mang tính đặc thù, có rừng, biển, tài nguyên khoáng sản, di sản thiên nhiên thế giới, biên giới cả đất liền và biển; có cả một khu vực được đưa vào kế hoạch quốc gia phát triển thành đặc khu; là tỉnh có vị trí địa lý chiến lược về chính trị – kinh tế – quân sự – đối ngoại, điều kiện tự nhiên phong phú đa dạng vào bậc nhất quốc gia, nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt – Trung” hợp tác liên vùng Bắc Bộ, mở rộng cầu nối ASEAN – Trung Quốc, hành lang Kinh tế Nam Ninh – Singapore; Quảng Ninh cũng là tỉnh hình thành và phát triển đường cao tốc và mạng giao thông tốt nhất Việt Nam hiện nay, với chiều dài 03 tuyến cao tốc (gần 200km) chiếm đến hơn 10% tổng chiều dài đường cao tốc toàn quốc (1850km); là một trong ít tỉnh thực hiện chủ trương lấn biển đạt hiệu quả cao nhất trong toàn quốc cho đến thời điểm hiện nay. Đồng thời, tạo được mạng đô thị phát triển theo dạng chùm là mô hình hiện đai hiệu quả, với 3 vùng đô thị căn bản, theo phương châm “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng phát triển”.

Thị trấn Tiên Yên (Nguồn UBND huyện Tiên Yên)

Một thuận lợi lớn nữa của Quảng Ninh trong thời điểm hiện nay, đa số các tỉnh trong nước chưa đạt được là Quy hoạch Tỉnh (thiết lập theo luật quy hoạch) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023, nhấn mạnh phương thức phát triển từ “nâu” (khai thác khoáng sản, chủ yếu là than đá) sang “xanh” (hài hòa sinh thái, tăng trưởng xanh). Với mục tiêu tổng quát “… Trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng…”.UBND Tỉnh đã có Quyết định số 942/QĐ-UBND ngày 13/04/2023 phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Quảng Ninh đến 2030, với các quan điểm và mục tiêu rất rõ ràng theo hướng phát triển chuỗi đô thị xanh, thông minh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giàu bản sắc, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản kỳ quan thiên nhiên và di sản thế giới Vịnh Hạ Long, các di tích văn hóa lịch sử.

Cổng tỉnh tại Thị xã Đông Triều

Như vậy, với tiềm năng, thế mạnh khá vượt trội so với “thể trạng” chung của cả nước, dưới các quy định pháp lý ban hành đầy đủ, hệ thống quy hoạch đô thị thường xuyên được chính phủ và các cấp rà soát, phê duyệt để đáp ứng kịp thời sự phát triển, cùng với việc bứt tốc từ ngày đất nước chuyển đổi cơ chế mới đến nay, đặc biệt là kết quả trong 10 năm vừa qua; Quảng Ninh với hệ thống đô thị rộng khắp, các vùng nông thôn phong phú đa dạng, đang trên đà rất thuận lợi để tiến vào tương lai, gặt hái bội phần thành công. Với tinh thần đó, bài viết mong muốn được phân tích, làm rõ thêm thực tại, góp ý thêm về quy hoạch – kiến trúc cho phát triển trong giai đoạn mới.

Đánh giá thực tại đô thị, nông thôn Quảng Ninh về quy hoạch và kiến trúc

1. Về quy hoạch đô thị

Các đô thị Quảng Ninh hiện nay cơ bản đã đạt được nhiều tiêu chí nền tảng quan trọng. Về mặt cấu trúc giao thông, nội tại từng đô thị và toàn chuỗi đô thị, trong thời gian vừa qua đã được triển khai đồng bộ, có nhiều nơi đã đi trước một bước, do đó đáp ứng cho yêu cầu quy hoạch đô thị khá hiệu quả và quy chuẩn. Về tổ chức quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết ở các đô thị đã được triển khai đồng bộ, kịp thời. Ngoài ra, do khả năng thu hút đầu tư tương đối tốt, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái… Quảng Ninh đã kết hợp giải quyết xã hội hóa hiện thực thiết kế và triển khai xây dựng theo quy hoạch hiệu quả hơn nhiều địa phương khác.

Với các đô thị đặc thù nhiều cốt, bậc từ địa hình, cách làm của Quảng Ninh khá hiệu quả trong tổ chức không gian đô thị kết nối cảnh quan tự nhiên. Các đô thị chủ động quy hoạch nâng cấp mở rộng trong triển khai ngay từ đầu, do đó công tác giải phóng mặt bằng và tiến hành xây dựng mới chủ động và hiệu quả. Trong đầu tư nghiên cứu quy hoạch, các yếu  tố bản sắc, ưu tiên khai thác du lịch, chống biến đổi khí hậu – nước biển dâng được cập nhật kịp thời, quá trình thực hiện đã chứng minh được hiệu suất. Việc đề ra và thực hiện chuyển đổi mô hình “nâu” sang “xanh” bước đầu đã có những kết quả khá thích ứng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những bất cập nhìn thấy khá rõ trong quy hoạch hệ thống đô thị ở Quảng Ninh. Trước hết, đó là tính hài hòa ứng xử với giải pháp lấn biển. Quy hoạch các khu dự án kinh doanh hạ tầng tại các TP lớn còn bất cập ở khâu triển khai bản đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, hồ sơ thiết kế đô thị, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tại các khu đô thị của các nhà đầu tư tư nhân thực hiện, thường thiếu không gian xanh và quy hoạch hệ thống dịch vụ lợi ích công cộng như nhà văn hóa, nhà trẻ, trường học, khu vui chơi… Quy hoạch cũng chưa tính toán đầy đủ việc tiết kiệm đất bằng các giải pháp tổng hợp như nén, xây cao tầng…

Một điểm bất cập nữa là: Yếu tố văn hóa, công tác bảo tồn, phát huy, tiếp biến, khai thác tại hầu hết các đô thị còn hạn chế. Yếu tố bền vững trong quy hoạch hiện vẫn mờ nhạt ở tất cả các đô thị. Công tác quản lý quy hoạch cũng còn thiếu chặt chẽ, bài bản và tính hệ thống liên tục. Thế mạnh riêng từng đô thị chưa được phát hiện đầy đủ và tạo giải pháp phát huy khả thi…

2. Về quy hoạch và xây dựng nông thôn

Sự phát triển của nông thôn ở Quảng Ninh với 22 dân tộc sinh sống, một trong số ít địa phương có số lượng dân tộc đa sắc nhất cả nước: Quy hoạch giao thông ở các vùng miền đã được thực hiện khá đầy đủ và kịp thời. Mạng lưới giao thông liên xã, huyện, vùng đã được kết nối bài bản, ngay cả vùng biển đảo xa xôi cũng đã được cải thiện đáng kể. Môi trường các vùng nông thôn sau quy hoạch cơ bản đã được xử lý khá đảm bảo. Việc bảo tồn yếu tố xanh, sinh thái tự nhiên ở các vùng nông thôn của tỉnh khá tốt. Môi trường sống cơ bản trong  lành và tiện nghi. Hình thái kiến trúc các vùng nông thôn nói chung còn thể hiện được phần nào tính bản sắc, tại các vùng sâu xa thì nội dung này còn được bảo tồn hiệu quả hơn, có nơi còn khá nguyên vẹn.

Bên cạnh đó, do trước đây chúng ta chưa có quy định rõ ràng pháp lý về quy hoạch nông thôn, nên hầu như tất cả vùng nông thôn cũng chưa có thiết kế và quản lý xây dựng theo quy hoạch bài bản, Quảng Ninh không là ngoại lệ. Điều đó dẫn đến sự đáp ứng cuộc sống hiện đại, từ bố trí lộ giới giao thông, mạng hạ tầng kỹ thuật còn thiếu đồng bộ và căn bản. Cảnh quan môi trường tự nhiên nhiều vùng, nhất là khu vực ven đô đang có nguy cơ biến mất. Hiện tượng phố hóa nông thôn đang biến thành nguy cơ từ việc xây chen, thiết lập nhà dạng lô phố dọc tuyến giao thông… Hệ thống công trình công cộng như nhà văn hóa, nhà trẻ… chưa được đầu tư đầy đủ. Vấn đề xử lý thải trong quy hoạch tại các vùng nông thôn hiện vẫn còn rất nan giải ở nhiều nơi trong tỉnh…

Khu dân cư cũ Quảng Yên (Nguồn: Hoàng Ngọc Nghĩa)

3. Về mặt kiến trúc

Nhìn chung, so với nhiều địa phương trên cả nước, kiến trúc tại các đô thị Quảng Ninh còn đảm bảo khá, giữ được sắc thái riêng, nhất là tại các đô thị lớn và vừa như Hạ Long, Móng Cái, Mạo Khê, Cẩm Phả… Phần kiến trúc truyền thống các đô thị ở đây (truyền thống theo quan niệm tính cho công trình thiết kế từ những năm 2000 trở về trước), được thiết kế xây dựng khá cẩn thận và quy củ. Những công trình từ thời trước cách mạng 1945 vẫn còn nơi giữ được một khối lượng đáng kể, khá nguyên vẹn. Hình thái những loại công trình truyền thống này còn có nhiều khả năng đáp ứng tốt cho phát triển đô thị vào tương lai. Chính những loại công trình này góp phần tạo nên bản sắc ít lẫn cho các đô thị ở Quảng Ninh.

Nông thôn Hải Hà (Nguồn: UBND huyện Hải Hà)

Hệ thống và thể loại công trình mới xây dựng gần đây ở Quảng Ninh cũng đã đạt chất lượng khá đồng đều và khả dĩ hơn nhiều nơi trong nước. Nổi bật là các công trình ở đô thị Hạ Long và Vân Đồn. Ở Hạ Long, đó là các công trình được xây sau 2010 như Thư viện, Bảo tàng, Cung triển lãm Quy hoạch, Trung tâm Hội nghị tỉnh, Khu vui chơi giải trí vườn Nhật Bản, một số biệt thự dọc bờ Vịnh, Tháp đồng hồ trung tâm…; ở Vân Đồn như Nhà ga hàng không, một số khách sạn… Các hướng kiến trúc lựa chọn cho các chương trình ưu tiên của Đảng và chính quyền tỉnh gần đây cũng đã thể hiện cách làm vì tương lai, hài hòa và độc đáo cho vùng đất mỏ.

Sun Wheel – Vòng quay Mặt trời (Nguồn: Hoàng Ngọc Nghĩa)

Mặt khác, những bất cập về mặt kiến trúc ở Quảng Ninh cũng còn một số hạn chế: Hệ thống công trình di sản truyền thống đang bị mai một tính đồng nhất và bản sắc riêng trong xây dựng mở rộng các đô thị đang bị thiếu kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ cũ hóa, mỹ quan buồn tẻ, nhất là tại các vùng đô thị do tư nhân đầu tư; Quảng Ninh cũng chưa đặt ra được chiến lược cho việc định hình phát triển kiến trúc cho từng đô thị trong cụm, chuỗi; chưa vận dụng bền vững yếu tố đồng hành cùng di sản đối với đô thị Hạ Long, vùng miền với các đô thị đặc thù như: Vân Đồn, Móng Cái, Cô Tô, Cẩm Phả..;.việc thực hiện ban hành và quản lý theo những quy chế kiến trúc cụ thể, theo quy định cũng chưa hiệu quả hoặc có đô thị chưa được áp dụng đầy đủ.

Góp phần hướng tới tương lai

1. Những đề xuất chung

  • Đối với đô thị: Cần tiến hành khảo sát, học tập phương thức quy hoạch các mô hình tương tự trên thế giới để phát triển cho các đô thị tại Quảng Ninh. Mô hình theo ý kiến của chúng tôi với Quảng Ninh chính là ở Australia (với Sydney và Melbourne), Singapore, Italy (với các TP dọc bờ biển Địa Trung Hải)… Bền vững là tiêu chí tiên quyết cho các đô thị phát triển hiện nay, với Quảng Ninh nên xây dựng chung và nêu thêm các yêu cầu riêng cho mỗi đô thị. Các tiêu chí bền vững này cần dựa trên 5 trụ cột: Bền vững về thiên nhiên; bền vững về công nghệ, kỹ thuật; bền vững về xã hội; bền vững về văn hóa; bền vững về kinh tế. Trên cơ sở tích hợp vào các nội dung cụ thể theo quan điểm, mục tiêu cần đạt, đã trình bày rõ ràng đầy đủ trong các nội dung được phê duyệt tại hệ thống quy hoạch, gồm quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị tỉnh. Cũng cần đặt ra rõ ràng hơn những vấn đề trọng tâm trọng điểm có định lượng rõ ràng, để tập trung tiên phong giải quyết, mà theo chúng tôi là xoay quanh việc chuyển “nâu” sang “xanh”, đồng thời tập trung cho du lịch và dịch vụ.
  • Về nông thôn: Cần tiến hành triển khai rà soát, quy hoạch bổ sung đầy đủ và toàn khắp cho các vùng nông thôn của tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch phải bắt đầu từ việc bảo tồn tối đa các thể trạng tự nhiên của thiên nhiên từng vùng miền, tận dụng lợi thế sẵn có theo đặc thù từng vị trí, giữ được linh hồn văn hóa “nơi chốn” từ sự kế tục có chọn lọc cấu trúc bản địa truyền thống. Quy hoạch này, cũng cần bổ sung được một cách hài hòa các không gian cảnh quan và công trình phục vụ chung cho cộng đồng, nhất là không gian sinh hoạt ngoài trời, nhà văn hóa, nhà trẻ, trường học… hạn chế tối đa việc tách thửa, xây chen, phá vỡ cấu trúc cân bằng sinh thái, đồng thời phải kiến tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đặc biệt chú ý loại hình làng ven đô, tránh cho phép xây dựng theo kiểu đô thị hóa ồ ạt không kiểm soát ở vùng giáp ranh. Quy hoạch gắn với kết nối mạng lưới du lịch dịch vụ khả thi, không lan tràn, kém hiệu quả theo kiểu đánh giá vống lên, không có cơ sở và tính toán vội vã. Quy hoạch nông thôn cần kết hợp phát triển cây trồng vật nuôi, tôn tạo làng nghề đã có từ lâu đời.
  • Về kiến trúc: Tại các đô thị, bắt đầu từ khi quy hoạch phải có thiết kế đô thị với định hình khống chế không gian kiến trúc rõ ràng theo yêu cầu khung cụ thể. Việc tôn trọng hiện trạng về hình thái kiến trúc và hạ tầng cơ sở đối với các vùng lịch sử, làng xóm cổ truyền trong đô thị cần đặt ra và giải quyết thấu đáo, bao gồm kết hợp tính nguyên trạng và chỉnh trang đáp ứng mới, tuyệt đối tránh kiến trúc có hình thái phá vỡ không gian một cách tiêu cực và xây chen, nâng tầng. Ưu tiên quy hoạch dồn theo tầng cao để dành nhiều đất phát triển cây xanh, và các không gian ngoài trời cho chung tiện ích cộng đồng. Cần ban hành và quản lý theo quy chế kiến trúc, quy chế này phải càng cụ thể để khống chế hình thái, mật độ, tầng cao kiến trúc càng tốt. Cần nghiên cứu để áp dụng hài hòa tính tương đồng và yêu cầu riêng cho các đô thị khác nhau, các vùng khác nhau của từng đô thị.
Hình thái kiến trúc các công trình ở Quảng Ninh theo hướng hiện đại – bản sắc và giao lưu kinh tế quốc tế kịp thời và hiệu quả

Tại các vùng nông thôn, cũng cần có chế tài về kiến trúc rõ ràng, phải ban hành và quản lý theo quy chế quản lý kiến trúc. Tránh phát triển kiến trúc theo kiểu tự do trăm hoa đua nở. Phát triển kiến trúc nông thôn toàn tỉnh nên có những kiểu nhà được khuyến khích, thậm chí bắt buộc vận dụng. Kiến trúc nông thôn với các thể loại công trình công cộng, dùng chung cũng không nên cho xây dựng tùy ý tự do, mà yêu cầu có thiết kế đầy đủ rõ ràng theo các khung hướng dẫn cụ thể. Chú trọng bảo tồn tôn tạo các di sản kiến trúc truyền thống ở từng vùng miền. Nông thôn phát triển kiến trúc quy hoạch phải gắn với môi trường được đảm bảo an toàn, sáng – xanh – sạch – đẹp, có khả năng tăng thu hút du lịch dịch vụ.

2. Một số gợi hướng cụ thể cho một số đô thị

Hạ Long là đô thị trung tâm số 1 của tỉnh, được xác định các chức năng chung là trung tâm chính trị – hành chính, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, y tế giáo dục của tỉnh đồng thời là trung tâm dịch vụ du lịch quốc gia, có tầm quốc tế, trung tâm thương mại dịch vụ công nghiệp biển, dịch vụ logistic trọng điểm khu vực và quốc tế. Như vậy về mặt kiến trúc quy hoạch, TP cũng gắn trên mình trọng trách dẫn hướng rất lớn cho toàn tỉnh. Do vậy, trọng tâm hiện nay về mặt này vẫn phải là tập trung rà soát để đáp ứng dần và hoàn thiện các tiêu chí về phát triển bền vững.

Trong đó, cần chú trọng sử dụng tiết kiệm tối đa quỹ đất, kể cả quỹ đất lấn biển. Ưu tiên phát triển đáp ứng chức năng du lịch, dịch vụ sinh hoạt công cộng với chuỗi công trình điểm nhấn khu vực hành lang ven vịnh Hạ Long. Khi đã lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm để phát triển mạnh đô thị về phía Bắc, cần lựa chọn các loại hình phù hợp với các chức năng công cộng, dịch vụ ven vịnh. Phía Bắc tập trung cho lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao và công nghệ cao. Cân nhắc tỷ lệ đô thị hóa thích hợp để giữ lại phù hợp phát triển bền vững vùng nông thôn thuộc TP theo mô hình nông nghiệp công nghệ. Có quy hoạch hợp lý, khuyến khích dạng chung cư đối với vấn đề ở để khai thác tốt quỹ đất hạn hẹp. Vấn đề chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng cần tính toán đầy đủ, để có đối sách chủ động ngay từ bây giờ.

Vân Đồn với hai vùng phát triển, một thời hướng tới mô hình đặc khu, đô thị này có vị trí vô cùng quan trọng, chính là điểm có khả năng đột phá tốt nhất cho việc phát triển đa tâm đô thị của Quảng Ninh. Vịnh Bái Tử Long kỳ vĩ nằm ngay trong vùng đất rồng huyền thoại này là một lợi thế không hề nhỏ. Là nơi vốn có thương cảng huyền thoại, giờ lại có cả sân bay, Vân Đồn rõ ràng đưa đến cơ hội lớn nhất để xây dựng thành khu kinh tế tầm quốc gia và quốc tế của Quảng Ninh, về mặt du lịch dịch vụ đang trở thành một điểm đến cuốn hút mới cho du khách toàn cầu. Về mặt du lịch, hiện tại khi Hạ Long đã trở nên quá chật chội và có phần quá thân thuộc, Vân Đồn là ứng viên nổi bật đang có cơ trở thành “Hạ Long thứ hai”. Do đó quy hoạch kiến trúc về thể loại du lịch ở đây cần được ưu tiên đặt ra và giải quyết thỏa đáng ngay từ đầu.

Cũng cần định rõ các mô hình sản xuất kinh tế phù hợp theo hướng công nghệ cao để đưa vào quy hoạch chặt chẽ ngay từ đầu. Khi phát triển “vũ bão” diễn ra, Vân Đồn trở thành vùng đất vàng cho các nhà đầu tư bất động sản. Trong quy hoạch và kiến trúc ở đây, cần đặc biệt chú trọng giải pháp ngăn chặn khía cạnh tiêu cực của vấn đề này, tránh trường hợp đã để lại hậu quả với nhiều nơi trên thế giới và ngay trên hòn đảo Tây Nam rất tiềm năng lợi thế ở nước ta. Với 2 vùng và 5 vành đai Vân Đồn chọn để phát triển là hợp lý, nhưng cần gắn với giữ gìn được bảo tồn đa dạng sinh thái và cảnh quan, cần chú trọng đặc biệt đến quỹ đất dự trữ, cho tương lai phát triển chức năng tiếp nối và chức năng mới. Đồng thời tránh quy hoạch theo kiểu lắp ghép những miếng da báo sẵn có của các nhà đầu tư đã chốt định vào một bức tranh, sẽ làm hỏng mất cơ hội phát triển bền vững đáng tiếc. Về tổ chức không gian và loại hình kiến trúc, Vân Đồn cũng chính là địa chỉ “xanh” nhất của tỉnh, cho các nhà sáng tạo và người chủ nhà, để tạo nên sự đột phá độc đáo, kết nối giữa bản sắc và hiện đại trong hội nhập vững chắc ở tầm cao quốc tế, không thua gì vùng Tây Á, nơi đang nhiều thành công vượt trội, dẫn đầu thế giới.

Móng Cái – Hải Hà: Phát triển Móng Cái đã được hình thành và phát triển khá ổn định, cùng với đô thị cảng biển Hải Hà thành hai vùng động lực, sẽ tạo nên một lợi thế không nhỏ ở một vùng đất duy nhất ở Việt Nam vừa có cửa khẩu đất liền và cửa khẩu biển. Vì vậy, cần chọn mô hình đô thị riêng, phù hợp cho TP này. Có thể đó là dạng đô thị Nông nghiệp – Dịch vụ – Cảng. Với mô hình như vậy, có thể khu ven biển đảo phát triển kết nối các khu đô thị vừa và nhỏ kết hợp khu nông hải ứng dụng công nghệ cao, và các dự án du lịch dịch vụ cao cấp. Khu vực đồi núi phía Bắc trồng rừng kết hợp vành đai xanh bảo vệ biên giới, kết hợp dịch vụ thương mại biên giới.

Trục sản xuất công nghệ cao theo hành lang kết nối với khu công nghiệp cảng Hải Hà, cùng trục dịch vụ sinh thái nông lâm nghiệp hướng Tây. Về phía Đông, phát triển đô thị dịch vụ sinh thái. Khu vực Trà Cổ – Bình Ngọc phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch biển gắn với các tổ hợp văn hóa vui chơi giải trí. Một loạt đảo của vùng là Vĩnh Trung – Vĩnh Thực, Cái Chiên, Vạn Mạc, Vạn Nước… phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng đa cấp với dạng kiến trúc xanh, sinh thái, trên bến dưới thuyền… Về mặt kiến trúc ở vùng biên cương này, cần chú trọng hơn các mô hình phát huy, tiếp biến bản sắc dân tộc mạnh mẽ, tìm tòi sự khác biệt về kiến trúc gắn với từng dân tộc định cư, khác với dạng kiến trúc nước bạn cận kề, là giải pháp hợp lý.

Nghiên cứu học tập thêm các tổ chức không gian quy hoạch sinh động và kết hợp hình thái kiến trúc hài hoà của các đô thị tiên tiến, cùng dạng thể trên thế giới, đô thị Quảng Ninh có nhiều cơ hội hơn để phát triển đặc sắc

Cô Tô – Thanh Lân: Nếu có phương tiện thuận lợi quanh năm và ít phụ thuộc thời tiết thì Cô Tô – Thanh Lân có khả năng khai thác dịch vụ, đặc biệt là du lịch lớn. Quy hoạch vùng đảo này cần bắt đầu từ sự cân đong đo đếm quỹ đất, nhất là việc dành quỹ đất cho nhu cầu ở (bằng cách thu gọn và cải tiến mô hình ở, kể cả hình thái cao tầng). Bên cạnh đó, trên cơ sở tôn trọng tối đa tài nguyên rừng tự nhiên, khai thác mạnh mẽ về hướng biển. Phát huy thế mạnh của hệ thống đảo sẵn có bằng sự kết nối giao thông cố định giữa các đảo phù hợp, ví dụ như làm hệ thống cáp treo nối Thanh Lân và Cô Tô lớn. Đầu tư cho các dạng hình kiến trúc đồng nhất và hài hòa, bền vững trước khí hậu biển và mùa giông bão (thực tế hiện nay kiến trúc ở đây đang tự phát, manh mún, chưa có nét gì đặc sắc). Cũng cần chú ý quy hoạch đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, xử lý nước thải, rác thải tốt, bảo vệ tốt môi trường biển. Ba Chẽ là nơi có cơ hội trọn vẹn và đầy đủ nhất về phát triển đô thị miền núi giàu bản sắc, cái mà các đô thị khác ở Quảng Ninh không có được. Hiện nay, theo thứ tự ưu tiên của tỉnh thì đô thị Ba Chẽ đang đặt ở cấp thấp nhất và chưa được coi trọng, ưu tiên đầu tư. Đây có thể là một sai lầm đáng kể.

Với việc quy hoạch được tiến hành đúng tầm và tổ chức không gian kiến trúc tốt, đô thị này hoàn toàn có cơ hội trở thành một điểm sáng về – du lịch dịch vụ của tỉnh, nhất là vai trò Kết nối rừng tới biển – đảo rất độc đáo và khác biệt với các địa phương khác. Về phát triển kinh tế nông lâm, với đặc sản OCOP vùng miền đang được đẩy mạnh và có cơ hội cao để tạo hiệu quả hiện nay, Ba Chẽ rất khả thi nếu biết lựa chọn. Với những lý do đó, Quảng Ninh cần tập trung hướng phù hợp cho đô thị này. Với cách làm quy hoạch đô thị đặc sắc, phần chú trọng điều kiện tự nhiên vùng miền và văn hóa truyền thống được đặt làm nền tảng dày dặn hơn. Cùng với tổ chức hình thái và không gian kiến trúc có chọn lọc, thẩm thấu, sẽ tạo nên một Ba Chẽ sống động và có cơ hội thu hút phát triển kinh tế xã hội tốt, nhất là về mặt du lịch, dịch vụ. Một số mặt cụ thể hơn có thể là: Phát triển ngành nghề nông lâm kết hợp công nghiệp nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản, sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ… cùng tạo thành nền kinh tế chủ lực, kết hợp tổ chức các loại hình dịch vụ, du lịch đa dạng gắn với bản sắc dân tộc miền núi…

Nghiên cứu học tập thêm các tổ chức không gian quy hoạch sinh động và kết hợp hình thái kiến trúc hài hoà của các đô thị tiên tiến, cùng dạng thể trên thế giới, đô thị Quảng Ninh có nhiều cơ hội hơn để phát triển đặc sắc

Như vậy, nếu nhìn toàn cảnh, quy hoạch và kiến trúc Quảng Ninh với mô hình được xem là Việt Nam thu nhỏ, đã có những bước tiến ngoạn mục trong quá khứ, dẫn đến những thành công thuyết phục đang hiển hiện hôm nay. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, nhiều bất cập đã được lộ rõ cần sớm khắc phục điều chỉnh. Việc triển khai đồng loạt phát triển đô thị và nông thôn sắp tới, sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho tỉnh, đặc biệt là ngành xây dựng. Với việc vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng nhân dân, nếu biết kết hợp thêm đầy đủ hệ thống chuyên gia chuyên sâu và tận dụng thời cơ, cả vùng chuỗi đô thị và nông thôn của tỉnh Quảng Ninh sẽ làm thêm được nhiều điều kỳ diệu trong xây dựng và phát triển đậm chất văn hóa, hội nhập thế giới đại đồng bền vững.

 TS KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2023)